Hoàng Việt và bản tình ca hay nhất mọi thời đại

Thứ Năm, 08/09/2016, 12:10
Những ai yêu âm nhạc, nhất là những người thích ca hát không thể không biết bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ Hoàng Việt có tên “Tình ca”. 


Những bạn theo đuổi nghề hát, mong trở thành ca sỹ mà không thuộc bài này thì thật khó chấp nhận. Bởi đó là một tác phẩm thanh nhạc mẫu mực về các thủ pháp sáng tác và đặc biệt là có rất nhiều “đất” để các bạn “dụng võ”, tức là bằng bài này có thể bộc lộ được tất cả mọi điểm mạnh, yếu trong giọng hát với mọi kỹ thuật thanh nhạc hiên đại.

Chính vì vậy nên bài này luôn được coi là một trong những tác phẩm mang tính cổ điển mọi học sinh đều phải vượt qua trong các kỳ thi tốt nghiệp môn thanh nhạc tại các nhạc viện. Tôi cho rằng đây là bài tình ca hay nhất (cho đến phút này) trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Nhạc sỹ Hoàng Việt và vợ.

Hoàng Việt sinh năm 1928 ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ngay từ những năm còn rất trẻ, trong kháng chiến chống Pháp, ông trực tiếp cầm súng chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ và đã có những bài hát rất hay được lan truyền khắp rộng rãi như “Lên ngàn”, “Nhạc rừng”, “Lá xanh”, “Đánh giặc giữ làng”, “Mùa lúa chín”…

Tất cả những bài này đều dạt dào âm hưởng tươi trẻ, lạc quan và có ngôn ngữ âm nhạc mang đậm phong vị dân tộc. Kháng chiến chống Pháp thành công (1954), Hoàng Việt tập kết ra Bắc, để lại quê nhà người vợ trẻ và ba đứa con thơ. Chàng thanh niên mới 26 tuổi đã có 3 con nhỏ ấy ngày đêm thương nhớ vợ con da diết.

Khoảng cách “trập trùng xa xa” hàng ngàn cây số khiến ông không giây phút nào nguôi ngoai những hình ảnh, kỷ niệm về quê hương và những người thân yêu. Ra Bắc, ông được vào học Trường Âm nhạc Việt Nam và là một trong số ít những nhạc sỹ đầu tiên của Việt Nam được vào học trường nhạc chính quy tuy khi ấy mới chỉ là trung cấp.

Theo quy định của Hiệp nghị Geneve, hai miền Nam Bắc nước ta chỉ tạm thời chia cắt, đến năm 1956 sẽ tổng tuyển cử thống nhất. Nhưng đến thời hạn, kẻ địch tráo trở, phản bội nên việc này không thành và đất nước đã phải kéo dài tình trạng chia cắt cho mãi tới ngày giải phóng miền Nam (30- 4-1975). Đây là những ngày tháng Hoàng Việt khắc khoải nhớ vợ con vì đã gần 3 năm đằng đẵng, bặt tin. Ông chỉ còn biết lao vào học tập và chờ đợi.

Thế rồi một ngày kia, ông sung sướng tột cùng khi nhận được thư của vợ. Nhưng đất nước lúc ấy đang chia cắt nên thư phải đi vòng: Từ miền Nam sang Pháp rồi lòng vòng qua nhiều nước khác, cuối cùng mới về được đến Hà Nội. Ông mừng tủi, nước mắt tuôn trào. Bao nhiêu cảm xúc dâng đầy.

Quê hương ông lúc đó đang rên xiết dưới ách kiềm tỏa của quân thù, nhưng cũng anh hùng vượt lên trong đấu tranh và tại nơi đó đang có người vợ hiền thảo cùng 3 đứa con thơ. Đương nhiên là Hoàng Việt thôi thúc việc biên thư hồi âm ngay cho vợ. Nhưng biết gửi thế nào? Biết bao giờ thư mới đến tay vợ?

Khi ấy, kẻ thù đang còn mạnh, chính quyền của chúng đang xiết chặt ách cai trị, kiểm soát ở khắp nơi. Thư về được tới tay vợ có khi phải vài tháng. Để cho nhanh, ông nghĩ tới việc viết lá thư trên bằng bài hát. Chắc chắn khi phát trên làn sóng, vợ con ông sẽ nghe được nhanh nhất.

Thế là tại nơi ông đang ở lúc đó – căn phòng nhỏ gác 2 ngôi nhà số 13 phố Cao Bá Quát, Hà Nội (là địa điểm của Trường Âm nhạc Việt Nam khi mới thành lập), vào một đêm mùa xuân năm 1957, bài hát đã ra đời. Ông đặt tên là “Tình ca”. Ông viết một mạch đến sáng thì hoàn thành.

Có lẽ do cảm xúc dồn nén, đến lúc bật ra, lại đã từng viết nên nhiều bài hay từ trước đó nên Hoàng Việt đã hoàn tất tác phẩm khá nhanh. Tôi may mắn có trong tay bút tích bản thảo đầu tiên của ông với nét chữ khoáng đạt. Ở bản thảo này mới chỉ có một lời ca: “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta/ Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba/ Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra/ Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang…”.

Lúc đầu, Hoàng Việt không có ý làm hai lời. Nhưng trước khi gửi đến Đài phát thanh, ông được nhạc sỹ Lưu Hữu Phước khuyên nên viết thêm lời 2 cho có chất chính trị, tuyên truyền. Và ông đã nghe theo để có lời thứ 2: “Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa/ Em hãy ngước mắt lên vui nhìn trời xanh quê ta/ Chim dăng dăng bay ngoài nắng xuân đẹp thay/ Tan cơn phong ba trời đất yên rồi đây….”.

Quả tình nếu nghiên cứu kỹ lời 1, ta thấy đã đầy đủ. Nhưng văn nghệ thời đó cần những điều cụ thể gắn chặt với bối cảnh cụ thể, với những nhiệm vụ, chức phận cụ thể nên ở lời 2, Hoàng Việt mới có những câu: “Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu, đập tan ngay bao đau khổ và chia ly”.

Ta hoàn toàn có thể chấp nhận điều đó bởi lẽ tình yêu lứa đôi không thể thoát ly hoàn cảnh chung của xã hội và số phận mỗi con người, trong đó hạnh phúc, tình yêu luôn gắn liền với số phận đất nước, dân tộc. “Tình ca” vì thế mà có tầm khái quát lớn, trở thành tâm sự, khát vọng chung của nhiều đôi lứa khác trong bối cảnh đất nước chia cắt, lứa đôi bị phân ly.

Không có một lời than vãn, tiếng rên rỉ não nuột hèn yếu nào. Tác giả không gặm nhấm những nỗi niềm riêng tây lẻ loi, ích kỷ của kẻ đang sống trong biệt ly mà đem đến cho người yêu của mình lời sẻ chia, sự vỗ về và hướng nàng tới niềm tin một ngày chiến thắng, ngày sum họp chẳng những chỉ riêng hai người mà cả dân tộc.

Hoàng Việt đã thể hiện một tình yêu vị tha, cao thượng của một người đàn ông luôn ở vị thế sẵn sàng gánh vác, chia sẻ mọi điều cùng người yêu, luôn cổ vũ động viên, mang tới cho nàng niềm vui, lạc quan, phấn khích để vượt qua hiện thực tăm tối.

Nguyễn Thụy Tình Ca, cô cháu gái của nhạc sỹ Hoàng Việt.

Ta hình dung tác giả bài hát – chủ thể cảm xúc – như một chàng trai đã sống đúng tư cách, tư thế của mình, một cái gì đó rất đàn ông, rất bao dung, mạnh mẽ và giàu ý chí, nghị lực tuy cũng rất đắm say, lãng mạn trước người tình. Nó đã khác hẳn tính chất bi lụy, yếu hèn của nhiều “chàng trai” hiện ra trong nhiều bài tình ca tầm thường chẳng những xuất hiện ở dòng nhạc lãng mạn xưa, ở vùng giặc tạm chiếm trước đây, vùng Mỹ - ngụy kiểm soát trước ngày giải phóng miền Nam mà còn khá nhiều, thậm chí có chiều hướng gia tăng hiện nay mà nhiều bạn ca sỹ trẻ vẫn thích thú thể hiện trên các sân khấu.

Có thể thấy một trong những bài hát tiêu biểu của dạng này khá “nổi tiếng” có những câu: “Tôi khóc trên vai em lần cuối cùng rồi thôi…”.

Một điều không thể không nói về bài hát này là mặc dù tính “chính trị” đã được tác giả tự ý thức bằng việc làm thêm lời 2 như đã nói, vậy mà sau khi ca sỹ trứ danh Quốc Hương hát trên làn sóng, một vài người làm công tác tuyên giáo lúc ấy đã đề nghị không phát tiếp vì cho rằng bài hát nói chuyện yêu đương, nhớ nhung giữa lúc đang còn đấu tranh khốc liệt với kẻ thù là không hợp. Và sau đó, phải đến 10 năm, “Tình ca” tạm thời bị gác lại, không được phát trên làn sóng.

Cùng với bài này, còn có một số bài rất có giá trị khác cũng chung số phận như: “Tâm tình người thủy thủ”, “Nhớ” (Hoàng Vân), “Gửi người em gái miền Nam” (Đoàn Chuẩn), “Nhớ” (Lê Yên phổ thơ Thanh Hải)… Trước sự việc này, Hoàng Việt rất buồn, đã khiến ông bị tắc nguồn cảm xúc trong một thời gian dài, không viết được gì.

Tuy nhiên, sức thuyết phục tự nhiên của một tác phẩm lớn đã vượt lên trên những quan điểm thiển cận, hẹp hòi để đến với công chúng rộng rãi và 10 năm sau, khoảng năm 1967, bài hát được “phục hồi”, lan tỏa rất nhanh. Nhưng thật đáng tiếc là đến cuối năm đó khi bài hát đang rất nổi tiếng thì Hoàng Việt qua đời, không được chứng kiến số phận bất diệt tác phẩm của mình.

Ngay trong lúc yêu thương tha thiết nhất, Hoàng Việt vẫn không chỉ nghĩ đến cá nhân mình mà vẫn tâm niệm tình yêu riêng tư phải hòa trong bản tình ca chung. Bản tình ca ấy phải là một thứ cao cả, quý báu nhất để “dâng cả bao người”.

Mới thấy thật dễ hiểu, 10 năm sau ngày “Tình ca” ra đời – 1967 – ông đã tình nguyện trở về quê hương miền Nam chiến đấu ngay sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Sofia (Bungari). Ông vô cùng hạnh phúc vì gặp lại được vợ, con cùng đồng bào, đồng chí và biết họ đã được nghe bài hát qua làn sóng điện.

Người vợ yêu quý của ông kể lại rằng chính nhờ bài hát mà bà đã có thêm sức mạnh để nuôi con, làm việc và tin tưởng ở ngày mai sum họp. Lần nào nghe bài hát, bà cũng khóc và nỗi nhớ, tình yêu thương chồng đã khiến bà có thêm nghị lực để nuôi dạy 3 đứa con, hoạt động và chiến đấu.

Lần trở về ấy, vợ chồng nhạc sỹ đã kịp có thêm đứa con thứ tư trước lúc ông vĩnh viễn ngã xuống vào ngày cuối cùng của năm đó (31- 12- 1967) - trong một trận chiến đấu ngoan cường với quân thù khi mới ở tuổi 39 – đỉnh cao phong độ, khi ông đang tràn đầy cảm xúc và nhiều dự định sáng tác lớn lao.

Với những cống hiến lớn lao cho nền âm nhạc cách mạng, năm 1996, nhạc sĩ Hoàng Việt được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I. Năm 2012, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Tại TP. Hồ Chí Minh, năm 1985, một đường phố đã mang tên ông. Ông vĩnh viễn ra đi đã gần nửa thế kỷ. Nhưng tên tuổi cùng các tác phẩm trong đó có bản tình ca lớn nhất mọi thời đại vẫn ngân vang mãi trong tâm khảm mọi thế hệ công chúng.

Nguyễn Đình San
.
.
.