Hình tượng nhà báo trong phim "Đàn trời"

Thứ Ba, 26/06/2012, 08:00

Khi điểm danh các nhà báo "có mặt" trong phim "Đàn trời" của đạo diễn Bùi Huy Thuần, ta không thể không kể đến Tuệ - Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Vương, Thức, Thục Vy - cán bộ, phóng viên ban Thời sự…

Các nhà báo trong "Đàn trời" đã có đất dụng võ khi được đặt trong bối cảnh, không gian và thời gian đặc trưng của một bộ phim chính luận về đề tài vùng sâu vùng xa với cuộc chiến chống tham nhũng xung quanh Dự án 135.

Câu chuyện bắt đầu khi nhóm phóng viên thời sự thực hiện một phóng sự điều tra những tiêu cực ở một dự án thì bị các thế lực của tỉnh ngăn chặn phát sóng. Chủ tịch tỉnh Đinh Xuân Ấn, đã câu kết với doanh nghiệp Lương Nhân để bòn rút tiền của Nhà nước. Đối lập với họ là những quan chức ngay thẳng, những nhà báo chân chính, luôn làm việc vì lợi ích chung, đấu tranh chống tiêu cực và giữ vững đạo đức nghề báo.

Sự khác biệt lớn nhất so với các phim truyền hình khác (làm về đề tài báo chí hoặc có nhân vật nhà báo, như "Gái nhảy", "Mùi ngò gai", "Cuồng phong", "Chạy án", "Đèn vàng", "Nghề báo", "Con nhện xanh", "Phóng viên thử việc", "Chủ tịch tỉnh"...) là các nhà báo trong phim "Đàn trời" được xây dựng hình tượng, mô tả đa chiều, đa tính cách; được đặt trong sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội để thể hiện cái tôi bản ngã rõ nhất. Hơn nữa, những tính cách ấy lại được phát triển trong mối quan hệ nhân quả, nhất là những mối quan hệ tay ba để phát triển. Chính nhờ phát triển trong các mối quan hệ tay ba ấy mà tính cách, số phận của họ trở nên thuyết phục, ít nhiều thoát khỏi sự mờ nhạt, một chiều; nếu không muốn nói là đáng tin cậy hơn. Trong các mối quan hệ ấy, Tuệ luôn được đặt ở vị trí trọng tâm, như một "nhạc trưởng" không thể thiếu trong cả một dàn nhạc.

Nhân vật nhà báo Tuệ và Chủ tịch tỉnh trong phim "Đàn trời".

Trong cuộc đấu tranh với cái sai, cái xấu, sự tiêu cực của xã hội, điều khó khăn nhất với các nhà báo là đấu tranh với các nhân vật trong cơ quan công quyền. Trong "Đàn trời", các nhà báo luôn là "đối tượng" để kẻ xấu lợi dụng và trả thù. Trong đó, tiêu biểu là Tuệ khi anh không ít lần bị Nhân - chủ doanh nghiệp Lương Nhân mua chuộc; là Thức khi anh suýt phải trả giá bằng mạng sống…

Trong "Đàn trời", các nhà báo không chỉ được miêu tả như những cá nhân có tính cách rõ ràng mà còn là những con người với những phẩm chất tốt đẹp cùng nhược điểm khó tránh. Họ không chỉ đấu tranh với cái xấu ngoài xã hội mà còn phải đấu tranh với đồng nghiệp và với chính mình. Trong các nhà báo đó, tiêu biểu về mọi mặt và được các nhà làm phim dành cho "bút lực" nhiều nhất là Tuệ (Anh Tú đóng). Tuệ là một nhà báo giỏi, cũng là một người đẹp trai, phong độ và… đa tình. Dù giống nhau trong mối quan hệ "tình - quyền - tiền" song nhân vật Tuệ vẫn đối lập với ông tổng biên tập một tờ báo tên Cường (Phú Thăng đóng) trong phim "Chủ tịch tỉnh", khi nhân vật Cường chuyên ăn tiền để chỉ đạo phóng viên "đánh" người này, tâng bốc người kia, có cô bồ ca sĩ….

Có thể nói, Cường là một mẫu nhà báo "tha hóa toàn tập". Quá trình vận động của Tuệ là mắc lỗi lầm, sửa chữa lỗi lầm để tiến bộ thì quá trình vận động của Cường là ngày càng lún sâu vào sự tha hóa. Mặt khác, trong tính cách, Tuệ nhất quán giữa lời nói và việc làm, thể hiện qua những hành động, lời nói của anh với vợ, với nhân tình, với đồng nghiệp, với doanh nghiệp và với người đứng đầu tỉnh. Sự đầy đặn trong tính cách, số phận của Tuệ cũng khiến anh khác với nhà báo Vĩnh (Phạm Cường đóng) trong phim "Đèn vàng". Vĩnh là mẫu nhà báo ưa triết lý, thích "nói" những câu dài dòng; rồi trầm ngâm. Suy nghĩ thì nhiều mà hành động thì ít. Chưa kể sự khác biệt lớn nhất so với Tuệ là Vĩnh cho người xem thấy anh không phải là một người thực sự nhiệt tâm, sống chết với nghề báo.

Tuệ cũng khác biệt với ông tổng biên tập một tờ báo trong phim "Chạy án" khi nhân vật này luôn ôm ảo tưởng về "quyền lực thứ tư", tham lam, tống tiền và dùng "quyền lực" đó gây áp lực cho các phóng viên và cho người khác nhằm lấy phong bì tư lợi...

Trong mối quan hệ cá nhân - tập thể, cái riêng - cái chung, cá biệt - phổ biến ấy, ngoài nhân vật chính là nhà báo Tuệ thì các nhân vật phụ là Thức, Vương, Thục Vy, phó giám đốc đài… cũng là những hình tượng nhà báo có cá tính rõ ràng, thể hiện được sự đam mê, hết lòng với công việc cùng các nhược điểm nhất định.

Là nữ nhà báo duy nhất trong "Đàn trời", Thục Vy (Khuất Quỳnh Hoa đóng) cũng được mô tả trong mối quan hệ nhiều chiều, nhất là với các nam đồng nghiệp. Thục Vy là một nhân vật có số phận đầy đặn. Vì thế nữ nhà báo này cũng khác với nhà báo Hồng Quyên trong "Phóng viên thử việc". Hồng Quyên tốt bụng và ngây thơ đến mức hơi bất thường, như khi lĩnh lương lần đầu được nhiều tiền đã hét toáng lên, hay khi thấy mọi người nhìn mình thì lại thẹn thùng im lặng một cách khó hiểu...

Là một tập thể các nhà báo của một cơ quan báo chí cấp tỉnh, có chuyên môn giỏi, song quá trình tác nghiệp của họ được kể lại không thông qua công việc viết lách hay "đấu chữ" như trong "Đèn vàng", "Nghề báo"... mà được mô tả như sự nguy hiểm của nghề nghiệp, "sinh ư nghệ tử ư nghệ" một cách trực diện. Nói cách khác, các nhà báo trong phim (trong đó, Thức là một ví dụ tiêu biểu, do phanh phui cái xấu mà bị kẻ xấu âm mưu sát hại; việc anh chỉ bị thương là nằm ngoài mong muốn của kẻ xấu) cho người xem cảm giác họ như những người lính đang hiện diện trong một cuộc chiến đấu thật sự. Vì thế, cách tác nghiệp của họ phần nào khác với phim "Cuồng phong" khi hai nữ nhà báo can thiệp quá sâu vào một chuyên án ma túy (trong đó, nhà báo Thanh Mai cùng tham gia vào nhóm Cảnh sát phá án, nhưng luôn nhõng nhẽo, làm mình làm mẩy như đang đi picnic, không giống một người đang thực hiện nhiệm vụ bí mật…).

Trong hoạt động tác nghiệp, các nhà báo trong "Đàn trời" được tổ chức bài bản, như khi họ tiến hành phóng sự điều tra đúng quy trình mang tính tổng kết về Dự án 135 trong toàn tỉnh Bình Lãng (có họp bàn, ra chủ trương, giao việc cụ thể, đúng người đúng việc, lập đề án, lên kế hoạch triển khai…). Đây cũng là khác biệt nếu so với cách tác nghiệp của nhân vật nhà báo Đỗ Hòa trong phim "Nghề báo" (trong khi xâm nhập vào một ổ mại dâm để viết bài, xảy ra xô xát với bọn bảo kê, Đỗ Hòa thanh minh: "Tôi là nhà báo, tôi vô đây để viết bài", vậy mà cách tác nghiệp ấy cũng khiến anh thoát nạn!).

Mặc dù hình tượng nhân vật nhà báo trong "Đàn trời" cũng còn một số hạn chế, song không thể phủ nhận là họ đã được xây dựng một cách gần gũi, trung thực, mang nhiều cung bậc cảm xúc của một con người, ít sự áp đặt tính cách. Đặc biệt, sự xúc động, sâu lắng trong các mối quan hệ nhân ái, đằm thắm giữa con người với con người… của các nhà báo trong "Đàn trời" sẽ khiến họ lưu lại những ấn tượng đẹp trong lòng khán giả…

Vũ Ngọc Thanh
.
.
.