Đôi điều ít biết về một bài hát nổi tiếng
Hẳn là nhiều bạn đã nhớ ra: “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương/ Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm/ Là người, tôi sẽ chết cho quê hương…”. Có thể nói, không bạn trẻ yêu ca hát nào lại không biết và ít nhiều thuộc bài này, bởi từ những năm tháng trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), nó đã rất nổi tiếng. Nhưng bối cảnh, nguyên cớ ra đời bài hát thì không nhiều người rõ.
PGS, TS, nhạc sỹ Thế Bảo - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc cho biết: Năm 1960, ông học ở Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam ngày nay). Lúc ấy có phong trào báo tường (mọi người trong các cơ quan, trường học viết báo rồi dán lên tường, còn gọi là bích báo). Có người phụ trách việc này (kiểu như Tổng biên tập vậy).
Nhạc sỹ Hồng Đăng lúc đó là học viên cùng lớp với Thế Bảo, đồng thời được giao phụ trách tờ báo tường này. Ai nấy đều đã nộp bài. Riêng Thế Bảo chưa có, bị Hồng Đăng hối thúc, ông bèn dựa vào ý một bài thơ của Víchto Huygô (đại văn hào Pháp thế kỷ thứ 19) để “xào xáo” thành bài thơ của mình. Thế Bảo đến nay không còn nhớ rõ từng câu chữ, nhưng đại ý: Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương. Nếu là đá hãy là đá hoa cương. Nếu là chim hãy là bồ câu trắng. Nếu là người hãy cháy hết mình cho tình yêu… Hồng Đăng thấy bài thơ có ý hay, sâu sắc, đã gửi đến Báo Văn nghệ.
Nhạc sĩ Trương Quốc Khánh (thứ hai từ phải sang) cùng những người bạn trong nhóm nhạc “Hát cho đồng bào tôi nghe”. |
Với mối quen biết, thân tình của Hồng Đăng với tờ báo này, lại biết Thế Bảo là em ruột nhà thơ Tế Hanh - một tên tuổi lớn khi đó, Báo Văn nghệ đã dễ dàng đăng bài thơ. Ngay sau đó, nhạc sỹ Trương Quang Lục (tác giả bài “Vàm Cỏ Đông” nổi tiếng), lúc này đang là kỹ sư ở Nhà máy Hóa chất Việt Trì phổ thành bài hát, gửi đến Đài Tiếng nói Việt Nam và cũng được sử dụng. Ca sỹ Trung Kiên đã thu thanh. Tuy nhiên, bài hát không có gì đặc biệt nên đã không đi vào đời sống. Sau một số lần phát sóng, đã chìm vào quên lãng. Chính Trương Quang Lục cũng không nhắc tới bài này mỗi khi kể về sự nghiệp sáng tác của mình.
Mùa xuân năm 1968, trong đợt tổng tiến công và nổi dậy như vũ bão của quân dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam, chàng sinh viên trẻ Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn mới ở tuổi 21 Trương Quốc Khánh đã sáng tác nên bài “Tự nguyện”. Anh cho biết trước đó từng có lần được nghe qua đài phát thanh bài hát của Trương Quang Lục, nhưng thấy chưa “đã”.
Thế là anh quyết định “viết lại”. Vì khi ấy, Trương Quốc Khánh đang hoạt động trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” của học sinh, sinh viên (cùng các nhạc sỹ khác như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Tuấn Kiệt, La Hữu Vang…) nên bài hát nhanh chóng được lan truyền.
Các bạn trẻ đã đón nhận bài hát như một liều thuốc tinh thần vô giá, khích lệ thêm lòng yêu nước, đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn lúc ấy. Từ đó, “Tự nguyện” trở nên rất nổi tiếng. Khắp các đường phố ở Sài Gòn lúc đó luôn vang lên bài hát này mỗi khi nhân dân xuống đường biểu tình. Giai điệu bài hát của Trương Quốc Khánh khác hẳn bài của Trương Quang Lục và phần ca từ được soạn rất công phu với những hình tượng thật “đắt”. Chính tác giả “Vàm Cỏ Đông” cũng thừa nhận điều này.
Trương Quốc Khánh sinh năm 1947 trong một gia đình cách mạng, quê gốc ở Trà Vinh nhưng anh ra đời ở Tây Ninh. Anh không học ở trường âm nhạc mà là Đại học Văn khoa Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh). Lúc sáng tác bài “Tự nguyện”, anh là Phó trưởng Đoàn văn nghệ học sinh, sinh viên Sài Gòn. Đến năm 1972, anh vào chiến khu tham gia khóa học đầu tiên của Trường Đoàn Lý Tự Trọng. Đầu năm 1974, anh ra Bắc. Sau 30-4-1975, anh trở về miền Nam lần lượt giữ các cương vị Tổng biên tập Báo Sân khấu rồi Phó Tổng thư ký Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh.
Ngoài sáng tác ca khúc, Trương Quốc Khánh còn viết báo, sáng tác kịch bản sân khấu và điện ảnh, trong đó có bộ phim “Đàn chim và cơn bão” của đạo diễn Cao Thụy được làm từ kịch bản của anh có tiếng vang một thời. Bộ phim tài liệu do anh viết kịch bản có tên “Nỗi đau này không của riêng ai” nói về tệ nạn ma túy đã đoạt giải thưởng báo chí tại TP Hồ Chí Minh cũng gây tiếng vang lớn. Ngoài ra, anh còn có nhiều kịch bản được dàn dựng trên các sân khấu của thành phố, được khán giả đón nhận. Anh qua đời năm 1999 khi mới 52 tuổi, giữa lúc đang ở độ chín, sung sức nhất đối với một người cầm bút, hứa hẹn nhiều thành quả sáng tạo mới.
Nhạc sỹ Trương Quốc khánh. |
“Tự nguyện” là sáng tác của một nhạc sỹ không chuyên nhưng giá trị về âm nhạc, về ca từ cũng như mọi thủ pháp sáng tác ca khúc đã đạt tới mức hoàn chỉnh, mẫu mực của thể loại. Có thể nói đây là một trong những ca khúc nổi tiếng, có giá trị nhất của nền âm nhạc yêu nước miền Nam trước ngày thống nhất. Bài hát cho đến hôm nay vẫn luôn được vang lên trên các sân khấu liên hoan, hội diễn ở cả hai khu vực chuyên và không chuyên, với sự thể hiện của hàng trăm ca sỹ.
Nhưng có một tình trạng khiến lúc còn sống, tác giả không hài lòng và sau khi qua đời, phu nhân của nhạc sỹ vẫn luôn phàn nàn về sự thể hiện của nhiều nghệ sỹ. Đó là việc hát sai lời khiến bài hát giảm sút giá trị. Trong tác phẩm, từ “là” ở một số chỗ bị hát nhầm thành “làm” không đúng ý tác giả (“Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng” bị hát thành “…làm loài bồ câu trắng”).
Trong câu: “Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương” luôn bị giới ca sỹ lược bỏ từ “nếu” ở đầu câu khiến âm nhạc đến câu này bị kéo dãn thêm, gây cảm giác dề dà, kém hiệu quả. Tại câu cuối cùng, từ “cắm” luôn bị hát thành “phất”: “Là người, xin một lần khi nằm xuống cùng anh em đứng lên "phất" cao ngọn cờ”. Đúng ý tác giả phải là: “Cùng anh em đứng lên "cắm" cao ngọn cờ”. Tác giả phân tích thật chí lý: Cắm cờ tức là cây cờ được xác định một cách rất vững chắc với tâm thế dứt khoát, đầy khẳng định của chúng ta ở mọi nơi cần thiết. Đó là cương thổ của Tổ quốc. Còn “phất” thì rất chung chung, chỉ như một sự kêu gọi, cổ vũ, ví như phất cờ tiến lên chẳng hạn.
Lúc Trương Quốc Khánh đổ bệnh, phải vào bệnh viện điều trị, anh đã lưu ý, dặn dò người bạn của mình là nhạc sỹ Trần Xuân Tiến hãy tìm cách đính chính lại những sai sót về lời ca như trên mà giới ca sỹ vẫn mắc phải. Ở phút lâm chung, anh lại nhắc lại điều trên với bạn mình.
Cho đến hôm nay, bà Nguyễn Mộng Thu – phu nhân của Trương Quốc Khánh – vẫn chưa hết phàn nàn về tình trạng hát sai này. Quả như vậy, tại nhiều văn bản của bài hát đã được in hoặc trong đĩa karaoke đang được sử dụng khắp nơi hiện nay, mấy chỗ sai về ca từ nói trên vẫn chưa được sửa lại cho đúng với nguyên bản của tác giả. Có là người sáng tác, lại là những tác giả khó tính, luôn lao tâm khổ tứ với từng chi tiết nhỏ nhất của tác phẩm mới thấu hiểu được nỗi canh cánh của người nhạc sỹ tài hoa, sớm ra đi khi tác phẩm của mình bị thể hiện không chính xác.
Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, với tư cách là người đứng đầu một cơ quan chăm lo phong trào văn hóa quần chúng ở Thủ đô, một lần, tôi dẫn đoàn nghệ thuật quần chúng của Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh biểu diễn giao lưu. Khi ấy, Trương Quốc Khánh chưa qua đời. Trong chương trình của đoàn, có một diễn viên hát bài “Tự nguyện”. Tôi bèn tìm tác giả để mời anh đến dự buổi biểu diễn tại Nhà Văn hóa Thanh niên. Nhưng không gặp. Tôi để lại giấy mời và viết thêm mấy chữ trân trọng mời anh.
Ngay sau đó, anh tìm đến khách sạn nơi tôi ở để hàn huyên. Nhưng cũng lại không gặp tôi. Anh ghi lại mấy dòng chữ. Tôi nhớ rõ là sau lời cảm ơn, anh không quên dặn tôi là cần lưu ý cô diễn viên hát mấy chỗ lâu nay vẫn bị hát sai. Tôi kịp thời gặp ngay cô diễn viên để “kiểm tra” lại thì y như rằng, cô ta đã hát sai mà chính tôi lúc ấy cũng không để ý. Thật may! Nếu không thì Trương Quốc Khánh có mặt hôm đó, hẳn anh sẽ rất buồn và trách giận tôi nhiều.
Trương Quốc Khánh đã đi xa được gần 20 năm. Nhưng “Tự nguyện” thì mãi còn đó, luôn đồng hành cùng dân tộc trên mọi chặng đường vẻ vang nhất của đất nước hôm nay.