Kỷ niệm 24 năm ngày mất của nhà thơ-nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (29/8/1988-29/8/2012)

Điều không thể mất

Thứ Ba, 04/09/2012, 08:00

Cho đến hôm nay, sau hơn 20 năm, có thể khẳng định Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch tài năng, có số lượng tác phẩm gây chấn động dư luận nhất của Việt Nam. Sau sự ra đi đột ngột của Lưu Quang Vũ (29/8/1988), sân khấu Việt Nam vẫn chưa có tác giả nào bù đắp được khoảng trống anh để lại.

Tôi may mắn được quen Lưu Quang Vũ, ấy là khi làm anh phóng viên viết về lĩnh vực sân khấu. Trong lần đến Nhà hát Kịch Trung ương, giám đốc Nhà hát lúc ấy là NSND Mạnh Linh bảo viết về sân khấu thì nên gặp Lưu Quang Vũ, hiện đang là tác giả có tác phẩm tung hoành trên sân khấu từ Bắc vào Nam.

Ngôi nhà 96 phố Huế, đối diện với chợ Hôm và ngôi nhà 65 phố Nguyễn Thái Học là hai ngôi nhà quần tụ nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi cả nước. Hai căn phòng trên tầng 3 nhà 96 phố Huế, mỗi phòng khoảng 6-7m2, là nơi ở và làm việc của vợ chồng nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh. Hai căn phòng đầy sách, đồ đạc chẳng có gì. Căn phòng phía trong dán đầy tường các tờ progam vở kịch của Lưu Quang Vũ đã và đang công diễn, cũng là nơi làm việc của anh. Phòng bên ngoài thường là nơi tiếp khách khứa, bạn bè. Mọi người đến với Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đều được mời ngồi trên mấy mét vuông nền nhà còn trống, góc nhà không thể thiếu chiếc điếu cày. Lưu Quang Vũ thích hút thuốc lá ba số 5 nhưng thỉnh thoảng vẫn thú "bắn" thuốc lào. Nhiều buổi, bên phòng này Lưu Quang Vũ tiếp khách kịch, phòng kia Xuân Quỳnh tiếp khách thơ, mấy nhà thơ nữ rủ rỉ chuyện trò, thỉnh thoảng lại rúc rích cười.

Từ ngày Lưu Quang Vũ nổi tiếng trong làng kịch, khách đến với anh không chỉ bạn bè văn chương, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo, giới kịch nghệ... ở Hà Nội mà còn tấp nập nghệ sĩ, cán bộ, diễn viên của các đoàn kịch hầu như ở mọi địa phương tìm đến để xin vở, đặt vở. Nhiều hôm khách phải ra về với tâm trạng tiếc nuối vì không gặp được anh, bởi căn phòng đã khóa cửa, chủ nhân không biết đi đâu. Những lúc ấy Lưu Quang Vũ phải lánh đi một chỗ nào đấy để viết bởi biết bao nhiêu Nhà hát, đoàn kịch trong cả nước đang mong chờ có được tác phẩm của anh để dàn dựng. Một lần anh tâm sự cùng tôi: Có đoàn mang đến một bọc tiền lớn đề nghị anh cầm dùng và không có bất cứ điều kiện gì. Anh không dám nhận vì biết chắc rằng sau đó họ sẽ xin anh vở. Quãng đầu năm 1988, một đoàn kịch nổi tiếng của Hà Nội đã hàng ngày, từ 7 giờ sáng cử một nam diễn viên đến nhận vài trang bản thảo về cho đoàn tập.

Vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cùng các con.

Cho đến hôm nay, tôi cũng không lý giải được sức làm việc phi thường của Lưu Quang Vũ. Chỉ trong khoảng gần mười năm tỏa sáng, tạo nên "Hiện tượng Lưu Quang Vũ", anh đã viết khoảng trên dưới 50 vở kịch, và vẫn làm thơ, vẫn viết truyện. Điều lạ kỳ là anh vẫn có mặt thường xuyên ở Nhà hát này, đoàn nọ theo dõi dựng vở, công diễn... vẫn rất quảng giao với bạn bè chỗ này chỗ kia... Cũng không thể hiểu nổi Lưu Quang Vũ viết vào lúc nào và nạp nguồn năng lượng thông tin thế nào mà anh có sức viết quá dồi dào, nhanh nhạy, bén sắc cùng tầm tư duy sâu sắc, đi trước thời đại như thế. Gần như mỗi vở kịch của anh được dàn dựng và công diễn đều trở thành những sự kiện của sân khấu nói riêng, đời sống nói chung.

Tôi được anh coi như chú em nên anh thường kéo tôi đi chỗ này chỗ kia cùng anh. Khi đến Nhà hát kịch Trung ương, Đoàn kịch Hà Nội, Đoàn Chèo Hà Nội xem tập vở; khi đến tụ tập tại nhà họa sĩ Doãn Châu - phía sau Nhà hát lớn, khi đi sửa - lấy đôi giày sục - Lưu Quang Vũ rất thích đi loại giày này; khi đến chơi nhà đạo diễn này, diễn viên kia...Vào giai đoạn ấy, ngôi nhà khoảng hơn 20m2 của vợ chồng họa sĩ Doãn Châu - NSƯT Bích Thu trong khu tập thể của Nhà hát kịch là nơi quần tụ khá nhiều đạo diễn, nhạc sĩ, biên kịch, họa sĩ, diễn viên.

Lúc ấy họa sĩ Doãn Châu là Trưởng phòng Nghệ thuật, sau anh làm Giám đốc Nhà hát kịch Trung ương. gia đình Doãn Châu và gia đình Lưu Quang Vũ thân nhau như anh chị em một nhà. Cũng trên chuyến xe định mệnh ngày 29-8-1988, khi từ Hải Phòng về tới Hải Dương, gia đình Lưu quang Vũ - Xuân Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ đã mãi mãi ra đi; còn nửa xe bên kia là gia đình Doãn Châu - Bích Thu cùng cháu Doãn Vinh may mắn thoát chết. Thường ở nhà Doãn Châu, mọi người hào hứng, say sưa bàn luận, trao đổi về sân khấu về những chuyện đời sống và thi thoảng ai đó khoe thông tin mới về một điều gì đó hầu có thể gợi ý giúp Lưu quang Vũ trong sáng tác kịch. Anh ngồi nghe hết, thỉnh thoảng có những câu chuyện kể hết sức dí dỏm. Cái không khí sân khấu cách đây hơn 20 năm thật tuyệt vời. Mỗi vở diễn, đặc biệt vở của Lưu Quang Vũ ra mắt khán giả đều được dư luận háo hức đón đợi, báo chí quan tâm. Kiếm được đôi vé xem kịch ngày đó cũng thật khó khăn. Rồi không khí làm việc trong các đoàn nghệ thuật, trong đội ngũ nghệ sĩ diễn viên cũng hừng hực, say nghề... Nhiều hôm, trong ngôi nhà của họa sĩ Doãn Châu, những lúc không có Lưu Quang Vũ, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và họa sĩ Doãn Châu nói với tôi: "Vũ là một tài năng hiếm có. Những vở kịch của Vũ sâu sắc, có tầm triết lý, nói trúng những vấn đề thời đại quan tâm, đồng thời ẩn chứa những cảnh tỉnh và dự báo xã hội; nhưng lại đầy nhân ái. Con người Vũ cũng vậy, nhân ái lắm; mà cũng hay cả nể lắm". Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi nói riêng với tôi: "Vũ là một tài năng lạ lắm. Vũ có thể có những cái lớn hơn bây giờ nhiều". Nguyễn Đình Nghi là đạo diễn rất kiệm lời khen. Có thể các ông nói với tôi bởi tôi được các ông quý mến và coi là vô hại, bởi nói với những người khác sẽ là không có lợi cho anh. Tôi nhớ có lần Lưu Quang Vũ nói với tôi: "Mình bây giờ nhiều người yêu quý mà cũng lắm người ghét lắm. Thói đời, khi thấp hơn họ thì họ nâng đỡ, bảo ban rất ân cần; khi hơn họ thì họ dè bỉu, chê bai, đố kỵ...".

Anh Vũ là người có lẽ thấu hiểu nhất và cũng buồn nhất vì lẽ đó. Cuộc đời, sự thành danh của anh từ tay trắng mà nên...

Cũng chính bởi sự "gai góc" nên với các vở của Lưu Quang Vũ dàn dựng được đã là một thành công, đến khi tổng duyệt và công diễn được mới thực sự là tiếng thở phào nhẹ nhõm của những người dựng vở và tác giả. Khi đoàn kịch Hải Phòng dựng vở  "Ông vua hóa hổ", mang lên công diễn tại Cung Văn hóa Hữu nghị giữa thủ đô Hà Nội, tối ấy Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đến xem. Cả đoàn kịch Hải Phòng từ lãnh đạo đến diễn viên, rồi đạo diễn, tác giả lo lắm, không biết số phận vở diễn sẽ ra sao. Buổi diễn đã thành công ngoài mong đợi. Xem xong, Tổng bí thư lên sân khấu bắt tay từng người và tặng hoa cho đoàn. Tổng bí thư khen ngợi đây là vở diễn tốt. Lúc ấy Lưu Quang Vũ thở phào, nét mặt anh rất phấn chấn và hình như có ngấn nước mắt.

Khi dựng vở "Hồn Trương Ba - da hàng thịt", tôi thường xuyên theo anh đến sân khấu Nhà hát Lớn xem các nghệ sĩ, diễn viên tập vở, ghép nhạc... Vở "Hồn Trương Ba - da hàng thịt" từ khi ra mắt cho đến nay vẫn được đánh giá là đỉnh cao của kịch Lưu Quang Vũ, cũng là vở đỉnh cao và kinh điển của sân khấu Việt Nam. Vở kịch quy tụ được những người làm sân khấu hàng đầu của Việt Nam. Đạo diễn là NSND Nguyễn Đình Nghi, thiết kế sân khấu là họa sĩ Doãn Châu, âm nhạc là nhạc sĩ Phó Đức Phương; cùng dàn diễn viên là những nghệ sĩ đầy tài năng như NSND Trọng Khôi, NSND Trần Tiến, NSƯT Mỹ Dung, Bích Thu, Anh Dũng, Thu Hằng, Lan Hương...Ngồi dưới hàng ghế xem tập, thỉnh thoảng anh Vũ lại nói nhỏ với tôi: "Anh Trọng Khôi là nghệ sĩ lớn của sân khấu, anh ấy diễn giỏi thật, chỉ có anh Khôi mới diễn nổi vai hàng thịt - Trương Ba thôi. Anh Phó Đức Phương cũng thật ghê gớm, âm nhạc của anh ấy nhiều lúc rợn người, tôn và quyện với vở quá. Anh Doãn Châu thì quá được trong thiết kế sân khấu cho vở, ấn tượng, sâu sắc, dân gian mà giản lược tối đa. Còn anh Nghi thì quá tài, quá sâu sắc, phi ông ấy, người khác làm sẽ làm hỏng vở kịch".

Những ngày đó, hình ảnh Lưu Quang Vũ quá đỗi thân quen với bạn bè và nhiều người: Quần bò, áo phông cộc tay bỏ ngoài quần, chân đi đôi giày sục, cưỡi trên chiếc xe đạp Liên Xô lộc ngộc rong ruổi đến chỗ này, chỗ kia, vai thường đeo chiếc túi vải trong đựng bản thảo còn dang dở. Tối, anh thường đến nhà hát này, đoàn kia xem diễn. Anh đến lặng lẽ như một khách xem bình thường rồi đứng ở chỗ khuất quan sát động thái của khán giả đối với vở diễn của mình. Có tối anh đi hai ba điểm diễn. Có những đêm xem diễn xong, mấy anh em lại kéo nhau đi ăn ở quán phở phố Trần Quý Cáp, rồi trò chuyện, bàn thảo đến 1,2 giờ sáng.

Cho đến trước khi mất, Lưu Quang Vũ vẫn đau đáu hai ước mơ nhỏ mà, hôm nay một người nông dân bình thường cũng thừa sức thực hiện được. Đó là có một chiếc xe máy để tiện chạy chỗ đoàn này đoàn kia trong thành phố, đỡ phải lọc cọc chiếc xe đạp lâu và mất thời gian. Ước mơ thứ hai, có chiếc máy điện thoại riêng ở nhà, cũng để khỏi phải nay đi Hải Dương, Hải Phòng mai đi Bắc Giang, Nam Định... chỉnh sửa vở đang dựng của các đoàn. Giai đoạn cuối đời anh đã sắm được chiếc xe máy Pơgio 103; còn điện thoại vẫn nằm trong mơ. Cách đây 20 năm, ở miền Bắc chỉ cán bộ cấp Cục, Vụ mới có tiêu chuẩn được mắc điện thoại ở nhà riêng.

Trước khi Lưu Quang Vũ mất khoảng 2 tháng, trong một lần trò chuyện tại căn phòng chật chội của anh, sau khi rít một hơi dài thuốc lào, ngửa mặt phả khói, anh bảo: "Có lẽ mình viết một vài vở nữa rồi thôi, chuyển sang viết tiểu thuyết". Tôi nói những điều lâu nay vẫn nghĩ về anh như thế:  "Anh đang viết khỏe, viết hay; mỗi tối có hàng vạn người trên khắp đất nước đang xem kịch của anh, kịch của anh tác động vào xã hội lớn lắm. Theo em, anh vừa viết kịch vừa viết văn, làm thơ". Lưu Quang Vũ cười, thoảng nét trầm tư trên khuôn mặt anh. Không một ai có thể ngờ được Lưu Quang Vũ lại ra đi ở tuổi 40, khi sức sáng tạo của anh đang thăng hoa. Lưu Quang Vũ đã để lại "Điều không thể mất" (tên một vở kịch của anh) trong lòng những ai từng biết anh, từng xem kịch của anh

Cao Minh
.
.
.