Danh hoạ Picasso và những cuộc tình khơi nguồn sáng tạo

Thứ Sáu, 17/08/2007, 11:03
Danh họa Pablo Picasso được người đời tôn vinh là họa sĩ kiệt xuất nhất thế kỷ XX. Ông đã để lại nhiều kiệt tác ở tất cả các trường phái hội họa đương thời: Ấn tượng, Siêu thực, Lập thể, Biểu hiện, Dã thú, Linh cảm...

Trong 80 năm miệt mài theo đuổi nghệ thuật danh họa Picasso đã từng gây nên nhiều tranh luận: tranh luận về giá trị nghệ thuật trong tác phẩm hội họa, về các trường phái mà ông theo đuổi và về vị trí của “phái đẹp” trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo của ông... 

Đối với danh họa Picasso, vẻ đẹp của phụ nữ luôn gợi cảm hứng hội họa và kích thích ham mê sáng tạo, phá vỡ phong cách vốn có, nâng nghệ thuật của ông lên tầm cao mới.

Từ tác phẩm đầu đời “Khoa học và lòng nhân ái” vẽ năm 16 tuổi, đến những tác phẩm nổi tiếng nhất: “Guernica”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Chim hòa bình”... đều được sáng tạo bởi ảnh hưởng của những mỹ nhân mà ông đem lòng yêu mến.

Người đời đã tốn không ít giấy mực viết về những người đẹp đã để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời và tranh Picasso. Số ít người cho Picasso là người trụy lạc, khi nhớ đến số phụ nữ ông đã yêu thương, đã sống chung rồi ruồng bỏ. Số đông lại cho rằng, phụ nữ đối với Picasso giống như là “màu nước với chổi lông, như là một cái gì đó không thể tách rời”.

Tất cả những phụ nữ đến và đi khỏi cuộc đời nhà danh họa tài ba đều tràn đầy sức trẻ, có người kém ông tới bốn chục tuổi. Người đẹp nào cũng mang tới cho ông những cảm giác mới mẻ, những cảm hứng mạnh mẽ trong cuộc sống tình dục cũng như trong sáng tạo nghệ thuật.

Ông là người yêu rất nhanh và cũng nhanh chóng rời bỏ họ, chỉ với một lý do đơn giản là người ấy không còn mang lại những cảm hứng sáng tạo nghệ thuật nữa.

Dẫu sao, trong những năm tháng gắn bó với Picasso, nhiều người mà ông yêu đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, thành nguyên mẫu trong những bức tranh nổi tiếng nhất ở các trường phái hội họa mà Picasso theo đuổi.         

Giới nghiên cứu nghệ thuật chia sự nghiệp sáng tác của Picasso làm hai giai đoạn: “Giai đoạn màu lam” và “giai đoạn màu hồng”.

Nét chủ đạo của “giai đoạn màu lam” là các tranh được vẽ theo phong cách “biểu hiện” do Vincent Van Gogh khởi xướng, với gam màu xám xanh lạnh lẽo, cô đơn, vẽ lại những hình ảnh run rẩy, thẫn thờ của gái giang hồ, người làm xiếc tha phương, những ông già khốn khổ.

Còn “giai đoạn màu hồng”, dù ở trường phái Lập thể, ấn tượng hay Siêu thực... Picasso đều lấy màu hồng nhạt mềm mại làm nền, đem đến cho người xem cảm giác thanh tân, ấm áp.

Lý do chủ yếu làm nên sự chuyển biến trong quan điểm sáng tác đó là sự xuất hiện của  người con gái 17 tuổi, xinh đẹp như một đóa hồng nhung trong cuộc đời của chàng họa sĩ tài hoa đang trong thời kỳ nghèo túng ở Paris: nàng Fernalda Bellavala.

Tính cách lạnh lùng và thân hình bốc lửa của Fernalda đã thiêu đốt trái tim đa cảm của Picasso ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên.Trong một chiều mưa, trước vẻ đẹp tràn trề nhựa sống ẩn giấu dưới làn áo ướt mỏng manh nơi  Fernalda,  Picasso phát hiện mình đã phải lòng nàng và tự đáy lòng chớm nở một thứ cảm xúc chưa từng có.

Fernalda nhanh chóng trở thành người tình đầu tiên và chuyển đến chung sống cùng Picasso tại căn phòng tồi tàn bên sông Sene. Tuổi trẻ và tình yêu của Fernalda mang lại nguồn cảm hứng sáng tạo tưởng như không bao giờ vơi cạn, làm thay đổi phong cách sáng tác của Picasso.

Sắc thái sầu muộn, bi quan trong các tác phẩm “Những người nghèo trên bờ biển”, “Xẩm già” được vẽ theo phong cách “Biểu hiện” của “giai đoạn màu lam” đã nhường chỗ cho sắc thái tươi vui của “giai đoạn màu hồng”... Picasso thừa nhận,

Fernalda như một người mẹ, còn bản thân ông như một đứa con tò mò, tìm kiếm vật lạ, cần có sự dẫn dắt và đã lấy nàng làm nguyên mẫu cho các bức tranh về đề tài thiếu nữ, như “Thiếu nữ nằm ngủ’, “Khuê các”...

Vài năm sau đó, khi ngọn lửa tình yêu với Fernalda nguội lạnh, cũng là khi Picasso nhận thấy cần thay đổi khuynh hướng sáng tác. Đúng lúc đó, Iwa Gier xuất hiện.

Tuổi trẻ và tính cách dịu dàng của Iwa Gier nhanh chóng thay thế hình ảnh của Fernalda trong trái tim đa cảm của Picasso, kích thích nhiệt tình sáng tạo và những khuynh hướng mới mẻ, thúc đẩy chủ nghĩa Lập thể chín muồi trong sáng tác của Picasso.

Bức tranh “Những cô nàng Avignon” được sáng tác dưới ảnh hưởng của Iwa Gier đã  thực sự làm đảo lộn toàn bộ kỹ xảo của hội họa truyền thống, được Picasso vẽ năm 26 tuổi. Những người xem bức tranh này dù chưa  hiểu hết hàm ý của bức tranh, song đều cảm thấy kinh ngạc trước thủ pháp thể hiện hoàn toàn mới mẻ.

Iwa là một trong những người để lại nhiều dấu ấn nhất trong tranh của Picasso. Rất nhiều tác phẩm trong thời gian yêu Iwa được Picasso đề tặng “Iwa Gier - người yêu của tôi”. Nhưng không may Iwa Gier bị lao phổi và qua đời. Từ đó Picasso bắt đầu chung sống với nhiều phụ nữ khác. Những người phụ nữ đó, mỗi người yêu người họa sĩ tài hoa mỗi cách, song đều mang đến cho Picasso những cảm giác mới mẻ, những cảm hứng sáng tạo không ngừng nghỉ.

Năm 37 tuổi, khi đảm nhận việc thiết kế trang phục và phông cho vũ balet tại một nhà hát ở Paris, Picasso thực sự dấn thân vào “lâu đài âm nhạc”, thông qua việc kết hợp âm nhạc với hội họa.

Thời gian đó Picasso gặp Olga Khoklova- một diễn viên balet dòng dõi quý tộc Ukraine, kém Picasso 18 tuổi. Những cảm xúc lãng mạn do tình yêu của Olga mang lại đã in đậm dấu ấn trong các tác phẩm của Picasso.

Rất nhiều bức tranh được sáng tác từ các chất liệu khác nhau liên tiếp ra đời trong thời gian Picasso chung sống với Khoklova. Các triển lãm tranh của ông thành công rực rỡ, được công chúng hoan nghênh.

Olga Khoklova là người phụ nữ đầu tiên Picasso cưới làm vợ và đã sinh cho ông một người con trai tên là Paulo. Song sự ghen tuông thái quá của Khoklova khiến Picasso mệt mỏi, chán chường và tìm đến các cô gái khác.

Người phụ nữ được nhắc đến nhiều nhất, có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến phong cách “siêu thực” Picasso là Marie Therése Walter, cô gái tóc vàng xinh đẹp 17 tuổi, đã gắn bó với Picasso 10 năm. Nàng được Picasso gọi là “Nữ thần của chủ nghĩa siêu thực”.

Lần đầu tiên gặp gỡ, Piacsso cảm thấy Marie Therése chính là nữ thần đã từ lâu hiển hiện trong trí tưởng tượng của mình.

Là một người bạo dạn, thường bị choáng ngợp trước nhan sắc của phái đẹp, Picasso đã nắm lấy cánh tay nàng, xúc động nói: “Tôi là Picasso, nàng hãy cùng với tôi hoàn thành một sự nghiệp lớn lao”.

Trong “Nhân vật và sự  kiện lịch sử thế giới”, tác giả Từ Thắng Hoa đã cho người đọc biết cảm xúc của Picasso về Marie Therése: So với những người phụ nữ trước đó, Marie Therése Walter tựa hồ tập trung đầy đủ các ưu điểm của họ: có sự điềm tĩnh của Fernalda, sự ngây thơ hồn nhiên của Iwa Gier, sự cao quý thanh nhã của Olga Khoklova, còn thêm sự hoan hỉ hoạt bát và thuần khiết mà mấy người kia không có.

Từ ngày Picasso quan hệ với Marie Therése, cũng là bắt đầu thứ sinh hoạt tình dục mạnh mẽ nhất, táo tợn nhất trong đời ông. Picasso muốn chứng minh sức mạnh và sức hấp dẫn của tình dục.

Một số khát vọng của tình dục và biến thái tình dục của ông được thể hiện trong hàng loạt tác phẩm. Các tác phẩm ấy miêu tả con người bị ngược đãi, hoặc bị đe dọa, hoặc bị chinh phục mà tự cảm thấy đau khổ; có bức tranh miêu tả nữ quái có sức mạnh hủy diệt về tình dục. Có bức miêu tả nỗi khổ, sự điên cuồng và tình dục đan xen vào nhau...

Marie Therése đã thúc đẩy sự chín muồi của chủ nghĩa siêu thực ở Picasso. Năm 1935, Marie sinh cho Picasso cô con gái tên là Maya. Mặc dù đã chia tay nhau, khi Picasso từ trần, Marie đã tìm đến cái chết. Picasso là mối tình duy nhất của bà.

Nhà tư tưởng Francois Mitterand từng nói, về một ý nghĩa nào đó, trong nghệ thuật, lang thang và phóng túng là bản chất của sự sáng tạo. Điều này thật đúng đối với Pablo Picasso.

Nhiều năm tháng trôi đi, Picasso đã quan hệ tình cảm với rất nhiều phụ nữ, đến năm 62 tuổi, Picasso gặp và yêu Francoise Gilot - một sinh viện trường luật, kém ông 41 tuổi, có đôi mắt xanh, cực kỳ xinh đẹp và thông minh.

Đối với Francoise, Picasso giống như một đỉnh cao không thể với tới, nên khi được ông mời đến tham quan xưởng vẽ, nàng rất phấn khởi.

Bức họa Picasso miêu tả con quái vật Miluthao thân người, đầu bò trong thần thoại Hy Lạp đang nhìn chằm chằm một thiếu nữ khỏa thân, đã hết sức ấn tượng với cô gái trẻ yêu thích hội họa. Nàng đã bất chấp sự chênh lệch về tuổi tác, sự can ngăn của người thân để gắn bó với ông, dẫu biết rằng ông sẽ rời bỏ nàng như đã từng rời bỏ bao nhiêu cô gái khác.

Francoise là người phụ nữ duy nhất dám rời bỏ ông để đi lấy chồng, dẫu đã có cùng ông hai người con, một trai và một gái.

Năm 72 tuổi, Picasso cưới người vợ chính thức thứ hai: bà Jacqueline Roque, người Pháp, kém ông 45 tuổi. Jacqueline là người gắn bó, yêu thương và cổ vũ sự nghiệp sáng tác của Picasso trong 20 năm cuối cùng của cuộc đời

Nhật Thành
.
.
.