Cố họa sĩ Bùi Trang Chước: Người đi trước về sau

Thứ Năm, 11/08/2011, 08:10
Cố họa sĩ Bùi Trang Chước ra đi đến nay sắp tròn 20 năm. Cuộc đời ông là một tấm gương mẫu mực về lao động nghệ thuật với những đóng góp to lớn cho nền mỹ thuật nước nhà. Ông là tác giả của mẫu Quốc huy Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); các tác phẩm mẫu Huân chương như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động và nhiều tác phẩm mẫu tem thư, mẫu tiền...

Sinh thời, họa sĩ Bùi Trang Chước là người rất mực từ tốn, giản dị, khiêm nhường. Cũng có lẽ chính bởi vậy mà cuộc đời ông phải chịu nhiều thiệt thòi, như lời của một học trò của ông: "Họa sĩ Bùi Trang Chước là một người luôn đi trước nhưng lại về sau..." .

Đã gần 20 năm trôi qua nhưng nhắc đến bố mình, chị Bùi Minh Thủy - con gái thứ 7 của cố họa sĩ Bùi Trang Chước và cũng là người được gia đình ủy thác lưu giữ những tài liệu quý giá liên quan đến người cha quá cố của mình - vẫn rơm rớm nước mắt và giọng nói thì nghẹn đi vì xúc động. Chị vừa trải qua một cơn bạo bệnh, sức khỏe còn yếu nhưng khi nghe tôi nói muốn đến viết một bài về cha mình chị vẫn cố gắng nhận lời. Chị cho tôi xem một tập tài liệu đóng quyển trên khổ A3 dày hàng trăm trang, trong đó lưu giữ nhiều mẫu phác thảo, tài liệu, thư tịch… liên quan đến cuộc đời sáng tạo của cha mình. Chị Thủy cho biết, cha chị vốn tính  kỹ lưỡng nên hầu hết bản gốc các mẫu phác thảo Quốc huy, mẫu huân huy chương, mẫu tem thư, mẫu tiền, mẫu biểu trưng… đều được ông cất giữ cẩn thận, kể cả trong những năm kháng chiến.

Một số tài liệu khác được tìm thấy bởi sự kỳ công của các con cùng các học trò của họa sĩ Bùi Trang Chước cũng như với sự hỗ trợ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Trong một tháng trời "lặn lội" ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, chị Thủy đã sưu tầm đầy đủ 15 mẫu Quốc huy của cha mình được lựa chọn để trình lên chính phủ (năm 1955) và những tài liệu khác có liên quan để chứng minh rằng cha mình - họa sĩ Bùi Trang Chước mới chính là tác giả đích thực của Quốc huy, còn họa sĩ Trần Văn Cẩn chỉ là người chỉnh sửa lại một vài chi tiết nhỏ theo sự chỉ đạo của chính phủ để kịp trình Quốc hội thông qua trong khi họa sĩ Bùi Trang Chước đi công vụ ở Trung Quốc vắng nhà.

Chị Bùi Minh Thuỷ, con gái họa sĩ Bùi Trang Chước bên tập tư liệu về cha.

Chỉ cần nhìn vào cuốn sổ tư liệu ấy đã đủ biết tài năng, những đóng góp to lớn của họa sĩ Bùi Trang Chước cho nền mỹ thuật nước nhà. Ngoài các mẫu huân huy chương đến nay nhà nước ta vẫn sử dụng như đã kể ở trên, họa sĩ Bùi Trang Chước còn là tác giả của "biểu trưng Tổng Công đoàn Việt Nam" (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), mẫu "Huy chương du kích", mẫu "Bảng vàng danh dự"... Về tác phẩm hội họa, họa sĩ Bùi Trang Chước rất có biệt tài về tranh sơn khắc và một số bức tranh sơn khắc của ông đã trở thành những tác phẩm mẫu mực của dòng tranh này như "Vịnh Hạ Long" (1960), "Khu gang thép Thái Nguyên" (1970) (hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), "Thủy điện Thác Bà" (1975)…

Họa sĩ Bùi Trang Chước được biết đến là người vẽ tem thư và vẽ giấy bạc (tiền) đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1941, ông được mời vào giảng dạy tại Trường Cao đẳng Kiến trúc Đà Lạt. Thời gian này dấu ấn của ông lưu lại trên con tem có hình của Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng thân Norodom Sihanouk lưu hành dưới thời chính quyền thực dân và là những con tem vô cùng quý giá đối với giới sưu tập tem. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông vẽ tem và giấy bạc cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và gắn bó với công việc này cho đến khi nghỉ hưu. Các bộ tem quý như "Chân dung Hồ Chủ tịch" và "Bản đồ Việt Nam" (1951), "Chiến thắng Điện Biên Phủ" (1954), "Mạc Thị Bưởi" (1956)… đều là những bộ tem có giá trị thẩm mỹ cao, được vẽ công phu, tỉ mỉ, đạt đến trình đồ "bậc thầy" của ngành đồ họa, trong đó bộ tem vẽ chân dung anh hùng Mạc Thị Bưởi hiện đang được giới sưu tập tem ghi nhận là bộ tem Việt Nam có giá bán đắt nhất. Họa sĩ Bùi Trang Chước là tác giả vẽ các mẫu tiền "Một đồng", "Năm mươi đồng", "Năm hào"… Ngoài ra ông có nhiều năm gắn bó với công việc giảng dạy tại các trường: Trường Mỹ thuật Hà Nội, Trường Mỹ thuật Liên khu Việt Bắc và Trường Mỹ thuật Công nghiệp với nhiều học trò nay đã thành danh như các họa sĩ Ngọc Linh, Lê Lam...

Cả cuộc đời họa sĩ Bùi Trang Chước là một hành trình sáng tạo không mệt mỏi, không màng đến lợi danh, là biểu tượng cho sự dâng hiến hết mình của người nghệ sĩ. Ông luôn làm việc miệt mài không quản ngày đêm, cả khi lên chiến khu khó khăn thiếu thốn đủ bề ông vẫn làm việc, vẫn sáng tạo. Đêm nào ông cũng thức làm việc đến khuya. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Thục thường thức cùng để quạt đuổi muỗi cho chồng ngồi vẽ. Họa sĩ Bùi Trang Chước mồ côi cha mẹ từ thuở còn hoa niên, phải tự bươn chải kiếm sống và ăn học, lại lập gia đình sớm và đông con, cuộc sống rất vất vả nhưng theo ký ức của chị Bùi Minh Thủy, ông không bao giờ kêu ca, phàn nàn, luôn là người kiên định, mực thước, sống giản dị, tiết kiệm và yêu thương mọi người. "Bố là người kiệm lời, ít răn dạy chúng tôi phải thế này, thế kia nhưng chính cuộc đời ông, lối sống và nhân cách của ông đã là tấm gương để chúng tôi noi theo. Cha tôi sống âm thầm, lặng lẽ với cây bút vẽ trên tay. Ông không bao giờ màng đến danh tiếng mà chỉ biết làm việc. Ông thường dạy chúng tôi rằng: Không nên nói nhiều mà hãy trả lời bằng những việc làm của mình…" - Chị Thủy vẫn chưa hết ngậm ngùi khi nhắc đến cha mình.

Bản tính từ tốn, nghiêm ngắn của người nghệ sĩ cùng với sự "cả nể", ngại ngần nên mãi cho đến gần cuối đời ông mới viết lại câu chuyện về hành trình "Tôi vẽ Quốc huy" với mục đích để con cháu sau này biết được những việc làm của cha mình. Bức thư và 15 mẫu vẽ Quốc huy được lựa chọn của họa sĩ Bùi Trang Chước cùng với các tài liệu khác có liên quan đã được Viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định cùng với một hội đồng các nhà chuyên môn được thành lập để xác định ai là tác giả đích thực của Quốc huy đã được Cục bản quyền (Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch) tổ chức với sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức và các cơ quan công luận trong một thời gian khá dài đã khiến nhiều cơ quan có trách nhiệm phải vào cuộc.

Sau khi họa sĩ Bùi Trang Chước qua đời (năm 1992), chị Bùi Minh Thủy cùng các thành viên trong gia đình, bạn bè và học trò của cha đã có hàng chục năm "nỗ lực đấu tranh" với mục đích công lao to lớn của cha mình phải được ghi nhận. Đến tháng 9-2004, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có công văn chính thức thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tác giả Quốc huy Việt Nam, trong đó có đoạn: "Mẫu Quốc huy là một cống hiến chung của giới Mỹ thuật Cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước - người đã vẽ những mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện và họa sĩ Trần Văn Cẩn - người đã chỉnh sửa hoàn thiện mẫu Quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt". Những tưởng là sau khi sự việc đã rõ ràng như vậy, thì những cống hiến của một họa sĩ tài năng sẽ được bù đắp, được vinh danh. Nhưng đến nay, những đóng góp to lớn của ông cho nền văn hóa văn nghệ nước nhà vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ so với nhiều bạn bè, đồng nghiệp. Mặc dù ông từng được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba (năm 1961), Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1988), nhưng với người làm công tác nghệ thuật như họa sĩ Bùi Trang Chước, mọi sự đâu phải chỉ có thế… Hình như với ông, chúng ta vẫn còn thiếu sót…

Hà Anh
.
.
.