Chuyện kể của người nhiều lần vào vai Lênin

Thứ Ba, 15/05/2007, 10:00
M. Ulyanov là một trong những diễn viên và đạo diễn nổi tiếng nhất của sân khấu và điện ảnh Nga, là Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô, người đoạt giải thưởng Lênin và giải thưởng Nhà nước của Liên Xô (ông vừa qua đời tại Moskva ngày 26/3/2007).

M. Ulyanov từng được mời tham gia vai Lênin trong phim “Phác thảo bức chân dung”, các vở kịch “Hòa bình ở Brest” và “Người cầm súng”. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 137 ngày sinh của V.I. Lênin (22/4/1870 – 22/4/2007), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài trả lời phỏng vấn của ông xoay quanh việc thể hiện hình tượng vị lãnh tụ vĩ đại.

- Vở kịch “Người cầm súng” của nhà văn Pogodin được dàn dựng vào dịp kỷ niệm 10 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Lúc đó vai Lênin do nghệ sĩ vĩ đại Boris Shchukin thể hiện. Ông nhận xét gì về vai diễn này?

+ Tất nhiên, trước Shchukin đã có nhiều nghệ sĩ thể hiện nhà lãnh đạo trên sân khấu và điện ảnh, nhưng hình thức tái hiện Lênin thành công và dễ chấp nhận nhất được bắt đầu từ chính Shchukin. Vở kịch thu được thành công vang dội.

Ví dụ, khi Lênin bước ra từ phía sau điện Smolnyi (từ trong sân khấu) với dáng đi mạnh mẽ, dứt khoát, cả nhà hát đứng dậy vỗ tay hoan hô không ngớt. Sau khi Shchukin qua đời, trong ký ức mọi người Lênin vẫn giống như hình tượng do Shchukin tạo nên: giàu thiện cảm, hồn nhiên và rất con người.

Sau Shchukin hình tượng Lênin được các nghệ sĩ Rappoport và Nicolay Plonikov thể hiện, còn vào những năm 80 vai này do tôi đảm nhận. Thú thực, tôi không thích cách thể hiện hình tượng Lênin của những người tiền nhiệm.

- Nghĩa là ông không thích tính sơ lược của nó?

+ Tôi chẳng những không thích tính sơ lược của hình tượng Lênin mà còn cả sự mủi lòng mà nó đã tạo ra. Có quá nhiều những diễn viên phát âm ngọng chữ “r”, chém mạnh tay vào không khí và đi những bước hấp tấp. Vả lại, một con người nhiệt huyết nhất được lưu danh trong lịch sử như Lênin không thể luôn luôn nói năng bỗ bã kiểu: “Này, các bố có biết không?”...

- Liệu việc dàn dựng các vở kịch về Lênin có được chỉ đạo từ “trên” xuống không?

+ Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lênin (1970) trong kịch mục của tất cả các nhà hát đều phải có một vở về V.I. Lênin. Thời gian này tôi đang đóng vai Lênin trong bộ phim của Leonid Pchelkin. Bộ phim năm tập này được xây dựng trên cơ sở các tư liệu ký sự.

Tuy nhiên, khi chúng tôi quay xong tập bốn thì nó bị cấm vì những lý do khó hiểu. Về sau tôi mới biết rằng phim của chúng tôi không thể hiện đúng hình tượng Lênin cần thiết lúc bấy giờ.

Rất may là một đạo diễn ở đài truyền hình vẫn còn giữ lại bộ phim và sau này nó đã được trình chiếu rộng rãi. Tuy nhiên, muộn mất 20 năm.

- Có điều gì bất cập trong bộ phim của ông?

+ Đơn giản là trong một tập của bộ phim với tên gọi “Tuổi của dân ủy”, khi trò chuyện với Bonch-Bruevich (nhà hoạt động của Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô), Lênin nói rằng, việc tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày sinh của Người là không cần thiết.

Như vậy là bất cập rồi. Cả đất nước đang tưng bừng kỷ niệm ngày sinh của lãnh tụ trong khi chính Người lại phản đối điều đó. Thú thực, khi thể hiện hình tượng Lênin tôi không đặc biệt chú trọng những thói quen bên ngoài, mà chủ yếu quan tâm tới những dằn vặt nội tâm của Người.

Thật buồn cười khi vào dịp chuẩn bị lễ kỷ niệm ngày sinh của Lênin trong nhà ăn của xưởng Mosfilm có hàng chục ông “Lênin” và “Stalin” hóa trang đứng xếp hàng chờ ăn cơm.

Một lần đạo diễn Sergey Gerasimov nói: “Có một câu chuyện kỳ lạ trong nghệ thuật của chúng ta. Không một đạo diễn nào tìm được  diễn viên đóng vai Chatskiy (nhân vật chính trong vở kịch “Đau khổ vì trí tuệ” của Griboedov),  còn vai Lênin thì rất nhiều. Phải chăng  Lênin là nhân vật dễ thể hiện nhất trong lịch sử nhân loại?”...

- Xin ông cho biết vài mẩu chuyện thú vị khi đóng vai Lênin?

+ Có một chuyện không biết thú vị đến mức nào, nhưng tôi cảm thấy nó thật sự phi lý. Một lần, có vị đại diện của quận ủy nọ gọi điện thoại đến cho tôi và nói: “Thưa ông Mikhail Aleksandrovich, chúng tôi muốn mời ông đến phát biểu trước toàn thể công nhân”. “Thế tôi phải làm gì?” - Tôi hỏi.

“Chúng tôi tổ chức đại hội thanh niên lao động tiên tiến, vì vậy mời ông đến và chúc mừng các đại biểu theo bức thư do Lênin viết”. Tôi không hiểu và hỏi: “Trong vai Lênin ư?”. “Chính thế, chính thế” - Ông ta nói. “Thế là thế nào? - Tôi nổi nóng - Cả hội trường ngồi chật kín những con người hiện đại, bỗng tôi trong vai Lênin bước ra từ cánh gà và nói “Xin chào, các đồng chí”?

Người ta sẽ phản ứng với tôi như thế nào? Trong nhà hát là chuyện khác, ở đấy có những điều kiện của sân khấu và khán giả, còn ở đây là phòng hội nghị”. Nói chung đã xảy ra một cuộc tranh cãi gay gắt.

- Thưa ông, các vị lãnh đạo cấp cao có đến xem các vở kịch về Lênin không?

+ Trong thời gian dàn dựng vở “Hòa bình ở Brest”, M. Gorbachov có đến thăm. Ông ta không nhất trí với nhiều cảnh, nhưng dịp đó đang là thời kỳ cải tổ nên Gorbachov chỉ phát biểu quan điểm của mình thôi.

- Đóng vai Lênin ông có được hưởng ưu đãi gì không?

+ Ngoài tiền diễn xuất ra tôi không được nhận gì thêm

.
.
.