Chuyện ít biết về người Mẹ của nghệ sĩ tài danh Đặng Thái Sơn

Thứ Năm, 09/03/2017, 08:01
Đại gia đình của nghệ sỹ Thái Thị Liên thực sự là cái nôi của nghệ thuật, của âm nhạc, cụ thể là Piano. Chính con gái bà, GSTS, nhà giáo nhân dân  nghệ sỹ Piano nổi tiếng Trần Thu Hà đã tâm sự: "Âm nhạc, hay cụ thể là Piano là tình yêu, khát vọng, lý tưởng của đại gia đình chúng tôi. Cả  nhà tôi đã cống hiến trọn đời cho âm nhạc vì nó là tất cả lẽ sống mà chúng tôi theo đuổi…".


Nghệ sỹ Piano bậc thầy Thái Thị Liên sinh ra  trong một gia đình có bảy người con, một gia đình giàu có, nổi tiếng ở phía Nam. Bà có một người anh trai mà tên tuổi còn lưu danh là luật sư Thái Văn Lung đã bị thực dân Pháp bắt và giết năm 1946. 

Chị ruột của bà, Thái Thị Lang cũng là một nghệ sỹ Piano danh tiếng một thời. Bố của nghệ sỹ Thái Thị Liên là cụ Thái Văn Lân, một trong những kỹ sư điện đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Pháp. Cụ làm việc ở Công ty Điện lực Đông Pháp, có quốc tịch Pháp, với cái tên Alexis TVLân. Trong việc giáo dục con, cụ tiếp thu nền giáo dục văn minh phương Tây, cụ thể là nền văn minh Pháp. Cụ Thái Văn Lân rất thích tranh của Picasso. Cụ khuyến khích các con đọc sách, chơi đàn, vẽ. Cụ tạo mọi điều kiện để các con phát triển toàn diện. 

Cả bảy người con của cụ đều được học đàn từ nhỏ. Lên 4 tuổi, nghệ sỹ Thái Thị Liên đã được học đàn Piano. Nhưng, theo TS Trần Thanh Bình, mẹ anh, bà Thái Thị Liên chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ ông bà ngoại. Bà ngoại của Nghệ sỹ Thái Thị Liên là cụ Kha Vạn Lấm (cô ruột của cố bộ trưởng Kha Vạn Cân). Dòng họ Kha Vạn nổi tiếng tài danh và giàu có ở Nam Bộ. 

Cụ Kha Thị Lấm là người yêu âm nhạc; cụ tiếp thu nền giáo dục của văn minh phương Tây vừa kết hợp với truyền thống dạy con cháu ngàn đời của người Việt Nam. Cụ dạy  "Công dung ngôn hạnh" cho cô cháu gái Thái Thị Liên và các cháu gái khác của cụ.  Cụ hay kể các tích như "Lục Vân Tiên"; "Phạm Công Cúc Hoa"; "Thạch Sanh" cho các con, các cháu nghe. Cụ hát ru con,  ru cháu những bài hát ru Nam Bộ. 

Nghệ sỹ Thái Thị Liên thường kể cho các con nghe chuyện bà ngoại đã hát ru những làn điệu dân ca Nam Bộ thấm đẫm tình người, tình đời. Chính những làn điệu dân ca này đã ngân lên trong suốt cuộc đời người nghệ sỹ tài danh Thái Thị Liên. Chị ruột của nghệ sỹ Thái Thị Liên là nghệ sỹ Piano nổi tiếng Thái Thị Lang - người Việt Nam đầu tiên biến tấu dân ca Nam Bộ, bài "Lý ngựa ô" cho đàn Piano. 

TS Trần Thanh Bình kể rằng, chính mẹ anh, nghệ sỹ Thái Thị Liên cũng đã biến tấu những bài hát ru con theo điệu dân ca Nam Bộ cho đàn Piano. "Khi anh em tôi còn nhỏ, mẹ tôi ngoài đàn Piano còn hát ru anh em chúng tôi bằng những làn điệu dân ca, những bài hát ru con Nam Bộ. Chú Sơn (Đặng Thái Sơn) cũng được nghe như thế, nó thực sự thấm vào máu thịt chúng tôi".

Nghệ sỹ Thái Thị Liên và NSND Đặng Thái Sơn.

Nghệ sỹ Piano Thái Thị Liên sinh năm 1918 tại Chợ Lớn (Sài Gòn). Bà sang Pháp du học và thi đỗ vào Conservatoire Paris. Tại Pháp, bà gia nhập Liên đoàn phụ nữ Dân chủ thế giới. Những ngày ở Pháp, bà đã gặp và kết hôn với ông Trần Ngọc Danh, lúc đó là Trưởng đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Pháp. Ông Trần Ngọc Danh - đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên - từng tốt nghiệp Đại học Phương Đông (Liên Xô cũ) chính là em ruột của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. 

Năm 1948, bà Thái Thị Liên theo chồng chuyển đến sống tại Praha (Tiệp Khắc cũ). Bà là người Việt Nam đầu tiên có bằng đại học tại Nhạc viện danh tiếng Praha. Sau khi sinh con gái đầu lòng Trần Thu Hà (sinh năm 1949), bà cùng chồng về sống ở chiến khu Việt Bắc. Bà dạy ký xướng âm cho đoàn văn nghệ, đôi khi chỉ huy dàn hợp xướng. Chồng bà, ông Trần Ngọc Danh nhà cách mạng lão thành - nhiều năm bị thực dân Pháp bắt đi tù ở Côn Đảo mất vì bệnh lao khi bà mang thai đứa con thứ hai là Trần Thanh Bình.

Nghệ sỹ Thái Thị Liên cùng nhạc sỹ Lưu Hữu Phước sang Thượng Hải thu thanh những đĩa nhạc đầu tiên của Việt Nam. Năm 1955, bà cùng bảy nghệ sỹ (Tạ Phước, Lê Yên, Tô Vũ, Doãn Mẫn, Vũ Đức Tuân…) lập nên trường âm nhạc Việt Nam (Sau này là Nhạc viện Hà Nội). Bà trở thành chủ nhiệm khoa Piano đầu tiên của Nhạc viện cho đến khi nghỉ hưu (năm 1980). Bà cũng là một trong những người đầu tiên có mặt ở Đoàn Ca múa nhạc Nhân dân Trung ương (tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).

Sau khi ông Trần Ngọc Danh mất, bà đi bước nữa với nhạc sỹ, thi sỹ Đặng Đình Hưng. Năm 1958, bà sinh thêm Đặng Thái Sơn. Đã chăm lo, nuôi nấng, dạy dỗ ba người con của mình và người con riêng của nhạc sỹ Đặng Đình Hưng. Sau này cả Trần Thu Hà, Đặng Thái Sơn và Đặng Hồng Quang (người con riêng của nhạc sỹ Đặng Đình Hưng) đều trở thành những nghệ sỹ Piano nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình "Danh gia vọng tộc", từ nhỏ nghệ sỹ Thái Thị Liên đã được nuôi dạy, giáo dục toàn diện, từ học đàn, học vẽ, học nữ công gia chánh… Trong một lần trả lời báo The Washington Post, bà Thái Thị Liên, một nhà sư phạm lỗi lạc, nghệ sỹ bậc thầy Piano đã khiêm tốn nói rằng tiếng Anh-Mỹ của bà chưa chuẩn lắm, bà đề nghị phóng viên hỏi bằng tiếng Việt,  tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Ba Lan hoặc tiếng Séc. 

Trong bài phỏng vấn này, bà đã thổ lộ đôi điều về truyền thống giáo dục của gia đình bà, bà nói rằng bố bà khuyến khích các con yêu nghệ thuật… Nghệ sỹ Piano bậc thầy Thái Thị Liên có ba người con đều học hành đỗ đạt, đều thành danh, đều là những công dân gương mẫu.

Trần Thu Hà, sinh năm 1949, tốt nghiệp nhạc viện danh tiếng Tchaikovsky (Nga), là giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo nhân dân, nguyên giám đốc nhạc viện Hà Nội. Trần Thanh Bình sinh năm 1952, tốt nghiệp đại học kiến trúc ở Kiev, nghiên cứu sinh về kiến trúc ở Moskva (Liên Xô cũ). 

TS Trần Thanh Bình nhiều năm là Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo). Và nghệ sỹ Piano tài danh Đặng Thái Sơn sinh năm 1958, người châu Á đầu tiên đoạt giải thưởng danh giá Chopin. Đặng Thái Sơn tốt nghiệp nhạc viện Tchaikovsky, là người Việt Nam trẻ nhất được phong NSND năm 26 tuổi. Nhiều năm qua, NSND Đặng Thái Sơn được mời dạy tại nhạc viện Kumitachi (Nhật Bản). 

Tại Gala kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhạc sỹ thiên tài Chopin, NSND Đặng Thái Sơn là một trong ba nghệ sỹ toàn cầu được chọn biểu diễn (cùng với Lý Vân Địch người Trung Quốc và Garrick Ohesson, người Mỹ). Hiện nay, NSND Đặng Thái Sơn được mời dạy tại đại học Montreal (Canada).

Trò chuyện với tôi tại nhà riêng, TS Trần Thanh Bình cho biết, mẹ anh dạy các con tình yêu nghệ thuật, cả nhà sống trong môi trường âm nhạc. Nhưng, bà không áp đặt, buộc các con phải làm thế này, thế khác. Bà tôn trọng ý nguyện, sở thích của các con. Ai thích âm nhạc, say mê âm nhạc thì học, mà đã học thì phải học thật giỏi, phải say mê đến cùng. 

Bà rất muốn con gái Trần Thu Hà học đàn tranh, nhưng Trần Thu Hà thích học Piano, bà cũng tạo mọi điều kiện cho con gái học Piano. Bà khuyến khích các con học đàn, học vẽ  từ nhỏ. Lên 4 tuổi, Đặng Thái Sơn đã được mẹ dạy học đàn. Đặng Thái Sơn mê mải bên những phím đàn từ khi chưa học chữ. Cả khi Đặng Thái Sơn tham gia cuộc thi âm nhạc quốc tế Chopin, bà cũng sang tận Ba Lan làm phiên dịch cho con.

"Mẹ tôi là một người Tây học hoàn toàn, nhưng từ nhỏ đã được nuôi dưỡng trong một gia đình truyền thống nên rất am hiểu truyền thống của người Việt Nam. Mẹ tôi là người yêu thích nghệ thuật phương Tây, khuyến khích các con tình yêu nghệ thuật, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, bà dạy chúng tôi cách thức làm người sống ngay thẳng, khí khái, đàng hoàng, trung thực, biết thương người, tránh xa mọi bon chen, xa lạ với mọi sự phù phiếm…" - TS Trần Thanh Bình thổ lộ.

Trả lời phỏng vấn một tờ báo, NSND Đặng Thái Sơn nói: "Trước đây, mẹ tôi đã giúp tôi rất nhiều, nhưng nay mẹ tôi đã ngoài chín mươi tuổi, nên mình phải biết làm nhiều thứ, thế nên tôi cũng biết đi chợ, mua các thức ăn, đồ uống… Mẹ tôi cũng là người rất thích nhạc Chopin, khi còn đi sơ tán trong những đêm yên tĩnh, trong bóng tối, mẹ tôi chơi đàn dưới ngọn đèn dầu, tôi nghe và yêu thích từ đấy. Cho đến Concour Chopin năm 1970, mẹ tôi mới được mời làm khách tham dự, nhờ chuyến đi ấy của mẹ mà tôi mới có sách, có đĩa để học… Hai mẹ con chúng tôi luôn ở bên nhau, trong suốt quãng đời vừa qua của mình, cho đến giờ tôi mới chỉ xa mẹ một lần 3 năm khi tôi ở bên Nga…".

Đại gia đình của nghệ sỹ Thái Thị Liên thực sự là cái nôi của nghệ thuật, của âm nhạc, cụ thể là Piano. Chính con gái bà, GSTS, nhà giáo nhân dân  nghệ sỹ Piano nổi tiếng Trần Thu Hà đã tâm sự: "Âm nhạc, hay cụ thể là Piano là tình yêu, khát vọng, lý tưởng của đại gia đình chúng tôi. Cả  nhà tôi đã cống hiến trọn đời cho âm nhạc vì nó là tất cả lẽ sống mà chúng tôi theo đuổi…".

Không phải ngẫu nhiên mà đất nước Việt Nam có được một tài năng âm nhạc như NSND Đặng Thái Sơn, người đã góp phần làm rạng danh đất nước chúng ta trên trường quốc tế. Ngoài khả năng thiên phú và những ảnh hưởng về âm nhạc của người cha, nhạc sỹ, thi sỹ Đặng Đình Hưng như có lần Đặng Thái Sơn đã tâm sự với báo chí, thì việc giáo dục của gia đình, và giáo dục ở những trường học danh tiếng, việc quan tâm, chăm sóc  dạy dỗ của người mẹ, nghệ sỹ bậc thầy Thái Thị Liên là vô cùng quan trọng, gần như góp phần quyết định đến tài năng, nhân cách của NSND Đặng Thái Sơn. Nghệ sỹ Thái Thị Liên đã dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật, cho việc nuôi dạy các con, các cháu của bà trở thành những nghệ sỹ tài danh, những người sống có ích cho gia đình và xã hội, nối tiếp truyền thống những bậc tiền nhân trong dòng tộc nổi tiếng của bà.

Dương Kỳ Anh
.
.
.