Cần khôi phục Tiểu thuyết “Tắt đèn” đúng như nguyên tác

Thứ Sáu, 20/10/2006, 14:30

Hầu hết các sách “Tắt đèn” in ra sau này đều có sai lệch so với cấu trúc của nguyên tác. Nhiều ngôn từ, nhiều phần câu… tác giả viết trong nguyên tác “Tắt đèn” đã bị biên tập làm sai lệch đi, thậm chí sai đến ngớ ngẩn và trở nên vô nghĩa. Nghiêm trọng hơn là nhiều chỗ trong tiểu thuyết đã bị cắt xén.

Tiểu thuyết “Tắt đèn” là một tác phẩm thành công nhất và có giá trị nhất của Ngô Tất Tố, là một trong các tác phẩm xuất sắc nhất trong dòng văn học hiện thực của nước ta giai đoạn 1930-1945.

Sau các lần in thành sách đầu tiên (năm 1939 và năm 1952), hầu hết các lần tái bản “Tắt đèn” tiếp theo của các nhà xuất bản trên cả nước, từ các địa phương đến các nhà xuất bản lớn ở trung ương, đều thấy có những sai lệch khi đem đối chiếu với nguyên tác các lần xuất bản đầu tiên mới tìm thấy của tiểu thuyết “Tắt đèn”.

Điều đáng chú ý là những sai lệch hầu như rất giống nhau như vậy đã lặp lại suốt mấy chục lần tái bản “Tắt đèn” nửa thế kỷ qua, bởi lẽ lần tái bản sau cứ tiếp tục dựa vào nội dung vốn đã có nhầm lẫn trước đấy mà sao chép in lại và không ai thẩm định, chỉnh sửa.         

Tháng 9 năm 1936, trên báo Tương lai xuất hiện truyện ngắn “Một ổ chó và một đứa con” đứng tên Thôn Dân, một bút danh của Ngô Tất Tố.

Trên báo Việt nữ, từ số 1 ngày 1/8/1937 đến số 10 ngày 8/10/1937, đã đăng liên tiếp nội dung “Tắt đèn” có ghi rõ là “tiểu thuyết xã hội của Ngô Tất Tố”.

Đầu năm 1939, Nhà xuất bản Mai Lĩnh, lần đầu tiên in “Tắt đèn” thành sách, trong bài Giới thiệu ghi ngày 25/1/1939, in ngay đầu sách, Vũ Trọng Phụng viết: “Tắt đèn” là một thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội, một áng văn có thể gọi là kiệt tác tòng lai chưa từng thấy” và khẳng định: không ai khác, chính Ngô Tất Tố là người có “đủ tư cách” và “đủ thẩm quyền” để viết “Tắt đèn”.

Bạn đọc và giới nghiên cứu… thường tiếp cận toàn văn lời giới thiệu này đăng trên báo Thời vụ số 100 ngày 31/1/1939 mà ít biết rằng: người trực tiếp viết lời giới thiệu sách in lần đầu tiểu thuyết đầu tay của Ngô Tất Tố chính là Vũ Trọng Phụng.

Năm 1952 “Tắt đèn” đã được Nhà xuất bản Mai Lĩnh cho tái bản nhưng sách không in lại phần Giới thiệu của Vũ Trọng Phụng.

“Tắt đèn” được tái bản lần thứ ba - năm 1955 và lần thứ tư - 1957 với lời giới thiệu tâm huyết của nhà văn Nguyên Hồng. Năm 1960 Nhà xuất bản Văn hóa thuộc Viện Văn học tái bản “Tắt đèn” lần thứ năm. Năm 1962, “Tắt đèn” lại tái bản với lời giới thiệu đặc sắc và uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân. Năm 1973, giữa Sài Gòn, Tạp chí Văn in truyện ngắn “Người hay chó” trích từ “Tắt đèn”. Năm 1976, Nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng cho tái bản ngay “Tắt đèn”….

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, “Tắt đèn” được gần 30 nhà xuất bản trong Nam ngoài Bắc và nước ngoài đã xuất bản, tái bản gần 60 lần, lần in nhiều nhất tới 5 vạn (1977) hoặc 8 vạn bản (năm 1984). “Tắt đèn” là tiểu thuyết sớm được dịch ra tiếng nước ngoài. “Tắt đèn” được dịch sang tiếng Nga (1958), tiếng Pháp (1959), tiếng Anh (1960) và tiếng Hung-ga-ri (1984).         

Nguyên tác các lần in năm 1939 và 1952, nội dung “Tắt đèn” viết thành 27 phần, được ghi theo thứ tự bằng chữ số và tác giả không đề thành chương trước các chữ số.

Hầu hết các sách “Tắt đèn” in ra đều có sai lệch so với cấu trúc của nguyên tác là ghép phần 13 với phần 14, phần 17 với phần 18 như sách “Tắt đèn” qua nhiều lần tái bản của các nhà xuất bản như: Văn học (hơn 20 lần), Kim Đồng (7 lần), Giáo dục (6 lần), Hội Nhà văn (6 lần), Văn hóa - Thông tin, Tổng hợp Đồng Nai, Tổng hợp Đà Nẵng, Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Giải phóng, Tổng hợp Đồng Tháp,… thậm chí còn ghép thêm cả phần 4 với phần 5 như sách in “Tắt đèn” mới đây của Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Việt (2006). Một số sách tái bản lại thêm chữ chương vào trước các chữ số của từng phần là điều không có trong nguyên tác.

Nhiều ngôn từ, nhiều phần câu… tác giả viết trong nguyên tác “Tắt đèn” đã bị biên tập của hàng loạt nhà xuất bản làm sai lệch đi, thậm chí sai đến ngớ ngẩn và trở nên vô nghĩa. Nghiêm trọng hơn là nhiều chỗ trong tiểu thuyết đã bị cắt xén, nhất là những phần tác giả viết về sự chống đối quyết liệt, gìn giữ nhân cách của chị Dậu trước hành vi đồi bại của lão Phủ Tư Ân và quan cố...

Những thế hệ học sinh phổ thông, các lớp độc giả đã từng cắp sách tới trường… gần nửa thế kỷ vừa qua ở nước ta đều biết đến tác phẩm “Tắt đèn” và tác giả Ngô Tất Tố.

“Tắt đèn” đã ra đời giữa làng quê và ở tòa soạn báo ngoài Hà Nội. Ngôi nhà tác giả viết “Tắt đèn” tại quê hương đã không còn từ gần năm mươi năm nay. Trên nền đất của ngôi nhà xưa đã xây dựng trang trọng nơi thờ tự và cách đấy không xa là nơi yên nghỉ của tác giả “Tắt đèn”. Một công trình tự nguyện nhằm gìn giữ sự nghiệp sáng tác của tác giả, phục vụ giới nghiên cứu và bạn đọc đang gây dựng tại Hà Nội.     

Các quy định về bảo hộ “vô thời hạn”, “sự toàn vẹn của tác phẩm”, “không cho sửa chữa cắt xén… tác phẩm” thuộc quyền nhân thân của quyền tác giả đòi hỏi phải khôi phục và sớm tái bản chính xác tiểu thuyết “Tắt đèn” theo ngôn từ, cách hành văn và cấu trúc toàn truyện đúng như nguyên tác, đồng thời nêu lại cho rõ, sửa lại cho đúng những sai lệch của một bộ phận những người biên tập, những nhà nghiên cứu phê bình văn học khi làm sách “Tắt đèn” trong mấy chục năm vừa qua

.
.
.