Cách mạng Tháng 8 và sự hồi sinh của người cầm bút

Thứ Hai, 24/09/2007, 14:51
Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám diễn ra đến nay đã được 62 năm. Những chàng trai hăm hở lao vào dòng thác cách mạng hôm nào giờ nếu còn cũng đã bước qua tuổi thất thập.

Đội ngũ tuy vợi đi nhiều nhưng mỗi dịp đài, báo cần thì vẫn tìm được nhân chứng cho các cuộc phỏng vấn. Và tôi hình dung ra cảnh tượng 5-10 năm nữa. Có lẽ đến lúc đó, thay vì các cuộc phỏng vấn "người thực việc thực" chỉ còn ý kiến của các bậc hậu sinh về sự kiện lịch sử trọng đại này thôi.

Bất giác trong tôi nảy ra một câu hỏi: Vậy thì đến lúc ấy, giá trị toàn diện của cuộc cách mạng có bị hao hụt đi không?

Sở dĩ tôi nghĩ tới điều này là vì, không nói đâu xa, chỉ là chuyện xảy ra trong giới văn: Không hiểu tự bao giờ cứ ngầm len lỏi một dòng suy nghĩ… trái chiều (thậm chí đây đó nó còn được công khai trên sách báo), rằng thì kể từ ngày tham gia cách mạng, một số văn sĩ lừng danh thời tiền chiến đã sáng tác ngày một "thụt lùi". Thậm chí những tác giả họ nhằm vào có không ít cây đa cây đề: Nguyễn Công Hoan, Huy Cận, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Xuân Diệu v.v và vv.

Không ai hiểu mình bằng chính những người "trong cuộc". Vậy sự thực các tác giả lớn này đã phát biểu về sự chuyển biến trong bước đường nghệ thuật của mình từ khi gặp được ánh sáng cách mạng ra sao? Xin trích ra đây một số ý kiến cùng lời bộc bạch, tâm sự của họ để bạn đọc dễ bề xác định đúng - sai.

Trước ý kiến cho rằng tác giả "Thi nhân Việt Nam" từ ngày đi với cách mạng không sáng tác được những tác phẩm "tương đối có một tầm giá trị sâu rộng" như những tác phẩm ông đã sáng tác trong thời tiền chiến, nhà phê bình Hoài Thanh- với bút tích in ở đầu "Tuyển tập Hoài Thanh" (NXB Văn học, 1982) đã cho rằng đó là cách "nói liều", "nói ngược" và khẳng định từ ngày gặp cách mạng, ông đã "không còn tự giam mình trong những góc trời hiu hắt, đã có đủ trí tuệ và dũng khí để băng mình vào giữa cuộc sống bao la, kỳ diệu, giữa rừng cây đời mãi mãi xanh tươi".

Ở đây, cũng cần nói thêm, không ai phủ nhận "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân không phải là một tác phẩm "để đời", song tỉnh táo mà suy xét thì kể từ sau cách mạng, cảm quan nghệ thuật của Hoài Thanh được nâng lên nhiều. Biên độ cảm xúc của ông cũng rộng mở hơn.

Cũng tương tự Hoài Thanh, đã hơn một lần Chế Lan Viên khẳng định ý nghĩa của cách mạng đối với sự nghiệp thơ ca của mình. "Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi"- một bài thơ của Chế Lan Viên đã có tiêu đề như vậy.

Thậm chí, viết "Lời bạt" cho Tuyển tập của bạn thơ Tế Hanh, ông cũng khẳng định nhờ có cách mạng mà thơ Tế Hanh đã tiến được một bước xa và so với những bài thơ "Quê hương", "Những ngày nghỉ học" - được xem là những bài thơ tiêu biểu của Tế Hanh trước cách mạng - thì sau này "Tế Hanh đã có gấp 10 lần, 20 lần những bài thơ hay trên mức "Quê hương" và "Những ngày nghỉ học".

Hơn thế, cũng theo Chế Lan Viên "nhờ có cách mạng, nhờ có nhân dân, Tế Hanh đã đem một chất mới cho bản thân mình, riêng của mình, rất Tế Hanh".

Nhà văn Nguyễn Công Hoan - người vốn dĩ được xem là sự nghiệp sáng tác cơ bản đã hoàn tất từ trước Cách mạng Tháng Tám, trong cuốn hồi ký "Đời viết văn của tôi" cũng tiết lộ: "Đời viết văn của tôi, cho đến năm 1943, có thể gọi là tàn tạ, sắp chết".

Giữa lúc ấy thì cách mạng đến. Nguyễn Công Hoan hân hoan thông báo: "Cách mạng Tháng Tám đến đã cứu sống tôi. Cách mạng Tháng Tám giải phóng cho gia đình tôi, đồng thời, giải phóng cho ngòi bút viết tiểu thuyết của tôi".

Thế là, mặc dù tuổi đã ngoài bốn mươi, nhà văn bỗng cảm thấy mình trở nên sung sức lạ. Ông lao vào công tác và viết. Nếu như trước cách mạng, tiểu thuyết của ông đa phần là ngắn, chỉ chừng 100, 200 trang, thì bây giờ, ông đã có thể viết bộ tiểu thuyết "Đống rác cũ" lên tới trên nghìn trang.

Với các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Tuân, Xuân Diệu cũng vậy. Chẳng khó khăn gì chúng ta không tìm thấy ở họ những bài tụng ca, tri ân cách mạng. Với họ, Cách mạng Tháng Tám như một luồng gió mới, khơi thông tâm hồn đang bế tắc, tù đọng...

Thậm chí, như nhà văn Nguyễn Tuân viết, cách mạng đã giúp ông "lột xác". Còn Xuân Diệu, trong bài viết về thơ Huy Cận ít ngày trước khi mất, đã khẳng định: "Phải nói rằng sự giác ngộ cách mạng, đời sống hiện thực, cụ thể và hơi sống quảng đại quần chúng nhân dân làm ra lịch sử, đối với chúng tôi, lứa thi sĩ từng làm thơ trước Cách mạng Tháng Tám, đã tái tạo, tái sinh chúng tôi".

Nhắc lại những điều này trong bối cảnh chúng ta đang tưng bừng kỷ niệm ngày lễ trọng của dân tộc, chúng tôi chỉ muốn khẳng định một điều: Sự thật lịch sử chỉ có một. Bởi vậy, khi nhắc tới nó phải có cái nhìn trung thực, thỏa đáng. Và không gì ý nghĩa hơn là lắng nghe ý kiến của chính người trong cuộc, những người đã tắm mình và bước ra từ cuộc cách mạng đó

Phạm Thành Chung
.
.
.