nghệ sĩ Lưu Huyền Trang: Duyên nợ từ cái tên

Thứ Năm, 03/06/2021, 12:56
Không hiểu sao khi được nhà văn Nguyễn Thế Hùng giới thiệu về nghệ sĩ Lưu Huyền Trang (diễn viên kịch nói Nhà hát Công an Nhân dân) tôi cứ ngờ ngợ về mối liên hệ giữa chị với nhân vật ni cô Huyền Trang do Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Loan thủ vai trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn” nổi tiếng một thời. Và cảm giác ấy của tôi đã đúng...

 

Năm 1987, khi chị ra đời cũng là lúc bộ phim “Biệt động Sài Gòn” khởi chiếu và cũng vì quá mê nhân vật ni cô Huyền Trang nên bố mẹ đã đặt tên “con gái rượu” là Huyền Trang mà họ không hề nghĩ rằng trong gia đình sẽ có một diễn viên kịch nói. 

Tôi gặp nghệ sĩ Lưu Huyền Trang trong một quán cà phê trên đường Mai Anh Tuấn (Hà Nội), nơi cách cơ quan của chị vài bước chân. Đối diện với tôi là người nghệ sĩ trẻ trung, xinh đẹp, cao ráo và có chiếc răng khểnh duyên dáng. Và khi biết chị đến từ miền gái đẹp Tuyên Quang, tôi buột miệng hỏi: “Trước khi đến với sân khấu kịch nói, chị đã từng tham gia cuộc thi người đẹp nào chưa?”. Chị nhìn tôi cười rồi khẽ lắc đầu. 

Nghệ sĩ Lưu Huyền Trang.

Trước khi trả lời những câu hỏi của tôi, chị có “giao kèo” là không được hỏi về chuyện gia đình và tôi biết chị đã phải mệt mỏi thế nào khi trên một số tờ báo điện tử có đăng tải những bài viết khai thác quá sâu vào đời sống riêng tư của mình. Đối với một người nghệ sĩ chân chính thì họ muốn khán giả biết đến mình qua các vai diễn, chứ không phải qua những thị phi hay những câu chuyện riêng tư… 

Nghệ sĩ Lưu Huyền Trang bảo, chị rất thích câu nói của nhà văn Mỹ Mark Twain: “Hai mươi năm sau lúc này, bạn sẽ thấy thất vọng vì những điều mình không làm hơn vì những điều mình đã làm. Vậy nên hãy tháo nút dây. Hãy cho thuyền rời khỏi bến cảng an toàn. Hãy căng buồm đón gió. Tìm tòi. Ước mơ. Khám phá”. Và khi được hân hạnh trò chuyện cùng chị thì tôi thấy đúng là cuộc đời của chị là một sự dấn thân, một sự đam mê, khát khao đến cháy bỏng với nghệ thuật sân khấu kịch nói, dù trước đó chị chưa hề có ý định trở thành người của công chúng. 

Chị kể, khi học ở Trường THPT chuyên Tuyên Quang, chị học khối C và có ước mơ thi đỗ vào ngành Quản lý văn hóa, Đại học Văn hóa Hà Nội. Thế rồi, một ước mơ nữa lại nhen nhóm trong chị khi trong một giờ chào cờ đầu tuần, chị đã tự biên, tự diễn tiểu phẩm “Thầy bói xem voi” hóa thân vào 5 ông thầy bói với 5 tính cách, giọng nói khác nhau khiến thầy cô, bè bạn hết sức bất ngờ. Và đến chính bản thân chị cũng không nghĩ mình có năng khiếu diễn xuất. 

Ngày chuẩn bị ra trường, trong cuốn sổ lưu bút của lớp thầy cô và các bạn đều trân trọng ghi những dòng chúc, như: “Chúc Trang sau này sẽ trở thành diễn viên nổi tiếng”, hay: “Chúc Trang sẽ trở thành ngôi sao điện ảnh”… Nhờ sự động viên, khích lệ ấy, chị đã đăng ký dự thi thêm ngành Diễn viên sân khấu điện ảnh, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội với tâm thế “cứ thi thử xem sao”. 

Năm ấy, chị cũng đã mang tiểu phẩm “Thầy bói xem voi” dự thi đầu vào và không ngờ được các thầy giáo, như Trần Lực, Lê Mạnh Hùng, Đào Hùng… đánh giá rất cao. Cùng với các phần thi khác thể hiện xuất sắc, chị đã thi đỗ thủ khoa trong sự ngỡ ngàng của gia đình, thầy cô và bè bạn. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chị cũng đã đỗ với số điểm cao, đứng giữa hai sự lựa chọn, cuối cùng niềm đam mê nghệ thuật trỗi dậy khiến chị không còn sự lựa chọn nào khác là ngả mình với nó một cách đắm say.

Trong cuộc trò chuyện với tôi hôm nay, giọng nghệ sĩ Lưu Huyền Trang đôi lúc chùng lại, giọt nước mắt cũng đôi lần rơi khi chị nhớ về những người thầy giáo, cô giáo ở mái trường đại học đã truyền tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật cho mình. Và đặc biệt hiện nay, chị luôn cảm thấy biết ơn đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng vì những vở diễn chị giành huy chương đều là những vở do người thầy này dàn dựng, chỉ bảo tận tình.

Có thể kể đến như vai phạm nhân Duyên trong vở kịch “Không phải là vụ án” giành Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân” lần thứ III - năm 2015, vai Thị Mịch trong vở “Giông tố” giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ II – năm 2016, vai nhà báo Phương Liên trong vở “Bão của hoàng hôn” giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ III – năm 2018.

Nghệ sĩ Lưu Huyền Trang trong vở kịch “Vẫn sống”.

Mỗi vở là một dấu ấn không thể nào quên trong nghiệp diễn của chị. Vở “Giông tố” chính là bước ngoặt đánh dấu sự trở lại của chị sau nhiều năm rời xa ánh đèn sân khấu bởi nhiều lý do. Thị Mịch vốn là cô thôn nữ thùy mị nhưng sau lần bị Nghị Hách cưỡng hiếp và khi phải làm thê thiếp của hắn thì tính cách đã hoàn toàn thay đổi. Vào vai nhân vật có nhiều cảm xúc, tâm trạng trái ngược nhau đã là “mảnh đất màu mỡ” để chị thỏa sức thể hiện tài năng. 

Chị kể, đó là vai diễn mà chị đã mất cả máu, mồ hồi và nước mắt. “Nước mắt là của nhân vật và cũng là nước mắt của chính bản thân tôi. Có hôm diễn những cú ngã quệt đã khiến tôi chảy máu, đau và nước mắt chảy ra. Tôi cũng đã khóc khi chưa diễn tới cảm xúc của nhân vật, bất lực với bản thân mình và khi hoàn thành vai diễn, được người thân, bạn bè tặng hoa chúc mừng trên sân khấu, tôi đã bật khóc vì hạnh phúc, sung sướng”.

Khi được hỏi về những chuyến đi lưu diễn, nữ nghệ sĩ cho biết kỷ niệm nhớ nhất là những buổi diễn trong trại giam cho cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân xem. “Xúc động nhất là những buổi diễn cho phạm nhân nữ, vì những lúc ấy tôi quan sát phía dưới họ đang ôm những đứa con bé bỏng của mình trong lòng. Diễn hài kịch mang tiếng cười của khán giả mà trong lòng tôi đầy những bộn bề cảm xúc. Là một người phụ nữ, đồng thời cũng là người mẹ làm sao tôi không xúc động với những hình ảnh như thế. 

Có hôm diễn xong, tôi ngồi một mình trên ghế đá giữa sân trại giam và nghe có tiếng khóc trẻ con, tôi chợt cảm nhận giá trị của tự do, cảm thấy thương cảm lắm những phận đời, phận người. Từ đó tôi tự nhủ phải cố gắng sống tốt hơn nữa, hoàn thiện bản thân hơn nữa để trở thành chiếc “cầu nối” mang được giá trị mà các tác giả truyền tải qua các vở kịch đến với đông đảo khán giả”, nữ nghệ sĩ trải lòng.

Sau hơn chục năm với nghề diễn đã cho chị được trải nghiệm cuộc đời qua nhiều dạng nhân vật, được tìm hiểu tính cách, cảm xúc của từng nhân vật có số phận khác nhau. Theo chị để trở thành một nghệ sĩ sân khấu kịch nói giỏi thì người diễn viên phải thật sự yêu, đam mê nghề, phải trăn trở từng ngày, phải “sống” cùng nhân vật qua các vở diễn. Cùng với đó là phải chịu khó nghiên cứu tìm hiểu, tính cách của nhân vật và nhất là phải chịu khó quan sát, học hỏi, luôn phải trau dồi kinh nghiệm để hoàn thành tốt mọi dạng vai diễn, nhất là vai diễn mà nhân vật đa tính cách.

Nghệ sĩ Lưu Huyền Trang luôn cảm thấy tự hào, may mắn khi là một nghệ sĩ, chiến sĩ trong lực lượng Công an Nhân dân, được tôi luyện trong môi trường có kỷ cương, kỷ luật từ những việc nhỏ nhất như giờ giấc, tác phong sinh hoạt. Khoác trên mình bộ quân phục cũng luôn nhắc nhở chị phải có những phát ngôn, hành động chuẩn chỉ, nghiêm túc, phù hợp với ngành để hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân luôn đẹp đẽ trong lòng khán giả. Cũng bởi điều đó, chị muốn được cống hiến cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc những vở kịch chất lượng, mang thông điệp nhân văn sâu sắc, lan tỏa giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. 

Ngô Khiêm
.
.
.