Bạn thời trẻ trâu

Thứ Hai, 25/06/2018, 08:28
Chính ơi! Tự nhiên, hôm nay tôi lại nhớ đến cái thuở chăn trâu cắt cỏ ở trong thung lũng Kéo Tác, Pác Woang, Lũng Ang. Nỗi nhớ hiện lên như một đoạn phim mờ nhòe. Hình ảnh bơi đi cực chậm. Màu sắc hình khối chảy về khi tối khi sáng.


Đây rồi, thung lũng Kéo Tác, Pác Woang nằm lọt thỏm trong vòng quây núi đá vôi, rừng cây mác mật, mác muông xanh rờn. Nơi người làng mình trồng bạt ngàn toàn khoai lang tím. Giây khoai lang bò chơi chơi trong chân bầy trẻ trâu. Hễ có đứa nào ngóc đầu lên là bị lộ. Ê thằng Hính thằng Ỏi, mày trốn ở đằng gốc đá kia. Thằng Ón thằng Xành, chúng mày đừng chui trong bụi nữa, tao đã nhìn thấy hết.

Pằng pằng pằng pằng… thằng In ngoẻo rồi còn cười được á. Tiếng súng mồm nổ dính vào thành vách đá. Nổ giòn tan như bẻ nứa. Nổ trắng tóa lóa thác nước. Nổ thơm như múi cam sành. Nổ hăng hắc như múi bưởi còn non. Tiếng nổ pằng pằng pằng pằng, làm lòng dạ trẻ già sướng rơn, làm bay vút lên từng đôi chim se sẻ.

Núi rừng đang ngút ngứt ngủ say, bỗng chốc phải bừng tỉnh giấc, vì chúng mình mải mê đùa nghịch. Nhưng núi cũng kịp mở mắt rồi. Núi ôm ròa lấy khăn bông mây mà lau mặt. Núi rừng cười nghiêng nghiêng ngất ngất. Râu tóc núi mượt xanh, dù chẳng bao giờ “ngài” cầm lược mà chải. Núi chỉ hất ngược lên một cái, râu tóc lại nằm đâu nguyên nếp đấy.

Ôi, tôi nhớ cái ngày xưa thời của chúng mình, sao mà đẹp lung linh thế, hồn nhiên thế. Trời ơi là trời, nếu bây giờ được làm lại… Đến như trâu bò cũng biết ngoan ngoãn nghe lời người lớn. Chứ không dám quậy phá như trâu thời bây giờ. Chúng nó cắm cúi mài sừng gặm cỏ nhả nhùng xoàn roạt xoàn roạt. Cỏ nhả nhùng dính đầy hai hàm răng xanh lè.

Còn cỏ hạt ké thì găm vào lông đuôi, làm nó khó chịu. Trâu vung mãi vẩy hoài mà hạt ké không chịu rơi ra. Mỗi khi có thằng nào dính đạn pằng nằm “chết” là trâu ngửa cổ lên trời cười. Trâu cười mà không thèm phát ra tiếng khẹc khẹc, nó biết tiết kiệm năng lượng đấy. Trâu do chúng mình chăn dắt từ nhiều năm, nên chúng khôn như người. Trâu nhà nào thì mang tính tình chủ nhân nhà nấy. Thế mới tài chứ. Đến súc vật mà cũng có cá tính.

Trâu làng mình mà đi húc đọ với trâu làng khác, cầm thua là cái chắc. Mặc dầu con nào con nấy cao to, vâm váp như hổ như voi. Người làng mình có thói quen nhường nhịn. Nên trâu bò cũng lành hiền và chịu nhận thua thiệt về mình.

Nhường nhịn là đức tính tốt đẹp từ đời ông tổ. Chả thế mà ngày nay còn có cánh đồng mang tên tổng Nhượng Bạn. Có đám ruộng mang tên Nà Slâm. Nà Slâm nghĩa là đám ruộng có trái tim. Trái tim biết phải trái, biết đến đâu là đủ. Cái ngưỡng của lòng người chỉ bấy nhiêu thôi.

Nhà thơ Y Phương và người bạn cũ tên Chính.

Bạn ạ. Vào cái tuổi này, tôi chợt nghĩ, con cái chúng mình bị thua thiệt quá nhiều, so với thời bọn ta. Chúng nó sinh ra và lớn lên trong lòng thành thị. Nên bọn trẻ chả bao giờ có cái thú được chăn trâu cắt cỏ, được đốt lửa trên các cánh đồng sau vụ gặt. Chúng chả bao giờ được chơi trò đánh trận giả. Chơi cướp cờ. Chơi khênh kiệu “quan lớn” về làng. Quan lớn đội mũ cánh chuồn làm bằng lá chít. Quan lớn buồn buồn không nhịn được. Quan lớn “bủm” ra một tiếng, làm thối um những thằng khiêng kiệu. Rồi đùng đùng quan lớn đòi tắm bùn. Lập tức bùn được bôi trét lên trên người quan lớn. Được tắm bùn, loài người như được trở về nguồi cội. Ai cũng đều từ bùn đất mà lên. Không ai sang hơn ai. Không ai hèn hơn ai.

Ôi chao! Những người nhiều tiền lắm của, họ nghĩ ra lắm trò rách việc để tiêu khiển. Thật nhạt chuyện nhạt trò. Họ chỉ thích gây sự vô công, nghỉ ngơi, thư giãn cho mình. Đã thế lại còn dại dột khoe khoang cái ngu trước bàn dân thiên hạ. Trong khi bà con anh em mình còn túng thiếu mớ rau con cá. Cơm chẳng đủ no, áo chưa đủ ấm. Con cái đi học chưa đủ giày dép. Làm con người cần phải biết nghĩ đến người khác, nhớ đến người khác…ôi thôi, không bàn nữa. Họ đâu có thời gian và trái tim làm việc thiện.

Với bọn ta, đã một thời từng tắm cả một cánh đồng bùn. Đấy mới là đại yến tiệc. Bùn là quê hương, là gốc gác nông tang của loài người. Tuy rằng bùn bốc mùi tanh ngái ngái, nhưng trên mặt bùn, váng nổi lên đẹp như vân gỗ cẩm lai. Váng bùn tự do bơi đi đi, tự do xoay lại, tự do neo đậu, tự do kết dính. Nên bùn có vẻ đẹp tự nhiên.

Và rồi khi mặt trời nóng lên, bóng mấy thằng tắm bùn đen nhẻm như vừng ngà hoóc. Hạt vừng nào cũng cười rất to, hét rất vang trên cánh đồng mỡ màng. Đấy là bài ca tình yêu giữa trời và đất. Tình yêu thời trẻ con chẳng có gì chứa đựng nổi. Chẳng có gì sướng bằng được tự hát trên cánh đồng làng mình. Phải không Chính.

Nhớ những khi mình được dịp đi ngay qua đây, đều cố lấy hơi hít vào lòng thật sâu, và thở ra thật từ từ, cái mùi bùn non của đồng ruộng. Tôi thấy trong mình cả một thời trẻ trâu. Trẻ trâu thì phải có mùi tanh của bùn. Vì thế, bùn đất và trẻ con là anh em sinh đôi. Bùn là bài ca no ấm của loài người. Vì thế mình luôn có cái để mà viết.

Bạn có còn nhớ không, hồi ấy bọn mình thích bày trò làm dziều mằn. Cái từ dziều mằn mà tôi không sao dịch ra tiếng Kinh được. Nó giống như hỏa lò. Đúng rồi. Hỏa lò. Nó được làm bằng những hòn đất ruộng đã khô cong. Xếp chúng vào làm thành hình một chiếc nón. Chiếc nón úp xuống đất, gọi là dziều mằn. Xếp xong rồi thì ta chất củi vào đun. Đun cho đến chừng nào thấy từng hòn đất chín nục như than hồng. Ta nhanh chóng tuồn khoai lang vào trong. Ta lấy que khều nó xuống. Ta đập cho nó tơi ra. Hơi nóng từ đất sẽ lan truyền qua lần vỏ. Đến từng ngõ ngách tâm hồn củ khoai. Khoai chín tới gan ruột, mềm nhừ mà củ khoai không bị cháy xém.

Chao ơi! Mùi khoai nướng. Gợi ta nhớ tới mùa đông. Bây giờ, mùi khoai nướng từ núi tràn xuống đồng bằng. Từ làng quê, mùi khoai nướng tràn vào thành phố. Nghĩa là mùa đông đi đến đâu, mùi thơm khoai nướng bay theo tới đó.

Khi mặt trời tụt dốc, cũng là lúc khoai lang bắt đầu lên mùi mía lùi. Mùi khoai nướng đánh thức các cơ quan khứu giác, vị giác, đồng loạt đòi ăn. Trời ơi! Ăn cái thứ này ngọt từ kẽ răng ngọt xuống đến gót chân. Thơm từ vải áo chàm đến chiếc móng tay. Ăn từ từ thôi kẻo bỏng rát, kẻo méo cả mồm lẫn miệng. Dặn là dặn thế, nhưng kia kìa, nó đã bỏng lên đến hai dái tai. Hai dái tai rung rinh sáng như hai nụ điện. Ngon quá. Ngon đến mức cắt hai màng tai rơi ra mà không biết đau.

Hằng năm, tôi vẫn háo hức lên lịch về thăm quê. Lần nào tôi cũng tha xuống thành phố bao bố khoai lang tím. Nhìn những củ khoai lạ lẫm ngơ ngác. Củ nào cũng im thin thít, không dám thở. Khoai làm tôi tủi thân. Khoai làm hăn hắt buồn cho cả nhà.

Tôi bỏ khoai ra nằm la liệt trên nền gạch hoa lạnh toát. Tôi biết chúng đang nhớ đất, nhớ làng. Lòng dạ tôi khi đó bứt rứt không yên. Tại mình mà ra nông nỗi này. Những củ khoai lang quê mùa, buộc phải xa nhà theo mình xuống đây ăn nằm vật vạ. Giống như chúng mình phải sống chen chúc cái gọi là nơi phồn hoa đô hội.

Bây giờ, thấy mật khoai rỉ ra. Tôi bảo đấy là nước mắt người nhà quê. Người nhà quê chẳng có gì ngoài nước mắt. Củ khoai khóc bởi cái sự giàu nghèo xứ mình đang ngày càng nới rộng kéo dài ra. Người nông dân đang dần dần mất nhà mất đất, bởi những dự án béo bở dành cho những kẻ có quyền và người có tiền. Nhiều nông dân trở thành người nghèo, hoặc tái nghèo hơn. Người đã nghèo rồi, nay mai lại nghèo thêm. Người nhiều tiền mua đất để chơi. Họ chơi nhà lầu. Họ chơi xe. Họ chơi quan chức. Chơi bồ bịch. Chơi chán, đến tuổi nghỉ hưu, bây giờ họ chơi gôn. Mà người chơi gôn bao nhiêu đất cho đủ. Còn người nông dân chúng ta thì ngồi chơi thuốc lào. Chơi đứng đường bơm xe. Chơi bồn chồn ngồi dưới gốc cây sà cừ bán sức. Người nông dân là ai? Là ai mới được chứ. Nếu không phải chính mình, những người ruột thịt của mình. Mà thực ra những kẻ quan chức ăn chơi rửng mỡ cũng xuất thân từ nông dân chứ đâu.

Khóc ở trong lòng nên khoai nó ngọt. Nó ngọt mà làm đứt từng đoạn ruột. Khổ cái thằng làm nghề viết lách, tôi cứ hay nghĩ ngợi liên tưởng. Tôi lẩn thẩn mất rồi phải không bạn?

Chính ơi. Khi viết những dòng này, tôi biết bạn cũng yêu cái làng Pò Mười nghèo nàn của cải, nhưng giàu có về tâm hồn, về lòng nhân ái. Ở đấy bạn được sinh ra và lớn lên. Mặc dù nơi đó đâu phải cố hương của bạn. Nhưng chúng mình có chẵn mười năm làm trẻ trâu. Trẻ trâu là quãng đời thủm thẳm ngấu mùi bè bạn. Cách đây chưa lâu, tôi viết “Bạn cũ quý hơn thuốc…”. Bạn đúng là viên thuốc quý. Bạn chữa lành nỗi buồn xa xứ cho mình đấy Chính à.

Y Phương
.
.
.