Bài hát “Đón thư Bác” – một tư liệu quý về Bác Hồ

Thứ Hai, 11/03/2019, 08:03
Bác Hồ qua đời ngày 2/9/1969, nhưng mãi tới đầu xuân 1976, cha tôi - nhà văn Sơn Tùng mới có điều kiện tìm hiểu về những tháng ngày Bác ốm nặng rồi qua đời. Trong cuốn sổ tay của cha tôi ghi ngày 3 tháng 2 năm 1976, có nhắc đến chi tiết Bác được nghe hát lần cuối cùng trước lúc Người ra đi... 


Nhân dịp kỉ niệm 50 năm (1969-2019) ngày Bác từ trần, tôi xin nhắc lại chi tiết này trong những ghi chép của cha tôi.

Tóm tắt câu chuyện như sau:

Ngày 31/7/1967, Bác Hồ gửi thư cho Ngành Quân y. Một hôm đồng chí Đặng Hoà (Đặng Phúc Hoà) bàn với ông Đỗ Niệm sáng tác một bài hát. Nhân dịp này phát động quần chúng; từng tổ, từng Ban, Khoa, từng cá nhân kiểm điểm: Thầy giỏi mẹ hiền - Được hiền nhưng chưa giỏi, được giỏi nhưng chưa hiền…

Ông Đỗ Niệm - tác giả bài hát quê Xuân Đỉnh, nguyên là văn công Quân khu Bốn, sau về trường nhạc, học lớp sáng tác và huấn luyện văn công. Ông Đỗ Niệm đã có thời gian đi lục quân. Năm 1965, ông Đỗ Niệm về công tác tại Viện Quân y 108.

Lời bài hát:

Phần 1- Mừng vui sao chúng ta là những người Quân y. Đón thư Bác khen ta trong mùa lập công. Lòng vui như nở hoa đọc thư Bác Hồ, ta nghe ta như nuốt từng lời. Lời Bác chứa chan tình thương mến, lời Bác căn dặn ta không quên. Bác nhắc ta luôn đoàn kết, sức đoàn kết mạnh hơn thép gang. Cùng thi đua học tập chăm, phải nêu cao tinh thần tập thể, rèn luyện cùng nhau tiến mãi không ngừng, tư tưởng vững vàng kỷ thuật tinh thông. Luôn ghi nhớ lời Bác khuyên: “Người thầy thuốc giỏi, phải là như người mẹ hiền”. Cứu chữa tận tình phục vụ ngày đêm là ta góp phần đánh Mỹ cứu nước đến thắng lợi…

Phần 2: Mừng vui sao Bắc Nam hoà nhịp cùng lập công. Đón thư Bác khen bao vinh dự ngành ta. Lòng vui như nở hoa trong nắng chan hoà, ghi sâu ta luôn ghi nhớ suốt đời. Lời Bác chứa chan tình thương mến, lời Bác kêu gọi ta đi lên. Có khó khăn luôn vượt hết, hướng về chiến trường ta quyết tâm. Vượt gian nan cùng lập công, càng nêu cao tinh thần phục vụ, phải làm sao cho xứng đáng với lời Bác ngợi khen ta những người Quân y. Luôn ghi nhớ lời Bác khuyên: “Người thầy thuốc giỏi phải là như người mẹ hiền” cứu chữa tận tình phục vụ ngày đêm là ta góp phần đánh Mỹ cứu nước đến toàn thắng.

Người hát Bác Hồ nghe:

Hai năm sau (1967- 1969), được tin Bác ốm nặng, Viện 108 cử một tổ y tế đặc biệt vào săn sóc Bác và sau đó đã diễn ra sự kiện:

Để mọi người hiểu rõ chi tiết, tôi trích nguyên văn phần viết về nữ y tá Ngô Thị Oanh của bố tôi trong sổ ghi chép của ông:

Ngô Thị Oanh, sinh năm 1949  ở xã Liên Châu - Yên Lạc - Vĩnh Phú. Sát đê.

Học hết lớp 5 thì nghỉ do mẹ ốm. Cuối 1966 đi bộ đội được học y tá của Cục Quân y ở Gia Lâm. Học xong tổ chức phân công về công tác ở phòng mổ bệnh viện Quân y 108 vào năm 1967. Quá trình làm việc được chứng kiến và phục vụ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lên bàn mổ vào tháng 7 năm 1967. Có lần phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng dặn: Giữ bí mật bịnh tình cho chú.

Vào Đảng 3/2/1975.

Ngày 21/8/1969, Oanh đang ở nhà tập thể, nghỉ trực, được gọi xuống Ban, đồng chí Chính uỷ Lý (Đại tá Lê Đình Lý) gặp, giao nhiệm vụ cùng đồng chí Quý, đồng chí Bích và đồng chí Phúc đi phục vụ một đồng chí cao cấp - tại Hà Nội.

Tối hôm đó, Quý, Oanh ngồi ở nhà nhìn ra đường Trần Hưng Đạo trao đổi không rõ đi phục vụ cán bộ cao cấp là ai? Chẳng lẽ Bác?

Sống ở Hà Nội đã hai năm nhưng lần đầu tiên Oanh mới thấy Ba Đình - Lúc đó là chập tối ngày 23/8/69.

Cả tối 23/8 sang ngày 24/8 cả đoàn vẫn chờ đợi, thao thức, chưa biết sẽ phục vụ ai - Lo Bác nhưng không dám nghĩ đó là thật.

Tối vào nhà Bác đang nằm điều trị. Lòng lâng lâng, cả đêm không sao ngủ được. Ở lại trong căn nhà của bảo vệ. Nhà lá trong vườn Bác.

Mong được gặp Bác sớm.

Sáng ngày 25/8 chú Vũ Kỳ gặp phổ biến, căn dặn việc phục vụ Bác - Chú Vũ Kỳ còn cho biết tính tình Bác lúc đau yếu… Sau đó - 8 giờ chú Vũ Kỳ dẫn Oanh, Quý, đ/c Bích vào gặp Bác.

Vừa bước vào gần giường Bác. Bác mở mắt nhìn, hỏi:

- Cô bé nào kia?

Chú Kỳ đáp:

- Thưa Bác, các cháu ở 108 lên chăm sóc Bác.

Bác im lặng. Và nhắm nghiền mắt. Từ phút đó Oanh, Quý ở luôn tại đây thay nhau chăm sóc Bác.

Các chú Vũ Kỳ, Lê Văn Lương, Nguyễn Khai… ở gần để đôn đốc công việc…

- Bác sĩ Trần Hữu Tước thay vải trải giường cho Bác, làm Bác đau... Sau Oanh, Quý thay nhẹ nhàng, Bác rất vui.

- Một lần tưới tý nước hoa vào khăn lau cho Bác, Bác không bằng lòng.

Phục vụ các đồng chí cán bộ ở Viện 108, em nhận thấy: Bác Hồ dễ phục vụ hơn. Bác hiểu và thương người phục vụ.

Những giờ ngồi bên giường bệnh Bác - Khi Bác tỉnh dậy Bác hỏi quê quán - Bác nói vui:

- Quê cháu lắm ruồi.

Những người đến thăm Bác nhiều và được Bác hỏi tình hình nhiều là vợ chồng cô chú Võ Nguyên Giáp và cô Hà.

Ngày 31/8 Oanh hát cho Bác nghe bài "Đón thư Bác"

Đêm ngày 30/8 Bác rất mệt. Sáng 31/8 Bác ăn được một tí súp. Bác tỉnh hơn, Bác ngồi tựa tư thế nửa nằm, nửa ngồi - Bác ăn xong, Bác muốn nghe hát - Oanh hát, Bác vỗ tay và Bác nói chú Vũ Kỳ lấy cho Bác 1 bông huệ ở trên bàn cho Bác. Bác trao cho Oanh…

Cả ngày hôm đó Bác tỉnh táo.

Ngày 1-9 Bác vẫn tỉnh.

Sáng 2-9 Chú Võ Nguyên Giáp đến gặp Bác sớm. Bác hỏi chú Giáp:

- Hôm nay kỷ niệm Quốc khánh, gắng cho Bác ra gặp đồng bào ít phút.

Chú Giáp báo cáo với Bác đã làm tối qua.

Chúng em ghé đến lau mặt, tay cho Bác. Và em vừa hỏi sáng nay Bác ăn cháo, thưa Bác: Bác gật đầu.

Em quay ra gọi chú Cần đem cháo vào thì Bác tắt nghỉ trên tay chú Vũ Kỳ, anh Bích, chú Giáp đứng ở đó…

Trở lại câu chuyện. Theo lời cụ Vũ Kỳ: Sau này biết chuyện, có nhiều người đặt câu hỏi với ông, đại ý rằng: lúc sinh mệnh Bác đang ở giữa bản lề sống chết, Người muốn nghe hát, sao ta không mời một vài ca sĩ chuyên nghiệp vào hát cho Bác nghe, để Bác vui mà quên đi nỗi đau trong giây lát? Ông đáp: "Việc Bác bị ốm, phải giữ bí mật tuyệt đối, vì thời kỳ đó cả nước đang có chiến tranh, nếu để lộ ra sẽ gây hoang mang cho đồng bào, chiến sĩ cả nước, nên phải tránh mọi sự tiếp xúc không cần thiết. Hai là, nếu chúng ta làm như vậy thì Bác cũng không đồng ý, tính cách của Bác xưa nay là: tránh gây phiền hà, lãng phí tiền bạc của nhân dân".

Và theo tôi lịch sử chỉ chấp nhận mọi thứ diễn ra lúc bấy giờ theo sự vận hành của nó. Ngày 31/7/1967, Bác Hồ có gửi thư cho Ngành Quân y. Liền theo đó, tập thể Quân y Viện 108 có ngay bài hát “Đón thư Bác”.

Hai năm sau (1969), được tin Bác ốm nặng. Viện 108 cử một tổ y tế đặc biệt vào săn sóc Bác và sau đó đã diễn ra sự kiện: cũng vào ngày 31 nhưng khác tháng, năm (8/1969), bên giường Bác đang nằm dưỡng bệnh, nữ y tá Ngô Thị Oanh đã hát Bác nghe bài ca “Đón thư Bác”.

Lời ca mộc mạc chứa chan, thể hiện niềm phấn khởi tự hào ngành Quân y được đón nhận thư Bác và nêu cao tinh thần luôn ghi nhớ lời Bác khuyên “Người thầy thuốc phải như người mẹ hiền”. Hai ngày sau, ngày 2/9/1969 Bác vĩnh biệt chúng ta, mang theo nỗi thương đau, tiếc nhớ của hàng triệu triệu người trong cả nước và trên thế giới, cùng lời ca tiếng hát đó vào cõi vĩnh hằng. Tất cả như có sự sắp đặt của tạo hoá, lẽ nào bài hát ấy không quý và đáng trân trọng gìn giữ cho đời sau?

Ngõ văn, 1/1/2019

Sơn Định
.
.
.