Ám ảnh từ Mười ba bến nước

Thứ Sáu, 22/01/2010, 10:30
Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 (tháng 12/2009), bộ phim "Mười ba bến nước" (Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất) đã lập một kỷ lục đặc biệt từ trước đến nay, đó là giành tới 6 giải Bông sen Vàng ở thể loại phim truyện video (Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Diễn viên nam, nữ chính xuất sắc nhất và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất).

Điều đáng nói, người góp phần quan trọng làm nên thành công của bộ phim về đề tài hậu chiến ấy là một nữ đạo diễn thuộc thế hệ 8X. Phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Đặng Thái Huyền về những kỷ niệm buồn vui khi làm "Mười ba bến nước"...

-Xin chúc mừng Đặng Thái Huyền! "Mười ba bến nước" đã không chỉ vượt qua các "đối thủ" để giành gần như trọn vẹn giải Bông sen Vàng cho thể loại phim video mà còn chinh phục khán giả bằng một câu chuyện sâu sắc và cảm động về số phận con người. Được biết, quá trình để phim đến với khán giả cũng long đong, lận đận, như tên phim "Mười ba bến nước"?

+ Đúng vậy. "Mười ba bến nước" là một truyện ngắn hay, khá nổi tiếng trên văn đàn của nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh. Khi Điện ảnh Quân đội đề xuất được thực hiện bộ phim này, tất cả đều mong muốn dựng thành một bộ phim truyện nhựa.

Vì kinh phí eo hẹp nên các thành viên trong hãng đã chia nhau đi tìm tài trợ. Dù rất thích cốt truyện nhưng các nhà tài trợ đều lắc đầu vì họ muốn tìm những bộ phim có những yếu tố câu khách để thu lợi nhuận. Để tìm được bối cảnh bến nước cây đa của những năm 70 như trong truyện không phải là điều dễ dàng.

Tới khi chúng tôi đã định thực hiện bộ phim khác để kịp tiến độ tham dự Liên hoan phim thì đoàn bất ngờ tìm được bối cảnh vừa ý. Thậm chí, khi quay phim,  chúng tôi đã quay bằng công nghệ HD (có thể chuyển thành phim nhựa nếu có điều kiện) nhưng cuối cùng, vì kinh phí không cho phép nên chúng tôi đành phải làm phim video.

Không chỉ vậy, trong quá trình làm phim, chúng tôi dự định chỉ quay trong khoảng 20 ngày để giảm bớt chi phí nhưng vì trận lụt lịch sử năm 2008 nên thời gian làm phim kéo dài tới 2 tháng.

- "Mười ba bến nước" là bộ phim về đề tài hậu chiến, trong đó khắc họa nỗi đau của Sao, người phụ nữ nông thôn sinh con lần thứ 3 vẫn là quái thai vì di chứng chiến tranh từ chồng. Người phụ nữ ấy từng nhảy sông tự vẫn trong sự tuyệt vọng, sẵn sàng để chồng đi lấy vợ rồi lại trở về với chồng khi biết tin người vợ mới bỏ chồng mình ra đi... Một câu chuyện đầy ắp những nỗi đau, bi kịch. Là một đạo diễn trẻ, chị có cảm thấy áp lực khi bắt tay vào làm phim?

+ Thực sự, ngay khi đọc truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt Minh, tôi đã rất thích cốt truyện này và hình dung trong đầu cảnh phim với bến Thượng, bến Hạ, những người đàn ông, đàn bà và thân phận của họ chìm nổi nơi bến sông ấy ra sao. Khi được Ban lãnh đạo Điện ảnh Quân đội nhân dân giao làm đạo diễn, tôi rất vui.

Nhưng sự tin tưởng ấy cũng là động lực khiến tôi phải cố gắng hết mình. Khi làm phim này, tôi có một niềm tin, mình là phụ nữ nên có thể đồng cảm, thấu hiểu được với nỗi đau mà Sao phải gánh chịu. Tôi muốn cố gắng bằng sự chân thành nhất, truyền tải những đồng cảm đó đến với khán giả thông qua nét đặc sắc của ngôn ngữ điện ảnh.

- Về cái kết của phim, nhiều người thắc mắc, sao chị không để Sao đến với Tào - người cả cuộc đời yêu cô mà lại để cô về với chồng cũ?

+ Bản thân tôi cũng mong muốn vậy nhưng với tính cách người phụ nữ như Sao, người quan niệm "đời người con gái đã lấy ai đến chết vẫn thuộc về người ấy" thì cái kết ấy là hợp lý.

- Nhà văn Sương Nguyệt Minh luôn quan tâm theo dõi đứa con tinh thần của mình từ khi còn là một truyện ngắn cho tới khi được dựng thành phim. Ông có nhận xét gì khi xem xong phim của chị?

+ Sau khi phim hoàn thành, tôi có mời nhà văn Sương Nguyệt Minh tới xem phim. Thực sự khi đó tôi nín thở lo lắng. Xem xong, ông nói "Cám ơn em!". Câu nói đó khiến tôi thấy nhẹ lòng phần nào. Tôi nghĩ, ông hiểu được sự cố gắng của đoàn làm phim và cũng thông cảm được những điều mà phim chưa thực hiện được.

Dù rất muốn thực hiện cảnh dòng sông mênh mông có một vạn cái bè chuối ngăn không cho người đàn bà sang sông, hoặc những chiếc thuyền gỗ chở chum vại đậu ở bến sông trong màn sương khói… nhưng chúng tôi đành thôi vì kinh phí có hạn.

- Với bất kỳ đạo diễn nào, chọn diễn viên có lẽ là khâu khó nhất, nhưng những giải thưởng danh giá thuộc về các diễn viên tham gia "Mười ba bến nước" đã cho thấy chị không hề nhầm người. Chẳng hạn như việc chị chọn Hoàng Lan - một nghệ sĩ của Đoàn Kịch nói Công an nhân dân vào vai Sao…

+ Ngay từ khi mới đọc kịch bản, tôi đã hình dung ra nhân vật Sao chỉ có thể thuộc về chị Hoàng Lan cũng như Tào phải là anh Trung Hiếu. Riêng về phần Hoàng Lan, tôi gửi kịch bản cho chị đọc trước và chị đã nhận lời dù lúc đó sức khỏe không được tốt, lại bận rộn với lịch làm việc kín mít của đơn vị nơi chị công tác.

Khi đóng phim "Mười ba bến nước", cũng là lúc bệnh viêm phổi của Hoàng Lan tái phát mà hầu hết những cảnh quay đều thực hiện trên sông nước, trong thời tiết rét như cắt. Cứ quay xong, chị lại ôm ngực ho sù sụ. Nhưng điều mà tôi cảm động nhất là dù sức khỏe như vậy, có cảnh quay, tôi thấy ổn rồi nhưng chị vẫn xin quay thêm đúp nữa để có thể làm tốt hơn.

Và khi tôi vừa hô "được" thì Hoàng Lan ngất đi. Lúc đó, tôi không cầm được nước mắt. Tôi nghĩ, bộ phim thành công vì có nhiều người đã hy sinh vì nó. Thật lòng, khi đứng trên bục nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất, tôi không vui bằng khi biết tin các diễn viên chính, phụ của mình cũng đều được giải.

- Trên trường quay, đạo diễn là tổng chỉ huy, nhưng xin được hỏi thật, chị có gặp khó khăn không khi hầu hết các diễn viên tham gia đều là bậc cha chú, anh chị?

+ Tôi thấy may mắn khi được làm việc với một ê kíp diễn viên chuyên nghiệp và nghiêm túc trong nghề như chị Hoàng Lan, anh Trung Hiếu, chị Tuyết Liên cùng các nghệ sĩ phụ trách các lĩnh vực khác… Tôi để diễn viên nhập tâm với nhân vật của mình. Cảnh nào thấy cách diễn của diễn viên chệch ra khỏi tưởng tượng của mình, tôi để diễn viên diễn theo cách của họ, đồng thời diễn một cảnh theo ý của tôi. Sau đó, hai bên sẽ cùng phân tích xem bên nào hiệu quả hơn.

- Chị là người tình cờ theo nghiệp điện ảnh, cả khi thi vào và tốt nghiệp chị đều đạt thủ khoa. Nhưng nhiều bạn bè đồng lứa "ghen tị" rằng chị may mắn và cũng được nhiều ưu ái?

+ Tôi thi vào Điện ảnh chỉ với sự yêu thích và quan niệm về nghề nghiệp khá mơ hồ. Tới khi vào học, tôi mới thấy xung quanh mình có nhiều người giỏi, các bạn lại thuận lợi hơn tôi khi trong gia đình có người làm nghệ thuật. Chính vì sự thiệt thòi ấy nên tôi luôn nhủ mình phải chăm chỉ, cần mẫn. Đạo diễn, NSND Khắc Lợi là thầy chủ nhiệm thấy vậy rất thương tôi và có sự dìu dắt đặc biệt.

Ông luôn bảo tôi: "Chăm chỉ là tốt nhưng chăm chỉ không đủ đâu con ạ, phải có tố chất". Sau khi tôi làm phim ngắn đầu tay "Màu của đêm", thầy Khắc Lợi xin cho tôi được làm trợ lý đạo diễn bộ phim truyện nhựa "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông".

Đó là vinh dự rất lớn với tôi. Sau đó, tôi lại được thầy Khắc Lợi mời làm trợ lý đạo diễn khi ông làm phim truyện nhựa "Tiếng cồng định mệnh". Tôi có điều kiện học cách làm phim về chiến tranh với bối cảnh hoành tráng, nhiều người tham gia. Những lần thực tế ấy, tôi luôn được ngồi sát máy quay, "cận cảnh" sự chỉ đạo của đạo diễn. Đó thực sự là những kiến thức vô giá.

- Và ngay cả khi ra trường, chị cũng được làm việc ở môi trường thuận lợi, nơi sẵn sàng trao cơ hội cho người trẻ?

+ Năm 2005, chính đạo diễn Khắc Lợi là người khuyên tôi vào công tác tại Điện ảnh Quân đội bởi đó là môi trường nghiêm túc để rèn nghề. May mắn cho tôi, dù đang ở giai đoạn thử việc, tôi đã được giao kịch bản làm phim. Bao nhiêu khó khăn tôi được nghe và được nhìn cũng chỉ bằng một phần khi mình bắt tay vào thực hiện.

Tôi và đoàn làm phim đã trải qua 20 ngày trên đỉnh Ximacai với khó khăn đủ bề. Tôi rơi nước mắt vì sự ngốc nghếch, ngựa non háu đá của mình, vì sự áy náy để cả đoàn phim vất vả. Một đạo diễn trẻ, non cả tuổi đời và tuổi nghề, ít kinh nghiệm sống và quan hệ lại chọn đề tài về dân tộc Mông ở vùng Tây Bắc.

Nhưng tôi nghĩ, mình đã lên lưng ngựa rồi, chỉ có cách phi thôi. Cuối cùng phim cũng hoàn thành. Bộ phim ngắn "Đêm vùng biên" đã đạt giải B (không có giải A) của Bộ Quốc phòng năm 2006. Một bộ phim nữa là "Để lại mùa xuân" cũng được nhận bằng khen trong Liên hoan Cánh diều Vàng 2007.

- Không chỉ "Mười ba bến nước"mà hầu hết những phim chị đạo diễn đều khiến người xem ám ảnh bởi thân phận con người. Dường như đây là đề tài mà chị tâm đắc?

+ Tôi luôn bị hút bởi những câu chuyện về số phận con người, đặc biệt nỗi đau mà họ phải gánh chịu thời hậu chiến. Với "Mười ba bến nước", tôi muốn chuyển tải một thông điệp rằng dù trong bi kịch đau đớn nhất, người phụ nữ vẫn giữ trong mình khát vọng sống và yêu. Thời gian tới, tôi tiếp tục làm một phim nữa về đề tài hậu chiến. Cố gắng bằng cách nhìn của một người trẻ để đề tài tưởng như cũ này vẫn có thể hấp dẫn.

- Xin cảm ơn và chúc chị ngày càng thành công hơn nữa!

Thảo Duyên (thực hiện)
.
.
.