“Vua chống cháy” Nguyễn Văn Thanh và những sáng chế đáng lưu tâm
Sau nhiều năm sáng chế ra những chất chống cháy độc đáo, “Vua chống cháy” Nguyễn Văn Thanh lại cho ra đời những sáng chế mà nếu được xem xét hỗ trợ hợp tác đầu tư thích đáng, rất có thể sẽ đóng góp không nhỏ tới hoạt động sản xuất cho đất nước.
Bán xe hơi để nghiên cứu sơn
Việc ông Thanh bước vào nghiên cứu sơn nước bắt nguồn từ anh Hoàng, một người bạn làm trong tập đoàn Scancom chuyên sản xuất đồ gỗ gia dụng và văn phòng... Lúc đó loại sơn của Đan Mạch mà tập đoàn này mua để sơn lên gỗ sau một thời gian thường bị ố vàng. Biết ông Thanh đam mê nghiên cứu, anh Hoàng nhờ ông nghiên cứu để tìm ra loại sơn nào chống ố vàng cho gỗ. Sau khi lên gặp anh Hoàng, ông Thanh nhận lời dù lúc đó ông chưa biết gì về sơn nước cả. Ông chỉ biết một trong những nguyên liệu làm ra sơn nước là acriflic, đó là cái gốc của sơn nước. Thế rồi ông tập trung nghiên cứu. Đó là năm 2006. Một năm sau, ông tìm ra loại sơn nước như mong muốn và đưa vào áp dụng thử tại tập đoàn Scancom. Loại sơn của ông đã cho kết quả khả quan. Nhưng tập đoàn này vẫn chưa dám mua. Họ yêu cầu ông đưa mẫu sơn của ông đi kiểm định chất lượng.
Tháng 6/2008, tập đoàn Scancom mang mẫu sơn tới Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 ở thành phố Biên Hòa - Đồng Nai. Kết quả kiểm nghiệm mẫu sơn của ông so sánh cùng mẫu sơn của Đan Mạch, đã cho thấy sản phẩm sơn của ông có chất lượng tốt.
Sau đó, tập đoàn Scancom đã đặt hàng ông với số lượng lớn. Năm 2008, họ đặt ông hai lô hàng đầu tiên, lô thứ nhất vào tháng 8, tổng giá trị là 417 triệu đồng. Lô thứ hai đặt hàng vào tháng 9 năm đó với tổng giá trị là 391 triệu đồng. Lô hàng đầu tiên khoảng 700 - 800kg, và để làm ra nó ông phải dùng hai chiếc máy khoan để trộn nguyên liệu sơn. Sang năm 2009, họ đặt ông 8 đơn hàng, tổng giá trị là 131.755 USD.
Đáng tiếc là cung cấp được mấy lô hàng đầu tiên cho họ thì ông phải ngưng lại không thể cung cấp tiếp. Vì thiếu vốn (trong khi đó quy định của tập đoàn này là khi hàng nhập vào kho của tập đoàn xong, một tháng sau mới thanh toán tiền; đồng thời nguồn vật tư nhập về không kịp, ông phải thay thế nguồn vật tư khác nên bị sự cố mấy lô hàng gây nên sự thiếu tin tưởng cho khách hàng), ông không thể cung cấp hàng tiếp cho tập đoàn này nữa. Tuy nhiên, với việc một người Việt Nam tự nghiên cứu khoa học như ông tạo ra loại sơn vượt qua nhiều nhà sản xuất sơn hàng đầu thế giới đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong ngành sản xuất sơn. Nó chứng tỏ rằng người Việt Nam không hề thua kém người nước ngoài.
Theo đánh giá của một số chuyên gia lúc đó, sơn nước của ông Thanh màu sắc đẹp, bóng trơn mịn và bám chắc. Tuy nhiên, loại sơn nước của ông mới giải quyết được vấn đề ố vàng khi sơn lên gỗ bạch đàn. Còn khi sơn lên gỗ tràm để một thời gian vẫn bị ố vàng. Đó là năm 2009, khi ông cung cấp hàng cho một công ty chuyên hàng đồ gỗ ở thành phố Quy Nhơn.
Vào thời điểm đó, trên thế giới vẫn chưa có loại sơn nào giải quyết được vấn đề sơn ố vàng trên gỗ tràm. Thế là ông dành thời gian tập trung nghiên cứu cách khắc phục vấn đề này.
Hàng tháng trời, ông ở khách sạn và đi xe hơi của mình đến xưởng của công ty để nghiên cứu tìm cách chống ố vàng cho gỗ tràm khi sơn. Việc nghiên cứu tốn kém vô cùng. Ông phải bán chiếc xe hơi của mình để có tiền nghiên cứu tiếp. Tháng 7/2011, ông vào Huế, tính hợp tác với một công ty nhưng thất bại. Ông trở vào Sài Gòn tính cách làm ăn và tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện loại sơn của mình. Qua một thời gian nghiên cứu, ông đã tìm ra lời giải cho nó.
Sơn của ông tạo ra không bị ố vàng, nhanh khô, chỉ 15 phút sau khi sơn là có thể chà nhám được. Sơn trong suốt không bị đục, ăn lên mọi chất liệu và ngấm sâu. “Sơn nước thông thường chỉ tạo màng còn sơn nước của tôi dùng một dạng công nghệ như công nghệ nano giúp chia nhỏ các phân tử ra để sơn ngấm sâu vào gỗ và các chất liệu khác. Bề mặt sơn trước kia bị mềm nay đã cứng lại như sơn dầu”, ông Thanh nói.
Ngoài ra, theo ông Thanh, sơn nước của ông có thể chịu được tia tử ngoại, độ bám chắc cao theo thời gian, không gây ô nhiễm môi trường. Loại sơn này có thể dùng trong những lĩnh vực như: sơn tường, sơn lót trong xe hơi để tránh sơn bằng phương pháp sơn tĩnh điện. Nó cũng có thể thay thế cho nhiều loại sơn khác.
Ngày 20/10/2012, ông sơn thử mẫu sơn của mình lên hai loại gỗ tràm và gỗ thông. Ông ghi lại ngày tháng trên hai miếng gỗ đó để tiện theo dõi. Khi tôi đến gặp ông để viết bài, ông đưa hai miếng gỗ đó cho tôi kiểm chứng. Bằng mắt thường tôi có thể thấy hai miếng gỗ đó vẫn không bị ố vàng, bề mặt sơn vẫn bóng đẹp, cứng gần như sơn PU.
Tuy nhiên, để tìm ra và hoàn thiện loại sơn này không hề đơn giản. Riêng về chi phí cho việc nghiên cứu và sinh sống (vì ông chỉ tập trung nghiên cứu nên không thể làm ra tiền để sinh sống) đã tốn của riêng ông khá nhiều tiền.
Tự nghiên cứu mực in đa năng
Đến xưởng làm việc và cũng là chốn ăn ngủ của ông ở huyện Hóc Môn - TP Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy ông đang lọ mọ bên máy in cùng một thanh niên. Ông giới thiệu với tôi đây là anh Lưu Đắc Ngọc Lâm - một người hoạt động về ngành in ấn, rất am tường về ngành in và các loại mực, máy in. “Anh Lâm giúp anh về máy móc và tìm hiểu về mực in chứ anh tay mơ, có biết gì về ngành in đâu. Nhờ anh Lâm cố vấn mà anh nghiên cứu thành công mực in đa năng” - ông cười nói.
Hóa ra cái ông nói với tôi là thứ mực in đa năng này đây. Bỏ những xấp giấy thường, giấy couche, giấy decan vào chiếc máy in phun màu, ông và anh Lâm cho chạy in thử vài mẫu cho tôi xem. Ít phút sau, hình con kỳ nhông nhiều màu sắc đã hiện ra trên các mẫu giấy đó. Ông Thanh và anh Lâm cùng cho biết, mực in đa năng do ông Thanh chế tạo có thể in trên mọi chất liệu, như: giấy thường, giấy decan, thậm chí in trên kiếng, nhôm… Mực in này bám trực tiếp lên chất liệu không cần lớp phủ.
“Điểm đặc biệt khác nữa của loại mực in này là không làm “chết” (tắc, nghẹt) đầu phun của máy in. Đầu phun để lâu cả tháng, khi sử dụng lại chỉ cần rửa bằng nước. Trong khi đó mực in thông thường nếu để lâu ngày mực đọng lại không rửa được làm “chết” đầu phun, không sử dụng lại được, mà giá trị của đầu phun chiếm khoảng 2/3 giá trị của chiếc máy in nên mua lại rất tốn kém. Mực này độ bám của nó rất cao, không trầy xước khi cào lên mặt in, không bị nhòe, khô nhanh và không bị dính hai mặt giấy in vào nhau. Khi in trên giấy couche không bị nhòe, không thấm qua mặt sau” - ông Thanh nói.
Vừa cho máy in thử, ông Thanh vừa kể lại cho tôi nghe về hành trình mình nghiên cứu để tạo ra loại mực in đa năng này. Đầu năm 2012, ông Thanh tình cờ gặp anh Lâm, nghe nói về mực in đa năng vốn đam mê nghiên cứu và thích tìm tòi, ông nhận lời nghiên cứu theo gợi ý. Anh Lâm đưa tới cho ông Thanh một lọ mực in đa năng của Hàn Quốc đã gần hết, chỉ còn lại khoảng 20ml ở dưới đáy lọ. Từ mẫu mực in đó, ông mày mò và tìm ra hợp chất của mực in đa năng do Hàn Quốc tạo ra. Đó là bước khởi đầu ông tìm ra chất liệu để tạo ra mực in đa năng của mình sau này. Tìm ra chất liệu xong, ông bắt đầu thử nghiệm để tạo ra mực in.
Mất 6-7 tháng trời với hàng trăm thí nghiệm và đổ không biết bao nhiêu nguyên liệu là mực, làm hư bao nhiêu máy in, tốn kém rất nhiều tiền nhưng vẫn chưa thành công. Mực in ra trên giấy thường thì đẹp, nhưng in trên giấy decan bị nhòe nét và bị dính. Tiền hết, ông đành phải ngừng lại không nghiên cứu nữa.
Sau đó, giữa năm 2013, có tiền, ông lại lao vào nghiên cứu tiếp. “Cái khó nhất của loại mực này là làm sao để chúng “ăn” (bám chặt) trên mọi chất liệu. Tôi may mắn là đã từng nghiên cứu về sơn nên tôi áp dụng công thức lưu hóa sơn qua mực in nên thành công. Thêm một lý do khác nữa là bởi tôi là dân tay ngang, không phải dân nghiên cứu chuyên nghiệp nên tôi không bị rơi vào lối mòn khi đi theo những công thức hóa học trong mực in như những nhà nghiên cứu khác. Thomas Edison nói: “Thành công 99% là do lao động, 1% còn lại là do may mắn và thiên tài”. Tôi nghĩ câu đó rất đúng” - ông Thanh tâm sự.
…đến xử lý gỗ đóng tàu
Ngoài hai sản phẩm mực in đa năng và sơn nước, ông còn có công trình khoa học có tên gọi “Xử lý gỗ rừng trồng thành gỗ đóng tàu”. Công trình này được ông đăng ký Bằng độc quyền giải pháp hữu ích phương pháp xử lý gỗ rừng trồng vào năm 2006.
Cơ duyên khiến ông nghiên cứu đề tài này là từ ý tưởng của một người bạn tên Dũng làm giám đốc một công ty du lịch ở Hạ Long - Quảng Ninh gợi ý, “đặt hàng” ông Thanh nghiên cứu, sáng chế ra cách nào để có loại gỗ đóng tàu thay thế loại nhập ngoại mà vẫn tốt. Sau nhiều lần thử nghiệm, ông tìm ra chất keo nhựa nhiệt rắn để tẩm vào gỗ bạch đàn sẽ giúp gỗ này cứng hơn, chịu được môi trường nước, chịu được hà ăn. Cái khó là keo nhựa nhiệt rắn, thông thường khi nung ở nhiệt độ dưới 200 độ thì mới thành công, trên nhiệt độ đó thì xenlulo (tức là gỗ) sẽ biến thành than, cháy mất. Bằng sự tìm tòi của mình, ông đã khắc phục được yếu tố cốt tử đó. Điểm đặc biệt là keo của ông không trùng hợp với formaldehyde (là chất gây ung thư), không gây ô nhiễm môi trường.
“Phương pháp xử lý keo cho gỗ bạch đàn có thể giúp chúng ta đóng được những con tàu bằng gỗ có chất lượng cao mà không cần phải khai thác những loại gỗ quý hiếm. Nhờ thế tránh được nguy cơ phá rừng và nạn ô nhiễm môi trường và vấn nạn biến đổi khí hậu kèm theo những hệ lụy của nó. Điều này rất có lợi, nhất là cho tương lai đất nước. Hiện tôi vẫn chưa thể ứng dụng phương pháp này vào cuộc sống vì thiếu kinh phí. Bởi vì để xử lý gỗ rừng trồng thành nguyên liệu để sử dụng được thì gỗ phải được sấy bằng sóng cao tần. Chi phí cho một xưởng xử lý gỗ như thế rất tốn kém” - ông Thanh thổ lộ.
Tuy nhiên, điều trăn trở, ưu tư nhất của ông Thanh là hiện chưa có nhà đầu tư cho các sáng chế của ông. “Các nhà sản xuất của ta mới đang cạnh tranh về giá với các nhà sản xuất nước ngoài chứ không phải cạnh tranh về công nghệ. Các nhà sản xuất ở ta cũng không chịu mua công nghệ. Còn đầu tư hợp tác thì họ không sòng phẳng. Chúng ta cũng đang thiếu những nhà đầu tư rủi ro. Do đó mà những người làm khoa học như tôi rất khó bán những sáng chế của mình và vì thế khó có tiền để đầu tư, phát triền công nghệ” - ông Thanh nói.