Vụ phản bội lớn nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ: Làm gián điệp vì tiền và bất mãn [Kỳ 1]

Thứ Năm, 28/07/2022, 21:15

Sau hơn 20 năm phục vụ trong hải quân Mỹ, John Walker bỗng trở mặt phản bội và quay sang làm gián điệp cho Liên Xô. Nhờ có những thông tin mật do Walker cung cấp mà Liên Xô dần dần nắm được ưu thế trong cuộc cạnh tranh hải quân với Mỹ. Tạp chí Naval History đã công bố toàn bộ câu chuyện phản bội của Walker và những tổn thất mà điệp viên này gây ra cho hải quân Mỹ.

John Anthony Walker Jr sinh năm 1937, là con một nhà tiếp thị phim Warner Brothers và mẹ là người Mỹ gốc Italy. Có biệt danh là “Smilin’ Jack ”, ông theo học trường Công giáo và trở thành một cậu bé phục vụ lễ nhà thờ. Tuy nhiên, tuổi thơ Walker mang nhiều bất hạnh. Cha ông sa vào nghiện rượu và mất việc làm, từ đó gia đình phá sản, phải chuyển đến gần ông bà ở Scranton, Pennsylvania. John Jr đã kiếm được việc làm bán các sản phẩm gia dụng đến tận nhà và làm công việc quay phim, và vào ngày sinh nhật thứ 16 ông đã mua được một chiếc ô tô bằng tiền tiết kiệm của mình.

Vụ phản bội lớn nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ [Kỳ 1]: Làm gián điệp vì tiền và bất mãn -0
John Walker và vợ, Barbara Crawley.

Trưởng thành từ hải quân

Cuối năm 1955, Walker gia nhập Hải quân với tư cách là nhân viên truyền tin vô tuyến và phục vụ trên tàu hộ tống khu trục hạm trước khi gia nhập thủy thủ đoàn của tàu sân bay USS Forrestal (CV-59). Trong khi lên bờ ở Boston vào mùa đông năm 1957, ông đã gặp Barbara Crowley. Họ kết hôn ngay sau đó và các con nối tiếp nhau, 3 cô con gái trong 3 năm.

Sau khi thi đỗ vào trường huấn luyện tàu ngầm, Walker được bổ nhiệm lên tàu Razorback (SS-394) triển khai ở Thái Bình Dương. Trong khi phục vụ, Walker dù chỉ là sĩ quan cấp bậc nhỏ nhưng cũng đã được cấp quy chế tiếp cận thông tin tối mật và vượt qua kỳ kiểm tra Chương trình Độ tin cậy Nhân sự (PRP), một cuộc đánh giá tâm lý để đảm bảo rằng chỉ những nhân viên đáng tin cậy nhất mới có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tàu ngầm của ông đã tham gia các sứ mệnh giám sát ngoài khơi cảng Vladivostok của Liên Xô và trong hải đội quan sát vụ thử hạt nhân tầm cao Starfish Prime vào tháng 7-1962. Các báo cáo về hiệu quả của Walker đều rất xuất sắc và ông được bổ nhiệm vào Thủy thủ đoàn Xanh của tàu ngầm tên lửa đạn đạo Polaris Andrew Jackson (SSBN-619), lúc đó đang được đóng tại Nhà máy đóng tàu Hải quân Đảo Mare. Trên tàu, Walker đã gây ấn tượng với viên sĩ quan điều hành đến mức khi được bổ nhiệm chỉ huy Thủy thủ đoàn Vàng của tàu Simon Bolivar (SSBN-641), ông ta đã tuyển dụng Walker đi theo để lãnh đạo phòng vô tuyến của mình.

Walker lần đầu tiên đủ điều kiện về bảo trì thiết bị mật mã vào đầu năm 1963. Song song đó, ông cũng đã vượt qua các kỳ thi cũng như các bài kiểm tra thăng cấp của Hải quân, thăng cấp lên hạ sĩ và trung sĩ. Mười năm sau, John Walker đã phục vụ xuất sắc trên nhiều tàu và đã từng chỉ huy phòng vô tuyến truyền tin của một tàu ngầm tên lửa hạt nhân.

Tuy vậy, Walker lại cảm thấy cuộc sống nặng nề quá, bởi ông không thích tính chất ngang tàng của những con tàu lớn của mình, ông thích gắn bó với những con tàu nhỏ hơn. Walker cũng không thích các cuộc tuần tra kéo dài dưới nước trong tàu ngầm tên lửa đạn đạo. Những chuyến đi đó đã gây khó khăn cho gia đình ông, lúc này có cả một cậu con trai tên Michael Lance. Gặp lại những đứa trẻ sau một cuộc tuần tra là điều khó khăn đối với tất cả mọi người, và Walker cũng phát hiện vợ ông ngày càng bỏ bê gia đình, ngày càng sa vào nghiện rượu, giống như cha mình năm xưa.

Walker bắt đầu xem thường Hải quân vì đã khuyến khích tệ uống rượu trong các thủy thủ và gia đình của họ. Ông đầu tư tiền tiết kiệm của mình vào mảnh đất ở Charleston, Nam Carolina, lên kế hoạch xây một bãi đậu xe hơi để mang đến cho vợ một lối thoát tích cực. Tuy nhiên, thay vào đó ông đã mở một quán bar tại khu đất này, nhưng việc mạo hiểm này lại khiến Walker gặp khó khăn về tiền mặt. Để cải thiện tình hình tài chính của mình, Walker đành phải làm thêm nghề lái xe cho thuê, nhưng điều đó cũng không đủ bù đắp.

Vụ phản bội lớn nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ [Kỳ 1]: Làm gián điệp vì tiền và bất mãn -0
Tàu sân bay USS Forrestal CV-59, con tàu đầu tiên John Walker phục vụ khi gia nhập Hải quân Mỹ.

Trở thành gián điệp

Gián điệp đã trở thành lối thoát cho Walker, cả về tài chính lẫn sự bất mãn về chính trị. Ông nghi ngờ vụ ám sát John F. Kennedy đã được thực hiện bởi các nhà lãnh đạo chính phủ và công ty có ý định ngăn cản Tổng thống từ bỏ Chiến tranh Lạnh. Trong cuốn hồi ký của mình, Walker đã kể lại quá trình chuyển hóa tư tưởng của mình. Ông bắt đầu nhận ra Liên Xô không phải là đối thủ như cách người Mỹ lo sợ. Ông gọi đó là “trò hề của chiến tranh Lạnh và cỗ máy chiến tranh phi lý mà nó sinh ra”.

Vào một ngày mùa thu tháng 10-1967, Walker, khi đó được giao làm sĩ quan canh gác tại trụ sở Lực lượng tàu ngầm Hạm đội Đại Tây Dương ở Norfolk, đã quyết định hành động: Tiết lộ thông tin tuyệt mật cho Moscow. Bước đầu tiên, ông photocopy một tài liệu tại trụ sở chính và nhét bản sao vào túi. Ngày hôm sau, ông lên chiếc xe thể thao MG 1964 màu đỏ, lái đến Washington, đi vào Đại sứ quán Liên Xô và yêu cầu gặp nhân viên an ninh.

Yakov Lukasevics, một chuyên gia an ninh nội bộ tại đại sứ quán, không biết phải làm gì với người Mỹ đến mang theo tài liệu và nói rằng ông ta muốn “làm gián điệp”. Tuy nhiên, các tài liệu Walker cung cấp cần được thẩm định, và vì vậy Lukasevics đã gọi điện thoại cho người phụ trách KGB, Boris A. Solomatin. Các rezidenturas (trạm) của KGB đã cảnh giác với những người “đột nhiên xuất hiện”, những người tự phát đề nghị hợp tác. Người Liên Xô thậm chí còn sử dụng thuật ngữ “những người giúp sức” để chỉ những người như vậy. Và việc một người Mỹ bước vào Đại sứ quán Liên Xô ở Washington, nơi bị FBI giám sát liên tục, luôn khiến người ta nghĩ ngay đến một “cái bẫy”.

Viên sĩ quan KGB tiếp chuyện Walker, sau khi nghe ông bày tỏ ý định hợp tác để “kiếm tiền”, đã mang các tài liệu đến trình cho Solomatin. Vị tướng 43 tuổi này xuất thân hải quân, lớn lên ở cảng Odessa trong Biển Đen. Solomatin nhận ra rằng một số tài liệu của Walker liên quan đến các tàu ngầm của Mỹ, những tàu đặc biệt gây khó khăn cho Hạm đội Liên Xô. Quan trọng hơn, tài liệu mật của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) mà Walker đã trình bày trước khi rời khỏi công việc đã liệt kê các cài đặt cho máy mã hóa KL-47 của Mỹ. Liên Xô đã nhận được một số tài liệu của NSA từ một điệp viên khác, và sau khi so sánh các dấu hiệu và định dạng, họ nhận ra rằng tài liệu cài đặt của Walker, được gọi là danh sách khóa, là thật.

Solomatin quyết định chớp lấy cơ hội. Đối với một trưởng trạm KGB đích thân gặp một điệp viên tiềm năng là điều chưa từng có, nhưng Solomatin đã dành 2 giờ tiếp theo để nói chuyện riêng với Walker. Walker đã gây ấn tượng tốt với ông bằng cách không nói gì về tình yêu đối với chủ nghĩa cộng sản, điều mà hầu hết những kẻ giả danh đều nhấn mạnh. Đây là một giao dịch nghiêm túc. Walker đã nhận được vài nghìn USD tiền mặt như một khoản ứng trước và được tiễn ra khỏi khuôn viên đại sứ quán trong một chiếc ôtô. Đó là khởi đầu của vụ án gián điệp lớn nhất của Hải quân Mỹ.

Solomatin trước đây không quan tâm đặc biệt đến Hải quân Mỹ, nhưng giờ đã bắt đầu nghiên cứu về chủ đề này. Ông kiểm soát rất chặt chẽ hoạt động của Walker, giao Oleg Kalugin, phó trạm phụ trách tình báo chính trị (Line PR), làm quản lý của Walker và Yuri Linkov, một điệp viên hải quân, làm sĩ quan phụ trách. Kalugin đã dành nhiều tuần lái xe quanh khu vực Washington để xác định và ghi lại cẩn thận các địa điểm “thả hàng”, những nơi mà Walker sẽ “thả” (giấu) các gói thông tin tình báo và nhận tiền và các chỉ dẫn. Trong cuộc họp bên ngoài một cửa hàng bách hóa phía bắc Virginia trong vòng một tháng kể từ chuyến thăm Đại sứ quán Liên Xô, Walker đã giao nhiều tài liệu Hải quân hơn và Linkov đã đưa cho anh ta địa điểm cho những lần giao hàng đầu tiên cùng với nhiều tiền hơn.

Chỉ một số ít các quan chức KGB khác từng có liên quan đến hoạt động của Walker. Một chiếc ống khói lò sưởi từng được dùng để chuyển tài liệu của Walker cho Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 1, đơn vị tình báo nước ngoài của KGB, và chỉ một vài trợ lý. Được trao tặng Huân chương Cờ Đỏ cho việc tuyển mộ Walker, Solomatin được thăng chức Phó Cục trưởng tình báo. Năm 1968, khi KGB thành lập Tổng cục 16, điệp vụ Walker được chuyển từ Line PR sang cơ quan mới, nhưng an ninh vẫn được giữ chặt chẽ.

Việc KGB có sử dụng ngay danh sách khóa KL-47 của Walker hay không vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, vào đầu tháng 1-1968, điệp viên Walker đã giao cho Liên Xô một danh sách khóa máy mã hóa KW-7. Cuối tháng đó, CHDCND Triều Tiên đã bắt giữ tàu do thám USS Pueblo (AGER-2) ở vùng biển quốc tế, kèm theo nó là thiết bị KW-7 cùng với sách hướng dẫn và các tài liệu khác.

Theo nhà sử học Mitchell B. Lerner, người có thẩm quyền hàng đầu về vụ việc, trong vòng hai ngày sau khi bắt được tàu Pueblo, CHDCND Triều Tiên đã điều một máy bay đến Moscow mang theo gần 800 cân Anh hàng hóa, có lẽ là từ chiếc tàu do thám. KGB đã nhanh chóng cử một nhóm chuyên gia tình báo tới cảng Wonsan, CHDCND Triều Tiên, nơi neo giữ con tàu. Tình báo Mỹ đã phát hiện thấy việc truyền một bản fax khổng lồ tới Moscow, có lẽ là các văn bản hướng dẫn sử dụng thiết bị mật mã trên tàu Pueblo. Sau đó, Moscow tiếp tục chiếm quyền truy cập thông tin liên lạc của Hải quân Mỹ cho đến khi hệ thống của Mỹ thay đổi hoàn toàn.

Cuộc sống một điệp viên

Trong khi đó, luồng thông tin tình báo của John Walker đã ngày càng nhiều hơn. Theo lời kể của Walker, ông chủ yếu cung cấp cho Liên Xô những danh sách chủ chốt cũ, ít được bảo vệ cẩn thận hơn. Trên thực tế, Liên Xô khuyên Walker nên tránh sử dụng tài liệu trực tiếp cũng như hướng dẫn duy trì trong tương lai. Ngoài ra, kế hoạch “thả hàng” bí mật của họ cũng giới hạn chỉ thực hiện hai lần mỗi năm và ông tuyên bố rằng KGB không bao giờ yêu cầu trao đổi thường xuyên hơn, có nghĩa là việc lấy tài liệu hiện tại/tương lai của họ phải được giới hạn trong một hai tháng trong năm.

Walker xác nhận rằng phần lớn những gì ông đã cung cấp cho Liên Xô liên quan đến các hệ thống như KL-47 cổ điển, có một máy mã hóa bảy roto tương tự như Enigma của Đức và KW-37, một phiên bản sớm của các hệ thống trực tuyến, hoặc tự động, hệ thống mã hóa. Đối với hệ thống KW-7 thế hệ sau, Walker cho biết ông chỉ cung cấp cho Liên Xô các danh sách khóa của nó cho các ngày ngẫu nhiên trong tương lai.

Tuy nhiên, Walker đã cung cấp một loạt các tài liệu bí mật khác của Hải quân Mỹ cho “kẻ thù” Chiến tranh Lạnh của Mỹ. Chúng bao gồm các mệnh lệnh hoạt động, kế hoạch chiến tranh, sổ tay kỹ thuật và thông tin tình báo. KGB đã nghĩ ra và trang bị cho điệp viên của mình một thiết bị điện tử có thể đọc được hệ thống dây điện roto của KL-47 và đưa cho Walker một chiếc máy ảnh Minox thu nhỏ.

Tại Norfolk, ông đã sử dụng tư cách là một nhân viên chuyển phát nhanh của lực lượng vũ trang để chuyển lậu tài liệu từ trụ sở đến phòng sĩ quan cử nhân (BOQ) của mình và chụp ảnh. Tài liệu nhiều cho nên Walker phải chọn lọc. Ông ước tính chỉ chụp ảnh 20 trong số hàng trăm tài liệu trên bàn làm việc trong một tiếng đồng hồ sẽ cần hơn 100 cuộn phim chạy trong sáu tháng, nhưng trước hết tài liệu ông giao tại điểm “thả hàng” đều cần phải nằm gọn trong một lon nước ngọt.

Sau đó, khi chuyển sang làm nhiệm vụ huấn luyện tại San Diego, Walker ít được tiếp cận với các tài liệu tuyệt mật và phải dựa vào một thư viện tuyệt mật. Việc chuyển lậu tài liệu có nghĩa là đưa nó qua nhiều trạm kiểm soát. Ông đã giả mạo các giấy tờ cần thiết để chứng minh tư cách an ninh của mình. Và vận may vẫn luôn ở bên ông một cách đáng kinh ngạc.

(Còn tiếp)

Nguyên Khang (Tổng hợp)
.
.
.