Kỷ niệm 100 năm báo Le Paria xuất bản số đầu tiên (1/4/1922 - 1/4/2022)

Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của báo Le Paria

Thứ Tư, 12/01/2022, 14:15

Tháng 7-1919, Nguyễn Tất Thành chuyển đến nhà số 6 phố Villa des Gobelins, quận 13, Paris ở chung với Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh, làm nhiều nghề để sống và hoạt động. Tuy điều kiện sống kham khổ nhưng người thanh niên yêu nước ấy rất muốn cho mọi người biết được tội ác của chủ nghĩa thực dân và những bất công, bạo ngược của chúng ở Việt Nam cũng như ở các nước thuộc địa.

Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành đã viết “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gồm 8 điểm bằng tiếng Pháp và ký tên đại diện là Nguyễn Ái Quốc.

Được sự giúp đỡ của một số đảng viên trong đảng Xã hội Pháp, ngày 18-6-1919 anh Nguyễn đến trao bản yêu sách này cho Văn phòng Hội nghị ở lâu đài Versailles và lần lượt gửi bản yêu sách đến Tổng thống Mỹ và các đoàn đại biểu các nước dự hội nghị. Bản yêu sách đã được đăng toàn văn trên hai tờ báo L’Humanité (Nhân đạo) và Le Populaire (Dân chúng), cơ quan ngôn luận của Trung ương đảng Xã hội Pháp, với đầu đề “Quyền của các dân tộc”.

Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc còn in bản yêu sách đó thành truyền đơn với 3 thứ tiếng Pháp, Việt, Hán để tuyên truyền rộng rãi tới mọi đối tượng, nhất là trong công nhân Pháp, binh lính người Việt, Việt kiều ở Pháp và gửi về Việt Nam qua đường bưu điện, hoặc qua thủy thủ, lính hồi hương.

Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của báo Le Paria -0
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn phóng viên hãng truyền hình Pháp dưới giàn hoa trong Phủ Chủ tịch, năm 1964.

Đặc biệt, bản tiếng Việt được anh Nguyễn chuyển nội dung sang thể văn vần, lấy đầu đề “Việt Nam yêu cầu ca” để người Việt Nam dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ. Từ sau khi xuất hiện bản yêu sách này, cái tên Nguyễn Ái Quốc lập tức được mật thám Pháp chú ý theo sát. Trong lúc đó, bạn bè người Pháp rất ủng hộ và khuyến khích anh Nguyễn viết bài đăng báo nhưng viết bằng tiếng Pháp chưa thạo nên anh quyết tâm học viết để sử dụng ngòi bút như một vũ khí chống lại sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân.

Gaston Monmousseau, nhà hoạt động chính trị, văn hóa Pháp đồng thời là chủ bút báo Đời sống công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp đã tận tình hướng dẫn anh Nguyễn: Anh cứ viết 3 dòng, 5 dòng cũng được. Có thế nào, viết thế nấy. Nếu viết sai, tôi sửa cho. Anh Nguyễn viết 3-4 dòng, chép ra 2 mảnh giấy, một gửi cho Gaston, một giữ lại. Khi báo đăng mẩu tin đó, anh đem so với bản giữ lại xem sai, đúng thế nào để rút kinh nghiệm. Ít lâu sau, Gaston lại nói: Anh viết được 5 dòng rồi, bây giờ tập kéo dài ra. Anh Nguyễn kiên trì luyện tập để khi được 10 dòng, Gaston lại khuyến khích viết dài nữa để trở thành một bài nhỏ. Viết được 1-2 cột báo, Gaston lại yêu cầu rút ngắn lại, bỏ những câu rườm rà không cần thiết. Cuối cùng thì anh đã thành công, viết thế nào cũng được, tùy ý mình.

Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của báo Le Paria -0
Nguyễn Ái Quốc và các đại biểu trong Quốc tế Cộng sản, năm 1935.

Không kể những mẩu tin thì bài báo đầu tiên của anh Nguyễn là bài “Vấn đề dân bản xứ”, đăng trên Báo Nhân đạo ngày 2-8-1919, chia làm 2 kỳ. Anh Nguyễn đã mô tả đời sống thợ thuyền ở Paris lúc đó và cũng là đời sống của chính anh. Bài viết được trả 100 franc. Khi đã sử dụng được ngòi bút làm vũ khí, anh Nguyễn dành nhiều thời gian hơn để viết bài, vẽ tranh minh họa, viết truyện ký gửi đăng trên các báo cánh tả ở Paris: Dân chúng, Nhân đạo, Đời sống công nhân nhưng không có nhuận bút.

Cuối năm 1920, anh Nguyễn gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và trong năm đó, một nhóm người Madagascar đã cùng Hội Người Việt Nam yêu nước thành lập Nhóm Xã hội thuộc địa và cũng đưa ra một bản kiến nghị đòi Chính phủ Pháp thừa nhận quyền công dân của các dân tộc thuộc địa, có nội dung gần như bản yêu sách 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc. Dần dà, nhu cầu khách quan và hoàn cảnh chung đã đưa những người bạn ở các thuộc địa đến gần nhau hơn.

Chương trình hành động của Hội Liên hiệp thuộc địa được Đảng Cộng sản Pháp hỗ trợ, đã nhấn mạnh công tác tuyên truyền mà điểm đầu tiên là phát hành báo chí tại Pháp và các thuộc địa. Vì vậy, Hội ráo riết chuẩn bị cơ sở, tìm nguồn vốn để cho ra đời một tờ báo. Việc này không phải dễ vì những thành viên tích cực nhất trong Hội đều có cuộc sống khó khăn, nhất là Nguyễn Ái Quốc với nghề sửa ảnh thì làm việc không đủ sống. Ngày 19-2-1922, Nguyễn Ái Quốc đến họp với Hội Liên hiệp thuộc địa, quyết định cho ra đời Báo Le Paria (Người cùng khổ).

Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của báo Le Paria -0
Bút tích bản “Việt Nam yêu cầu ca” của Nguyễn Ái Quốc.

Ngày 1-4-1922, Báo Le Paria ra số đầu tiên. Nghĩa bóng của chữ Paria được dùng để chỉ những người bị khinh bỉ, sống cô độc, khốn khổ nhưng Paria còn là sự mỉa mai đối với thủ đô hoa lệ, hào nhoáng che đậy mâu thuẫn, sự xấu xa thối nát bên trong của tư bản Pháp. Bên cạnh tên chính Le Paria ở giữa, tên báo còn được trình bày bằng chữ Hán: Lao động Báo bên phải và chữ Arab bên trái. Báo in trên khổ giấy 36x50 cm. Số báo cuối cùng là số 38 ra tháng 4-1926. Chỉ số 1 đến số 9 là ra đều hằng tháng còn những số khác ra không đều, hoặc cách hơn tháng, hoặc chỉ nửa tháng hay gộp số. 20 số đầu tiên, báo lấy danh nghĩa Diễn đàn của nhân dân các thuộc địa, tiếp đó đổi là Diễn đàn của giai cấp vô sản thuộc địa, Cơ quan của nhân dân bị áp bức ở các thuộc địa và số cuối cùng đổi thành Cơ quan của Hội Liên hiệp thuộc địa. Địa chỉ Tòa Trị sự của tờ báo cũng chuyển từ phố Carlo Paris VI đến Marché de Pariarches V. Số trang báo không đều, lúc 3 trang, 4 trang, còn thường là 2 trang. Để tăng nguồn thu nhập cho báo, bổ sung vào quỹ nghèo của Hội, Báo Le Paria đăng quảng cáo ngày giờ chạy của các hãng tàu biển, các chương trình tham gia hội nghị. Những số ra 4 trang thì để nguyên cả trang ấy, có khi cả một phần của trang 3 để chuyên đăng quảng cáo các thứ: thuốc chữa bệnh, đồng hồ LIP, dụng cụ lao động... Vì số lượng có vài nghìn bản, giá thành cao, nhà in không có lãi nhiều, họ không muốn in nên phải tìm nhiều nơi khác nhau có giá in rẻ.

Nguyễn Ái Quốc đóng góp rất nhiều cho hoạt động của tờ báo. Anh là người sáng lập, chủ nhiệm kiêm chủ bút của tờ báo. Từ ngày 1-5-1922, Nguyễn Ái Quốc chuyển chỗ làm đến tiệm ảnh Maison Laine ở ngay số 7 ngõ Compoint và chỉ nhận sửa từng chiếc ảnh nên anh có điều kiện tập trung viết bài cho Le Paria. Anh viết khỏe, có số viết đến 2-3 bài. Toàn bộ những bài báo của anh là bản án kết tội chủ nghĩa thực dân và đưa ra nguyện vọng giành độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam cùng nhân dân các nước thuộc địa khác. Lời văn của anh sắc bén, tư tưởng rõ ràng, mạnh mẽ: đấu tranh chống áp bức bất công đến cùng. Nhiều số báo, anh còn vẽ tranh châm biếm. Xem và đọc những bài viết, ký họa đó, người ta thấy rõ tác giả có cách viết thông minh, hóm hỉnh, sâu sắc.

Tuy nhiên, tài chính của Báo Le Paria là vấn đề cực kỳ căng thẳng mà ban biên tập và tòa soạn phải lo giải quyết vất vả. Vốn ít, giá thành cao, lại chuyển 900/1.000 số phát không cho các thuộc địa nên tiền quỹ cứ hao mòn dần. Giá mua dài hạn một năm của tờ báo là 3, sau nâng lên 5 franc nhưng người mua lác đác. Phần do Bộ Thuộc địa Pháp sai người đi mua lại gần hết để ngăn chặn ảnh hưởng tuyên truyền của tờ báo, phần bị tịch thu khi vận chuyển về Đông Dương và phần do báo ra không ổn định. Hội chỉ có 103 người ghi tên và số đông trong đó không đóng tiền lệ phí năm vì sợ mật thám Pháp ghi tên vào sổ đen. Người đặt báo dài hạn lại không nhiều vì những lý do: kỳ thị chủng tôc, không quan tâm đến thuộc địa, không thích chính trị mà chỉ lo kinh doanh...

Không ít lần anh Nguyễn đem báo đến bán ở các cuộc mít-tinh. Anh phát báo không cho mọi người rồi lên diễn đàn nói: “Báo này giúp cho các bạn biết bọn thực dân áp bức chúng tôi như thế nào. Báo để biếu thôi nhưng bạn nào có lòng tốt giúp báo một xu cũng được, một quan càng tốt, chúng tôi xin cảm ơn!”. Vì thế, đôi khi tiền thu được do hảo tâm nhiều hơn tiền bán báo theo giá quy định.

Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của báo Le Paria -0
“Bản yêu sách của nhân dân An nam” đánh máy, ký tên Nguyễn Ái Quốc (1919).

Báo bán lẻ cũng không dễ, chỉ có 3 nơi bán lẻ: hai hiệu sách ở Paris và một ở Martinic. Có lúc quỹ báo không còn đồng nào nên nợ cả tiền in (như số 5 ngày 1-8-1922 nợ 150 franc). Anh Nguyễn đóng tiền hằng tháng đều đặn cho quỹ báo, tham gia bán báo và dùng nghề ảnh của mình để tặng cho mỗi độc giả nào vận động được 25 người mua Báo Le Paria dài hạn một tấm ảnh nghệ thuật cỡ 30x40. Anh còn vận động Việt kiều trên đất Pháp, dù nghèo túng cũng gắng dành dụm ủng hộ báo.

Những thủy thủ yêu nước đã bí mật đem Báo Le Paria về các cảng Sài Gòn, Hải Phòng đưa cho các cơ sở rồi từ đó phân phát đến tay các thanh niên, trí thức yêu nước ở các thành phố. Những bài hay nhất ký tên Nguyễn Ái Quốc thường được chép lại thành tài liệu, thậm chí một số báo ở Việt Nam còn đăng lại bài của anh Nguyễn.

Tờ Le Paria ra đời được một năm thì Nguyễn Ái Quốc dự định xuất bản thêm một ấn phẩm định kỳ bằng tiếng Việt nhằm phục vụ kiều bào ta ở Pháp đặt tên là “Việt Nam hồn”. Sau khi Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp thì tờ báo mới được các bạn ấn bản và cũng được gửi về phát hành ở Việt Nam.

Tháng 5-1923, anh Nguyễn làm việc bận rộn hơn, để khẩn trương sắp đặt công việc, bàn giao lại cho các đồng chí tin cậy. Ngày 13-6-1923, anh Nguyễn rời Paris cùng một số bạn bè ở Câu lạc bộ Ngoại ô đi đến vùng cao nguyên Savoie giáp biên giới Thụy Sĩ, rồi từ đó anh sang Đức. Ngày 15-6-1923, anh Nguyễn đi Liên Xô, rồi Trung Quốc nhưng vẫn gửi bài và tiền ủng hộ cho Báo Le Paria. Tổng cộng, anh Nguyễn đã viết hơn 40 bài báo, chiếm trên 60% tổng số bài đăng trên Báo Le Paria, tờ báo duy nhất trong lịch sử báo chí thế giới, với tư cách là diễn đàn của các dân tộc thuộc địa, viết dưới ánh sáng tư tưởng Lênin: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại”.

Đỗ Hoàng Linh (Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)
.
.
.