Hồ sơ vụ án “Đạo đâm giả cọp thần” trên Thiên Cấm Sơn

Thứ Hai, 31/01/2022, 11:53

Dù sự việc xảy ra hơn 70 năm nhưng hầu như những bậc cao niên sinh sống ở 3 địa phương Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang đều rõ chuyện “đạo đâm giả cọp thần" giáng thế ở núi Cấm (tức Thiên Cấm Sơn, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) huyên náo một dạo. Bên cạnh đó, họ còn nhớ như in nỗi kinh hoàng do tà đạo này gây ra cho nhân dân.

Lập điện thờ, tự xưng là... “long quân”

“Đạo đâm” hoặc “đạo lụi” là tên gọi mà người dân đặt cho tà đạo của Nguyễn Văn Ngợi, người tự xưng là giáo chủ đạo “Tứ Ân Việt Nam” – một tổ chức mê tín mạo danh đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa hồi đó -  để trục lợi.

Theo hồ sơ lưu trữ của Công an tỉnh Đồng Tháp, Nguyễn Văn Ngợi, sinh năm 1934, quê quán Vĩnh Thới, Lấp Vò, Đồng Tháp. Cha mẹ là nông dân nghèo, đông con nên Ngợi chỉ học vừa đủ biết đọc, biết viết. Năm 12 tuổi, Ngợi bị bệnh không rõ căn nguyên, lúc nào cũng xanh xao vàng vọt, ghẻ lở mọc đầy người nên được cha mẹ chèo xuồng ngược dòng sông Hậu hơn 80 cây số, đưa đến An Hòa Tự ở làng Hòa Hảo trị bệnh. An Hòa Tự là tổ đình của hệ phái Phật giáo Hòa Hảo (ngày nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Nơi đó, có một phòng thuốc Nam của tín đồ Hòa Hảo khám bệnh, bốc thuốc Nam từ thiện cho dân nghèo.

Hồ sợ vụ án “Đạo đâm giả cọp thần” trên Thiên Cấm Sơn -0
Vồ Bồ Hong - Nơi Nguyễn Văn Ngợi cho đệ tử giả cọp, rồng để mị dân

Suốt một tháng dưỡng bệnh ở đó, Ngợi có cơ hội tiếp xúc với những giai thoại lập đạo của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Thuở niên thiếu, Đức Thầy (danh xưng tín đồ gọi Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ) cũng bị bệnh nặng, được cha mẹ đưa đi cung thỉnh thuốc Nam. Ngợi còn được nghe chính Đức Thầy thuyết pháp những bài kinh thể loại thơ. Nhờ có trí nhớ bẩm sinh, Ngợi thuộc nhanh chóng.

Kết thúc chuyến chữa bệnh, Ngợi cùng cha mẹ trở về nguyên quán với cơ thể khỏe mạnh và một ít kiến thức giáo lý Phật giáo Hòa Hảo. Kể từ đó, Ngợi trở thành “ông đạo non” - là cách ám chỉ của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo gọi những người lơ mơ về đạo pháp mà lên giọng thuyết giảng. Đi đâu Ngợi cũng khoe mình đã chết nhưng được “hồng ân bề trên cứu sống để dạy đời đi theo đường tu”. Thời đó, Vĩnh Thới là địa phương vùng sâu, kém phát triển, dân trí thấp. Thấy một đứa con nít èo uột, dốt nát về với Tổ Đình chỉ 1 tháng đã khỏe mạnh, lại đọc lưu loát kinh thơ nên một số người tin thật, thường xuyên rủ nhau đến nhà Ngợi nghe thuyết pháp.

Hồ sợ vụ án “Đạo đâm giả cọp thần” trên Thiên Cấm Sơn -0
Trần Minh Chánh (tức Nguyễn Văn Ngợi), năm 1957

Một số tín đồ Phật giáo Hòa Hảo nghe tin có tu sỹ mới xuất hiện cũng đến nghe Ngợi thuyết giảng. Nhận thấy Ngợi giảng nhiều điều không đúng với giáo lý bổn đạo, những tín đồ Phật giáo Hòa Hảo lên tiếng phản biện. Vốn kiến thức giáo lý èo uột, bị truy vấn gắt, Ngợi chống chế rằng, giáo lý của Ngợi không xuất phát từ Phật giáo Hòa Hảo mà do “bề trên truyền dạy trực tiếp qua giấc mơ”. Giáo lý của Ngợi mới là giáo lý chân truyền, còn giáo lý của Đức Thầy không chuẩn(?) Thế là Ngợi chính thức tuyên bố với mọi người mình là giáo chủ của một tôn giáo mới, với tên gọi tôn giáo mới chưa thể tiết lộ. Bị tín đồ thuần túy Phật giáo Hòa Hảo lẫn cha mẹ phản đối, Ngợi bỏ nhà đi hoang.

Nghe đồn núi Thiên Cấm Sơn hoang vu có nhiều hang đá, Ngợi lần mò đến tìm chỗ trú thân. Đó là năm 1951. Ngợi chọn vồ Bồ Hong làm nơi tá túc và kiếm cơm bằng cách xem bói, bán bùa cho những người hành hương. Ít lâu sau, Ngợi thu phục được 4 đệ từ ruột gồm 2 người phụ nữ và 2 thiếu niên. Trong đó có một gã mà sau này trở thành Đại tá – Tỉnh Trưởng cuối cùng của tỉnh Long Xuyên dưới thời chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Ngợi biến hang Thiên Tuế thành điện thờ và tự xưng mình là “Long Quân”. Bắt chước khuôn mẫu khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo của Đức Thầy, Ngợi “khởi nghiệp” bằng cách sáng tác “sấm truyền hậu giảng”. Để thu hút nhiều người đến mua bùa, Ngợi sai đệ tử ruột đem những bài “sấm” xuống núi thuê người in roneo rồi đi rải khắp các khu vực đông dân quanh chân núi.

Với chiêu thức “truyền thông” đó, không bao lâu sau, người mê tín khắp nơi tìm đến mua bùa chú của Ngợi nườm nượp. Để những lời tiên đoán của “Long Quân” chính xác, Ngợi tổ chức 1 đội ngũ cò hùng hậu dưới chân núi Cấm. Đội ngũ cò này làm nhiệm vụ khuân vác đồ lễ, hướng dẫn đường đi cho khách hành hương đến viếng “Long Quân” nhưng kỳ thật là điều tra nhân thân, hỏi han tâm sự những khúc mắc cá nhân để mật báo với “Long Quân”. Thu được một mớ vốn khấm khá, Ngợi quyết định đầu tư xây dựng điện thờ Lạc Long Quân trên vồ Bồ Hong để hàng ngày lên đồng nhập xác. 

Gieo rắc dị đoan để chế áp tín đồ

Nguồn cúng dường thập phương ngày càng dồi dào vẫn chưa thỏa mãn lòng tham của “Long Vương”. Ngợi bắt đầu chú ý đến những thương gia giàu, có thế lực ở các địa phương lân cận. Trong đó có một nữ thương gia nổi tiếng ở Thốt Nốt, Long Xuyên (nay Thốt Thốt là một quận của TP Cần Thơ). Nữ thương gia này chính là thân mẫu Ba Cụt (tức Lê Quang Vinh – một trong 4 thủ lĩnh quân đội Dân Xã Đảng thuộc quyền điều khiển của quân đội Pháp).

Hồ sợ vụ án “Đạo đâm giả cọp thần” trên Thiên Cấm Sơn -0
Nguyễn Văn Ngợi bị bắt năm 1995

Để thu phục nữ thương gia này, Ngợi sai 1 đệ tử lân la tiếp cận để phao tin: “Giờ Dần (từ 3 giờ đến 5 giờ sáng), rằm tháng giêng năm quý tỵ (năm 1953) Minh vương Hoàng đế Việt Nam sẽ xuất hiện ở vồ Bồ Hong để khai hội Long Hoa. Những người có căn kiếp thần tiên sẽ trông thấy rồng thiêng, thần hổ của Thượng đế ở nơi đây”.

Song song đó, Ngợi sai một đệ tử khác nhận nhiệm vụ nửa đêm dùng mật đường mía bí mật vẽ chữ “Long vương” bằng chữ Hán lên lá cây khắp các thị tứ ở Long Xuyên, Cần Thơ. Kiến ăn mật đường tạo những lỗ thủng trên mặt lá thành chữ.

Là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, tết năm nào vị nữ thương gia này cũng đi hành hương núi Cấm. Bây giờ thấy hiện tượng “Thượng đế báo tin trên lá cây”, bà quyết tâm dự “hội Long Hoa” để thỏa mãn tính tò mò.

4 giờ khuya ngày đó, bà cùng nhóm tùy tùng rời Thốt Nốt leo núi Cấm lên vồ Bồ Hong. Khi còn cách mục tiêu vài trăm mét, từ dưới thung lũng, bà và nhóm tùy tùng sởn tóc, lạnh lưng, run lẩy bẩy khi ngửa mặt nhìn lên vồ trông thấy nhiều luồng hào quang tỏa sáng giữa bóng đêm u tịch. Thấp thoáng trong ánh hào quang có 2 con cọp bạch đang chấp chới đùa giỡn với một con rồng. Vị nữ thương gia bật khóc nức nở vì nghĩ rằng mình có căn kiếp thần tiên nên mới có duyên chứng kiến huyền diệu phi phàm.

Khi đoàn của vị nữ thương gia đến nơi thì rồng, cọp biến mất, thay vào đó là bộ dạng uy nghi của Ngợi. Ngợi mặc triều phục đứng trên vồ cao phán truyền: “Ngọc Hoa Nương Nương đã xuất hiện. Ta bấm quẻ biết rằng Ngọc Hoàng đã gởi triều phục cho Nương Nương ở 1 hốc đá. Hãy mau mau đi thọ nhận”. Một đệ từ của Ngợi chạy xuống dìu vị nữ thương gia đến một tảng đá gần đó dùng tay cào đất. Một chiếc rương cổ hiện lên. Bên trong rương cổ là một bộ áo mão hoàng hậu. Vị nữ thương gia mừng phát khóc, quỳ mọp xuống chân Ngợi lạy lia lịa. Kể từ đó, người này trở thành “hoàng hậu của Long Vương” cho dù tuổi tác chênh lệch gần 2 con giáp. Và cũng từ ngày đó, hơn phân nửa gia sản của bà này thuộc về tôn giáo của Ngợi.

Kẻ "khi sư diệt tổ"...

Cùng thời điểm đó, một đoàn tín đồ Phật giáo Hòa Hảo do ông Cao Bá Hấng – Thư ký của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ - dẫn đầu đang bí mật đột nhập lên vồ Bồ Hong để vạch trần thủ đoạn lừa mị của Ngợi. Nhóm này phát hiện nơi giấu những bộ áo cọp, rồng của Ngợi. Có bằng chứng trong tay, ông Cao Bá Hấng xông vào điện thờ túm cổ áo “Ngọc Hoàng Ngợi” chất vấn trước rất đông người hành hương. May cho Ngợi, “Ngọc Hoa Nương Nương” đã rời đi trước đó. Chứng kiến “Ngọc Hoàng” cúi đầu trước một cao đồ của Phật giáo Hòa Hảo, người hành hương tản dần. Ngợi ghi lòng thâm thù ông Cao Bá Hấng vào sổ tay.

Hồ sợ vụ án “Đạo đâm giả cọp thần” trên Thiên Cấm Sơn -0
Hang Cọp ở Vồ Thiên Tuế - nơi khởi sự tà đạo của Nguyễn Văn Ngợi.

Sau này, vào năm 1994, Ngợi khai với cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp rằng, Cao Bá Hấng không chỉ vạch mặt ông ta trong buổi “rồng, cọp” mà còn đi rao giảng khắp các buổi thuyết pháp. Kế hoạch khai đạo mới bị bể, chén cơm đã bị chà đạp, nuôi lòng căm thù, Ngợi quyết định sát hại Cao Bá Hấng.

Một buổi sáng cuối tháng 8 – 1957, người dân phát hiện thi thể ông Cao Bá Hấng nằm trước sân An Hòa Tự - Tổ Đình Hòa Hảo (Thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), vết sát thương ở cổ. Trên người nạn nhân có miếng giấy ghi: “Bản án của Việt Nam Cách Mạng Quân Lực Bình Dân Đảng. Đảng trưởng Trần Minh Chánh. Tội phản đạo, chống lại Phật Thầy”.

Liên tục những ngày sau đó, hàng loạt tu sỹ Phật giáo Hòa Hảo khắp các vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ… bị thích khách sát hại. Tất cả tử thi đều có kèm mảnh giấy “bản án”. Điều đó giúp lực lượng cảnh sát của chính quyền Ngô Đình Diệm buộc phải tìm hiểu Trần Minh Chánh là ai? Cuộc săn lùng tung tích Trần Minh Chánh được chính quyền treo thưởng 100.000 đồng (thời giá 1 giạ lúa 2 đồng).

5 giờ sáng ngày 14-3-1958, Nguyễn Văn Ngợi bị tóm tại Chắc Cà Đao, Long Xuyên khi cùng 2 đệ tử đang trên đường hành thích một nhân vật nào đó. Bắt được “cá lớn”, cảnh sát Long Xuyên giải giao ngay về khám Chí Hòa, Sài Gòn.

Chỉ sau 1 tuần hỏi cung, cảnh sát Chí Hòa đã lấy khẩu cung đầy đủ tội trạng của Ngợi.

Ngày 6-10-1958, Trung tá Nguyễn Văn Y - Chỉ huy trưởng Đệ nhất Quân khu Sài Gòn đưa Nguyễn Văn Ngợi về Long Xuyên thú tội trước dân chúng tại buổi mít tinh.

... và kết cục của hành vi cơ hội chính trị

Ngày 10-4-1958, Ngợi được đưa thẳng ra trại Chín Hầm ở Huế, giam ở khu “chuyển hướng”. Tại đây Ngợi được ăn no, ngủ kỹ và học về tư tưởng “phụng sự quốc gia”. Cuối mỗi tháng, Ngợi được đưa đến gia phủ họ Ngô để được quỳ lạy "cậu Cẩn" và nghe "cậu" “khai ngộ” về “công tác chính trị”. Tuy vậy, suốt thời gian này, Ngợi liên tục gửi mật thư về Long Xuyên cho các đại đệ tử với nội dung: “Sư phụ bị pháp nạn 10 năm, đang tu luyện thêm phép thuật. Các đệ tử hãy quy tựu tín đồ chờ ngày sư phụ tái xuất”. Vì thế, các đại đệ tử của Ngợi vẫn hoạt động truyền đạo công khai.

Chưa kịp “xuất sơn” thì Ngô Đình Diệm bị đảo chính, Ngợi tiếp tục bị giam ở Chín Hầm. Mãi đến tháng 2-1964, sau khi thực hiện thành công cuộc “chỉnh lý”, Nguyễn Khánh lên cầm quyền, hồ sơ của Ngợi mới được dòm ngó đến.

Ngợi được bí mật giải đến nhà riêng của Hà Thúc Ký – Một nhân vật thân tín của Nguyễn Khánh. Tại đây, Nguyễn Khánh, Hà Thúc Ký và Nguyễn Văn Ngợi cụng ly chúc mừng một thỏa thuận chính trị: Nguyễn Khánh chi tiền cho Ngợi xây chùa quy tựu tín đồ. Đổi lại, Ngợi phải là lực lượng hậu thuẫn chính trị, tổ chức cơ sở thu thập tin tức cho Khánh. Để kịch bản hợp lý, cảnh sát sẽ thu xếp cho các đại đệ tử của Ngợi tổ chức 1 cuộc biểu tình giả đòi chính quyền thả “Giáo chủ”. Một đệ tử tên Lê Tùng V được giao nhiệm vụ này.

Đầu tháng 8-1964, Lê Tùng V. thuê vài trăm người kéo đến trước dinh Độc Lập đòi thả Ngợi. Vài hôm sau, Ngợi xuất hiện tại Phú Lâm và tuyên bố sẽ xây 1 ngôi chùa lớn nhất Sài Gòn để truyền bá đạo Tứ Ân Việt Nam. Tết năm 1966, Phan Khắc Sửu và Hà Thúc Ký có mặt trong buổi lễ khánh thành ngôi chùa này. Kể từ đó, một mạng lưới tình báo của Việt Nam Cộng hòa được hình thành song song với việc hành đạo của Ngợi.

Tháng 4-1975, trong khi cả nước hân hoan trước sự kiện thống nhất đất nước, Ngợi manh nha tổ chức một lực lượng quân sự gồm đại diện 19 giáo phái để mưu đồ lật đổ chính quyền nhân dân. Mọi hoạt động của Ngợi không che được tầm quan sát của lực lượng phản gián Bộ Nội vụ (bây giờ là Bộ Công an). Ngày 26-6-1977, Ngợi bị bắt quả tang đang chuẩn bị rải truyền đơn. Tại trại giam, Ngợi thú nhận dùng chiêu bài tín ngưỡng để hoạt động gián điệp cho CIA từ năm 1958.

Sau khi được cải tạo tư tưởng vài năm, Ngợi được trả tự do. Được trả tự do, Ngợi liên tục sang Camuchia để tiếp xúc với các phần tử biệt kích phản động hải ngoại. Một chuyên án mang mật danh HK95 được Công an tỉnh Đồng Tháp và lãnh đạo Bộ Nội vụ (Nay là Bộ Công An) xác lập.

Đêm 24-2-1995, Ngợi cùng đồng bọn từ Campuchia vào biên giới Việt Nam, nhưng lọt vào ổ phục kích giăng sẵn của ban chuyên án. Tang vật gồm nhiều vũ khí, tài liệu khủng bố. Nguyễn Văn Ngợi và đồng bọn đã nhận một bản án thích đáng mà y đã gây ra suốt thời gian hơn 20 năm giả tu.

Nguyễn Hoàng Kiệt
.
.
.