Đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội

Thứ Hai, 19/12/2022, 21:32

Thành ngữ Việt có câu nói như vậy để hàm chỉ ra rằng kẻ mạnh đến đâu cũng có điểm yếu. Khi cỗ máy chiến tranh của chính quyền Mỹ quyết định tung con bài chiến lược là máy bay B.52 tiến hành chiến dịch không kích Hà Nội, họ rất tự tin bởi lẽ: Một là, B.52 là loại vũ khí đến thời điểm đó được cho là bất khả chiến bại. Hai là, lực lượng phòng không của Việt Nam tính đến thời điểm đó không có vũ khí để đánh được B.52. Và ba là, theo tin tức tình báo thì Việt Nam đã sắp hết tên lửa Sam 2, loại vũ khí có thể “với tới” B.52 được.

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”

Nhớ 30 năm trước khi đến phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích tại nhà riêng của ông ở trong ngõ nhỏ trên phố Liễu Giai, tôi đã hỏi ông rằng: “Bí quyết để ta chiến thắng là gì?”. Vị Thiếu tướng từng là Tư lệnh Phòng không Hà Nội năm 1966 (năm Mỹ bắt đầu ném bom Hà Nội), và chính ông đêm 18 tháng 12 năm 1972, khi đó là Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, đã trực tiếp chỉ huy trận đánh B.52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội. Vị Thiếu tướng ngồi trầm ngâm ít giây, dường như ông đang sống lại 12 ngày đêm căng thẳng và quyết liệt ấy, rồi ông chậm rãi trả lời: “Mỹ có B.52 rất mạnh nhưng chúng ta có quyết tâm chiến thắng vô cùng lớn”. Tôi lại hỏi tiếp: “Cháu nghĩ chỉ quyết tâm thôi thì chưa đủ?”. Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích cười vui: “Đúng. Tìm ra chỗ hở của địch mà đánh”.

thieu.jpg -0
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quang Bích

Thế là đêm 18 tháng 12 năm 1972, hàng đàn B.52 cất cánh từ sân bay trên đảo Guam ngoài Thái Bình Dương, ngạo nghễ bay vào bờ biển nước ta, rồi từ đấy (Quảng Bình) chúng bẻ hướng bay ra Hà Nội. Với hệ thống bảo vệ dày đặc gồm các máy bay tiêm kích hộ tống nhiều tầng nhiều lớp và với việc rải dây kim loại gây nhiễu ra-đa của ta. B.52 bật đèn sáng choang lừng lững bay vào vùng trời Hà Nội.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích kể: “Do chúng ta đã dự đoán trước và do chúng ta chủ động phát hiện mục tiêu nên khi B.52 bay vào tới Quảng Bình rồi chuyển hướng. Hành động ấy đã làm các chiến sĩ ra-đa của ta cảnh giác”. Cũng phải nói thêm rằng, với sự cảnh giác cao trước hành động khác thường bởi trước đó Không quân Mỹ khi tiến hành bay ra không kích miền Bắc không bay kiểu như thế. Hành động khác lạ với “thói quen” đó đã giúp các chiến sĩ ra-đa của ta nhanh chóng quyết định, họ đã báo cáo về Sở Chỉ huy “B.52 đang bay ra Hà Nội”. Đó là một báo cáo “quý hơn vàng” vì điều khẳng định đó đã giúp Sở Chỉ huy có 35 phút để “kích hoạt” hệ thống phòng không bảo vệ Hà Nội. Và thế là tuy sử dụng đòn tập kích bất ngờ nhưng Mỹ đã mất yếu tố bất ngờ. Hệ thống phòng không Hà Nội đã có đủ thời gian để giăng lưới lửa chờ máy bay Mỹ đến để tiêu diệt. “Quy luật” hoạt động của máy bay Mỹ đã bị chúng ta “bắt bài”. Đúng là “Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”.

Đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội -0
Máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội năm 1972

“Quả lừa” đau đớn

Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích cho hay: “Từ năm 1971 chúng ta gần như không còn nhận được tên lửa phòng không từ Liên Xô nữa, lý do thì “rất tế nhị”. Do đó theo tính toán của phía Mỹ thì số lượng đạn tên lửa của chúng ta đã sắp hết. Thêm nữa ở chỗ này thì chúng ta đã một lần nữa cho Mỹ “ăn quả lừa” đau đớn.

Theo tin tức tình báo và theo “thỏa thuận ngầm” giữa Mỹ với “thế lực” đang có âm mưu làm suy yếu ta, thì khi Chính phủ Mỹ quyết định tung B.52 đánh đòn phủ đầu chiến lược vào Hà Nội, phía Mỹ đã “khẳng định” chúng ta đã “hết đạn”. Trên thực tế lý thuyết thì tên lửa Sam 2 hoàn toàn có thể “với” tới độ cao của B.52 và tiêu diệt được B.52 nhưng tin tức nhận được rằng Việt Nam không còn tên lửa, nên Mỹ “ung dung” cho B.52 bay ngạo nghễ ra Hà Nội mà không hề nghĩ rằng máy bay B.52 sẽ bị bắn hạ bằng tên lửa Sam 2.

Đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội -0
Bộ đội tên lửa kiên cường 12 ngày đêm lịch sử

Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích kể: “Từ trước đó chúng ta đã lường đến tình huống “hết đạn” này nên đã sử dụng hai cách. Cách thứ nhất là bắn tiết kiệm đạn, bắn dè sẻn và chỉ bắn như là một cách để nâng cao trình độ tác chiến. Còn cách thứ hai thì đó là: đánh lừa Mỹ”.

Cách “đánh lừa Mỹ” như Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích kể là cách “tung tin giả” khiến Mỹ tưởng thật mà chủ quan. Theo đó, ở các trận địa tên lửa chúng ta không bố trí đạn thật mà bố trí đạn giả. Đạn thật được đưa đi “sơ tán” và chỉ đưa về trận địa vào thời điểm và thời gian thích hợp. Năm đó, tôi tuy mới 15 tuổi nhưng tôi đã thấy, đó là vào ban ngày nếu các xe chở tên lửa không “rầm rộ” di chuyển đi các nơi khác thì cũng được đem đi “giấu”. Tôi đã thấy vào ban ngày những chiếc xe chở đạn với tên lửa đều đã được lắp đầy đủ các chi tiết “nằm” im lìm dưới những rặng cây. Dạo đó trên các tuyến quốc lộ hay tỉnh lộ được trồng rất nhiều cây. Cây cao lớn phủ bóng che mát đường đi thì giờ “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Máy bay trinh sát Mỹ sẽ không phát hiện ra những chiếc xe chở đạn đó đang ẩn mình kín đáo. Quê tôi thời ấy có một trận địa tên lửa, nghe đồn người chỉ huy trận địa tên lửa ở cánh đồng xã Nhân Hòa (nay là phường Nhân Hòa, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) là Phùng Thế Quảng, con trai của “Tướng Ục”. Chả là Đại tá Phùng Thế Tài năm 1972 là Tư lệnh Phòng không – Không quân, ông còn nổi tiếng là người cương trực và nóng tính, biệt danh “Tướng Ục” có lẽ ra đời từ đây.

Đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội -0
Xác B.52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội hiện vẫn lưu giữ tại di tích ở hồ Ngọc Hà, Hà Nội

Trận địa tên lửa ở quê tôi hồi đó hầu như yên ắng giữa đồng lúa và hàng cây cao xanh mướt, đi ngoài đường sẽ chẳng nhận ra. Có điều mà sau này tôi mới được hay là ngay tại trận địa, hiếm khi thấy đạn tên lửa được đưa lên bệ phóng. Những chiếc xe chở đạn cứ “túc tắc” đi chỗ này chỗ khác.

Dịp 12 ngày đêm tôi đã thấy những chiếc xe chở đạn tên lửa “ngủ yên” dưới những hàng cây bên đường để rồi chập tối mới “lặng lẽ” chuyển bánh. Qua một hai ngày đầu B.52 tập kích, chúng ta đã tìm ra quy luật hoạt động, đó là tầm đêm, khoảng 22 giờ trở đi, B.52 mới bay ra Hà Nội. Vậy nên cứ màn đêm mùa đông đen kịt che mọi con mắt rình mò thì các xe chở đạn tên lửa đã lắp sẵn mới khẩn trương tiếp cận trận địa. Chừng hai, ba tiếng là xong nên khi máy bay B.52 bay tới thì các trận địa tên lửa đó đã “ngẩng cao đầu” sẵn sàng nghe theo khẩu lệnh “Quả thứ nhất. Phóng. Quả thứ hai. Phóng. Quả thứ ba. Phóng”. Khi đó thì B.52 cứ “phơi thân” ra để “ăn” tên lửa của ta.

Thêm nữa, theo như Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích cho biết thì: Không quân Mỹ thời gian trước đó và cả trong thời gian “12 ngày đêm” thường cho máy bay cường kích tiến hành ném bom, bắn phá các trận địa tên lửa của ta với âm mưu là tiêu diệt tên lửa, tiêu hao đạn tên lửa mà chúng ta phải dùng dè sẻn. Nhưng chúng lại “ăn quả lừa” bởi ở các trận địa tên lửa đó chúng ta không triển khai đạn thật. Đạn tên lửa giả được nhân dân địa phương giúp bộ đội làm bằng cách làm khung tre, quấn cót xung quanh to dài và màu sắc y như tên lửa thật. Ở ngay các bệ phóng tên lửa còn được bố trí những thùng phi chứa đầy gạch non, đó là những chiếc thùng phi đựng nhựa đường đã dùng xong. Mà ngày trước ta đun gạch thủ công nên gạch non nhiều vô kể. Không quân Mỹ bổ nhào xuống bắn phá ném bom trận địa tên lửa ta. Sau những tiếng nổ lớn là khói bụi màu da cam bốc lên mù mịt. Mỹ nhẩm đếm: Một. Hai. Ba rồi hàng chục, hàng trăm trận địa tên lửa ta bị tiêu diệt. Mỹ hí hửng nghĩ “Việt Nam đã hết tên lửa”.

Đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội -0
Máy bay B.52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm năm 1972

Cú ngoặt chết người

Máy bay B.52 khi bay qua vùng trời Hà Nội đến quãng ngã ba Bạch Hạc Việt Trì thì bắt đầu quay đầu vòng lại. Nếu quay đầu sớm thì chưa tới vùng trời Hà Nội, mà ngoặt đầu muộn thì B.52 sẽ bay vào không phận Trung Quốc. Thành thử cứ tới ngã ba Bạch Hạc là chúng quay đầu. Khúc ngoặt chết người này khiến máy bay B.52 lọt ra ngoài khu vực phủ nhiễu và quan trọng là B.52 to lớn cồng kềnh, khi quay đầu cũng trượt ra khỏi vùng bảo vệ của máy bay tiêm kích.

Đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội -0
Bộ đội cao xạ trong 12 ngày đêm lịch sử

Sau khi quay đầu ở ngã ba Bạch Hạc thì B.52 lấy sông Hồng làm cơ sở để bay về Hà Nội. Quy luật này và chính sự “sơ hở” này đã giúp chúng ta bố trí các trận địa tên lửa đón lõng B.52 ở Chèm, huyện Từ Liêm; ở Uy Nỗ, Cổ Loa huyện Đông Anh và ở Yên Viên bên huyện Gia Lâm. Toàn những vị trí thuận lợi cho bắn đón. B.52 lúc này “thân cô thế cô”, lại to đùng to đoàng thành mục tiêu “rõ mồn một” cho tên lửa ta bắn tới.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Nguyễn Quang Bích ngừng kể. Người lính già trầm ngâm như để hồi tưởng lại những ngày cuối tháng 12 năm 1972. Lâu sau ông nhìn chúng tôi với vẻ mặt rất vui: “Khiêm tốn mà nói rằng, trên thế giới, tính cho tới nay, chỉ có Việt Nam là bắn rơi được máy bay B.52. Mà không chỉ một chiếc mà là hàng chục chiếc. Chỉ riêng trận “Điện Biên Phủ trên không” từ 18 đến 29 tháng 12 năm 1972, đã có 34 chiếc B.52 cháy như đuốc trên bầu trời Hà Nội”.

Nguyễn Trọng Văn
.
.
.