Chuyện Bác sĩ Anh hùng trên chiến trường B2

Thứ Ba, 13/06/2023, 11:24

Ông có mặt trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh khi đế quốc Mỹ dùng máy bay B.52 chà xát các bệnh viện dã chiến. Một cuộc chiến không cân sức giữa những người thầy thuốc, những y tá, bác sĩ, cứu thương chân yếu tay mềm với kẻ địch được trang bị phương tiện chiến tranh hiện đại.

Ông và đồng nghiệp của mình đã làm việc giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, đã chăm sóc sức khỏe và cứu sống cho hàng ngàn bộ đội, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Khắc chế sốt rét

Tháng 10/1945 sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú Đại học Y khoa Đông Dương ở miền Bắc, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã tình nguyện gia nhập quân đội vào Nam chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ông có mặt ở những nơi bom đạn cày xới khốc liệt nhất, tham gia trực tiếp vào mặt trận chiến đấu, vừa cứu thương, vừa nghiên cứu y khoa, bào chế các loại dược phẩm giúp bộ đội có đủ sức khỏe cầm súng ra mặt trận đánh giặc.

h1.jpg -0
Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành (thứ hai từ phải sang) tham gia thảo luận kế hoạch tác chiến bảo vệ thương binh năm 1970

Năm 1965 - 1966, địch coi Nam Bộ là một trong những chiến trường trọng điểm để thực hiện kế hoạch “tìm diệt và bình định”. Chúng liên tục tập trung quân mở những cuộc phản công chiến lược vào những vùng căn cứ hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và căn cứ hậu cần của Miền (mật danh B2, gồm chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ)

Tháng 5/1966, Đảng ủy cục Hậu cần Miền ra nghị quyết về công tác hậu cần, trong đó xác định nhiệm vụ: Quân nhu và Quân y phải đẩy mạnh việc bảo đảm lương thực, cứu chữa thương binh, bảo vệ sức khỏe chiến đấu cho đơn vị, nhất là trong tình hình bệnh sốt rét đang có nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh.

Lúc này, Phó tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, Phó phòng Quân y Miền có mặt trực tiếp trong các chiến dịch tại chiến trường B2 đã tập trung thời gian để tìm hiểu về bệnh sốt rét và các bệnh truyền nhiễm ở các đơn vị thuộc Miền. Ông được biết, vùng rừng núi miền Đông Nam Bộ là một trong những vùng có ổ dịch sốt rét thiên nhiên lưu hành ở mức độ rất nặng. Cùng với việc bộ đội không nằm màn đã gây ra tình trạng sốt rét với tỷ lệ cao ở hầu hết các đơn vị. Bác sĩ Thành nhận thấy sức khỏe của bộ đội đã và đang có xu hướng bị giảm sút. Mặt khác, do thiếu cán bộ chuyên trách và phương tiện xét nghiệm máu nên trong nhiều năm, phòng Quân y B2 chưa tổ chức điều tra, nghiên cứu về dịch tễ bệnh sốt rét.

Các thống kê cho thấy, nếu tỷ lệ bảo đảm quân số khỏe trung bình ở đơn vị bộ binh năm 1965 là 81% thì nay đã giảm xuống còn 74%, ở khối binh chủng là 68%. Riêng tình hình sức khỏe của bộ đội ở Sư đoàn 7 – đơn vị mới được bổ sung nhiều tân binh có sức khỏe loại C, thì tình hình càng đáng lo ngại. Trong quá trình hành quân từ miền Bắc vào chiến trường B2, số tân binh C bị sốt rét, bị ốm đau đã rơi rớt dọc đường, phải gửi lại điều trị tại các binh trạm, các trạm giao liên chiếm tỷ lệ rất lớn. Trong số tân binh đã vào đến chiến trường vẫn còn có dấu hiệu tiếp tục bị ốm đau, chủ yếu do sốt rét, do suy kiệt dọc đường.

Tại thời điểm đó, chiến trường B2 được Cục Quân y gửi vào nhiều loại thuốc sốt rét mới, có công hiệu cao trong điều trị. Tuy được sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về phác đồ điều trị, cách dùng thuốc nhưng trên thực tế, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành nhận thấy đã xảy ra nhiều khuynh hướng lệch lạc ở quân y một số đơn vị. Tìm hiểu kỹ, ông thấy nguyên nhân của sự lệch lạc trong nhận thức của một số cán bộ Quân y là do chưa chú trọng đến nguyên tắc vừa điều trị, vừa phải nghiên cứu để kịp thời đánh giá hiệu quả của từng loại thuốc, hiệu quả của từng phác đồ điều trị, tình trạng kháng thuốc của ký sinh trùng sốt rét.

Chuyện Bác sĩ Anh hùng trên chiến trường B2 -0
Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành trong một buổi lên lớp giảng dạy khi làm Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất

Trước tình hình đó, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã báo cáo phòng Quân y về thực trạng bệnh sốt rét tại từng đơn vị, đồng thời báo cáo Bộ Tư lệnh Miền về kế hoạch khắc phục bệnh sốt rét đang có nguy cơ bùng phát thành dịch, tình trạng sức khỏe giảm sút của tân binh C.

Theo kế hoạch, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đề xuất là sớm nghiên cứu cách dùng thuốc điều trị dự phòng một lần, thay cho cách dùng thuốc uống phòng hằng tuần vẫn áp dụng, nghiên cứu các biện pháp tổng thể để phòng chống và điều trị bệnh sốt rét, tăng cường chất lượng công tác nuôi quân, phòng bệnh tại các trạm giao liên, các đoàn hậu cần, tại địa điểm đầu cầu tiếp nhận tân binh từ miền Bắc vào.

Được sự cộng tác của Phó tiến sĩ Bùi Đại - chuyên viên Cục Quân y và Bác sĩ Bùi Dũng Mã - cán bộ Khoa ký sinh trùng của Trường đại học Quân y, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đề xuất kế hoạch nghiên cứu toàn diện về phương pháp phòng chống và điều trị bệnh sốt rét có dấu hiệu kháng thuốc và đề nghị lập Ban phòng chống sốt rét. Đề xuất của bác sĩ Thành được Cục Hậu cần ủng hộ, phòng Quân y đã nhiệt tình hưởng ứng và tạo thuận lợi để Ban phòng chống sốt rét hoạt động, tạo điều kiện để bác sĩ Nguyễn Thiện Thành chủ động trong kế hoạch công tác. Dưới sự điều hành của bác sĩ Thành, Ban phòng chống sốt rét đã tổ chức điều tra tại chỗ tình hình bệnh sốt rét ở Sư đoàn 7 bộ binh, ở trung tâm đoàn vận tải và một số đơn vị khác. Sau cuộc điều tra, Ban phòng chống sốt rét đã tiến hành thí điểm việc hạ mức sốt rét cho 400 tân binh C bằng các biện pháp tổng hợp. Với kết quả đạt được, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã báo cáo phòng Quân y soạn thảo chỉ thị hướng dẫn điều trị sốt rét bằng phác đồ phối hợp thuốc Sulphamide loại thải chậm với Nivaquine hoặc Malocide hoặc Quinine.

Chỉ thị này được quân y các đơn vị trên toàn Miền thực hiện nghiêm túc, bác sĩ Nguyễn Thiên Thành lại tổ chức việc theo dõi diễn biến bệnh sốt rét tại các đơn vị khác. Sau 2 tháng, ông nhận thấy kết quả rất khả quan, thời gian cắt sốt nhanh và tỷ lệ bệnh nhân bị tái phát sốt rét sau điều trị giảm rõ, từ 45% xuống còn 17%, tỷ lệ sạch ký sinh trùng trong máu từ 26% xuống còn 3%. Hơn thế, việc dùng phác đồ phối hợp thuốc đã hạn chế việc phải tiêm, chỉ cần cho bộ đội uống cũng có kết quả. Phương pháp này phù hợp với yêu cầu tác chiến, có thể thực hiện được ở mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh với đặc điểm chiến đấu ở chiến trường B2.

Chống suy kiệt cơ thể cho tân binh

Ngoài bị sốt rét, do hành quân hàng nghìn kilomet trên các tuyến đường giao liên ở thời điểm còn rất khó khăn gian khổ, lại bị máy bay địch liên tục bắn phá, bị các đoàn biệt kích đón lõng, mật phục, cộng với việc ăn uống không đảm bảo chất dinh dưỡng cần thiết nên khi vào tới chiến trường B2, sức khỏe tân binh C rất kém, hầu như không đủ sức chiến đấu.

Chuyện Bác sĩ Anh hùng trên chiến trường B2 -0
Tải thương binh tại chiến khu

Nhằm góp phần để sức khỏe tân binh C nhanh chóng hồi phục sau cuộc hành quân dài ngày, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đề nghị các bếp nuôi quân tổ chức 4 chế độ ăn dưỡng cho 4 đối tượng tân binh C, mỗi đối tượng có thời gian bồi dưỡng khác nhau. Đối tượng 1 là những tân binh tuy bị sốt rét nhưng thể trạng còn khá thì được nghỉ ngơi và được ăn bồi dưỡng 10 ngày.

Đối tượng 2 là những tân binh bị sốt rét tái phát, da niêm mạc đã xanh tái, thể trạng yếu sẽ được nghỉ ngơi và ăn dưỡng 20 ngày. Đối tượng 3 là những tân binh bị sốt rét tái phát liên tục, đã phải gửi lại các trạm trên đường hành quân để điều trị, cơ thể đã có biểu hiện suy nhược do thiếu dinh dưỡng, hồng cầu máu giảm sâu được nghỉ ngơi và bồi dưỡng 30 ngày.

Đối tượng 4 là tân binh bị sốt rét liên tục, dai dẳng, trong tiền sử đã từng bị sốt ác tính, cơ thể suy nhược, sức khỏe suy kiệt được về các trại an dưỡng từ 2 đến 3 tháng. Bằng phương pháp này, sức khỏe tân binh C từ năm 1971-1972 khi vào chiến trường B2 đã có sự chuyển biến rõ rệt, sức chiến đấu của các đơn vị chủ lực tăng và tình hình bệnh sốt rét trong tân binh cũng được khống chế.

Trong điều kiện khó khăn thiếu thốn ở chiến trường, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành cùng đồng nghiệp của ông ở Phòng quân y Miền đã tự nguyện cắt phần ăn và chế độ mà mình được hưởng để nhường cho những người lính trẻ.

Hình ảnh người bác sĩ cần mẫn ghi giáo án, đứng lớp giảng dạy cho đội ngũ thầy thuốc trẻ trong hầm hào rừng sâu, giữa bom rơi đạn lạc và những đêm mưa phùn gió lạnh, ông chong đèn đi khám bệnh, cứu chữa thương binh vẫn còn mãi trong lòng anh em đồng nghiệp. Bác sĩ Lê Ngọc Ban, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, một người đồng chí, đồng đội trên chiến trường B2 chia sẻ: “Bom đạn đì đùng trên đầu, bác sĩ Thành chui xuống hầm tiếp tục nghiên cứu, lúc nào cũng thấy ông cầm cây bút và cuốn vở trên tay. Là người thầy thuốc, ông không bao giờ phân biệt bệnh nhân là giai tầng xã hội nào, thậm chí ông còn cứu thương cho cả những người lính ở phía bên kia chiến tuyến. Họ vô cùng cảm động, nhiều người sau này đã viết thư bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với bác sĩ Việt Nam”.

Lúc sinh thời, bà Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng thường nhắc đến bác sĩ Nguyễn Thiện Thành bằng một tình cảm chân thành và tôn trọng. “Trong hoàn cảnh nào, ông cũng là một bác sĩ giỏi, có tâm, có tầm. Ông chiến đấu và làm việc sôi nổi, hiến dâng tất cả sức lực và trí tuệ phục sự nhân dân và đồng đội”, bà Ngô Thị Huệ chia sẻ.  

Chuyện Bác sĩ Anh hùng trên chiến trường B2 -0
Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành khi đang làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô (năm 1955 -1960)

Năm 1974, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành được phong hàm Đại tá Quân đội, Viện trưởng Viện Quân y K71. Sau ngày đất nước hòa bình, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành là Giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Thống Nhất kiêm Chủ tịch Hội đồng chăm sóc bảo vệ sức khỏe Trung ương. Năm 1980, ông được Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư ngay trong đợt phong học hàm đầu tiên của Nhà nước. Ông còn là người đầu tiên đặt nền móng cho bộ môn bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam.

Suốt những năm tháng hoạt động, ông có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển y học nước nhà trên các lĩnh vực điều trị lâm sàng, nghiên cứu khoa học, đào tạo và phổ cập kiến thức y học. Với những cống hiến cho đất nước và nhân dân, GS-TS Nguyễn Thiện Thành được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1985), danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (năm 1989). Ông qua đời năm 2013, hưởng thọ 94 tuổi.

Ngọc Hoa
.
.
.