Tướng Henri Navarre và kế hoạch bị phá sản
Henri Navarre (31/7/1898 - 26/9/1983) là một tướng quân đội Pháp từng tham gia chiến đấu trong Thế chiến I, Thế chiến II và là Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Cuối năm 1953, khi chiến tranh Đông Dương đã kéo dài 8 năm, Pháp lâm vào thế bị động trên chiến trường. Chính phủ Pháp muốn tìm một giải pháp hòa bình có thể chấp nhận được để chấm dứt cuộc chiến, nhưng mặt khác họ vẫn muốn duy trì quyền lợi tại Đông Dương. Vì vậy, Pháp đưa Henri Navarre sang Đông Dương nhằm tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định để làm cơ sở cho một cuộc thảo luận hòa bình trên thế mạnh.
Qua một tháng điều tra, nghiên cứu tình hình, Navarre đã hoàn thành bản kế hoạch tác chiến mang tên mình - Kế hoạch Navarre.
Trên diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Pháp bấy giờ là Joseph Laniel hứng khởi tuyên bố: “Kế hoạch Navarre chẳng những được Chính phủ Pháp, mà ngay cả những người bạn Mỹ cũng tán thành. Nó cho phép chúng ta hy vọng đủ mọi điều”.
Henri Navarre nắm vận mệnh Đông Dương trong tay, thường được ca ngợi là một vị tướng có nhãn quan chiến lược, đầy tự tin và bất ngờ, quyết đoán cả trong quân sự lẫn chính trị. Nhưng khi Điện Biên Phủ thất thủ trước quân đội Việt Minh, danh tiếng của vị tướng này cũng phải tan thành mây khói.
Một đối thủ xứng tầm
Henri Navarre sinh trưởng trong một gia đình nhiều đời làm chưởng lý quan tòa và luật sư vùng Normandie, Pháp. Tham gia quân đội Pháp, Navarre từng phục vụ ở Đội kị binh Saint Germain số 16. Trong Thế chiến II, Navarre chỉ huy Sư đoàn Constantine ở Algeria (Bắc Phi). Báo chí nước ngoài từng ca ngợi Navarre như một danh tướng có thể "uốn nắn lại tình hình Đông Dương".
Ngày 7/5/1953, tướng Henri Navarre được bổ nhiệm làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Trong lúc quân đội Pháp ngày càng lún sâu, bế tắc và thất bại ở Tây Bắc và Thượng Lào (1952, 1953), khi nhậm chức mới, Navarre đã tuyên bố đầy tự tin: "Bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy rõ chiến thắng (ở Việt Nam) giống như nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm".
Navarre quyết định chọn Điện Biên Phủ là cứ điểm phòng ngự chiến lược mạnh nhất Đông Dương khi đó, với ý đồ chặn đường tiếp tế của Việt Minh đi qua Lào đồng thời thực hiện chiến lược tập trung dồn lực lượng theo kiểu "con nhím" khiến kẻ thù khi tấn công sẽ bị tiêu hao sinh lực và thất bại. Navarre tính toán rằng để chiếm lại tuyến đường tiếp tế này, quân đội giải phóng sẽ phải tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Điện Biên Phủ, tổ chức chiến tranh kiểu truyền thống và khi đó quân đội Pháp sẽ có lợi thế.
Với Kế hoạch Navarre, Navarre đã nhanh chóng chuyển chiến lược từ phòng thủ sang tấn công. Ông ta đã lập các lực lượng quân tấn công lưu động và phái đến Điện Biên Phủ, là địa điểm quan trọng chiến lược trong tuyến vận chuyển của Việt Minh, nơi được cho là có thể lôi kéo quân Việt Minh vào các cuộc chiến và Pháp có thể dùng pháo binh và không kích ưu thế hơn của quân đội Pháp để đè bẹp Việt Minh.
Sau trận Điện Biên Phủ, nhiều bình luận của phương Tây về Kế hoạch Navarre, mà đặc biệt là việc nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, là một ý định ngu ngốc. Mặc dù trước đó, khi Điện Biên Phủ chưa bị tấn công, người ta tung hô nó là một cứ điểm bất khả xâm phạm. Dù vậy, từ góc độ của một nhà quân sự và đặc biệt là nhà quân sự ở vị trí địch thủ của Navarre, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng Henri Navarre xứng đáng là một trong những đối thủ tầm cỡ trong đời binh nghiệp của ông.
Trên thực tế, Kế hoạch Navarre đã khiến Việt Minh gặp những khó khăn mới. Bên trong vùng châu thổ chẳng hạn, Navarre đã tập trung một lực lượng đông đảo chưa từng có.
Không nên quên rằng Navarre đã bắt đầu việc chỉ huy của mình bằng hai chiến công: Chiến dịch Hirondelle (Chim én) ở sâu trong Lạng Sơn và Lộc Bình, và việc rút lui thành công một cách xuất sắc khỏi căn cứ Nà Sản, khiến lực lượng Việt Minh không kịp trở tay. Nhưng những tháng đầu tiên ở cương vị tổng chỉ huy, Navarre đã chứng tỏ rằng ông ta là một nhà quân sự tầm cỡ.
Tướng bốn sao Henri Navarre (thứ ba từ trái sang) họp bàn tác chiến các kế hoạch với thuộc cấp. |
Tuy nhiên, như nhiều tướng lĩnh thực dân khác, Navarre cũng không tránh khỏi cái mâu thuẫn tiềm tàng do tính chất của cuộc chiến tranh xâm lược quy định. Chính bởi cái mâu thuẫn giữa tập trung quân để tạo nên sức mạnh với phân tán để chiếm đất đai đã khiến Navarre thua trận khi bị Tướng Giáp khai thác triệt để.
Tướng Giáp phân tích: "Kế hoạch đó tương đối chặt chẽ, nhất quán và sáng tạo. Nhưng ông ta đã không giải quyết được cái mâu thuẫn căn bản của mọi cuộc chiến tranh xâm lược. Quân đội viễn chinh muốn tập trung lực lượng để giành chiến thắng bằng sức mạnh tiềm tàng trên một số điểm được xác định, nhưng nó lại thua, theo tỷ lệ chính xác trong việc kiểm soát đất đai".
Ám ảnh đặc biệt
Ít người chú ý rằng Navarre đã vận hành kế hoạch mang tên mình bằng những bí danh rất kỳ lạ, thể hiện một sự ám ảnh lớn với các loài chim, phụ nữ, hay thậm chí là thần thoại Hy Lạp. Bất kể một chiến dịch nào, dù lớn hay nhỏ, Navarre đều đặt cho những cái tên mang tính biểu tượng rất cao.
Đầu tiên là chiến dịch mang tên Hirondelle - Chim én. Sáng sớm ngày 18/7/1953, dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Gilles, 5.000 quân Pháp bất ngờ nhảy dù xuống các hang động chứa đầy vũ khí bên sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn). Kế đến là chiến dịch Mouette - Hải âu. Đây là một trận chiến lớn trong chiến tranh Đông Dương và được cấu thành từ 2 cuộc hành quân lớn là cuộc hành quân Mouette (Hải âu) vào tây nam Ninh Bình và cuộc hành quân Pélican (Bồ nông) vào ven biển Thanh Hóa.
Sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời binh nghiệp của tướng Navarre là chiến dịch Castor - Hải ly. Đây là cuộc đổ bộ của quân Pháp đánh chiếm lòng chảo Điện Biên Phủ để xây dựng tập đoàn cứ điểm. Ngày 20/11/1953, mở màn cho chiến dịch này là cuộc đổ bộ bằng đường không của Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6, do thiếu tá Mareel Bigeard chỉ huy.
Ngay sau đó, Tiểu đoàn 2 dù, thuộc Trung đoàn biệt kích dù (2/1/RCP) do thiếu tá Brechignac chỉ huy cũng đáp xuống. Cả 2 tiểu đoàn dù của Pháp đáp xuống lòng chảo Điện Biên không hề dễ dàng khi chạm trán với bộ đội Việt Nam. Cuộc chiến đấu giằng co đến cuối giờ chiều Pháp mới chiếm được trận địa.
Chú ý kỹ một chút sẽ thấy điều đặc biệt trong tên gọi Castor. Ngoài tên "Hải ly" thì Castor là tên một vị thần trong thần thoại Hy Lạp. Và để tương thích về tinh thần, ý chí hay sức mạnh thì tướng Navarre còn đặt tên một cuộc hành binh khác là Pollux (Castor và Pollux là 2 anh hùng, đồng thời là 2 anh em trong thần thoại Hy Lạp). Cuộc hành binh Pollux diễn ra vào ngày 6/12/1953 khi trung tá Trancart đưa toàn bộ lực lượng của mình từ Lai Châu về hội quân ở Điện Biên Phủ.
Navarre ám ảnh với các loài chim, thần thoại Hy Lạp, và đặc biệt là phụ nữ khi đặt tên nhiều cứ điểm rất "nữ tính" như Anne Marie, Gabrielle, hay Isabella. |
Trớ trêu là cuộc hành binh Castor - Hải ly vận đúng vào nghĩa "đen" khi trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, binh lính của tướng Navarre bị quân đội Việt Nam "hành" cho tơi tả khi chui lủi trong các công sự, một số cấp chỉ huy còn không dám thò đầu khỏi mặt đất, hệt như những con hải ly sống dưới nước.
Tuy nhiên, nhắc đến tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng không thể không nhắc đến những cái tên phụ nữ mỹ miều được Navarre đặt tại nơi đây: Bản Kéo là Anne Marie, Độc Lập là Gabrielle, Hồng Cúm là Isabella; các cứ điểm phía đông của phân khu trung tâm có tên Dominique, Eliane; các cứ điểm phía tây có tên Claudine, Huguette. Tuy được đặt những cái tên phụ nữ liên tưởng tới sự mềm mại, ngọt ngào, nhưng thực tế những địa điểm đó đã trở thành nơi giao tranh khốc liệt đánh dấu từng bước sự thất bại của quân đội viễn chinh Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ.
Kế hoạch bị phá sản
Năm 19 tuổi, Henri Navarre đã tham gia chiến đấu trên mặt trận Pháp từ tháng 5/1917. Navarre từng được điều sang Syrie chống lại người Arập. Kết thúc một khóa học ở Trường Chiến tranh, ông ta đã tham gia những chiến dịch bình định ở Marocco. Trong Thế chiến II, Navarre làm việc ở cơ quan tình báo. Sau một thời gian chỉ huy một vùng ở Algeria và giữ cương vị tham mưu ở Đức, Navarre được đưa lên đứng đầu Sư đoàn thiết giáp 5 D.B. đóng tại Đức, rồi được đề bạt làm Tham mưu trưởng cho Thống chế Juin - Tư lệnh các lực lượng NATO tại Trung Âu.
Được lời giới thiệu của Thống chế Juin, Thủ tướng René Mayer bổ nhiệm Navarre làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương. Lúc này, về mọi phương diện, ông ta là một sĩ quan đặc biệt thích hợp để làm tròn nhiệm vụ quân sự tại Đông Dương.
Và cũng như thế, sự tự tin của vị tướng này bắt đầu không thể kiểm soát. Navarre nhận định chắc chắn rằng quân đội Việt Nam sẽ không thể vận chuyển các vũ khí hạng nặng vào chiến trường, nhưng không ngờ bộ đội Việt Nam đã dùng sức người để kéo pháo 150 mm và pháo cao xạ 37 mm qua nhiều đèo cao suối sâu để tiến vào trận địa. Bộ đội Việt Nam cũng dùng sức người để đào chiến hào, tạo thành "chiếc thòng lọng siết cổ" quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ.
Khi Navarre nhận ra mình đang bị mắc kẹt, ông ta liền kêu gọi sự giúp đỡ. Mỹ, quốc gia viện trợ gần 400 triệu USD để Pháp thực hiện Kế hoạch Navarre, đề xuất sử dụng một số vũ khí hạt nhân chiến thuật để chống lại Việt Minh, nhưng đề xuất này không bao giờ được thực sự cân nhắc. Mỹ còn đề xuất không kích để tiêu diệt quân đội Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight D. Eisenhower từ chối can thiệp trừ phi Anh và các đồng minh khác đồng ý. Nhưng Thủ tướng Anh Churchill cũng từ chối can thiệp và muốn chờ đợi kết quả của các cuộc thương lượng hòa bình ở Geneva, Thụy Sĩ.
Với trận quyết chiến chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (từ 13/3 đến 7/5/1954), Kế hoạch Navarre bị phá sản hoàn toàn và cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi.
Theo các nhà phân tích, một trong những lý do khiến Navarre thất bại ở Điện Biên Phủ nói riêng và Việt Nam nói chung là do vị tướng này không có các mục tiêu chiến lược rõ ràng. Khi đó, mục tiêu của Navarre không phải là tiêu diệt kẻ thù trên chiến trường mà chỉ cần một kết quả có lợi cho các cuộc đàm phán ngoại giao.
Theo những chỉ thị mà Navarre nhận được, mục tiêu là nhằm tạo ra kết quả về quân sự giúp Chính phủ Pháp thương lượng một giải pháp cứu vãn danh dự và chấp nhận được về vấn đề Đông Dương. Thực ra, Navarre phải chỉ cho Việt Minh thấy rằng họ không thể giành chiến thắng bằng vũ lực và cuối cùng sẽ phải thương lượng.
Đến năm 1953, Paris hiểu rằng một chiến thắng bằng con đường quân sự ở Đông Dương là điều không thể. Do đó, mục tiêu của Pháp là tạo cơ sở cho các cuộc thương lượng và dàn xếp chính trị dựa trên kết quả tốt trên chiến trường.
Tự tin quá mức và đánh giá thấp sức mạnh đối phương cũng là một nhân tố dẫn tới thất bại của Navarre. "Rõ ràng là lực lượng chỉ huy của chúng ta đã tự tin quá mức về quân đội của mình và sự vượt trội về vũ khí", chính vị tướng Pháp đã phải thừa nhận với báo giới như thế sau này.
Cho tới năm 1956, Navarre nghỉ hưu và xuất bản cuốn sách "Đông Dương hấp hối". Navarre đổ lỗi thất bại ở Đông Dương cho bản chất hệ thống chính trị, trí thức, chính trị gia, nhà báo và các nhà hoạt động chủ nghĩa cộng sản của Pháp. Nhưng sự thực như thế nào? Vị Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương đã nói gì sau tiếng sấm Điện Biên Phủ chấn động địa cầu?