Từ Hội nghị Yalta đến cuộc khủng hoảng đầu tiên của Chiến tranh Lạnh: 15 tháng không vận kết thúc

Thứ Bảy, 09/09/2017, 11:50
Hạ cánh xuống Tempelhof, từng chiếc máy bay sẽ được các xe jeep sơn trên thân dòng chữ "Follow-me" (Hãy theo tôi) nghênh đón cùng chiếc thang để phi hành đoàn trèo xuống. Đặt chân xuống đường băng, một sĩ quan tác chiến tiến đến đưa cho họ giấy phép quay về và bản chỉ thị thời tiết.

Tiếp đó là sự xuất hiện của chiếc xe jeep thuộc Hội Chữ thập đỏ Đức mà ngồi sau vô lăng thường là những cô gái trẻ trung, hoạt bát đem đến cho các phi công những cốc cà phê nóng và gói bánh rán trong lúc một nhóm bốc dỡ xúm vào dỡ hàng từ máy bay xuống xe tải.

Thời tiết mùa đông gây thêm khó khăn cho hoạt động không vận vì băng giá khiến cho công việc bảo trì trên đường băng ít được thực hiện hơn. Theo chỉ thị của Tướng William Tunner, người chỉ huy chiến dịch Vittles, mọi hoạt động nghỉ ngơi thư giãn của phi công trong thời gian này là một thứ xa xỉ, vì thế không thành viên phi hành đoàn nào rời khỏi máy bay khi nó đang ở đường băng tại Đức.

William Tunner muốn thời gian quay vòng giữa 2 chuyến bay chỉ khoảng 30 phút. Với quãng thời gian ngắn như vậy, các phi công chỉ còn cách ở lại bên máy bay, tất cả các dịch vụ sẽ được đem ra tận máy bay. Ngoài ra, những nhóm công nhân bốc dỡ hiểu rõ tầm quan trọng của việc máy bay thực hiện được càng nhiều phi vụ càng tốt, nên họ cũng cố gắng không để lãng phí phút nào.

Người dân và trẻ con đứng nhìn máy bay chuyển hàng hóa và thực phẩm đến Berlin.

Trong chiến dịch không vận Vittles, tất cả mọi loại máy bay vận tải đều được đem vào sử dụng, kể cả loại máy bay Junker Ju 52 hoặc Ju 3M của Đức Quốc xã bỏ lại, tuy nhiên, thành phần chính vẫn là những máy bay cánh quạt C-47 Dakota và C-54 Skymaster. Loại C-54 Skymaster còn được người dân Berlin gọi là "Rosinenbomber" (máy bay ném nho khô), hiểu theo nghĩa bóng là máy bay mang theo các thứ nhu yếu phẩm, bánh kẹo...

Để tăng cường nhân lực và không mất quá nhiều thời gian đào tạo, William Tunner cho phép tái tuyển mộ những người thợ máy, công nhân bảo trì của Luftwaffe (Không quân Đức) làm việc ở Templehof. Ban đầu, vấn đề tái sử dụng những thành phần từng phục vụ trong hàng ngũ phía bại trận gặp không ít trở ngại vì không phải ai cũng sẵn sàng đầu quân cho người thắng trận.

Lúc đó, Hans Detlev von Rohden, một sĩ quan cao cấp từng phục vụ trong Luftwaffe, là người biết tiếng Anh, nên đã dịch các bản hướng dẫn kỹ thuật ra tiếng Đức rồi tìm cách liên lạc với những thợ máy, kỹ thuật viên... Đến lúc ấy mới xuất hiện những kỹ thuật viên đầu tiên và đến cuối chiến dịch, số kỹ thuật viên người Đức còn nhiều hơn những đồng nghiệp Mỹ.

Những chiếc C-54 sau khi bay được 200 giờ sẽ bay tới kho của USAF ở Burtonwood, Anh, để kiểm tra. Sau 4 lần kiểm tra, nó sẽ quay về Mỹ, trải qua hơn 40 ngày đại tu ở một trong 4 xưởng đại tu dân sự để rồi tiếp tục quay về Đức.

Khẩu phần ăn cho người dân và binh sĩ các nước đóng trong khu vực Tây Berlin được tăng lên từng ngày. Những tảng than đá từ hầm mỏ ở Đức được gói trong những bao bố và chuyển lên máy bay. Mùa đông năm 1948-1949 là mùa lạnh kỷ lục ở châu Âu, nhưng than đá chỉ dùng để chạy nhà máy phát điện trong khi phần lớn người dân Tây Berlin co ro sưởi ấm bên gian bếp nhỏ mỗi khi họ nổi lửa nấu khẩu phần ăn đạm bạc.

Gail Halvorsen tại sân bay Tempelhof, Berlin năm 1948.

Dù gì đi nữa thì người dân Berlin vẫn có than dùng cho mùa đông, bọn trẻ có sữa và bánh kẹo, người đau ốm được chu cấp đủ thuốc men. Cầu không vận hoạt động cả 7 ngày trong tuần, ngày đêm không nghỉ với đội ngũ máy bay của USAF, RAF cùng với khoảng 40 máy bay tư nhân thuê bao của Anh, trừ một khoảng thời gian tạm dừng chỉ 15 tiếng đồng hồ vào tháng 11-1948 khi xuất hiện sương mù dày đặc.

Mục tiêu ban đầu mà chiến dịch "Vittles" đặt ra là một ngày cần chuyên chở trung bình 4.500 tấn hàng và ngưỡng này nhanh chóng bị vượt qua; đến tháng 10-1948, mỗi ngày cầu không vận đạt mức 5.620 tấn. Trong một thời gian ngắn, cầu không vận lớn mạnh đến mức các máy bay hạ và cất cánh cứ  3 phút một chuyến tại Tempelhof, Gatow (khu vực của Anh) và Tegel do quân đội Pháp trấn đóng. Giữa tháng 4-1949, một kỷ lục cho toàn chiến dịch được xác lập: 1.389 chuyến bay chở theo 13.000 tấn hàng trong cái ngày được gọi là "Cuộc diễu hành Lễ phục sinh", các máy bay đã hạ cánh xuống các sân bay theo tần suất mỗi phút một chuyến.

Do Tây Berlin bị cắt nguồn điện, than đá chiếm hơn hai phần ba số hàng hóa trong từng khoang máy bay. Các chuyến bay theo chiều ngược lại thì vận chuyển hàng xuất khẩu công nghiệp của Tây Berlin tới một số nước phương Tây. Đây là cuộc không vận lớn nhất trong lịch sử hàng không: Từ ngày 26-6-1948 đến ngày 30-9-1949, đã có 278.288 chuyến bay, chuyên chở 2.325.000 tấn hàng tiếp tế; trong đó 1,44 triệu tấn than đá, 490.000 tấn thực phẩm và 160.000 tấn vật liệu xây dựng để phát triển sân bay cũng như để xây nhà máy điện mới Ruhleben đã được chuyên chở.

Điều đáng nói là chiến dịch cầu không vận Vittles đã thực hiện năng lực vận tải lớn hơn nhiều so với tuyến đường sắt trước đây và cho đến nay không phải ai cũng có thể lý giải thấu đáo câu hỏi là tại sao Liên Xô đã không thực hiện nỗ lực lớn nào nhằm phá vỡ cuộc không vận ngoài các hoạt động quấy rối nhỏ như thả bom giả, thả khí cầu bốc cháy, bắn đạn lên gần sát máy bay hay gây nhiễu sóng tín hiệu.

Trung úy Gail Halvorsen, người bang Utah, Mỹ, lái chiếc máy bay vận tải C-54 từ một căn cứ quân sự trên Thái Bình Dương  đến Berlin khoảng 2 tuần sau khi cầu không vận được thiết lập và đảm nhận đường bay từ sân bay quân sự Mỹ ở Rhein-Main đến Tempelhof. Mỗi khi máy bay hạ và cất cánh từ Tempelhof, Gail Halvorsen thường gặp những người Đức đến ngắm nghía chiếc máy bay của Không lực Hoa Kỳ.

Có lần Gail Halvorsen đã gặp một nhóm khoảng 30 trẻ em, những đứa bé chẳng xin xỏ gì nhưng Halvorsen muốn cho đám trẻ một chút gì đó. Thế là anh lấy từ trong túi 2 phong kẹo cao su, nhìn bọn trẻ chia nhau kẹo, mỗi đứa bẻ lấy một mẩu nhỏ mà không đủ chia cho nhau nên vài đứa sau chỉ còn có thể hít mùi thơm vương trên mẩu giấy bạc gói kẹo.

Halvorsen và Thủ Tướng Đức Merkel tại Tempelhof năm 2008.

Nhìn cảnh ấy, Gail Halvorsen nảy ra một sáng kiến. Trở về căn cứ quân sự, Gail Halvorsen đã xin tất cả các bạn phi công đồng hành những khẩu phần kẹo và gom góp những mẩu khăn tay cùng dây nhợ, Gail làm thành những chiếc dù nhỏ cột vào những thỏi kẹo. Trong các chuyến bay tiếp theo, Gail Halvorsen đã nhờ cơ khí trưởng thả những chiếc dù kẹo qua lỗ thả hỏa châu và cửa thoát thân cho phi công đằng sau khoang lái.

Một vài ngày sau đó, khi Gail Halvorsen đáp xuống sân bay Rhein-Main trong lượt về, một sĩ quan đã đứng chờ Gail để báo việc anh phải đến văn phòng Đại tá Phi đoàn trưởng James Haun để tường trình.

Vừa giáp mặt Gail, Đại tá James Haun sẵng giọng hỏi: "Này Halvorsen, anh đang làm cái quái gì thế?" rồi lục trong ngăn kéo bàn làm việc, lôi ra một tờ báo đăng bài báo ngay trang đầu với dòng tít lớn "Một phi công Mỹ thả dù kẹo"."Thưa đại tá, chính tôi là tác giả chuyện này"- Halvorsen trả lời - "Vì thế tôi sẽ giải thích những gì xảy ra trong khi tôi đáp xuống Tây Berlin. Bọn trẻ con chẳng vòi vĩnh tôi bất cứ cái gì và cũng chẳng đánh nhau vì mấy mẩu kẹo cao su. Tôi nghĩ rằng bọn trẻ đáng được hưởng thêm kẹo". "Này Trung úy!" - Haun trầm giọng - "ông Tướng đã đọc bài báo này và những ông tướng thì không ưa chuyện bất ngờ. Anh cứ tiếp tục làm nhưng phải cẩn thận".

Từ đấy, những chiếc dù kẹo cứ liên tục được thả từ chiếc máy bay của Gail. Người dân và trẻ con vùng Tây Berlin đặt cho Gail biệt danh  "Chú cánh vẫy" (Uncle Wiggly Wings) do máy bay của Gail khi sắp hạ cánh thường chao nghiêng về 2 phía như cách anh lắc lư 2 cánh vẫy gọi các trẻ em bên dưới biết những túi chứa bánh kẹo đang trên đường đến và chúng hãy chuẩn bị đón nhận cơn mưa dù kẹo. Trước một chuyến đi, Gail Halvorsen đã được một viên chức thuộc Tổ hợp Bánh kẹo Mỹ ASSN mời một bữa ăn tối để ngỏ ý rằng, anh sẽ được tiếp tay. Quả vậy, 2 xe vận tải đầy ắp bánh kẹo được chở đến Frankfurt-am-Main không lâu sau đó.

Đài tưởng niệm Cầu không vận Berlin ở Tempelhof hướng lên bầu trời với 3 nhánh biểu tượng cho 3 hành lang bay.

Thông tin về "phi vụ" của Gail Hanvorsen lan đi nhanh chóng và nhiều người dân Mỹ, như cư dân ở Chicopee, tiểu bang Massachusetts, đã tụ họp các em học sinh và người lớn lập một dây chuyền sản xuất những chiếc dù kẹo. Gail Hanvorsen hóm hỉnh nói: "Không lực Hoa Kỳ đã đặt tên “Operation Vittles” cho chiến dịch cầu không vận thì tôi đặt tên cho chiến dịch thả dù kẹo này là Operation Little Vittles" (Chiến dịch Vittles nhỏ). Nếu so sánh về quy mô, thì Little Vittles chẳng là gì so với Vittles, nhưng phi vụ kỳ thú cùng câu chuyện thấm đẫm tình người này vẫn luôn được mọi người ghi nhớ.

Ngày 9-5-1949, Liên Xô tuyên bố vòng phong tỏa sẽ bị dỡ bỏ sau nửa đêm ngày 12-5. Các đoàn xe đầu tiên của Anh và Mỹ đã vượt qua 110 dặm trên vùng lãnh thổ phía đông do Liên Xô kiểm soát để tới Tây Berlin.

Vào ngày 23-5, Cộng hòa Liên bang Đức đã được chính thức thành lập. Ngày 7-10 cùng năm, nước Cộng hòa Dân chủ Đức ra đời. Cuộc Không vận Berlin vẫn tiếp tục cho đến ngày 30-9 nhằm đảm bảo lượng hàng dự trữ đủ dùng trong một năm. Sân bay Tempelhof, biểu tượng chính của chiến dịch Cầu không vận cách đây gần 70 năm được Bộ Giao thông - Vận tải Đức khởi công xây dựng từ ngày 8-10-1923, là sân bay quốc tế đầu tiên có hệ thống xe điện ngầm dưới mặt đất vào năm 1927. Trạm xe điện ngầm bên cạnh sân bay ngày nay được đặt tên là "Platz der Luftbrücke" sau chiến dịch Cầu không vận.

Trước Thế chiến thứ hai, Tempelhof được xem là một trong 3 sân bay lớn của châu Âu - bên cạnh sân bay Croydon của London (Anh) và Le Bourget của Paris (Pháp). Sân bay có một hành lang khổng lồ với vòm nhà thiết kế như kiểu khoang lái máy bay, có dãy nhà thiết kế được xếp hạng một trong 20 tòa nhà lớn trên thế giới.

Thời kỳ trọng điểm của chiến dịch Cầu không vận, Tempelhof là sân bay bận rộn và náo nhiệt nhất trong số 3 sân bay thuộc các nước đồng minh phương Tây và thời hoàng kim của Tempelhof là vào các thập niên 50, 60 cho đến cuối thập niên 70 với những cửa hàng miễn thuế lớn nhất ở Âu châu.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sân bay vẫn hoạt động nhưng dần mất đi vị thế chính yếu do sự cạnh tranh của những sân bay mới khác hình thành quanh Berlin và trên toàn nước Đức nhằm đáp ứng với sự tăng trưởng của mật độ lưu thông hàng không thời hiện đại.

Ở một góc của sân bay, người ta dựng một đài tưởng niệm chiến dịch Cầu không vận Berlin có hình dạng cong vút lên bầu trời cùng chi tiết cách điệu 3 hành lang bay được sử dụng trong suốt chiến dịch, dưới chân đài khắc tên các phi công tử nạn trong khi thi hành nhiệm vụ. Gần đài tưởng niệm là nhà trưng bày những hiện vật, hình ảnh liên quan đến chiến dịch năm xưa. Sau lễ kỷ niệm 60 năm Cầu không vận Berlin, Tempelhof đóng cửa và ngừng hoạt động từ ngày 30-10-2008.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.
.