Tổng thống Mexico trong cuộc chiến chống ma tuý: Phạm luật vì quá mạnh tay?

Thứ Bảy, 10/12/2011, 16:35

Một số tổ chức phi chính phủ Mexico ngày 25/11 đã chính thức phát đơn kiện tổng thống nước này - Felipe Calderon và một số quan chức cao cấp chính phủ, cũng như các phần tử cầm đầu các băng đảng buôn bán ma túy ra tòa án hình sự quốc tế vì tội chống lại loài người, bởi đàn áp và bạo lực trong các cuộc chiến chống ma túy ở đây đã khiến hơn 45.000 người thiệt mạng.

Đơn kiện kèm theo chữ ký của 23.000 người dân đang nhằm vào đương kim Tổng thống Calderon và xem ông là thủ phạm chính vì đã bưng bít các hoạt động của lực lượng vũ trang gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê, dưới thời Tổng thống Calderon, số người chết trong các cuộc chiến chống ma túy đã đạt kỷ lục khi so sánh với các chính sách chống tội phạm ma túy khác cho tới thời điểm này.

Đó cũng là lý do khiến đơn kiến nghị đã thu được chữ ký của hơn 23.000 người lên tiếng phản đối bạo lực gia tăng. Đơn này cũng đồng tình với việc đòi hỏi ICC phải điều tra cả tên trùm ma túy đang bị truy nã Joaquin "El Chapo" Guzman (biệt danh: Joaquin Guzman "lùn", bởi chiều cao của y chỉ 1m68). Chính phủ Mexico đã phủ nhận các cáo buộc về những tội ác chống lại loài người trong quá trình đưa đất nước thoát khỏi tệ nạn sản xuất và buôn bán ma túy.

Luật sư về nhân quyền Netzai Sandoval đã hoàn thiện các kiến nghị trình lên ICC ở Hague yêu cầu làm rõ cái chết của hàng trăm công dân vô tội trong tay lực lượng quân đội và các băng nhóm buôn ma túy cũng như những lời buộc tội có liên quan đến tra tấn và cưỡng bức. Được biết, bạo lực diễn ra ở Mexico còn nghiêm trọng hơn ở AfghanistanColombia. Người dân muốn tòa án trả lời về những tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người mà họ đang chịu đựng và việc vị tổng thống của họ có phải đứng ra nhận trách nhiệm về việc này?

Con đường đến với ghế tổng thống

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị với cha là người đồng sáng lập đảng Hành động quốc gia (PAN), ở tuổi 20, ông Calderon từng là Chủ tịch Ban tuổi trẻ vận động của PAN. Ông từng 2 lần trở thành người đại diện của cơ quan lập pháp trong Hạ viện. Calderon tham gia tranh cử chức thống đốc bang Michoacan năm 1995 rồi trở thành Chủ tịch của PAN từ năm 1996 đến 1999. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, đảng của ông nắm quyền ở 14 thủ phủ các bang, tuy nhiên cũng có lúc đã để mất nhiều ghế ở Hạ viện.

Ngay sau khi Vicente Fox trở thành tổng thống của Mexico, Calderon được bổ nhiệm làm Giám đốc Ngân hàng nhà nước Banobras. Trong nội các chính phủ, ông Calderon từng giữ chức Bộ trưởng Năng lượng, thay thế cho Ernesto Martens. Ông rời khỏi vị trí năm 2004 nhân việc Tổng thống Vicente Fox bị chỉ trích về những tham vọng chính trị của mình và chuyển sang ủng hộ Santiago Creel. Ông Calderon được các thành viên trong đảng PAN tín nhiệm chọn làm ứng cử viên chức tổng thống sau 3 cuộc bầu cử quan trọng. Nghị sĩ Calderon đã đánh bại Bộ trưởng Bộ Nội vụ từng rất được ưu ái Tổng thống Fox. Cuộc bầu cử của ông Calderon đã  khiến giới phân tích không khỏi ngạc nhiên.

Phía đảng Hành động quốc gia cho rằng kết quả của cuộc bầu chọn đầy cạnh tranh này như một dấu hiệu của sự dân chủ trong nội bộ chính phủ. Chiến dịch tranh cử của ông Calderon đã tạo được vị thế vững chắc sau cuộc tranh luận đầu tiên. Số lượng ủng hộ trong các cuộc bình bầu tiếp theo đưa ông Calderon lên vị trí dẫn đầu danh sách ứng cử viên chức tổng thống suốt từ tháng 3 đến tháng 5/2006. Số lá phiếu ủng hộ cuối cùng trước khi kết quả được công bố cho thấy ông đã bỏ xa các đối thủ khác. Ngày 1/12/2006, ông Calderon chính thức nhậm chức và trở thành tổng thống của Mexico cho đến nay.

Tổng thống Mexico - Felipe Calderon.

Không thỏa ước ngừng bắn và không khoan dung

Khi đã ngồi ghế tổng thống, ông Calderon hứa hẹn đập tan các băng nhóm ma túy bằng mọi biện pháp có thể. Những băng nhóm này bị quy trách nhiệm giết hại hơn 2.000 người trong năm 2006, nhiều người bị giết theo kiểu hành hình và chặt đầu man rợ.

Kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Calderon đã điều động hơn 24.000 binh sĩ và cảnh sát liên bang tới những khu vực bị tàn phá bởi bạo lực ma túy, trong đó có 7.000 nhân viên an ninh tới Acapulco. Ông cũng đã cho dẫn độ 4 trùm buôn lậu ma túy sang Mỹ, nơi những kẻ này có thể bị tù chung thân trong các nhà tù được canh gác cẩn mật. Washington đã ca ngợi lập trường của ông Calderon. Giám đốc Cục Chống ma túy của Mỹ, Karen Tandy, đã coi sáng kiến của ông Calderon là một bước nhảy vọt.

Tổng thống Mexico Felipe Calderon cho biết sẽ không có ''thỏa ước ngừng bắn và sự khoan dung'' trong cuộc chiến của ông chống lại các băng nhóm ma túy. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi 7 quan chức thực thi pháp luật bị sát hại nhằm đe dọa chính phủ liên bang. Tuy nhiên, các nghị sĩ thuộc đảng Cách mạng dân chủ đối lập của Mexico đã nói rằng, sự tấn công của quân đội sẽ không cản được bọn buôn lậu ma túy vì công việc này đem lạicho chúng lợi nhuận quá béo bở. Người ta tin rằng các băng nhóm ma túy tại Mexico kiếm được hơn 10 tỉ USD mỗi năm từ việc buôn lậu heroin, cần sa và amphetamines được sản xuất tại nước này cũng như cocaine từ Colombia vào Mỹ.

Các nghị sĩ đảng Cách mạng dân chủ đã soạn thảo một dự luật hợp pháp hóa việc sở hữu một lượng nhỏ cocaine, heroin và cần sa. Dự luật đã được Quốc hội Mexico thông qua vào năm ngoái. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Vicente Fox đã từ chối ký thành luật sau khi các quan chức Mỹ phản đối. Trong một bài phát biểu của mình, ông Calderon cho biết  trong 5 năm qua, 3 thủ lĩnh băng đảng đã bị bắt hoặc bị giết, ngoài ra còn rất nhiều trưởng nhóm ma túy bị bắt. Tổng thống cho rằng, mức độ bạo lực gia tăng cũng có thể coi là thành công khi các nhóm tội phạm ngày càng hoảng loạn hơn, vì thế càng phải hành động cứng rắn hơn để chứng minh sức mạnh.

Lực lượng vũ trang sẵn sàng đọ súng trên đường phố Mexico.

Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton trong một bài phát biểu đã khẳng định: Mexico ngày càng giống Colombia của những năm 80 thế kỷ trước. Khi đó tại nước Nam Mỹ này, nạn buôn bán ma túy nở rộ, việc buôn bán thuốc phiện trở nên thường xuyên, các nhóm băng đảng tội phạm chuyên về lĩnh vực này bắt đầu hình thành. Phát biểu của Ngoại trưởng Hilary Clinton dựa trên cơ sở mức độ bạo lực do nạn buôn bán ma túy tạo ra đã tới mức khủng khiếp.

l Lãnh địa của các bố già

Nằm giữa ColombiaMỹ, Mexico nóng bỏng như một miếng thịt kẹp giữa ổ bánh mì, nối liền nhà sản xuất ma túy hàng đầu thế giới với thị trường tiêu thụ béo bở nhất thế giới. Hình ảnh những kẻ giết thuê nhét súng lục trong ống giày và gài bộ đàm ở thắt lưng ngông nghênh đi lại trên đường phố Miguel Aleman giữa những người nông dân trồng lúa và chăn thả gia súc đã không còn xa lạ đối với người dân Mexico. Miguel Aleman cũng như hàng loạt thành phố khác trên khắp Mexico đang oằn mình dưới cơn ác mộng của ma túy khi mà các băng đảng ma túy ở Mexico ngày càng "khẳng định vị trí" là nhà cung cấp chính cho thị trường ma túy trị giá 65 tỉ USD/năm của Mỹ.

Trong hơn 20 năm qua, Mexico dần thay thế các băng đảng của Colombia để phân phối ma túy trên khắp nước Mỹ. Mặc dù Colombia vẫn là nơi sản xuất cocaine nhiều nhất thế giới nhưng để cocaine đến được Mỹ, phần lớn phải qua tay những bố già Mexico. Năm 2003, các ông trùm Mexico đã "hóa phép" để kiểm soát 77% lượng cocaine vào Mỹ. Năm 2004, con số đó tăng lên 92%. Với các loại thuốc gây ảo giác, 58% được tiêu thụ ở Mỹ là "made in Mexico". Còn nếu nói tới cần sa thì Mexico là "nhà cung cấp số một" của Mỹ suốt cả thế kỷ nay.

Những con số kể trên đã mang lại bạc tỉ cho những ông trùm ma túy cùng bộ sậu hùng hậu của chúng. Cùng lúc, cả đất nước Mexico xinh đẹp ngập trong máu của những cuộc thanh toán kinh hoàng và những cuộc tranh giành khốc liệt. Đồng tiền nhầy nhụa cũng đã len sâu vào túi tham của không biết bao nhiêu người được trả lương để chống ma túy. Nhà tù không phải là nơi sám hối cho hàng loạt ông trùm ma túy. Dù ngồi trong xà lim, bọn chúng vẫn tiếp tục gieo rắc “cái chết trắng”. Súng, tiền, ma túy và điện thoại di động là những thứ vẫn đang ngày ngày được tuồn vào trong tù cho các bố già ngồi một chỗ chỉ đạo từ xa đạo quân buôn lậu ma túy.

Ở những nơi như North Preventive, các cai ngục tìm cách chặn sóng điện thoại di động nhưng không thành công. Sở dĩ các bố già bị quản thúc mà vẫn hoạt động mạnh mẽ được là nhờ lòng tham vô đáy của nhiều cai ngục. Một tù nhân giấu tên ở North Preventive khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng ở đây, các tù nhân có thể mua được tất cả mọi thứ, chỉ cần có tiền đút lót. Và thế là các bố già đã mua lấy sự tự do điều khiển đạo quân buôn lậu ma túy ở bên ngoài.

Trước tình hình an ninh của đất nước như vậy, Tổng thống Calderon tuyên bố sẽ mạnh tay đối với những băng đảng này và tình trạng bạo lực gia tăng là bằng chứng cho thấy chính quyền đang chiến thắng trong cuộc chiến chống các băng đảng ma túy hùng mạnh và giàu có. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia an ninh Mỹ nhận định việc bắt giữ các thủ lĩnh băng đảng ma túy không làm các băng đảng này sụp đổ, mà chỉ tạo ra khoảng trống quyền lực dẫn đến nội chiến trong các phe phái khiến máu tiếp tục đổ. Cuối năm 2008, quân đội Mỹ đánh giá Mexico, cùng Pakistan, là hai quốc gia có nguy cơ "sụp đổ bất thình lình và rơi vào hỗn loạn" cao nhất.

Một họa sĩ biếm họa Mỹ đã từng mô tả trong bức tranh của mình, ông đã vẽ chú đại bàng - biểu tượng của Mexico giữa lá cờ trong mưa đạn. Con đại bàng chết gục giữa vũng máu. Bức tranh này khơi nên sự phẫn nộ trong công luận Mexico - họ cảm thấy biểu tượng dân tộc bị lăng mạ. Tình trạng an ninh nội bộ hiện tại của Mexico như vậy một phần được cho là do chính sách của Tổng thống Calderon. Ông chính là người ngay từ đầu nhiệm kỳ đã dùng quân đội để triệt phá các băng đảng. Đã có nhiều nạn nhân vô tội, nhưng các thành công cũng được ghi nhận. Mặc dù rất nhiều người chỉ trích đường lối của ông là quá chú tâm vào đối đầu, như vậy chỉ gây gia tăng bạo lực. Nhưng Tổng thống Calderon vẫn cam kết: Khi ông còn nắm quyền, các binh sĩ sẽ vẫn còn ở lại trên đường phố.

Trong một động thái liên quan, tổ chức phi chính phủ Mexico đoàn kết chống tội phạm (MUCD) và công ty tư vấn độc lập Mitofsky vừa công bố kết quả thăm dò dư luận mới đây cho thấy 86% người được hỏi cho rằng chính phủ của Tổng thống Calderon đã thất bại trong cuộc chiến chống ma túy và bạo lực tại Mexico trong khi 30% khẳng định rằng tình hình an ninh sẽ còn tồi tệ hơn trong năm 2012, thời điểm bầu cử tổng thống tại nước này

Hoàng Cúc - Hoàng Thy (tổng hợp)
.
.
.