Thống chế Đức Quốc xã tuyên truyền cho Hồng quân Liên Xô

Thứ Năm, 21/03/2019, 13:39
Friedrich Wilhelm Ernst Paulus là Thống chế quân đội Đức Quốc xã. Ông là vị chỉ huy cao cấp nhất của lực lượng Đức quốc xã và liên minh công phá Stalingrad, thất trận và bị bắt chỉ một ngày sau khi được Adolf Hitler thăng lên cấp bậc Thống chế. Hồng quân Liên Xô đã thuyết phục người này từ bỏ Hitler và làm việc như một nhà tuyên truyền cho Moscow.

Đến tháng 1-1943, sự thất bại của Quân đội Đức Quốc xã trong Trận Stalingrad là hiển nhiên. Cuộc đụng độ hoành tráng này đã thay đổi tiến trình của Thế chiến II kéo dài sáu tháng rưỡi. Liên Xô đã mất hơn 1 triệu binh sĩ, trong khi quân Đức tử vong là 950.000. Quân đoàn quân số 6 dưới sự chỉ huy của Trung tướng Friedrich Paulus cuối cùng đã bị bao vây và tiêu diệt.

Vào ngày thứ hai đến ngày cuối cùng của trận chiến, trùm Đức Quốc xã Adolf Hitler đã thăng cấp cho Paulus lên thống chế. Trong thông điệp cuối cùng của mình, Hitler đã đưa ra một mệnh lệnh rõ ràng: "Không một thống chế Đức nào từng bị bắt làm tù binh". Hitler mong Paulus tự sát khi bị Liên Xô bắt, nhưng Thống chế Paulus đã chọn cuộc sống và đầu hàng vào ngày 31-1-1943.

Nguyên soái Friedrich Paulus của Đức tại Trụ sở Hồng quân để thẩm vấn vào ngày 1-3-1943.

Đối với Moscow, sự đầu hàng của Thống chế Paulus rất quan trọng không chỉ về mặt uy tín. Sau cuộc xâm lược của Đức Quốc xã, chính phủ Liên Xô cho những người cộng sản Đức đến ẩn náu ở Liên Xô vào những năm 1930 và thành lập một tổ chức chống phát xít.

Sau thất bại tại Stalingrad, làm suy yếu niềm tin vào chiến thắng của Đức, khoảng 91.000 binh sĩ Wehrmacht đã bị bắt làm tù binh - đây một dịp khá tốt cho sự ra mắt của tổ chức chống phát xít. Wehrmacht là tên thống nhất của các lực lượng vũ trang quân đội Đức Quốc xã từ năm 1935 đến năm 1945. Wehrmacht bao gồm Heer, Kriegsmarine và Luftwaffe. Đây là lượng chiến đấu chính của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai, được đánh giá là lực lượng quân đội hùng mạnh nhất thế giới vào thời điểm này.

Vào tháng 7-1943, Liên Xô đã thành lập Ủy ban Quốc gia về một nước Đức tự do, và sau đó là Liên minh các quan chức Đức dưới sự giám sát của Tướng Walther Kurt von Seydlitz-Kurzbach bị bắt. Tuy nhiên, để tuyên truyền chống phát xít thành công, Kurzbach là không đủ. Chính phủ Liên Xô cần một người Đức rất nổi tiếng, một người như Thống chế Paulus.

Những người làm việc cùng thời với Thống chế Paulus cho biết, ông là một người lính có trách nhiệm và chu đáo, và một sĩ quan tham mưu nghiêm khắc. Cụ thể, ông đã tham gia phát triển Chiến dịch Barbarossa khét tiếng xâm lược Liên Xô.

Trong chiến tranh, trước khi đánh trận Stalingrad, Paulus làm trưởng phòng, thực tế làm công việc giấy tờ ở mặt trận nhà. "Lệnh bổ nhiệm Paulus làm Tư lệnh Quân đoàn 6 năm 1942 là một sai lầm chết người. Trước đó, ông ta thậm chí còn không chỉ huy một trung đoàn", Wieder viết.

Một điểm yếu khác của Paulus, theo Wieder, là niềm tin mù quáng của người này vào Hitler. Việc ông ta từ chối tự tử về cơ bản là trường hợp đầu tiên mà một sĩ quan từ chối tuân theo ý muốn của lãnh đạo. Tuy nhiên, ngay cả khi bị bắt làm tù binh, nguyên soái cho biết ông vẫn là một người xã hội chủ nghĩa.

Paulus ở trại tù binh Kriegsgefangenschaft.

Khi phát hiện ra việc thành lập Liên minh chống phát xít Đức, Paulus ban đầu "lên án mạnh mẽ liên minh và bằng văn bản từ bỏ tất cả tù binh Đức tham gia", nhà sử học Mikhail Burtsev nói.

Khi đó, Liên Xô sử dụng các đòn tâm lý nên Paulus đã thay đổi quan điểm của mình. Lúc đó người bạn của Paulus là Đại tướng Erwin von Wirzleben bị xử tử tại Đức, vì đã tham gia vào âm mưu chống Hitler tháng 7-1944, điều này cũng đóng một vai trò quan trọng làm cho nguyên soái Paulus chán Hitler. Từ đó Paulus bắt đầu thấy bản thân cũng chỉ là một quân bài của Hitler.

Vào ngày 8-8-1944, một năm rưỡi sau khi bị bắt làm tù binh, Paulus đã nói chuyện trên Đài phát thanh Đức và nói với những người lính Wehrmacht. "Đối với Đức, chiến tranh đã chấm dứt. Đức phải từ bỏ Hitler".

Đó là bài phát biểu chống Hitler đầu tiên nhưng không phải cuối cùng của Paulus. Ông gia nhập hàng ngũ của Liên minh các quan chức Đức và nhiều lần kêu gọi người dân Đức chống lại Hitler. Sau đó ông có những bài phát biểu chống phát xít mạnh mẽ.

Paulus làm việc trong Chính phủ Liên Xô, sau này ông là nhà tư vấn chính cho bộ phim của đạo diễn Vladimir Petrov về Trận chiến Stalingrad  (1949). Sau khi Stalin qua đời, Paulus đã xin chuyển về quê hương Dresden ở Đông Đức và qua đời vì bệnh năm 1957.

Ông sinh ngày 23-9-1890 tại Breitenau, Hesse-Nassau, Đức, là con trai của một giáo viên. Thời thanh niên, Paulus đã xin vào làm học viên của Học viện Kaiserliche Marine (Hải quân Đế quốc Đức) nhưng không thành. Sau đó, ông nộp đơn xin học luật tại trường đại học Marburg. Nhưng một thời gian sau ông bỏ trường đại học. Tháng 2- 1910, Paulus gia nhập quân đội, phục vụ trong Trung đoàn bộ binh 111 với tư cách là một sĩ quan thực tập. Paulus lập gia đình với bà Elena Rosetti-Solescu vào ngày 4-7-1912.

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, trung đoàn của Paulus tham gia mũi tấn công vào nước Pháp. Một thời gian sau đó, Paulus là sĩ quan tham mưu phục vụ trong Quân đoàn Alpen (Alpenkorps) cho đến hết chiến tranh. Kết thúc Thế chiến I, Paulus mang quân hàm đại úy.

Sau Hiệp ước Versailles, Paulus được chỉ định vào chức vụ Đại đội trưởng trong Trung đoàn Bộ binh 13 ở Stuttgart (1921-1933), rồi chỉ huy trưởng tiểu đoàn môtô cơ giới (1934-1935), trước khi trở thành Tham mưu trưởng lực lượng Thiết giáp Panzer vào tháng 10-1935, Paulus được phân công nhiệm vụ tổ chức và xây dựng 3 sư đoàn Panzer.

Paulus đã nói chuyện trên Đài phát thanh Đức kêu gọi quân Đức từ bỏ Hitler.

Tháng 5-1939, Paulus được thăng Thiếu tướng và làm Tham mưu trưởng Tập đoàn quân X tấn công Ba Lan. Qua 2 chiến dịch, đơn vị được đổi thành Tập đoàn quân VI và chinh chiến qua các mặt trận Hà Lan và Bỉ.

Tháng 8-1940, Paulus được thăng Trung tướng và được cử làm Tham mưu phó Lục quân, trên cương vị này, Paulus tham mưu chiến dịch đánh chiếm Liên Xô. Tháng 1-1942, Paulus là Tư lệnh Tập đoàn quân VI trong mũi tiến công đến thành phố Stalingrad, nhưng đã bị quân Liên Xô đánh bại và kêu gọi Paulus đầu hàng.

Nếu Paulus đầu hàng, Liên Xô sẽ cung cấp thực phẩm cho binh sĩ của ông ta, người bị thương, bị bệnh và cóng lạnh sẽ được điều trị. Tất cả tù binh có thể giữ lại quân phù, huy chương và vật dụng cá nhân.

Paulus có 24 tiếng đồng hồ để trả lời. Paulus lập tức báo cho Hitler về nội dung tối hậu thư của Liên Xô và yêu cầu được tự do hành động. Hitler bác bỏ yêu cầu của ông. Buổi sáng ngày 10-1, 24 giờ sau khi thời hạn đầu hàng đã hết, quân Liên Xô mở đợt tấn công bằng trận địa pháo với 5.000 viên đạn đại bác.

Trận chiến diễn ra dữ dội trong vòng 6 ngày, quân Đức co cụm lại còn phân nửa diện tích với phòng tuyến dài 24 kilômét và rộng 15 kilômét. Đến ngày 24-1- 1943, quân Đức bị cắt ra làm hai khu vực và mất quyền kiểm soát đường băng khẩn cấp cuối cùng. Máy bay Đức không còn có thể hạ cánh để mang đến hàng hậu cần, nhất là thuốc men cho thương bệnh binh.

Một lần nữa, quân Liên Xô cho đối phương của họ một cơ hội để đầu hàng. Đại diện phía Liên Xô đến phòng tuyến của Đức với lời đề nghị đối với Paulus.

Một lần nữa, bị giằng co giữa nghĩa vụ phải tuân lệnh lãnh tụ điên rồ với trách nhiệm cứu vớt các binh sĩ còn lại để tránh cho họ bị tiêu diệt, Paulus kêu gọi đến Hitler: "Binh sĩ không còn đạn và thức ăn... Không còn có thể chỉ huy được hiệu quả... 18.000 thương binh không có đồ tiếp tế hoặc bông băng hoặc dược phẩm... Tiếp tục phòng thủ là vô nghĩa. Sụp đổ là không tránh khỏi. Đại đoàn yêu cầu được phép đầu hàng ngay để cứu vớt số binh sĩ còn lại".

Nhưng Hitler cấm đầu hàng và bắt Quân đoàn 6 phải giữ vững vị trí cho đến người cuối cùng và viên đạn cuối cùng. Ngày 30-1, Paulus gọi vô tuyến cho Hitler: "Sự sụp đổ cuối cùng sẽ đến trong vòng 24 tiếng đồng hồ".

Tin báo này khiến cho Bộ Tư lệnh tối cao của Hitler ban một cơn mưa thăng thưởng cho các sĩ quan, với hy vọng là những vinh dự như thế sẽ củng cố quyết tâm muốn hy sinh một cách vinh quang ngay tại mặt trận đẫm máu. Hitler phong cho Paulus, qua sóng vô tuyến, quân hàm Thống chế. Khoảng 117 sĩ quan khác cũng được thăng cấp. Đấy là một động thái trong trò ma quỷ: Hitler muốn Paulus chiến đấu cho đến chết.

Bài phát biểu chống phát xít mạnh mẽ nhất của Nguyên soái Paulus.

Các cánh quân của Đức đã bị quân Liên Xô đánh tan. Vào lúc này, 91.000 chiến binh Đức - kể cả 24 tướng lĩnh đang đói khát, cóng lạnh, nhiều người mang thương tích, tất cả đều đau khổ, níu lấy tấm chăn lấm máu phủ lên người chống lại giá lạnh ở -24°C, đi khập khiễng trên lớp băng tuyết hướng đến các trại tù binh ở Siberi.

Trừ 20.000 quân Rumani và 29.000 thương binh đã được đưa về bằng máy bay, đấy là tất cả những gì còn lại của một Tập đoàn quân có quân số 285.000 người chỉ hai tháng trước. Trong số 91.000 người vào ngày mùa đông bị bắt làm tù binh.

Tại tổng hành dinh, nhà độc tài Quốc xã Hitler nhiếc móc các tướng lĩnh ở Stalingrad, và nói rằng "đáng lẽ họ phải củng cố hàng ngũ, phân tán mỏng, và tự bắn vào mình với viên đạn cuối cùng... Con người ấy (Paulus) đáng lẽ phải tự kết liễu đời mình như những tư lệnh thuở xưa gieo mình lên thanh gươm của họ khi thấy đã thất bại...".

Vào tháng 8-1944, Paulus lên tiếng trên đài phát thanh Moscow kêu gọi Quân đội Đức loại trừ Hitler.

Trận Stalingrad đánh dấu điểm ngoặt quan trọng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh, Paulus đã ra làm nhân chứng trong Tòa án Nürnberg xử các lãnh tụ phát xít Đức.

Năm 1953, Paulus được thả. 2 năm sau đó, toàn bộ những tù binh Đức còn sống sót (chủ yếu là tù binh sau trận Stalingrad) cũng được phía Liên Xô cho hồi hương. Trong số 91.000 tù binh Đức, chỉ còn khoảng 6.000 người trở về nhà.

Paulus trở thành thanh tra cảnh sát tại Dresden, Cộng hòa dân chủ Đức đến lúc cuối đời. Ông mất ngày 1-2- 1957 vì một căn bệnh thần kinh.

Nguyễn Cảnh
.
.
.