Thời Nguyễn tuyển võ quan như thế nào?

Thứ Tư, 14/07/2021, 10:39
Nối tiếp các cuộc thi võ cử thời Lê trung hưng, triều Nguyễn cũng tổ chức các khoa thi võ cử. Theo đó, triều đình quy định lấy các năm Dần, Tỵ, Thân, Hợi mở khoa thi Hương võ; các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu mở khoa thi Hội võ.


Năm 1836, vua Minh Mạng đã ban chỉ dụ cho Bộ Binh chuẩn bị bàn bạc đặt khoa thi võ. Sách "Đại Nam thực lục" chép lại chỉ dụ của nhà vua viết rằng: "Khoa thi võ từ trước đến nay chưa từng được đặt ra. Nay có những người giỏi giang nghề võ, dũng cảm, mưu lược, biết võ kinh, phải nên rộng ơn thu nạp để phòng khi dùng đến. Vậy cho sang năm bàn đặt khoa thi võ".

Phép thi thời Minh Mạng: Thi võ 3 vòng

Tuy ý định được đưa ra từ thời Vua Minh Mạng, nhưng theo khảo cứu trong sử sách triều Nguyễn để lại, thì mãi đến thời Vua Thiệu Trị, năm 1846, triều Nguyễn mới tổ chức khoa võ cử đầu tiên tại kinh đô, lấy đỗ 51 Võ cử nhân là bọn Phạm Đức Sáng, Lê Uy…

Kỵ binh triều Nguyễn.

Phép thi võ cử của triều Nguyễn học tập theo phép thi thời Lê mạt. Đó là thi môn các môn võ nghệ như múa siêu đao và lăn khiên, lấy những người thành thục vào thi văn sách, hỏi về võ kinh, binh pháp. Thời Lê đế Duy Phường, phép thi tham khảo bên Trung Quốc, cho trường nhất thi giương cung múa đao, trường nhì thi bắn cung, múa kiếm và cưỡi ngựa múa đâu mâu. Về môn bắn cung thì chia ra cưỡi ngựa bắn cung và chạy bộ bắn cung.

Theo thể lệ ban hành thời Thiệu Trị, phép thi võ mỗi khoa có 3 trường: trường nhất thi nhấc vật nặng; trường nhì thi côn, quyền, đao, lăn khiên tay; trường ba thi bắn súng điểu thương. Học vị ban cho người thi đỗ cũng giống như bên thi văn, tức hạng trên là Cử nhân và hạng dưới là Tú tài.

Cụ thể về các vòng thi, sách "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ" cho biết, trong kỳ thi Hội võ, các võ sinh phải trải qua 3 nội dung thi (3 trường), trường nhì thi côn quyền, múa kiếm, lăn khiên; trường ba thi bắn súng điểu thương.

Cụ thể, phép thi võ cử thời đó như sau: Kỳ thứ nhất thi xách quả tạ, hai tay 2 khối 100 cân (một cân thời đó tương đương 604,5 gr, tức tạ nặng 60 kg), 1 tay 1 khối 100 cân; kỳ thứ hai thi các tài côn, giáo. Về côn thì dùng côn sắt nặng 30 cân, chia làm 3 mà cầm, vừa múa vừa đi, làm ra cái thế lúc ngồi, lúc dậy, lúc đánh, lúc đâm, đi được ngoài 60 trượng là hạng ưu (1 trượng là 4m), đi được ngoài 50 trượng là hạng bình, đi được ngoài 40 trượng là hạng thứ, không được số ấy là hạng liệt. Đôi khi có võ sinh nào hoặc đang đi, hoặc sắp đến, chưa kịp buông côn mà đã vội rơi khỏi tay, thì số trượng dù nhiều cũng không trúng cách.

Về phép thi giáo, dùng thứ giáo 7 thước 7 tấc (1 thước tương đương 40 cm), một tay cầm cán giáo, một tay cầm gốc giáo, cách bù nhìn rơm 3 trượng, múa nhanh, nhảy luôn 3 - 4 bước, cốt phải sáng mắt nhanh tay hướng thẳng vào miếng kính giữa bụng bù nhìn rơm đâm ngay: đâm trúng mà mũi giáo suốt qua là hạng ưu, đâm trúng mà mũi giáo chớm vào là hạng bình, đâm vào kịp trúng là hạng thứ, đâm không trúng là hạng liệt.... Kỳ thứ 2, thi hai nghề múa côn múa giáo cũng theo như thế. Còn kỳ thứ ba, thi bắn súng điểu thương.

Năm Tự Đức 18 (1865) bắt đầu mở khoa thi Võ tiến sĩ. Người nào thi trúng cả ba trường, lại thông chữ nghĩa thì cho vào thi tại cung điện nhà vua. Tại đây, võ sinh nào có điểm số cao về binh pháp, văn lý sẽ đỗ tiến sĩ võ. Người nào không được điểm hoặc không biết chữ (chỉ thi võ nghệ 3 trường) thì cho đỗ Phó bảng. Các thể lệ về lấy đỗ, ban ân điển, ban yến, cấp ngựa vinh quy thì y lệ như kỳ thi Đình bên văn. Sau đó, các võ sinh thi đỗ sẽ được triều đình bổ nhiệm vào các chức quan võ.

Khoa thi Võ tiến sĩ đầu tiên năm đó, lấy Võ Văn Đức là Đệ nhị giáp Võ tiến sĩ xuất thân, Võ Văn Lương đỗ Đệ tam giáp Đồng võ tiến sĩ xuất thân và 6 người khác đỗ Võ phó bảng. Những người thi đỗ được đề tên trong bia đá dựng ở 2 bên tả hữu trước sân Võ miếu.

Mặc dù vậy, triều Nguyễn chỉ tổ chức được 3 khoa thi Võ tiến sĩ (Điện võ) vào các năm Tự Đức thứ 18 (1865), năm thứ 21 (1868) và 22 (1869), vì càng về các khoa sau, các Võ cử nhân càng ít người biết chữ nên không tổ chức thi văn sách được. Bốn khoa thi Hội võ cũng đều được tổ chức dưới thời vua Tự Đức, tất cả lấy đỗ 10 Võ tiến sĩ và 110 Võ phó bảng.

Về sau, các khoa thi Hương võ, triều Nguyễn quy định người nào ba kỳ đầu trúng là cử nhân võ, dự trúng 2 kỳ là tú tài võ. Các cuộc thi Hương võ thường được triều đình tổ chức tại các trường thi võ ở Huế, Bình Định, Hà Nội, Thanh Hóa.

Lấy bắn súng làm tiêu chuẩn cao nhất

Sau khi Vua Tự Đức qua đời, năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), triều Nguyễn thay đổi lại thể lệ thi Hương võ, đình lệ thi Hội võ. Theo ghi chép trong "Đại Nam thực lục", ở trường đệ nhất, sẽ thi cất quả tạ và múa quyền.

Thí sinh nào cất quả tạ 100 cân (60 kg) đi được 24 trượng trở lên (tức 96m), mà cách cất quả tạ nhanh nhẹn được xếp hạng ưu, hơi nhanh nhẹn là hạng bình. Thí sinh cất quả tạ đi được 18 trượng (72m) mà cất được nhanh nhẹn là hạng bình, hơi nhanh nhẹn là hạng thứ. Ai cất quả tạ đi được 12 trượng mà cất nhanh nhẹn là bậc thứ, ai hơi nhanh nhẹn là hạng liệt. Còn tất cả những thí sinh cất quả tạ đi được 18 trượng trở lên, mà cách cất lên bỡ ngỡ đều là hạng liệt (bị loại).

Võ quan triều Nguyễn.

Các thí sinh vượt qua được vòng cất tạ đi xa, sẽ được gọi vào múa quyền. Bài quyền các võ sinh phải biểu diễn là bài "Thảo ngọc trản".

Trường thứ 2, là thi sử dụng binh khí, với một bài múa côn gỗ, biểu diễn bài "Ngũ môn", một bài múa đại đao "Xung thiên đề đao", một bài lăn khiên, sau đó là 3 bài nhảy qua ngòi đâm đích nhanh như múa. Cách xác định kết quả của bài nhảy ngòi đâm lao này là: nhảy ngòi nhanh nhẹn, đâm đích chóng vánh, sát giữa đích là hạng ưu, múa nhanh đâm đúng là hạng bình, đâm chậm múa hơi nhanh nhẹn là hạng thứ. Múa hơi nhanh nhẹn mà đâm không trúng hay đâm trúng mà chậm là hạng liệt. Trường ấy trước tiên cho thí sinh múa bài rồi mới đến nhảy đâm, nếu ai múa chưa thuộc bài, còn bỡ ngỡ thì không cho nhảy đâm.

Trường thứ 3 thi bắn súng điểu thương, mỗi thí sinh bắn 6 phát, ai bắn trúng một đích thì được 2 khuyên, 5 - 6 phát trúng khuyên là ưu, 3 - 4 phát trúng khuyên là bình, 2 phát trúng khuyên là thứ, không trúng phát nào là liệt.

Trong ba trường thi kể trên, thì lấy việc thi súng làm cốt yếu, tức là hệ số ưu tiên cao hơn.

Như vậy, lần thay đổi thể thức thi võ cử này, các môn thi múa côn sắt, sử dụng kiếm dài đâm bù nhìn, đấu côn và sát hạch cất quả tạ một lần đều đình chỉ.

Sau 3 kỳ thi nói trên, ban giám khảo xét trong số thí sinh ai dự hạng võ cử mà hơi biết binh học, tình nguyện tham gia sát hạch sẽ được tham gia kỳ cuối trước khi yết bảng. Những người này sẽ được xét hỏi 1 - 2 điều ở trong binh pháp trận pháp, võ kinh võ bị. Người nào trả lời thông suốt sẽ cho xếp đầu bảng, chuyển cho bộ Binh bổ nhiệm. Cũng từ khoa thi năm này, nhà Nguyễn mới bắt đầu lấy thêm các hạng võ tú tài, và các võ tú tài hạng biết chữ sẽ được vào thi Hội võ, tuy nhiên, do số lượng này quá ít, nên về sau việc thi Hội võ bị đình đi.

Thay đổi lệ thưởng phạt cho quân lính thi bắn súng

Cũng từ sau khi Vua Kiến Phúc lên ngôi, nhà Nguyễn đổi lệ thưởng phạt cho binh lính (thời đó gọi là biền binh) thi bắn súng trường (gọi là súng Tây). Lệ này sau đó vẫn được giữ sau khi vua băng hà.

Theo lệ cũ biền binh học tập súng Tây cứ 5 ngày sẽ tổ chức thi bắn, bộ Binh thành lập một hội đồng giám khảo gồm hiệp lĩnh, thị vệ và khoa đạo nội các Binh bộ, mỗi ban một người, đem các sắc biền binh đã diễn tập, đủ cả thuốc đạn để thi bắn đạn thật, mỗi người 20 phát. Người nào trúng vòng 7 phát là hạng ưu, 4 - 6 phát là hạng bình, 1 - 3 phát là hạng thứ; ngoài ra, cũng đều trúng đĩa, tựu trung như có người nào trượt bia, thì lấy trúng khuyên một lần trừ đi để định hạng, như không trúng khuyên mà đều trúng bia, hay trượt một phát thì ghi lỗi.

Người nào bắn trượt hai phát thì bị phạt 20 roi, trượt ba phát thì phạt 30 roi, bốn phát thì phạt 40 roi, 5 phát thì phạt 50 roi. Ai bắn trượt từ 6 phát trở lên thì phạt 60 trượng. Người nào ở hạng ưu thì thưởng thăng một trật. Chánh đội trưởng thì được thăng thụ tinh binh, suất đội đội trưởng thăng thụ chánh đội trưởng, cấp bằng đội trưởng, bổ thụ đội trưởng thư lại. Ngũ trưởng án bổ đội trưởng, dụng binh đinh cấp bằng đội trưởng. Hạng bình thưởng cho một đồng tiền bạc, hạng thứ thì được miễn.

Tranh vẽ mô tả một toán binh lính triều Nguyễn.

Những viên võ quan huấn luyện binh sĩ, cứ theo số binh lính dự thi, chia làm 10 phần, để tính thành tích xét thưởng. Nếu số lính bắn đạt chưa tới hay chỉ được một phần thì không xét. Viên quan nào đạt từ hai phần được thưởng 2 tháng lương tiền; đạt từ 3 - 4 phần, được thưởng cho 3 tháng lương; đạt từ 5 - 6 phần, được thưởng cho 5 tháng lương; đạt từ 7 phần trở lên, viên quản suất được thưởng 6 tháng thương, lại thêm kỷ lục 2 lần, đội trưởng thưởng thăng 1 trật.

Ngược lại, những viên quản suất mà có số binh lính thi bắn không đạt từ hai phần mười trở lên, sẽ bị phạt 20 roi; từ 3 - 4 phần không đạt, phạt 30 roi; 5 - 6 phần không đạt, phạt 40 roi; 7 phần trở lên, phạt 50 roi. Ngoài quản suất bị phạt bổng theo lệ, thì đội trưởng cũng bị xử luôn.

Với sự thay đổi dưới triều Vua Kiến Phúc, thì khi thi bắn súng, mỗi binh lính sẽ bắn 12 phát. Người nào có 9 phát trúng khuyên được xét hạng ưu, 6 - 7 phát trúng là hạng bình, trúng 4 - 5 phát là hạng thứ, trúng 3 phát trở xuống là hạng liệt.

Người nào đạt hạng ưu, vẫn được chuẩn thưởng như trước, tựu trung thư lại, ngũ trưởng binh đinh đều được thưởng và bạt bổ đội trưởng, không chia hạng. Những người ở hạng bình, chánh đội trưởng được thưởng cấp thí sai Tinh binh suất đội; đội trưởng, thưởng thự Cấm binh, chánh đội trưởng, cấp bằng đội trưởng, thưởng thụ Tinh binh đội trưởng, nhưng lĩnh Cấm binh đội trưởng, thư lại ngũ trưởng, binh đinh thưởng cấp bằng đội trưởng.

Các binh lính bắn xếp vào hạng thứ đều thưởng cho 1 tháng lương tiền, còn ở hạng liệt sẽ bị đánh 50 roi, xử luôn. Riêng các viên quản luyện, phân luyện nên được thưởng phạt thế nào, đều tuân theo lệ cũ.

Lê Tiên Long
.
.
.