Những chuyện chưa kể về 'người nổi tiếng' Tạ Đình Đề

Thứ Tư, 18/03/2015, 16:30
Có ai đó đã nói rất đúng rằng, người ta sẽ chỉ thực sự chết khi không còn trong trí nhớ của những người còn sống. Ông Tạ Đình Đề thì ngược lại.
17 năm sau khi ông rời bỏ trần gian, tên tuổi ông, cuộc đời ông với đầy đủ mọi cung bậc: hào hoa và ê chề, vinh quang và cay đắng ... gắn với vụ án nổi tiếng trong lịch sử vẫn còn lại trong trí nhớ của nhiều người mà TS. Dương Thanh Biểu - nguyên Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) chỉ là một trong số đông đó.

Như một cơ duyên, TS Dương Thanh Biểu, khi còn công tác đã được tham gia vào việc nghiên cứu hồ sơ vụ án Tạ Đình Đề với tư cách là một cán bộ của VKSNDTC. Sau này, ở ngoài đời, hai người còn gặp nhau nhiều lần nữa với tư cách là những người bạn vong niên.

Nặng lòng với nhân vật Tạ Đình Đề, TS Dương Thanh Biểu đã dày công thu thập tư liệu về ông. 17 năm sau khi ông Tạ Đình Đề từ giã cõi trần, TS Dương Thanh Biểu đã cho ra mắt cuốn sách: "Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành).

Bìa cuốn sách “Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời”.

Cuốn sách gồm 14 chương tái hiện một cách khá rõ nét về cuộc đời của ông Tạ Đình Đề và vụ án nổi tiếng mà người đời quen gọi là "Vụ án Tạ Đình Đề".

Với sự đồng ý của TS Dương Thanh Biểu, bắt đầu từ số báo này, Chuyên đề ANTG xin đăng tải một số phần được lược trích từ cuốn sách "Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời". Tiêu đề từng phần do ANTG đặt.

KỲ I: TÌNH TRONG NHƯ ĐÃ…

"Tôi còn nhớ, đêm 27 tháng Chạp, giáp tết năm 1975, tôi phải gồng mình chống chọi với cái rét như cắt da, cắt thịt. Gần sáng vẫn không ngủ được, bấm tay nhẩm tính thời gian: Đã hơn một năm nay, kể từ ngày bị bắt, tôi chưa được gặp mặt vợ con lần nào. Tôi nhìn ra ô cửa sắt trên cao, mưa bụi bay mờ mờ. Lòng dạ tôi xốn xang. Con tim tôi bồn chồn, cứ đứng lên, ngồi xuống không yên. Sáng dậy, đúng lúc buồn nhớ nhà nhất thì tôi nhận được tin, sáng nay vợ và con được phép vào thăm tôi. Có lẽ không có gì vui hơn thế nữa. Tôi coi đây như một kỷ niệm sâu sắc nhất của cuộc đời.

Ngày ra gặp vợ con như một giấc mơ, tưởng như mình sống lại. Vợ tôi vừa nhìn thấy tôi đã bật khóc. Em thương mình lắm. Mình cố ăn đi nhé. Mình gầy lắm rồi. Vợ tôi vừa nấc, vừa nói trong nghẹn ngào. Tiếp đó, bà Thọ kể chuyện nhà cho tôi nghe. Câu chuyện bị đứt quãng bởi tiếng nấc vừa nghẹn ngào vừa uất hận của bà...".

…Nghe ông kể đến đây thì cả ông và tôi đều rưng rưng. Tôi hỏi ông, duyên cớ nào mà ông quen được gia đình bà Thọ, ông kể: "Trước khi khởi nghĩa năm 1945, tôi được gọi tập trung lên Hà Nội để tham gia Vệ quốc đoàn. Tôi được cấp trên phân công vào ở tại ngôi nhà số 8 Hàng Ngang, Hà Nội. Tôi được cấp trên phổ biến, đây là nhà cụ Đặng Thị Huyên, một người tư sản nhưng rất yêu nước. Cụ Huyên sinh được 4 người con. Đó là: Đặng Thị Chắt, sau này định cư tại Pháp. Người thứ hai là Đặng Thị Thọ, sinh năm 1931. Người thứ 3 là Đặng Ngọc Lộc, sinh năm 1939, ông làm giáo viên và hiện đang ở TP HCM. Người thứ tư là Đặng Ngọc Long, sinh năm 1941, công tác tại Thư viện Quốc gia.

Nhà cụ Huyên còn có ông Đặng Nguyên Hồng, sinh năm 1931, là em con cậu bà Thọ. Ông Hồng nguyên là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, nay ở số nhà 17, Hàng Quạt, Hoàn Kiếm, Hà Nội".

Theo lời ông Tạ Đình Đề tôi đã đến tìm gặp bác Đặng Nguyên Hồng. Về gia đình cụ Huyên, bác Hồng kể: "Năm 1940, cụ Huyên cho người bà con mượn nhà số 4 Hàng Vải để ở. Cụ mua nhà số 8 Hàng Ngang cho gia đình mình. Cụ ông là Đặng Đình Ứơc sức khỏe yếu và mất năm 1982, mọi việc trong gia đình đều do một tay cụ bà Đặng Thị Huyên lo liệu…

Nhà rộng thênh thang mà chỉ có hai cụ và bốn chị em ở nên cụ Huyên cho ông và một số cháu họ đến ở cho vui, tổng số đến 9 người, có lúc đến 11 người. Lúc đầu, cụ Huyên bán các mặt hàng như vải vóc, gấm đoạn, nhiễu, sa tanh chủ yếu là hàng của Tàu. Về sau có thêm mặt hàng vải của người Ấn Độ. Do có duyên buôn bán nên chẳng mấy chốc gia đình cụ Huyên trở nên giàu có nhất nhì Hà Nội lúc bấy giờ. Gia đình cụ Huyên là cơ sở Cách mạng".

Nghe bác Hồng kể, tôi biết ông Tạ Đình Đề vốn là trai làng quê, theo Cách mạng trở thành Vệ quốc đoàn. Thế mà trời đã xe duyên cho ông được lấy một cô gái Hà thành, sinh ra trong một gia đình giàu có nhất nhì đất Kẻ Chợ này. Chắc chắn chàng trai ấy phải có lực hút mạnh mẽ thế nào đó mới làm rung động trái tim tiểu thư đài các con nhà giàu như cô Đặng Thị Thọ.

Tôi hỏi Tạ Đình Đề: "Ông làm sao mà cưa đổ được bà Thọ thế?". Ông cười, giọng kể hào hứng hẳn: "Khi được phân công vào ở nhà cụ Huyên, chúng tôi thấy suốt ngày cụ ở gian nhà ngoài, giáp với phố Hàng Ngang để cùng người giúp việc nhập vải rồi xuất bán buôn. Chỉ đến tối cụ mới vào nhà trong. Phong cách, cử chỉ của cụ rất gia phong, nghiêm khắc. Lúc đầu chúng tôi thấy rất ngại ngùng khi giao tiếp với cụ.

Nhưng chỉ vài hôm, thấy mọi người trong nhà này đối xử với nhau cởi mở, chân thành nên tôi và các anh Việt Minh khá yên tâm. Nhất là khi tôi biết được cụ Huyên là người đồng hương Hà Tây thì lại càng yên tâm. Cụ Huyên ở làng Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Nếp ăn ở của các thành viên trong gia đình cụ đậm chất Tràng An.

Trong thời gian này, chúng tôi bận rất nhiều việc. Tuy ở cùng nhà nhưng tôi cũng chỉ được gặp cô Thọ khi cùng nhặt rau, nấu cơm. Thi thoảng đi họp mít tinh thanh niên có gặp nhau nhưng cũng rất ít ỏi".

Nghe ông Đề tâm sự, tôi lại nhớ lời bác Hồng kể: "Chị Thọ có nhiều nét giống mẹ, dáng người thon thả, nước da trắng hồng, mắt đen tròn, trên môi luôn nở nụ cười tươi tắn, thanh lịch và học giỏi. Thời trẻ, chị Thọ có mái tóc mượt mà, chảy dài. Lúc chị đi, mái tóc cứ nhảy múa sau lưng, càng tô điểm thêm vẻ đẹp thanh tao của chị. Chị Thọ đã đến tuổi cập kê, không thiếu những chàng trai con nhà giàu Hà Nội để ý nhưng cụ Huyên rất kén "rể", chưa chấp nhận ai.

Thấy con gái mình đã lớn lại hay có khách đến chơi nên cụ rất để ý. Cụ Huyên khá nghiêm khắc, không cho con gái mình đua đòi. Học sinh Hà Nội lúc bấy giờ thích hát các ca khúc của Văn Cao, thích đọc sách lãng mạn của nhóm Tự lực văn đoàn như Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên, Lá ngọc cành vàng...

Những lần chị Thọ trông hàng cho mẹ, nhạc sĩ Văn Cao có đến xem hàng và có đôi lần gặp gỡ chị Thọ. Thế rồi Văn Cao đã để ý đến nét đẹp duyên dáng, tao nhã của chị Thọ. Chị Thọ lúc đó cũng là cây văn nghệ và rất thích hát những sáng tác của Văn Cao như ca khúc Thiên thai, Suối mơ... Cho nên, mới có lời xì xầm đồn đại rằng Văn Cao đã yêu chị Thọ.

Biết chuyện, có lần cụ Huyên đã gọi chị Thọ vào phòng, nghiêm khắc bảo: Con còn  trẻ, cố gắng học hành kiếm cái nghề đã. Tuổi này mà đã yêu đương, sao nhãng học hành là người ta gọi là gái hư đấy nhé. Từ đó chị Thọ rất ngại các anh con trai đến chơi nhà. Để đề phòng lửa gần rơm lâu ngày cũng bén như các cụ đã dạy, cụ Huyên phân công tôi theo dõi sát sao chị mình rồi báo cáo cho cụ biết".

Qua câu chuyện, tôi biết ông Hồng khá thân với chị mình. Từ tâm tính đến đường đi lối lại của chị Thọ không hề xa lạ với người em. Ông Hồng kể tiếp: "Tuy có nhiều bạn bè đến chơi nhưng xem ra bà chị xinh đẹp chưa "chấm" anh chàng nào cả. Thật lạ, chỉ có anh chàng Việt Minh Tạ Đình Đề hiền khô, ít nói lại được chị của mình để ý nhất. Cả hai đúng là, tình trong như đã mặt ngoài còn e như cụ Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều.

Mỗi khi về đến nhà, anh Đề hay đội mũ phớt, có bộ râu quai nón, ria mép được cắt tỉa cẩn thận, trông hao hao như những nhân vật trong phim cao bồi Mỹ. Tuy không phải trai phố thị nhưng trông anh cũng khá đẹp trai và rất ga lăng. Đặc biệt, anh rất nhiệt tình, dễ gần, thật thà và hoạt bát. Mọi người trong nhà ai cũng quý anh. Chỉ có điều, mỗi khi trông thấy chị mình là anh cứ lóng nga lóng ngóng thế nào ấy.

…Tôi đã hỏi Tạ Đình Đề về chuyện này, xem thử cái thuở ban đầu lưu luyến ấy của hai người có đúng như vậy không.

Ông Đề cười hóm hỉnh: "Thời ấy, chúng tôi có được yêu như bây giờ đâu. Thương nhau rồi nhớ nhau da diết. Yêu nhau mà không dám đi cạnh nhau chứ đừng nói đến chuyện nắm tay hay hôn hôn hít hít như các cô cậu bây giờ. Ngày chúng tôi xa nhau, tình hình Hà Nội cũng căng thẳng lắm. Bọn Pháp gây hấn khắp nơi. Chiến tranh đang cận kề Hà Nội từng giờ từng phút.

Các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể được lệnh tản cư để thực hiện chủ trương trường kỳ kháng chiến của Bác Hồ. Các đường phố ở Hà Nội bắt đầu thực hiện công việc chuẩn bị tiêu thổ kháng chiến. Đơn vị tôi nhận được lệnh chuẩn bị hành quân.

Thời gian khẩn trương và gấp gáp, thế mà em Thọ đi đâu vẫn chưa về. Tôi và các chiến sĩ chuẩn bị tài liệu, quân trang để xuất phát. Từng phút, từng giờ trôi qua nhanh chóng. Mọi cái đang khẩn trương, gấp gáp vô cùng...

Tình yêu trong chiến tranh mới éo le làm sao. Bao nhiêu cuộc chia ly đầy nước mắt đã xảy ra. Phần lớn là lặng lẽ âm thầm và gấp gáp. Tôi đang cùng anh em chuẩn bị hành trang để lên đường. Tôi nghĩ, có thể không gặp em Thọ được rồi bèn vội lấy bút giấy viết thư tạm biệt em. Lúc đó không còn thời gian nên chỉ viết vội mấy dòng rồi tiếp tục gấp quần áo vào ba lô. Chiếc đồng hồ trên tay chỉ còn 30 phút nữa đơn vị sẽ hành quân.

Rồi, 20 phút... Ngoài đường phố nhân dân và bộ đội đang dựng lên các chướng ngại vật để cản bước quân thù. Thi thoảng, có mấy tiếng súng nổ đì đoàng phía chợ Đồng Xuân. Những tiếng kêu la thất thanh vọng tới. Không khí bức bối như thùng thuốc súng sắp nổ. Tôi nhìn ra cửa. Em vẫn chưa về sao?

Tôi sốt ruột, liếc nhìn đồng hồ. Còn 15 phút. Còn 10 phút. Giờ xuất phát đang đến rất gần. Thôi, chẳng còn cách nào gặp được em. Tôi thoáng nghĩ, lên đơn vị, có địa chỉ mới sẽ viết thư về cho em. Đúng giờ xuất phát. Tôi truyền lệnh cho anh em chuẩn bị hành quân. Đúng lúc này, Thọ hớt hải chạy về. Thở dốc. Mồ hôi làm bệt cả mấy lọn tóc đen mượt vào đôi má ửng hồng.

Hai người nghẹn ngào nhìn nhau. Im lặng. Mắt người nào cũng đỏ hoe, những giọt nước mắt chia ly mặn mòi đã ứa ra. Tôi đưa tay gạt nhẹ làn nước mắt cho người yêu rồi lóng nga lóng ngóng chỉ nói được duy nhất một câu, chỉ một câu vụng về này thôi: Anh đi nhé. Cho anh gửi lời thăm mẹ. Tôi móc trong ba lô ra quả cam chín vàng đưa cho Thọ cùng lá thư viết vội. Em đưa tay đỡ lấy quả cam và cũng nhét bức thư viết sẵn từ trước của mình vào ba lô tôi. Tiếng khóc nức nở bật ra từ trái tim người con gái đài các. Tôi vội bước nhanh đến nơi tập trung. Tiếng khóc nức nở của em Thọ từ mái nhà ấm áp kia cứ vọng lại làm tan nát cõi lòng..."

Những ký ức của một thời khói lửa tiếp tục sóng dậy và dâng trào cùng Tạ Đình Đề: "Sau này, qua em Thọ, tôi biết ngày hôm sau gia đình cụ Huyên tản cư về quê. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Tiếng súng kháng chiến chống giặc Pháp bùng nổ khắp mọi phố phường, làng quê. Tôi và đồng đội tiếp tục hành quân khắp các nẻo đường của chiến trường Quân khu III. Dù hoàn cảnh chiến tranh, mỗi người mỗi nơi nhưng tôi vẫn dành cho Thọ những tình cảm sâu nặng và mong đợi ngày trở về.

Mỗi lần đi công tác qua vùng quê nơi gia đình Thọ tản cư, thế nào tôi cũng tìm cách ghé thăm cụ Huyên để có dịp được gặp lại người yêu. Lúc đầu cụ Huyên ngăn cấm nhưng về sau thấy chúng tôi yêu nhau tha thiết quá nên cụ cũng đỡ khắt khe hơn".

Đầu năm 1951, đám cưới hai người được tổ chức tại đại bản doanh đơn vị ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Đám cưới tổ chức theo "đời sống mới" và do ông Văn Phác chủ hôn, tuy đạm bạc nhưng ấm cúng và trang trọng.

Sau đám cưới, bà Thọ được tổ chức giao làm văn thư tại cơ quan tình báo này. Một thời gian, bà Thọ được cử đi học lớp y tá và công tác tại Phòng Quân y thuộc Bộ tư lệnh Liên khu III. Ông Đề được điều động về giữ chức Phó Ban tình báo Liên khu III.

Cuộc đời đôi vợ chồng trẻ tình báo cũng chẳng ở được bên nhau bao nhiêu. Bà Thọ ở đại bản doanh, nhận tin tức từ mặt trận tiền phương gửi về, tập hợp báo cáo cấp trên. Còn ông Đề suốt ngày, suốt tháng lăn lộn nơi chiến trường khu III".

Ông Tạ Đình Đề sinh năm 1917, mất năm 1998 tại Hà Nội. Ông từng tham gia hoạt động cách mạng.

Năm 1954, ông về làm tại Tổng cục Đường sắt Việt Nam, từng giữ các chức vụ Trưởng đoạn Đoạn đầu máy Hà Nội; phụ trách công tác thể dục thể thao Tổng cục Đường sắt; phụ trách Xưởng sản xuất vợt bóng bàn, gioăng cao su và một số mặt hàng cao su phục vụ ngành đường sắt.

Năm 1974, ông Tạ Đình Đề bị bắt giam để điều tra về dấu hiệu phạm tội kinh tế.

Trong các ngày từ 7 đến 12/6/1976, ông Tạ Đình Đề bị đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội và được tha bổng.

Tháng 9/1985, ông bị bắt lần thứ hai sau đó được đình chỉ điều tra, được phục hồi và giải quyết mọi quyền lợi hợp pháp.

Năm 1991, ông nghỉ hưu theo chế độ. Ngày 15/11/1991, Ban thường vụ Đảng ủy Đường sắt đã có Quyết định số 64/QĐ: "Công nhận Tạ Đình Đề là cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1945.... được hưởng quyền lợi ưu tiên đối với cán bộ đảng viên hoạt động cách mạng trước năm 1945".

(Còn tiếp)

TS Dương Thanh Biểu
.
.
.