Số phận người lính Mỹ được thổ dân đảo Guam cứu mạng trong Thế chiến II

Chủ Nhật, 13/01/2019, 08:41
Ngày 6-12-1941, Phát xít Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu cảng, gây thiệt hại nặng nề cho Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ. 2 ngày sau, Nhật đánh đảo Guam, cũng là căn cứ của Hải quân và Không quân Mỹ.

Có 6 lính Mỹ chạy thoát khi quân Nhật chiếm đảo, trong đó có thiếu úy truyền tin George Ray Tweed. Để tránh bị bắt, Tweed đã lẩn trốn trên đảo và được những thổ dân ở đây cưu mang, che giấu và bảo vệ suốt 31 tháng cho đến ngày Guam được giải phóng…

Lẩn trốn

Sáng ngày 8-12-1941, khi những chiếc máy bay phát xít Nhật bổ nhào để ném bom các vị trí của Hải quân Mỹ trên đảo Guam rồi sau đó, pháo từ các tàu chiến ở ngoài khơi bắn vào, dọn đường cho bộ binh Nhật chiếm đảo thì George Ray Tweed, thiếu úy truyền tin thuộc Trạm thông tin Hải quân Mỹ cùng hai đồng nghiệp là Al Tyson, Vicente Guevara leo lên chiếc xe Jeep, chạy ra khỏi trạm vì họ biết những cột ăng ten sừng sững trên bầu trời chắc chắn sẽ là mục tiêu mà phi công Nhật không thể bỏ qua.

Tweed khi còn là nhân viên Trạm thông tin Hải quân Mỹ trên đảo Guam.

Hơn nửa tiếng sau, lúc vào thị trấn Ordot, Vicente Guevara tách ra để đi tìm gia đình. Còn lại Tweed và Tyson, cả hai tiếp tục lái xe đến thị trấn Yona, nơi có một đơn vị phòng không Mỹ trấn đóng nhưng khi gần tới nơi, họ nhìn thấy lá cờ Mặt Trời mọc bay phấp phới trên cột cờ trung tâm nên họ vội vã bỏ xe, chạy vào rừng vì họ biết quân Nhật đã làm chủ thị trấn.

Chạy được khoảng 2km, Tweed và Tyson gặp một thổ dân Chamorro tên là Ogo. Sau này trong cuốn hồi ký có tựa đề "Robinson Crusoe - Hải quân Mỹ", Tweed viết: "Người Chamorro trên đảo Guam vốn có thiện cảm với lính Mỹ nên Ogo dẫn chúng tôi đến trang trại của Manuel Aguon, cũng là thổ dân. Tại đây, tôi gặp lại hai đồng nghiệp ở Trạm Thông tin là  Yabolonsky và Jones, cùng hai lính hải quân thuộc chiến hạm USS Penguin là Krump và Johnson. Họ cũng chạy vào rừng như chúng tôi".

Tweed cùng 5 đồng đội ẩn náu ở một khu rừng rậm thuộc trang trại của Manuel Aguon được 4 ngày thì tình báo Nhật nghi ngờ vẫn còn lính Mỹ lẩn trốn trên đảo bởi cứ vài hôm, họ thấy thổ dân Chamarro thay phiên nhau vào rừng, mang theo thức ăn, nước uống cùng một số vật dụng sinh hoạt nhưng họ chưa rõ vị trí cụ thể. 

Thoạt đầu, đại tá Nomura, tư lệnh sư đoàn 9 Nhật Bản trên đảo Guam treo giải thưởng 10 yen cho bất cứ thổ dân nào chỉ dẫn cho quân Nhật bắt được một lính Mỹ nhưng riêng Tweed, số tiền thưởng ấy lên đến 50 Yen vì qua hồ sơ thu thập được, Nomura biết Tweed là chuyên gia trong việc sửa chữa máy thu phát truyền tin. Thế nhưng không một thổ dân Chamorro nào phản bội những người lính Mỹ mà họ đang cưu mang, giúp đỡ. Ông Ogo, người đầu tiên gặp Tweed và Tyson trong rừng kể: "Lính Nhật gọi tôi lên hỏi và dọa sẽ chặt đầu tôi nhưng lần nào tôi cũng trả lời là tôi không biết gì hết".

1 tháng sau ngày 6 lính Mỹ trốn thoát, đại tá Nomura ra lệnh tập trung 200 thổ dân Chamorro rồi lùa họ vào những trang trại tình nghi có lính Mỹ ẩn náu, theo sau họ là gần 100 quân Nhật. Trên đường đến trang trại của Manuel Aguon, đi được một đoạn, một số thổ dân kiếm cớ cãi nhau, gây huyên náo cả một góc rừng nhằm báo động cho 6 lính Mỹ. 

Trong hồi ký, Tweed viết: "Vì thế, tôi quyết định tách ra để có cơ hội sống sót nhiều hơn. Sau khi thảo luận, tôi và Tyson được thổ dân Rodiguez đưa đến trang trại của Juan Cruz nằm sâu trong rừng, còn Yabolonsky, Jones, Krump và Johnson thì được Manuel Aguon đưa đi một hướng khác mà tôi không hỏi là họ sẽ đi đâu để đề phòng nếu tôi bị bắt, bị tra tấn, tôi cũng chẳng biết gì mà khai về họ" (mãi sau này Tweed mới biết trên đường di chuyển đến nơi ẩn náu ở thị trấn Manenggon, cả 4 lính Mỹ do Manuel Aguon dẫn đường bị quân Nhật phục kích bắt sống. Và mặc dù bị hành hạ rất dã man nhưng họ vẫn không hé răng nửa lời về Tweed và Tyson. Trước sau họ đều nhất mực khai rằng nhóm lẩn trốn chỉ có 4 người, còn thổ dân Manuel Aguon bị họ bắt ép phải chỉ đường ra biển. Khi không khai thác được gì, đại tá Nomura ra lệnh chặt đầu cả 4 người để uy hiếp tinh thần thổ dân).

Nương náu tại trang trại của Juan Cruz khoảng 2 tuần thì Vicente Guevara - người đã xuống xe Jeep ở thị trấn Ordot để đi tìm gia đình - đến gặp Tweed. Theo Vincente, sau khi tìm được cha mẹ, anh ấy trở thành nông dân và vì anh ấy là người Chamorro, được cộng đồng Chamorro che giấu lý lịch nên không bị nghi ngờ. Vẫn theo Vincente, quân Nhật đang tổ chức truy lùng Tweed rất gắt gao, và đầu anh được đại tá Nomura nâng lên mức thưởng 1.000 yen. Tweed viết trong hồi ký: "Một lần nữa, tôi và Tyson lại tách ra. Trước khi trốn vào núi, một thổ dân Chamorro là Limtiaco tặng tôi một khẩu súng ngắn Colt 45 và 1 băng đạn mà ông ta đã cất giấu".

Sinh tồn trong hang đá

Được Juan Cruz đưa vào một hang đá rất hiểm trở, Tweed tồn tại nhờ thức ăn và nước uống do những thổ dân Chamorro can đảm tiếp tế trong lúc Tyson thì không may mắn hơn. Tháng 10-1942, khi đang ẩn náu trong một chuồng gà của gia đình thổ dân Frank Perez, Tyson bị 50 lính Nhật phát hiện, bao vây rồi sau đó bắn chết vì Tyson không chịu đầu hàng. 12 thổ dân trực tiếp hoặc gián tiếp che giấu anh cũng bị tra tấn rồi bị hành quyết.

Hang đá nơi Tweed ẩn náu trước ngày Guam giải phóng.

Giữa tháng thứ 4 kể từ khi chạy trốn, 2 người Chamorro mang đến cho Tweed một chiếc radio hiệu Zenith Electronics và một máy phát điện quay tay. Khi nghe những bản tin của Đài phát thanh KGEI, phát sóng từ San Francisco, Mỹ, và Đài phát thanh Tiếng nói Tự do - The Voice of Freedom, phát sóng từ đảo Corregidor, Tweed quyết định sẽ biến nó thành một tờ báo nhằm phổ biến tin tức chiến sự đến với người Chamorro, giúp họ giữ vững tinh thần nhưng phải đến gần cuối năm 1941, người Chamorro mới tìm được cho Tweed một chiếc máy đánh chữ, hơn 100 tờ giấy trắng và 4 tờ giấy than.

Những ngày sau đó, Tweed biên tập những bản tin mà anh nghe được thành những bài báo ngắn. Do chỉ có 4 tờ giấy than nên mỗi lần Tweed chỉ "xuất bản" được 4 trang. Anh đặt tên cho "tờ báo" là The Eagle - Đại bàng" dựa theo tờ báo chính thức của Hải quân Mỹ. Trong hồi ký, Tweed viết: "Người Chamorro giúp tôi phổ biến tờ The Eagle đến với cộng đồng và trong một lần như thế, khi Pangelinan chuyền tay 3 bản sao cho những người Chamorro khác tại nhà  Joaquin Limtiaco ở làng Hagatna thì quân Nhật ập vào. May là họ đã kịp ném 3 bản sao xuống hầm cầu nhà xí".

Trong suốt năm 1942, Tweed phải thay đổi chỗ ở nhiều lần để tránh làm hại cho những người đã cưu mang ông. Tại làng Tumon, Tweed được sự che giấu bởi anh em nhà Joaquin Flores, anh em Felix và Jose Torres, cũng như của Tomas Tanaka, người sau này sẽ là nghị sĩ quốc hội Mỹ. Khi anh em nhà Joaquin Flores bị quân Nhật bắt, Limtiaco bảo Tweed nằm trên một chiếc xe bò chất đầy rơm rồi đưa ông đến làng Chalan Pago, gửi cho Jesus Reyes, là kỹ thuật viên nông nghiệp. 

Được vài tuần, Tweed chuyển đến làng Ta'i, ở với gia đình thổ dân Santos rồi lại chuyển đến làng Toto và sau đó là một cái hang trong dãy núi Fadian vì thời điểm ấy, hàng trăm người Chamorro đã bị quân Nhật bắt và tra tấn nhằm tìm ra nơi ẩn trốn của Tweed cùng những ai đã nuôi dưỡng ông. Vì thế, một lần nữa với sự giúp đỡ của Limtiaco, Tweed di chuyển đến trang trại Antonio Artero ở phía tây bắc đảo Guam.

Tại nơi này, nhờ sự can đảm của gia đình Antonio Artero, Tweed tiếp tục cuộc sống lẩn trốn cho đến khi người Mỹ chiếm lại hòn đảo một năm rưỡi sau đó. Trong hồi ký, Tweed viết: "Có lần tôi hỏi Artero là nếu tôi còn sống và trở về Mỹ, anh muốn tôi tặng món quà gì? Artero cười rồi nói rằng anh ấy chỉ thích một chiếc xe hơi hiệu Chevrolet".

Ngày về

Sáng ngày 11-6-1944, Tweed nhìn thấy rất nhiều máy bay Mỹ lượn qua đảo Guam rồi ném bom xuống phía Nam đảo, là nơi đặt Bộ chỉ huy Sư đoàn 9 Nhật Bản. Những ngày sau đó, ngoài tiếng nổ của bom thì còn có tiếng pháo trên các tàu chiến ở ngoài khơi bắn vào nên Tweed đoán rằng quân Mỹ đã bắt đầu phản công, chiếm lại đảo.

Một trong những gia đình Chamorro đã che giấu Tweed khỏi tay quân Nhật.

Gần trưa ngày 10-7, từ trong một hang đá thuộc phần đất của trang trại Antonio Artero, Tweed thấy hai tàu khu trục treo cờ Mỹ trên biển, cách ông khoảng 3km. Lập tức, Tweed  chạy ra cửa hang rồi dùng 2 mảnh vải xé ra từ chiếc áo, buộc vào 2 đoạn cây ngắn, gửi một bản tin theo quy ước semaphore của Hải quân. Nội dung bản tin cho biết ông là thiếu úy George Ray Tweed thuộc Trạm Thông tin Hải quân Mỹ trên đảo Guam, đã lẩn trốn quân Nhật gần 2 năm 7 tháng sau ngày đảo thất thủ. Bên cạnh đó, Tweed còn cho biết một số vị trí đặt súng phòng thủ bờ biển của quân Nhật dựa theo lời kể của thổ dân Chamarro.

Giây lát, một trong hai tàu khu trục là tàu USS McCall trả lời Tweed cũng bằng quy ước semaphore. Họ tiến hành kiểm tra độ xác thực của Tweed với một số câu hỏi và khi biết đó không phải là cái bẫy do quân Nhật dựng nên, họ thả một chiếc ca nô vào đón Tweed. Tính đến thời điểm đó, ông đã lẩn trốn được đúng 940 ngày.

Sau ngày quân Mỹ tái chiếm đảo Guam, Tweed được phong hàm trung úy và được trao tặng Huân chương Ngôi sao bạc cùng Huân chương Legion of Merit. 

Ngày 25-9-1945, ông trở lại Guam với chiếc xe hơi 4 cửa hiệu Chevrolet, quà tặng cho Antonio Artero như đã hứa, trong sự hò reo, chào đón của hàng nghìn thổ dân trên đảo. Ông nói: "Tôi mang ơn tất cả những người Chamorro trên đảo Guam nhưng Antonio Artero là thổ dân đặc biệt nhất. Vài giờ sau khi tôi được tàu USS McCall đón, đại tá Nomura, chỉ huy Sư đoàn 9 Nhật Bản cử một người đến gặp  Artero, nói rằng quân Nhật đã biết anh ấy che giấu tôi. Nếu Artero không giao nộp tôi, Nomura sẽ chặt đầu cả gia đình. Vì vậy, Antonio Artero  phải dẫn vợ cùng 12 đứa con vào hang trốn cho đến ngày Guam được giải phóng".

Năm 1984, Tweed còn trở lại đảo Guam thêm một lần nữa sau khi cuốn hồi ký của ông phát hành. Tiền thu được từ việc bán hồi ký ông dành tặng hết cho người Chamorro để xây dựng các công trình phúc lợi. Trả lời phỏng vấn tờ The Eagle của Hải quân Mỹ vào thời điểm đó, Limtiaco - một trong những thổ dân Chamorro đã cưu mang và đã tặng Tweed khẩu súng ngắn Colt 45 giải thích: "Tweed là biểu tượng cho lòng can đảm và không khuất phục cái ác. Chính vì thế, người Chamorro chúng tôi đã quyết tâm bảo vệ anh ấy theo cách của mình, và sẵn sàng chấp nhận bị quân Nhật chặt đầu nếu điều ấy cần thiết cho sự sống còn của anh ấy".

Năm 1989, Tweed chết trong một tai nạn xe hơi. Ông được chôn cất tại Nghĩa trang Hải quân quốc gia Eagle Point, bang Oregon. Ở đảo Guam, người Chamorro cũng tổ chức lễ tang ông theo nghi thức của dân bản xứ, điều mà lần đầu tiên họ làm cho một người không cùng chủng tộc.

Vũ Cao (theo USN - George Ray Tweed - Great Story)
.
.
.