Pakistan - Điểm nóng của thế giới hiện nay

Thứ Ba, 18/03/2008, 09:30
Nằm ở phía tây bắc tiểu lục địa Nam Á, Cộng HÒA Hồi giáo Pakistan có diện tích 803.943 km2 (không kể khu vực tranh chấp Kashmir), dân số 164 triệu người (đứng thứ 6 thế giới), thủ đô là Islamabad.

Bị chi phối bởi các chính sách "chia để trị", "cây gậy và củ cà rốt" của đế quốc, thực dân và các mối thù truyền kiếp về dân tộc, tôn giáo, Pakistan còn được xem là một trong những điểm nóng  của thế giới.

Hiện nay, Pakistan đang rơi vào tình trạng phức tạp, Chính phủ quân sự của ông Musharaff khó có thể kiểm soát được.

Hậu quả từ chính sách "chia để trị" của Anh

Trên vùng đất rộng lớn ở Nam châu Á có một khu vực được gọi là tiểu lục địa Ấn Độ. Nơi đây, từ xa xưa đã có một nền văn minh phát triển rực rỡ, hội tụ của nhiều tộc người với tín ngưỡng, ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, đông nhất là người theo Ấn Độ giáo và người theo Hồi giáo. Tiểu lục địa Ấn Độ có bề dày lịch sử văn hóa huy hoàng, một trong những chiếc nôi của nền văn minh nhân loại. Ở vị trí quan trọng trên tuyến đường giao lưu Đông - Tây, vùng đất chiến lược này luôn bị các thế lực nước ngoài nhòm ngó, xâm lược.

Ấn Độ chịu ảnh hưởng của phương Tây từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI. Từ năm 1746 đến năm 1763, hai nước Pháp và Anh tranh chấp quyền thống trị thuộc địa Ấn Độ. Cuối cùng, quyền thống trị của người Anh trên toàn lãnh thổ tiểu lục địa Ấn Độ  được xác lập bằng Hiệp ước Paris năm 1763, sau khi có sự nhượng bộ của thực dân Pháp. Tính đến trước Chiến tranh thế giới lần thứ II, Ấn Độ (bao gồm Ấn Độ, PakistanBangladesh ngày nay) vẫn là một thuộc địa rộng lớn của Anh.

Trong suốt quá trình đô hộ Ấn Độ, nước Anh đã thi hành chính sách "chia để trị" cực kỳ hiểm độc, từng bước phá vỡ khối đoàn kết của phong trào giải phóng dân tộc do đảng Quốc đại của Mohandas Gandhi và Liên đoàn Hồi giáo của Mohammad Ali Ginna lãnh đạo.

Dưới sự bảo trợ của người Anh, năm 1906, Mohammad Ali Ginna đã có tư tưởng ly khai với đảng Quốc đại, đòi tách một bộ phận lãnh thổ thành lập một quốc gia Hồi giáo. Năm 1930, M.A Ginna đưa ra thuyết thành lập ở Ấn Độ hai nước nằm trong khối liên hiệp Anh gồm nước Ấn Độ giáo và nước Hồi giáo.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, lo sợ trước phong trào giải phóng dân tộc đang dâng cao, Anh buộc phải điều chỉnh chính sách chia để trị, nhằm cứu vãn sự thống trị của mình ở khu vực này bằng cách tiếp tục khoét sâu mâu thuẫn vốn có giữa các tôn giáo và sắc tộc ở Ấn Độ, đặc biệt là mâu thuẫn giữa người theo Ấn Độ giáo và người theo Hồi giáo.

Nước Anh khuyến khích Liên đoàn Hồi giáo chống lại đảng Quốc đại, ủng hộ tư tưởng ly khai và xúc tiến việc thành lập nhà nước riêng của người theo đạo Hồi. Trước sức ép của Anh, đảng Quốc đại buộc phải nhượng bộ và chấp nhận  chia cắt đất nước bằng  Hiệp định ngày 14/8/1947 giữa đảng Quốc đại với Liên đoàn Hồi giáo và Chính phủ Anh. Ngày 14/8/1947 được coi là ngày độc lập của Ấn Độ và Pakistan.

Trong hiệp định ba bên hay “đạo luật về nền độc lập của Ấn Độ”, Anh đã cố tình đưa vào nhiều nhân tố gây mất ổn định về lâu dài ở vùng đất này. Các bên tham gia ký kết đồng ý cho phép lãnh vương một số công quốc được quyền quyết định gia nhập vào một trong hai nhà nước trên. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan hàng chục năm nay ở Kashmir (Kashmir là 1 trong 601 công quốc ở Nam Á).

Thứ nữa là, Anh cố tình chia đất nước Pakistan làm hai phần, Đông Pakistan (nay là Bangladesh) và Tây Pakistan (Pakistan ngày nay) cách nhau 1.600 km và buộc phải đi qua lãnh thổ Ấn Độ. Xứ Punjab và xứ Bengal cũng bị chia cho mỗi nước một nửa. Việc phân chia trên đã làm nảy sinh nhiều phức tạp trong quan hệ giữa hai nước đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Trên thực tế, cả cộng đồng Ấn Độ giáo (đại biểu là đảng Quốc đại) và cộng đồng người Hồi giáo (đại biểu là Liên đoàn Hồi giáo) đều không hài lòng với sự phân chia trên, nhưng do thế và lực yếu, họ buộc phải tuân theo sự sắp đặt của Chính phủ Anh.

Kể từ ngày được trao trả độc lập đến nay, giữa Ấn Độ và Pakistan đã từng xảy ra 3 cuộc chiến tranh vào các năm 1947, 1965 và 1999, nhằm giành quyền kiểm soát vùng Kashmir và tranh chấp một số quyền lợi khác.

Việc Ấn Độ hỗ trợ và ủng hộ phong trào ly khai Đông Pakistan đấu tranh đòi độc lập khiến cho lãnh thổ Pakistan tiếp tục bị chia cắt (hình thành ở đây một quốc gia mới, nước Cộng hòa nhân dân Bangladesh vào năm 1972) càng làm cho mâu thuẫn giữa hai nước thêm trầm trọng.

Nếu không có sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, chiến tranh  giữa Ấn Độ và Pakistan có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngày nay, Nam Á vẫn là một khu vực nóng của thế giới về xung đột vũ trang mang màu sắc tôn giáo, sắc tộc. Pakistan vẫn là một “kho thuốc súng” không an toàn, và trong “kho thuốc súng” ấy có cả vũ khí hạt nhân.

Sau những gì đã và đang diễn ra trên chính trường Pakistan, nhất là sau vụ bà Bennazia Bhutto bị sát hại và trước cuộc bầu cử Quốc hội đầu năm 2008, cộng đồng quốc tế càng mất niềm tin vào nền an ninh của Pakistan. Nếu một thế lực Hồi giáo cực đoan (giống như Taliban) giành được chính quyền thì không biết điều gì sẽ đến với sự ổn định của nước này.

Đạo Hồi, khủng bố và bàn tay của Mỹ

Đạo Hồi có mặt ở Pakistan cùng với sự có mặt của các thương gia Arập và quân đội Hồi giáo của người Arập tiến vào xâm chiếm lãnh thổ tây bắc Ấn Độ từ thế kỷ XII. Trong suốt quá trình du nhập, tồn tại và phát triển, đạo Hồi ở Ấn Độ đã khẳng định vị thế của mình trong khu vực với những đặc trưng văn hóa riêng biệt.

Trước Chiến tranh thế giới lần thứ II, trong lãnh thổ Ấn Độ, số tín đồ Hồi giáo có trên 100 triệu người sống chủ yếu ở khu vực tây bắc (tức Pakistan ngày nay) và đông bắc (tức Bangladesh ngày nay). Một số nhỏ sống rải rác, xen lẫn với người theo Ấn Độ giáo.

Năm 1947, theo Hiệp định ba bên về nền độc lập của Ấn Độ, đã có 6 triệu tín đồ Hồi giáo nhập cư vào Pakistan. Năm 1972, Nhà nước Bangladesh được thành lập, toàn bộ tín đồ đạo Hồi ở Đông Pakistan đã trở thành công dân của một quốc gia mới. Tuy vậy, ngày nay số tín đồ Hồi giáo ở Pakistan vẫn chiếm đa số trong cơ cấu dân số (đông thứ hai thế giới, sau Indonesia), các tôn giáo khác không đáng kể. Đạo Hồi được coi là quốc đạo ở Pakistan.

Là một quốc gia Hồi giáo, đạo Hồi có ảnh hưởng cực kỳ to lớn về mọi mặt trong đời sống xã hội của quốc gia Nam Á này. Điều dư luận quan tâm nhất hiện nay là các phong trào Hồi giáo cực đoan đang phát triển mạnh mẽ cản trở tiến trình dân chủ ở Pakistan.

Bằng chứng là, trong nhiều năm gần đây, hàng loạt vụ khủng bố đánh bom liều chết nhằm vào các chính trị gia có tư tưởng thân phương Tây, dẫn đến những cái chết thương tâm cho hàng nghìn người dân vô tội và đẩy đất nước vào các cuộc khủng hoảng chính trị triền miên. Pakistan hiện vẫn là địa bàn hoạt động và là hậu phương vững chắc của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, tàn quân Taliban và nhiều tổ chức khủng bố quốc tế khác.

Quân đội Pakistan, lực lượng an ninh Afghanistan và liên quân do Mỹ cầm đầu vẫn chưa triệt tiêu được các căn cứ quân sự của Taliban ở khu vực biên giới và không thể ngăn chặn được các vụ khủng bố của Al-Qaeda và các tay súng Hồi giáo khác tại thủ đô Islamabad, thành phố Karachi.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây là cái giá phải trả cho chính sách sai lầm trong nhiều thập niên qua của Chính phủ Pakistan qua nhiều đời tổng thống. Đó là chính sách thân phương Tây, đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, từng nuôi dưỡng phong trào Taliban, một số tổ chức Hồi giáo cực đoan khác trong khu vực và theo đuổi chính sách thù địch với nước Ấn Độ láng giềng.

Chính sách thân phương Tây và là đồng minh của Mỹ làm cho xã hội Pakistan bị phân hóa sâu sắc, nảy sinh nhiều luồng tư tưởng khác nhau. Có bộ phận dân cư ủng hộ chính sách thân phương Tây, chủ trương đẩy nhanh tiến trình dân chủ theo mô hình phương Tây.

Có bộ phận muốn duy trì các giá trị của đạo Hồi. Bộ phận khác thì mang tư tưởng bài ngoại, kiên quyết chống Mỹ và phương Tây, tẩy chay cái gọi là “tiến trình dân chủ” không phù hợp với các giá trị đạo Hồi. Các vụ biểu tình rầm rộ (do các tổ chức chính trị đối lập nhau tổ chức), các vụ bạo động vũ trang, khủng bố, đánh bom liều chết (do các tổ chức Hồi giáo cực đoan tiến hành) và các vụ đảo chính quân sự (do quân đội tiến hành) liên tiếp nổ ra, khiến an ninh xã hội Pakistan luôn trong trạng thái rối ren.

Sau sự kiện 11/9/2001, bị thôi thúc bởi chính sách “cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ, Pakistan đã trở thành đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại khu vực. Mặc dù có  được một số lợi ích khi là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố (Mỹ chi cho Pakistan 10 tỉ USD để chống khủng bố và dân chủ hóa xã hội), nhưng toàn cục, Pakistan mất nhiều hơn.

Tình hình chính trị - xã hội ngày càng bất ổn, nhiều lúc vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của chính quyền, buộc Tổng thống P.Musharaff phải ban bố tình trạng khẩn cấp và đặt quân đội, lực lượng an ninh trong tình trạng báo động cao nhất. Các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan, không những không bị triệt tiêu mà còn hoạt động mạnh hơn. Thái độ chống Mỹ và tức giận trước sự bất lực của chính quyền quân sự trong cộng đồng Hồi giáo ngày càng tăng cao.

Trong bài viết “Những thách thức đối với châu Á” đăng trên tạp chí American Prospect (Mỹ), tháng 11/2001, nhà phân tích J. Mann từng cảnh báo Pakistan là 2 trong 3 hiểm họa của châu Á trong thế kỷ XXI (hiểm họa thứ ba thuộc về Indonesia).

Tác giả viết: “Nếu xem xét đến tương lai của châu Á thì có thể có 2 khả năng là hiểm họa đối với khu vực này và bất kỳ một khả năng nào cũng có thể là sự nối tiếp từ hàng loạt sự kiện sau 11/9/2001. Thứ nhất, là sự buông lỏng quản lý vũ khí hạt nhân ở Pakistan. Tổng thống Musharaff và chính phủ của ông ta với sự ủng hộ chiến dịch chống khủng bố một cách mạnh mẽ mà không được dân chúng chấp nhận sẽ sụp đổ.

Pakistan hoặc sẽ đi đến tình trạng hỗn loạn hoặc chính quyền hiện nay sẽ bị thay thế bằng một chính quyền như kiểu Taliban, chính quyền này sẽ kiểm soát quân đội và vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, Musharaff sẽ khiêu chiến với Ấn Độ để giành quyền kiểm soát Kashmir và chiến tranh lần thứ tư giữa hai quốc gia sẽ nổ ra. Cuộc chiến lần này sẽ không giống như những lần trước khi mà cả hai bên đều có vũ khí hạt nhân”.

Những gì đang diễn ra dưới bàn tay đạo diễn của Mỹ ở Pakistan, chứng minh dự báo của các nhà phân tích quốc tế đang trở nên hiện thực hơn (ít nhất cũng là đúng cho đến lúc này, khi mà tình hình Pakistan đang bất ổn).

Đã đến lúc Mỹ và đồng minh phải xem lại cách thức chống khủng bố và điều chỉnh chiến lược xuất khẩu “dân chủ” đối với các quốc gia Hồi giáo. Nếu không, Mỹ và đồng minh sẽ phải gánh chịu hậu quả do những sai lầm trong chính sách và hành động đối ngoại chính trị cường quyền của họ từ  bấy lâu nay ở Pakistan và một số quốc gia khác

Trần Minh Tơn
.
.
.