Madeleine Riffaud – Một người con của Việt Nam

Thứ Hai, 02/09/2019, 14:03
Madeleine Riffaud, SN 1924, có bố mẹ đều là nhà giáo, "dòng dõi" nông dân nghèo, cả đời sinh sống và dạy học ở miền Tây nước Pháp. Cha theo chủ nghĩa xã hội, từng bị thương trong Thế chiến thứ nhất. Riffaud bộc lộ thiên hướng thi ca rất sớm và dự định theo nghề bố mẹ.

Nhưng năm 1940, bà thay đổi hướng đời, khi nhận rõ sự cao ngạo, hỗn xược và vô nhân tính của quân xâm lược Đức. Bà tham gia kháng chiến chống phát xít một cách thiết thực và dũng cảm.

Đầu năm 1944, bà được kết nạp vào đảng cộng sản. Quyết đoán và cực kỳ gan dạ, bà được chỉ huy một nhóm chiến sĩ. Ở thủ đô Paris, nhóm của bà từng khôn khéo dừng được một đoàn tàu hỏa chở lính Đức, bắt sống nhiều tên.

Cũng tại đó, ở tuổi 20, bà bắn chết một sỹ quan Đức, một cách đường hoàng, giữa thanh thiên bạch nhật. Đấy như một lời cảnh cáo quân xâm lược quá ngạo nghễ và tàn bạo. Bà bị bắt. Mấy tuần bị tra tấn dã man - bà không khuất phục…

Bác Hồ trong một lần tiếp nhà báo Madeleine Riffaud.

Bà bị quân Đức kết án tử hình. Trong thời gian chờ bị bắn, bà làm thơ. Bà viết Bài ca sự sống, nói về cái chết của mình, có những câu được chuyền tay đọc mãi: "Những con người này sẽ giết tôi/ Nhưng chiến hữu, xin đừng giết họ/ Khi họ thua - như con chồn vào rọ/ Tối nay tôi xiết đỗi bồi hồi/ Tim chỉ còn tình yêu/ Ôi tình yêu khôn tỏ… Những tâm hồn cao thượng như bà không thể chết, cho nên bà được cứu sống một cách thần kỳ.

Bà trải qua một bi kịch đau đớn. Đó là không được đi theo đoàn quân giải phóng rút khỏi Paris từ cuối 1944 sạch bóng quân xâm lược, vì vẫn bị coi là trẻ con, nhất là không có giấy chấp thuận của cha mẹ.

Nhờ thi hào cộng sản Paul Eluard (1895-1952), bà được tiếp tục chiến đấu, với cây bút lợi hại và hút hồn. Một cuốn sách của bà được chào đón nồng nhiệt. Một số bài thơ của bà được phổ nhạc, rất thịnh hành thời đó. Bà vừa sáng tác lời ca khúc, vừa bắt đầu viết báo, cho tờ Chiều nay của Louis Aragon (1897-1982). Sau đó là Đời thợ.

Madeleine Riffaud với các chiến sĩ giải phóng Miền nam.

Chính trên tờ này, bà góp phần khiến không chỉ nước Pháp rung động về cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu mà thực dân Pháp tiến hành ở Đông Dương và Việt Nam, qua vụ án Henri Martin (1927-2015) và Raymon Dien, SN 1929, đến nay vẫn được nhắc lại.

Chuyện là năm 1945, thủy thủ Henri Martin, cựu chiến sĩ kháng chiến chống Đức, được điều sang Việt Nam. Ông tưởng sang để đánh phát xít Nhật. Thực tế, quân Nhật đã bị tước vũ khí, quân Pháp bắn giết người dân xứ này. Ông quay về Pháp, phát động phong trào tố cáo nhà cầm quyền Pháp, - biến thành một phong trào phản chiến mạnh mẽ.

Tháng 3-1950, ông bị bắt, bị kết tội xúc phạm tinh thần Pháp, phá hoại… Và bị kết án 5 năm tù. Dư luận Pháp, nhất là của giới trí thức và văn nghệ sĩ phản đối rầm rộ. Cho nên ông được tự do giữa 1953…

Tháng 1-1950, bà Raymon Dien tham gia cuộc biểu tình ở nhà ga mà một đoàn tàu chở xe bọc thép và quân trang quân dụng cho đội quân xâm lược Pháp ở Đông Dương sắp chuyển bánh. Bà cùng một số người nằm xuống, chắn ngang đoàn tàu. Chỉ bà bị bắt và bỏ tù, vì bà là cộng sản…

Raymon Dien và Henri Martin suốt từ đó hoạt động chống thực dân và chiến tranh phi nghĩa không mệt mỏi. Họ được không chỉ nhân dân Pháp xưng tụng và tri ân, ví dụ Raymon Dien được người Nga dựng tượng…

Madeleine Riffaud và nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

Sau khi rời hai tờ báo nói trên, Madelein Riffaud trở thành phóng viên của báo Nhân đạo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Pháp. Bà từng sang Algerie nhiều đợt, bị ám sát hụt nhiều lần, nhưng cống hiến lớn lao cho công cuộc giành độc lập của đất nước đó.

Duyên nợ của bà với Việt Nam thì lớn lao hơn nhiều. Đầu những năm 1970, sức khỏe sụt giảm, bà vào làm hộ lý cho một bệnh viện Paris. Lau chùi nhà cửa, thu giặt khăn đệm quần áo bệnh nhân, nắm tay người bệnh nặng, ghi lại những lời trối trăng, vuốt mắt cho người vừa chết…

Tình người và tấm lòng của bà kết tinh vào Đồ vải bệnh nhân ban đêm, một cuốn sách khác thường. Không bỗng dưng, lần in đầu, 1975, sách bán được một triệu bản và tái bản liên tục cho tới hôm nay. Xác thực và rung động tới trào lệ.

Ấn tượng nhất là, dù thù lao "bé mọn", bị thờ ơ và quên lãng, các nhân viên y tế vẫn tận tụy với những đồng loại đang cần tới họ.

Vượt lên tất cả những gì chưa đẹp là sự đồng cảm, sẻ chia và yêu thương thực lòng, - giá trị nhân bản cốt tử vẫn chan chứa ở nơi tưởng chỉ còn tang thương và chết chóc. Thơ, truyện, ký sự, tiểu luận của bà, - chưa cần điểm tới, nguyên tác phẩm như ghi chép này, một tác phẩm văn chương kinh điển, cũng đủ liệt Madeleine Riffaud vào hàng những nhà văn đích thực, nhà văn mà xã hội không thể thiếu.

Bộ đĩa nhạc M.Riffaud tặng Bác Hồ.

Bà không còn sức leo lên tầng hai, cuộc sống thực thụ của bà. Chỉ khi bọn trẻ tới, bà mới lên thăm lại. Trong đấy có nhiều ảnh và thư của Nguyễn Đình Thi, một nhà văn của Việt Nam. Bà đành ăn ngủ ở tầng một. Chiều nào bà cũng gọi điện hay vui vẻ trả lời người dân, người thân, bạn hữu. Sẵn sàng tham dự các sự kiện của thủ đô, của chính phủ, của các hội đoàn. Như một san sẻ niềm vui, lạc quan và tin tưởng.

Nhiều phỏng vấn, phim ảnh, chương trình truyền hình, sách vở,.. dành cho Madeleine Riffaud, nhà kháng chiến chống phát xít trẻ nhất, "bà lớn" của nước Pháp, nhà báo gạo cội, nhà văn của đời thường, công dân Pháp mẫu mực. Cảm động bậc nhất là phim tài liệu Ba cuộc chiến của Madeleine Riffaud, năm 2010, của Philippe Rostan, sinh năm 1964, đạo diễn Pháp gốc Việt.

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là thân thương nhất đối với Madeleine Riffaud. Độ sâu thẳm này hẳn đã được "kích hoạt" và mở rộng không ngừng, chủ yếu nhờ nhà văn Nguyễn Đình Thi và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cố nhà văn Nguyễn Đình Thi từng đọc văn thơ của bà qua nguyên bản. Ông rất cảm phục và quý trọng cô gái tài hoa và dũng cảm, một chiến sĩ Cộng sản bất khuất.

Năm 1951, khi sang Đức dự Đại hội Thanh niên dân chủ thế giới lần thứ ba, ông tìm đến phái đoàn Pháp hỏi thăm tin tức về Madeleine Riffaud. Ông háo hức nhất là được tiếp cận bài ca tuyệt mệnh của bà. Bài ca này, ông tin chắc là tuyệt bút và chứa chan lòng tin vào chiến thắng cuối cùng của cuộc chiến đấu chung mà bà và ông là những chiến sĩ xả thân vô điều kiện.

Cố nhà văn được một nữ đồng nghiệp của bà - trong phái đoàn Pháp - bố trí cho gặp gỡ. Madeleine Riffaud và Nguyễn Đình Thi đều bị sốc mạnh. Sự đồng điệu ngoài sức tưởng tượng về lý tưởng cách mạng, ý chí chống thực dân và xâm lược, lối sống quên mình cho lý tưởng và đồng bào…

Madeleine Riffaud đã kết hôn năm 1945 với Pierre Daix, một chiến sĩ kháng chiến Pháp từ trại tập trung trở về. Họ có một bé gái ốm yếu, phải gửi về nhờ bố mẹ bà nuôi dưỡng chật vật. Biết mình có thể không có con nữa, hoặc nếu có, con cũng khó sống nổi, bà xin chia tay chồng, năm 1948. Ấy là hậu quả của cuộc đấu tranh chống phát xít của bà.

Nguyễn Đình Thi thì đã yên ấm gia đình từ năm ông hơn 17 tuổi. Học giỏi, đẹp trai, ăn nói hấp dẫn, bố mẹ ông tác thành ông với bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga, cháu gái một quan tuần phủ. Khi gặp Riffaud, ông đã có ba con ở quê nhà. Đầu năm 1952, vợ ông mất vì bệnh.

Ông tái giá với bà Phạm Thị Trường, một cán bộ địch vận ở Hải Dương. Bà Trường về sau thành bác sỹ. Sau này bà từng là Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Do đau ốm nhiều, bà mất khả năng sinh nở. Khi bà mất, cũng vì bệnh tật, Nguyễn Đình Thi chính thức chung sống với nữ diễn viên Tuệ Minh, SN 1948, cho tới hết đời.

Với Riffaud, cố nhà văn Nguyễn Đình Thi giữ một tình bạn đặc biệt. Họ thường xuyên trao đổi thư từ, ảnh và kỷ vật. Bộ ảnh và thư này, hàng trăm chiếc, trước khi lâm chung, ông mới trao lại cho con trai, nhà văn Nguyễn Đình Chính. Nguyễn Đình Thi là người đàng hoàng và tuân theo nếp cổ.

Ông đã thổ lộ qua kiệt tác thơ Nhớ, 1951, nói về Madeleine Riffaud. Với Madeleine Riffaud, Nguyễn Đình Thi cũng là một người bạn đặc biệt. Ông không giấu bà về gia cảnh riêng. Vì vậy, bà thường viết thư cho các con ông, và gửi tiền cho chúng nữa. Nguyễn Đình Chính đã sang Pháp, thăm Madeleine Riffaud và luôn luôn trân quý bà như một công dân và ngòi bút sáng giá…

Năm 1946, khi được giới thiệu với bà, Bác Hồ đã thốt lên: "Đây là cô gái Paris dũng cảm?... Và Bác nói, làm báo là một sự nghiệp thực sự. Bây giờ, con còn học tập. Khi nào thành nhà báo thuần thục, con hãy sang Việt Nam...

Năm 1954, bà sang Việt Nam, để phản ánh với thế giới công cuộc xây dựng lại đất nước của Việt Nam, được Bác tặng hai tấm lụa. Bà đem một tấm, may một áo bà ba, mà bà hay mặc, như mình là người Việt. Tấm thứ hai, bà may tiếp một áo như thế và mặc trong chuyến về lại Việt Nam.

Đến năm 1958, bà công bố truyện Con mèo quái lạ, như một truyện cổ tích, về người Việt Nam dí dỏm, khiêm nhường và thiết thực. Cuốn sách được tái bản năm 1978 và tiếp tục in lại gần đây.

Năm 1964, bà cùng nhà báo Úc danh tiếng Wilfred Burchett, mà bà quen ở CHDCND Triều Tiên, từ Campuchia, bí mật sang miền Nam Việt Nam. Bà lăn lộn ở các chiến khu của quân giải phóng, như một chiến sĩ đích thực, với áo lụa bà ba, tên "chị Tám" thân mật. Năm 1965, trong các bưng biền "Việt cộng" của bà, kết quả chuyến đi, thành công vang dội, được dịch ra nhiều ngôn ngữ.

Bà gửi sách cho Bác Hồ với lời đề tặng: "Kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lòng biết ơn vô bờ và tình yêu sâu nặng mà con dành cho Người và Dân tộc của Người, Dân tộc sẽ chiến thắng những tên phát xít mới". Bác đọc kỹ, ghi "chú ý" bên lề nhiều trang, gấp mép đánh dấu nhiều trang khác để dễ tìm đọc lại.

Tiếp đó, bà quay lại miền Bắc Việt Nam, ghi lại tội ác của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại, cũng như cuộc chống trả anh dũng của quân dân ta. Thật kinh ngạc, bà tỏ ra quả cảm lạ lùng giữa bom rơi đạn nổ. Bà là phóng viên nước ngoài duy nhất luôn luôn có mặt ở những nơi máy bay Mỹ đang trút bom xuống, như nhà ga, bệnh viện, trường học.

Năm 1967, bà kịp ra mắt cuốn Ở Bắc Việt Nam: viết dưới bom đạn, như một thu hoạch "đi thực tế sôi nổi và hào sảng". Đặc biệt xúc động là những trang bà viết về Bác: "Hầu như sáng nào, tôi cũng muốn phỏng vấn Bác, nhưng không được. Tôi là nhà báo, lại bị phỏng vấn, phải liên tiếp trả lời Người về miền Nam Việt Nam mà từ lâu Người không tới được, về đảng Cộng sản Pháp, về những người bạn Pháp và châu Âu của Người".

Năm 1968, bà dịch sang tiếng Pháp cuốn tiểu thuyết Mặt trận trên cao của Nguyễn Đình Thi. Báo Nhân đạo, ngày 21-9-1969, đăng bài của  viết bà khi Bác ra đi giữa mùa thu, với nhiều kỷ niệm: "Nếu con muốn Bác vui, hãy gửi cho Bác những ca khúc của Maurice Chevalier mà Bác thường nghe hồi bên ấy, khi con chưa chào đời (Bà đã gửi đủ sáu đĩa của danh ca này. Bác nghe rất thích).

"Nhiều đêm khuya, công việc xong đâu vào đấy, Người ngả lưng trên giường, mở đài bán dẫn, nghe các buổi phát thanh nước ngoài… Có ai nhắc Người đi ngủ,  Người mỉm cười đáp: Tôi đang nghe tiếng nói của nhân loại".

Nhân đạo cũng đăng bản dịch Di chúc của Người, do bà (tham gia) dịch, hiệu đính và giới thiệu. Trong lễ truy điệu Người ở Paris, bà mặc áo bà ba, đội khăn tang, khóc  cúi lạy Người, như một con em Việt ruột đau chín chiều, vĩnh biệt Người cha vĩ đại…

Trần Bích Nga
.
.
.