Lương Văn Can - Người thầy của doanh nhân Việt

“Lò phiến loạn Bắc Kỳ”

Thứ Bảy, 19/10/2019, 14:19
Những hoạt động yêu nước của phong trào duy tân nói chung và trường Đông Kinh Nghĩa Thục nói riêng khiến thực dân Pháp mất ăn mất ngủ. Chúng rải mật thám đi khắp nơi để truy tìm những người chống lại chính quyền. Không có chứng cứ, chúng gọi đây là "Lò phiến loạn Bắc Kỳ" và thẳng tay đàn áp.

Công cuộc chấn hưng kinh tế

Trong tài liệu kêu gọi phong trào buôn bán trong toàn dân, các nhà nho Đông Kinh Nghĩa Thục kêu gọi: Nói về văn minh thì nước ta đã có nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp từ lâu rồi, và dân ta cần kiệm, chịu khó, tinh xảo. Về tài nguyên thiên nhiên thì khắp nước đều có sông ngòi đủ tưới tiêu, bờ bãi ven sông lắm phù sa, thích hợp cho trồng trọt. Rồi mỏ than, mỏ sắt đâu cũng có, không kể hết. 

Nước như vậy mà dân vẫn nghèo, vì nguyên nhân nào thì chúng ta cũng biết. Phẩm vật là do công nghiệp, nông nghiệp mà có, phẩm vật càng nhiều càng hay. Chức nghiệp cũng không hạn chế. Thương nghiệp tuy không làm ra phẩm vật nhưng lại làm cho phẩm vật do công nghiệp, nông nghiệp làm ra lưu thông, không ứ đọng. Do đó, nông, công, thương đều là thực nghiệp, làm giàu cho đất nước.

Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều hội buôn thi nhau ra đời, có sự hỗ trợ lẫn nhau về kinh nghiệm và bí quyết làm ăn. Một phong trào buôn bán rầm rộ đã kéo theo nhiều thành công về kinh doanh trong cả nước.

Một góc Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20.

Đầu tiên phải kể đến là hội buôn do Đỗ Chân Thiết và Phương Sơn đứng ra sáng lập, mua gạo ở Hải Dương, Thái Bình về Hà Nội bán lại. Tuy nhiên do không có kinh nghiệm nên hội buôn bị thua lỗ, phải đóng cửa. Không bỏ cuộc, Đỗ Chân Thiết cùng một số người khác tiếp tục lập hội buôn Đồng Tế Lợi ở phố Mã Tây, chuyên buôn bán hàng hóa trong nước, sau đó mở thêm hội buôn Tụy Phương chuyên buôn bán thuốc Bắc.

Hai thành viên quan trọng của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục là Hoàng Tăng Bí và Nguyễn Quyền cũng cùng nhau mở Công ty Đông Thành Xương ở phố Hàng Gai vừa buôn bán tạp hóa vừa làm công nghệ như dệt xuyến hoa, ướp trà sen. Các sản phẩm do công ty làm ra được khách hàng đánh giá chất lượng không kém gì hàng nước ngoài. Ngoài ra, tại Hà Nội còn có các công ty Nghiêm Xuân Quảng chuyên buôn bán the lụa Thái Bình, Đông Ích chuyên dệt và xuất khẩu lụa… làm ăn đều phát đạt.

Phong trào lập hội kinh doanh còn được lan dần ra các tỉnh thành. Khẩu hiệu "Chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa" không chỉ có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà còn là một trong những hành động cổ vũ tinh thần tự cường, lòng yêu nước. 

Các nhà nho đã dũng cảm đứng lên cạnh tranh với kinh tế tư bản Pháp và Hoa kiều. Trong không khí đầy phấn chấn, khẩu hiệu "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" và "Dùng hàng nội là yêu nước" lan truyền trong người tiêu dùng như kích thích thêm phong trào thực nghiệp và tinh thần tự cường dân tộc.

Tại miền Trung và miền Nam, những cái tên như Liên Thành thương quán ở Bình Thuận (do Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh - hai con trai nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông -, Ngô Văn Nhượng, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất sáng lập), Triều Dương thương quán ở Nghi Lộc - Nghệ An (do Ngô Đức Kế và Đặng Nguyên Cẩn sáng lập), các cơ sở Minh Tân ở Nam Kỳ (do một số chí sĩ yêu nước miền Nam sáng lập)… chịu ảnh hưởng từ phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh đã hòa chung với phong trào thực nghiệp của Đông Kinh Nghĩa Thục, tạo thành một làn sóng duy tân trên toàn quốc. Đặc biệt, cơ sở sản xuất nước mắm Liên Thành làm ăn phát đạt, đóng góp nhiều cho các phong trào yêu nước và sau này đã từng dự đấu xảo tại Marseille, Pháp vào năm 1922, xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Phong trào kêu gọi buôn bán và các cơ sở thi nhau ra đời kích thích người dân tới nỗi vài quan lớn đương thời cũng khảng khái xin nghỉ việc để về nhà đi buôn. Như ông Nghiêm Xuân Quảng đang làm Án sát Lạng Sơn, cáo quan về mở hiệu buôn tơ ở phố Hàng Gai. 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, có hai tên tuổi được lưu danh, đó là Độc tướng quân và Bùi Đình Tá. Độc tướng quân không rõ tên tuổi, cũng là một nhà nho uyên bác nhưng không thích con đường sĩ hoạn. Ông hưởng ứng phong trào Duy Tân, đã lên Yên Bái mở đồn điền Yên Lập rộng tới 50 mẫu. Còn Bùi Đình Tá vốn con nhà quan, được học trường Tây nhưng có ý thức tiến bộ. Ông đã mở một đồn điền ở Mỹ Đức (Hà Tây) làm nơi nuôi dạy trẻ mồ côi.

Không dừng lại ở đó, các nhà nho dù không có kiến thức gì về địa chất nhưng cũng hăng hái đi vào lĩnh vực khai mỏ và đã tìm ra một số mỏ than, chì, kẽm. Tuy nhiên công cuộc khai mở đang tiến hành dở dang thì trường Đông Kinh Nghĩa Thục bất ngờ bị thu hồi giấy phép hoạt động. Một loạt các hội buôn danh tiếng nêu trên cũng bị chính quyền thực dân ra lệnh đóng cửa.

Cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp

Song song với việc phát động phong trào mở trường, lập hội kinh doanh, một số thành viên Đông Kinh Nghĩa Thục còn có một số hoạt động hỗ trợ cho phái Đông Du. Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí còn tích cực vận động và tuyển chọn người để gửi đi du học.

Vũ Hoành, Lê Đại, Nguyễn Hữu Cương thì hăng hái vận động những người ghét Pháp cùng binh lính người Việt đóng trong thành Hà Nội cũ bàn kế hoạch nổi dậy hưởng ứng lời kêu gọi bạo động cứu nước của Phan Bội Châu. Một số chí sĩ khác còn hành động vượt hẳn ra ngoài đường lối của Đông Kinh Nghĩa Thục như mua khí giới chuyển về Hà thành, đưa thanh niên lên Yên Thế gia nhập nhóm nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám…

Ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục quá lớn, làm cho chính quyền thực dân mất ăn mất ngủ. Chúng gọi đây là một "lò phiến loạn Bắc Kỳ", cần phải thẳng tay dẹp sạch. 

Chí sĩ Phan Bội Châu (bên phải) và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để tại Nhật Bản trong phong trào Đông du.

Tháng 11-1907, chúng bất ngờ ập vào trường Đông Kinh Nghĩa Thục thu hồi giấy phép của trường, khám xét, tịch thu tài liệu, đồ dùng giảng dạy với lý do trường có xu hướng chính trị chống nhà cầm quyền và có nhiều dấu hiệu cho thấy có liên quan tới các hoạt động chống Pháp của tổ chức mà Phan Bội Châu đang điều hành ở nước ngoài. Tuy nhiên, do có dự cảm trước nên các nhà nho Đông Kinh Nghĩa Thục đã giấu hầu hết những tài liệu bí mật.

Mặc dù trường bị đóng cửa nhưng nhờ sự tuyên truyền dưới hình thức công khai trước đó nên ý thức phản kháng của quần chúng lan truyền đi rất nhanh, thực dân Pháp không thể nào ngăn cản nổi. Cuối năm 1907, đã có nhiều cuộc diễn thuyết lan đến tận xóm làng hẻo lánh, kêu gọi việc đấu tranh kháng sưu, kháng thuế.

Trước tình hình đấu tranh của dân chúng ngày càng lên cao, tháng 4-1908, thực dân Pháp ra lệnh cho quân lính xả súng vào đám đông, bắt bớ dân chúng, thẳng tay đàn áp phong trào. Nhiều nhà cách mạng của Đông Kinh Nghĩa Thục đã bị bắt, xử tử hoặc lưu đày, cho dù chúng không nắm được trong tay các bằng chứng rõ ràng.

Một sự kiện tiếp theo là vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội xảy ra vào ngày 27-6-1908. Đây là một kế hoạch khá quy mô của anh em binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Kế hoạch là sau khi khi đầu độc lính Pháp sẽ kết hợp với nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám tấn công chiếm Hà Nội. Song do nguồn tin bị rò rỉ nên kế hoạch đánh úp Hà Nội không thành.

Những cuộc truy quét bắt bớ người của nhà cầm quyền tiến hành khắp nơi. Một lần nữa, nhiều thành viên Đông Kinh Nghĩa Thục lại bị đưa về đồn tra hỏi, trong đó không ít người bị bắt giam, đưa ra xét xử. Nguyễn Quyền, Lê Đại, Vũ Hoành bị kết án chung thân khổ sai, Dương Bá Trạc 15 năm tù, Hoàng Tăng Bí ban đầu bị kết án đày ra Côn Đảo 5 năm sau đó nhờ sự can thiệp của cha vợ là Thượng thư Bộ học Cao Xuân Dục nên chỉ bị an trí ở Huế.

Lương Văn Can cũng bị triệu vào đồn để thẩm vấn. Người thẩm vấn ông là Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu. Vốn cũng xuất thân từ giới nho sĩ, Hoàng Trọng Phu nể trọng những người dám từ chối lộc quan như Lương Văn Can. Ông ta khuyên Lương Văn Can khai ra mọi chuyện. Nhưng Lương Văn Can ung dung: "Chúng tôi mở Đông Kinh Nghĩa Thục để giúp chính phủ khai hóa dân trí, và chính phủ đã cho phép. Từ khi chính phủ rút phép thì chúng tôi thôi, không hoạt động gì cả". 

Hoàng Trọng Phu lấy việc Lương Văn Can có hai người con tham gia xuất dương du học làm bằng chứng buộc tội, Lương Văn Can bình tĩnh giải thích rằng việc hai người con trai ra nước ngoài là việc công khai, ông không hề giấu giếm, ông đã thông báo rộng rãi trên một tờ báo Pháp. Nhờ những lý lẽ sắc sảo, hợp lý hợp tình và vẻ ung dung của một nhà nho đáng kính, Hoàng Trọng Phu đành phải để Lương Văn Can ra về.

Bị đày sang Nam Vang

Tháng 10-1908, Pháp bắt tay với Nhật, yêu cầu chính phủ Nhật giải tán và trục xuất tất cả các du học sinh Việt Nam tại Nhật. Những chí sĩ trong phong trào Đông Du đã phải trôi dạt sang Quảng Đông, Trung Quốc tiếp tục con đường học tập, đấu tranh trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Là người luôn hết mình với những hoạt động yêu nước, Lương Văn Can đã âm thầm kết nối với các thành viên trong tổ chức. 

Năm 1910 ông gửi hai thanh niên là Dư Tất Đạt (sau đổi tên thành Dương Quốc Uy) và Lâm Đức Mậu sang Quảng Đông. Đây là những hạt nhân quan trọng thành lập tổ chức Tâm Tâm Xã tại Quảng Châu năm 1923. Tổ chức này đã cử người về nước liên lạc với Lương Văn Can để xây dựng cơ sở trong nước. 

Tâm Tâm Xã ở nước ngoài cũng đã làm được một số việc rất có ý nghĩa, như tổ chức ám sát Toàn quyền Đông Dương tại Sa Diện. Dù việc ám sát bất thành nhưng đã góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước của người dân Việt, đào tạo ra một thế hệ chiến sĩ cộng sản đầu tiên như Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu…

Chân dung chí sĩ Phan Chu Trinh - người khởi xướng phong trào Duy Tân.

Cùng với việc đưa hai thanh niên sang Quảng Châu, Lương Văn Can đã tìm cách gửi cho Phan Bội Châu số tiền 250 đồng. Với tổng số tiền quyên góp được 500 đồng, tháng 10-1910, Phan Bội Châu cùng những người trong tổ chức tìm đường sang Thái Lan mở một nông trại cày cấy, lập cơ sở để chờ thời cơ mới. Ngoài ra, Lương Văn Can còn gửi tiền cho các du học sinh trong phong trào Đông Du để có vốn mở một hiệu buôn ở Long Châu, Quảng Tây.

Ngày 26-4-1913, cuộc tấn công bất ngờ vào khách sạn Hà Nội của một nhóm người yêu nước đã giết chết hai thiếu tá Pháp và làm 6 tên bị thương. Cách đó khoảng hơn 10 ngày, ngày 12-4-1913, vụ đánh bom tại tỉnh Thái Bình cũng đã giết chết Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn. Đây là những hoạt động của một số đồng chí trong tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội mới về nước. Quân Pháp đã điên cuồng đàn áp, lục soát để truy tìm ra lực lượng cách mạng. 254 người đã bị bắt giữ, Lương Văn Can cũng bị Pháp bắt vì nghi ngờ là người dính líu tới các cuộc bạo động.

Sau rất nhiều cuộc tra hỏi, thẩm vấn và bắt bớ, 4 tháng sau Pháp đưa những người bị bắt ra xét xử. Ngày 5-9-1913, hàng loạt bản án đã được đưa ra: 7 người bị tử hình là Phạm Văn Tráng, Nguyễn Khắc Cần, Phan Đệ Quý, Vũ Ngọc Thụy, Phạm Hoàng Quế, Phạm Hoàng Triết, Phạm Văn Tiến. 

6 người bị xử tử hình vắng mặt là Phan Bội Châu, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, Nguyễn Văn Túy, Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Bá Trác. Trường hợp Lương Văn Can vì tuổi già sức yếu nên được hội đồng đề hình của chính quyền thực dân "châm chước" cho mức án 10 năm, lưu đày sang Nam Vang, Cao Miên (Campuchia). Con trai Lương Văn Can là Lương Ngọc Bân cũng bị tuyên án 16 tháng tù giam.

(Còn tiếp)

Duy Tường
.
.
.