Dương Quang Đông - Người chỉ huy đường Xuyên Tây huyền thoại

Kỳ cuối: Từ đường Xuyên Tây đến đường Hồ Chí Minh trên biển

Thứ Hai, 02/11/2015, 10:10
Ngày 23/10/1961, tuyến đường vận tải bí mật trên biển Đông được thành lập để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam. Với kinh nghiệm và bản lĩnh của một người chỉ huy trên đường Xuyên Tây giai đoạn trước, Dương Quang Đông lại được Trung ương Cục miền Nam tin tưởng giao trọng trách Chỉ huy phó kiêm Chính ủy Đoàn tàu không số mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

Gian nan hành trình chọn bến

Sau Hiệp định Genève, Dương Quang Đông được phân công ở lại miền Nam chiến đấu. Năm 1957, ông bị địch bắt ở gần chợ An Đông. Chúng đưa ông về giam giữ và tra tấn dã man tại bót cảnh sát Lê Văn Duyệt rồi chuyển lên nhà lao Biên Hòa. Lợi dụng sơ hở của địch, ông vượt ngục quay về tiếp tục hoạt động.

Thủy thủ từ bến Lộc An mở đường ra Bắc nhận vũ khí (từ trái sang phải, hàng trước: Nguyễn Văn Thanh, Võ An Ninh, Trần Minh Hoàng; hàng sau: Thôi Văn Nam, Lê Hà, Nguyễn Sơn).

Năm 1961, sau Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam được thành lập. Chính quyền Ngô Đình Diệm phản ứng rất mạnh. Chúng liên tiếp đánh vào căn cứ ta. Binh lính địch tràn khắp rừng, tàn sát cả những người dân sống trên các nương rẫy. Trung ương Cục phải dời căn cứ lên tận rừng sâu Mã Đà, lương thực, thuốc men đều thiếu thốn, tiền nong cạn kiệt.

Trong tình thế ngặt nghèo ấy, Trung ương Cục miền Nam lập ban chỉ đạo bí mật lập tuyến đường biển tiếp tế vũ khí cho chiến trường Nam Bộ, Lào, Campuchia. Đồng chí Phạm Thái Bường thay mặt Trung ương Cục giao cho Dương Quang Đông nhiệm vụ mở đường biển ra Hải Phòng, từ đó tổ chức các chuyến vận chuyển vũ khí vào miền Nam. Vì là công tác quan trọng và phải cực kỳ bí mật nên đồng chí Phạm Thái Bường chỉ cử hai đồng chí đi theo bảo vệ.

Ngày 2/11/1961, Dương Quang Đông và hai bảo vệ lên đường làm nhiệm vụ với hành trang vỏn vẹn chỉ một cây súng carbin, còn gạo, muối, tiền đều không có. Ba người phải băng rừng lội suối, ăn củ rừng, ngày đêm theo đường giao liên của Khu 7, bắt đầu từ Mã Đà, qua sông Đồng Nai, xuyên rừng Tà Lài, qua núi Cậu tới Gia Ray.

Đến Hồ Cốc thuộc Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bây giờ), Dương Quang Đông dừng chân. Ông đi vòng quanh nghiên cứu các vùng lân cận như Bình Châu, Hồ Linh, Hồ Tràm, Phước Bửu, Bà Tô để nắm tình hình đồn bót địch. Nhưng trọng tâm của ông là tìm hiểu vàm Lộc An, nơi con sông Ray đổ ra biển, để chọn nơi thích hợp làm bến bãi. Con sông này khá sâu nhưng vàm lại cạn, tàu thuyền khó có thể vào được. Dương Quang Đông muốn tìm nơi khác. Đi ròng rã 3 tháng trời dọc bờ biển từ Lộc An lên Hàm Tân, La Gi vẫn không tìm được một bãi nào vừa ý, ông đành phải quay lại Hồ Cốc. Nhưng đến nơi thì tình hình thay đổi hẳn, đồng bào vùng này đã bị địch đưa hết vào ấp chiến lược.

Không hy vọng nơi nào tốt hơn, Dương Quang Đông quyết định nghiên cứu kỹ cửa Lộc An. Nơi đây cách Chi khu Phước Hải 4km, có một nhà thờ và một xóm đạo không bị tập trung vào ấp chiến lược. Đồn Phước Hải lâu lâu bắn súng cối 80 ly vào lấy lệ, còn tàu thuyền thì chưa bao giờ ghé vô đây.

Đi sâu nghiên cứu, Dương Quang Đông thấy hai bên bờ Lộc An cây thấp nhưng kín, lòng sâu ngoằn ngoèo, có nơi cạn, nhưng nếu cần thì có thể đào được. Quyết định chọn Lộc An, ông trở lên Xuyên Mộc làm việc với Huyện ủy. Huyện ủy Xuyên Mộc giới thiệu gia đình vợ chồng Mười Riều ở Hồ Tràm là người tốt, có thể giúp ông. Dương Quang Đông liền trở về Hồ Tràm, cùng vợ chồng Mười Riều tổ chức một tiểu đội dân quân lấy trong đồng bào ngư dân. Tiểu đội không có súng, chỉ làm nhiệm vụ canh gác nắm tình hình địch và quan hệ với bà con trong ấp chiến lược Phước Hải.

Dương Quang Đông về Trung ương Cục báo cáo việc chọn bến Lộc An và xin kinh phí. Trung ương Cục hơi lo lắng vì bến Lộc An quá gần đồn địch, nhưng rồi cũng đành chấp nhận vì không còn nơi nào khác tốt hơn.

Chị Mười Riều quyết định cho mượn toàn bộ số vàng dành dụm và vận động bà con, người thân góp thêm được tổng cộng gần 20 cây vàng. Với số vàng và tiền đó, Dương Quang Đông nhờ chị Mười Riều mua một máy Yanmar và một chiếc ghe 6 tấn, nhờ bà con ngư dân dùng chiếc ghe này hằng ngày ra khơi đánh cá để tạo sự hợp pháp. Chị vận động 5 thanh niên và con trai đầu của chị là Lê Hà tổ chức thành một tiểu đội dưới vỏ bọc là một tổ lưới, giấy kiểm tra do Chi khu Phước Hải cấp hẳn hoi. Dương Quang Đông đích thân ngày đêm huấn luyện tiểu đội này.

Chuyến vượt biển cam go

Chiếc ghe 6 tấn trên được Dương Quang Đông đặt tên là Thống Nhất, giao cho Lê Hà làm thuyền trưởng, 5 thành viên còn lại gồm Nguyễn Văn Thanh, Võ An Ninh, Trần Minh Hoàng, Thôi Văn Nam, Nguyễn Sơn. Ngày 27/2/1962, tàu Thống Nhất tách bến với nhiệm vụ của Trung ương Cục giao là phải tới Hải Phòng mở đường cho các chuyến tàu chở vũ khí về Nam Bộ. Trên đường đi gặp phải thời tiết xấu, mọi người chưa quen với chuyến hải hành dài ngày nên gặp nhiều lúng túng. Máy bị hư hỏng không hoạt động được, tàu phải chạy bằng buồm. Lê Hà quyết định cho tàu ghé vào Cam Ranh tìm nơi sửa chữa.

Ngày 5/3/1962, tàu tấp vô vịnh Cam Ranh. Một thuyền địch lao tới áp sát. Lê Hà trưng ra đầy đủ giấy tờ nhưng bọn chúng vẫn lục soát rất kỹ, sau đó ra lệnh kéo tàu vào cảng. Toàn bộ 6 anh em bị đưa vô khám Nha Trang giam riêng để điều tra. Chúng thẩm vấn từng người, nhưng tất cả đều khai là ngư dân Phước Hải đi biển gặp bão, hỏng máy trôi lênh đênh trên biển. Giấy căn cước ai cũng hợp lệ. Không có gì để buộc tội, một tháng rưỡi sau chúng đành thả cả 6 anh em ra.

Thuyền trưởng Lê Hà cùng mẹ (chị Mười Riều năm xưa).

Ngày 19/4/1962, tàu Thống Nhất tiếp tục hành trình. Nhưng một tuần sau lại gặp bão, bị đẩy dạt vào tận đảo Hải Nam. Lính Trung Quốc bắt giải về cảng Hải Khiếu điều tra trong 10 ngày mới trả về Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu. Ngày 18/5/1962, Lãnh sự quán ta cử người đưa anh em về Hà Nội. Tại đây, Đoàn 759 (sau này đổi tên là Đoàn 125) đón tiếp anh em rất nồng nhiệt. Sau đó cả 6 người được học một khóa hàng hải 6 tháng, sau khi tốt nghiệp được biên chế vào đội Bình Minh.

Tháng 6/1963, 6 anh em đi chuyến tàu sắt đầu tiên do xưởng Hải Phòng đóng chở vũ khí chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Tàu xuất phát từ Hải Phòng tới Trà Vinh một cách nhanh chóng và an toàn, cặp bến Cồn Cù rồi từ đó tiếp tục tới Khu 9. Sau đó tàu đi nhiều lần từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam. Có chuyến phải đi vòng ra Trường Sa để tránh Hạm đội 7 của Mỹ ở ngoài khơi và hải thuyền của ngụy ven bờ.

Chuyến hàng mọi người hăm hở nhất là đưa vũ khí về Lộc An, nơi xuất phát ra đi làm cách mạng. Nhưng không may, trong một chuyến chở hàng, tàu bị địch bao vây tại Kô Kông. Không vượt khỏi vòng vây, Lê Hà quyết định cho phá hủy tàu, tất cả thủy thủ đều nhảy xuống biển. Địch thả xuồng theo bắt sống toàn bộ đem về điều tra. Không khai thác được gì, chúng giam giữ các anh cho tới ngày Hiệp định Paris được ký kết.

Hoàn thành sứ mạng lịch sử

Chiếc Thống Nhất rời bến Hồ Cốc, Dương Quang Đông lại quay về Trung ương Cục. Lần này Trung ương Cục tăng cường thêm cho ông một tiểu đội và cấp 100.000 đồng để lo việc nạo vét, tổ chức bảo vệ bến, chuẩn bị thật nhiều lương thực cho dân công các tỉnh tới nhận vũ khí Trung ương chi viện. Trớ trêu thay, trên đường đi đoàn bị lính ngụy phục kích. Hai đồng chí hy sinh, số tiền 100.000 đồng mất sạch. Chị Mười Riều lại phải vào ấp chiến lược mượn tiền bà con để mua gạo dự trữ. Người dân Phước Hải đều hướng về cách mạng, họ sẵn sàng giúp đỡ hết mình. Sau này Trung ương Cục cho người mang 100.000 đồng xuống Xuyên Mộc để trang trải nợ vay mượn của bà con.

Đúng lúc này, đồng chí Mai Văn Vĩnh về đến miền Nam. Mai Văn Vĩnh là Đoàn trưởng Đoàn 1500 với nhiệm vụ vào miền Nam xây dựng bến bãi tiếp nhận vũ khí Trung ương chi viện. Dương Quang Đông được lệnh giao lại nhiệm vụ chỉ huy cho đồng chí Mai Văn Vĩnh để nhận nhiệm vụ khác.

Rạng sáng 3/10/1963 chiếc tàu chở 20 tấn vũ khí cập bến Lộc An. Thật bất ngờ, thuyền trưởng là đồng chí Lê Văn Một, người cùng sát cánh vào sinh ra tử với Dương Quang Đông trong đường Xuyên Tây. Gặp lại nhau, hai người mừng vui khôn xiết. Chuyến tàu thứ hai cập bến Lộc An đêm 22/12/1964 chở theo 44 tấn vũ khí. Chuyến hàng thứ 3 cập bến vào đêm giao thừa năm Ất Tỵ (1/2/1965), với 70 tấn vũ khí. Tất cả số vũ khí trên được trang bị cho quân dân các tỉnh miền Đông tham gia các chiến dịch, góp phần làm nên những thắng lợi vang dội như: Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, góp phần làm thất bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ.

Sau khi giao lại nhiệm vụ mở bến cho tàu không số, cuối năm 1963, Dương Quang Đông được Trung ương Cục cử sang công tác kinh tài với cương vị Thường trực Hội đồng cung cấp tiền phương của Trung ương Cục miền Nam. Sau đó, ông lại được điều về nhận nhiệm vụ Phó ban Giao bưu Miền. Năm 1964, để ghi nhận công lao của ông trong công tác vận chuyển vũ khí, Phó chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, người thầy, người anh cả của ông ngày nào đã gửi tặng ông một khẩu carbin. Đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam cũng tặng ông một chiếc đồng hồ Citizen. Những món quà quý giá này đã được Dương Quang Đông nâng niu gìn giữ như những kỷ niệm vô giá thời chiến tranh. Sau ngày giải phóng, ông trao tặng các kỷ vật trên cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, Trung ương Cục điều đồng chí Dương Quang Đông về công tác tại Thành ủy TP HCM. Năm 1977, khi đã bước sang tuổi 75 với gần 60 năm cống hiến liên tục vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, ông được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu.

Năm 1986, đồng chí Dương Quang Đông là Đại biểu chính thức của Đảng bộ TP HCM đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Tại Đại hội đổi mới này, ông thay mặt thế hệ cách mạng lão thành trình bày tham luận về tình hình đất nước và những yêu cầu bức xúc về công tác đổi mới. Năm 1987, ông là Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM. Ông tiếp tục giữ cương vị này đến ngày 21/10/1998 khi đã trên 96 tuổi. Từ năm 1988 đến 1990, ông còn là Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Xô TP HCM. Ông qua đời ngày 15/5/2003, thọ 101 tuổi.

Có một điều đặc biệt rất đáng trân trọng ở Dương Quang Đông là ông luôn nghĩ đến người nghèo với những nghĩa cử cao đẹp. Vào năm 2000, ông đã bán căn nhà của mình để giúp đỡ cho đồng bào bị lũ lụt 40 lượng vàng và ủng hộ 20 lượng cho quỹ nhân đạo, từ thiện xã hội của TP HCM. Đặc biệt, trước khi mất vài tháng, lúc đang nằm trên giường bệnh, ông cùng 18 nhà cách mạng lão thành đã ký lời "Tâm huyết biến tang lễ đau buồn thành việc làm từ thiện". Ông dặn con cháu không nhận vòng hoa mà thay bằng tiền phúng điếu để làm từ thiện. Thực hiện di nguyện, con cháu ông đã ủng hộ toàn bộ 103 triệu  đồng tiền phúng viếng cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo.

Với những cống hiến lớn lao trong 80 năm hoạt động cách mạng liên tục, nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc Lập hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy hiệu Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, Huy hiệu Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc…
Duy Tường
.
.
.