Dương Quang Đông - Người chỉ huy đường Xuyên Tây huyền thoại

Kỳ 2: Mở đường

Thứ Sáu, 23/10/2015, 13:35
Khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Kỳ và mở rộng chiến tranh khắp miền Nam, đến tận mũi Cà Mau, lực lượng cách mạng phải rút về các căn cứ để bảo tồn lực lượng và xây dựng một kế hoạch chiến đấu lâu dài. Toàn dân và toàn quân miền Nam thực hiện chủ trương của Trung ương là tiêu thổ kháng chiến.

Trước sự tương quan về lực lượng cũng như vũ khí giữa ta và địch, Xứ ủy Nam Bộ quyết định mở một con đường chiến lược: sang Thái Lan mua vũ khí về chi viện cho chiến trường miền Nam để đủ sức kháng Pháp. Con đường này mang tên là đường Xuyên Tây, do Dương Quang Đông làm chỉ huy trưởng.

Cuộc hội ngộ bất ngờ tại Bangkok

Thụ án 3 năm, năm 1934 Dương Quang Đông được trả tự do. Đến năm 1935 ông bị bắt lần thứ hai, năm 1937 bị bắt lần ba, năm 1939 bị bắt lần thứ tư, tới năm 1940, được thả. Và ngày 20/5/1940, ông bị bắt lần thứ năm và bị đưa lên căng Tà Lài giữa rừng già miền Đông Nam Bộ cùng với khoảng 300 tù chính trị khác. Sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, nhiều cơ sở Đảng bị vỡ, Bí thư Trần Văn Giàu quyết định chọn 7 đồng chí có bản lĩnh nhất cùng ông tổ chức vượt ngục trở về xây dựng lại các cơ sở Đảng. Dương Quang Đông là một trong 7 cái tên được chọn. Về Sài Gòn, Dương Quang Đông tập hợp Nguyễn Tấn Đức và Trương Văn Nhâm thành lập Ban Vận động Cách mạng Nam Kỳ do ông làm Trưởng ban…

Ngày 5/10/1946, tướng Leclerc tới Sài Gòn với 40.000 quân viễn chinh. Leclerc chính là viên tướng khét tiếng của Pháp tại các thuộc địa châu Phi, và cũng chính là người có công đánh bật quân Đức Quốc xã ra khỏi Paris. Khi vừa đến Việt Nam, Leclerc tuyên bố sẽ bình định Nam Bộ trong vòng 3 tháng!
Ảnh căn cước của ông Trần Văn Giàu lúc ở trại Tà Lài.

Quân viễn chinh của Leclerc nhanh chóng chiếm hết các tỉnh miền Tây và tràn xuống chiếm thị xã Cà Mau vào mùng Một Tết năm 1946. Các cơ quan Nam Bộ cùng các tỉnh phải rút xuống Rau Dừa, Cái Nước. Từ đó chỉ còn mười mấy cây số nữa là tới Năm Căn, một thị trấn sát mũi Cà Mau. Trước tình hình quá căng thẳng như thế, Xứ ủy lập tức mở một cuộc họp tại Cái Tàu, Cà Mau để bàn kế hoạch đối phó với địch. Chính ủy Khu 9 Phan Trọng Tuệ gợi ý cho liên lạc sang Thái Lan mua sắm vũ khí. Qua trao đổi, thảo luận, Xứ ủy và Ủy ban Nam Bộ tán thành ý kiến của Chính ủy Phan Trọng Tuệ.

Tuy nhiên, muốn mua súng đạn phải có vàng. Rất may trong các “Tuần lễ Vàng” trước đó, đồng bào đã quyên góp rất nhiều. Đầu năm 1946, sau khi tất cả số vàng gom góp được đúc thành vàng thỏi, Xứ ủy giao cho đồng chí Hai Hiếu mang sang Thái Lan mua vũ khí. Ngày lên đường, anh em làm một buổi tiệc giản dị chiêu đãi đoàn công tác đặc biệt. Nhưng ngay ngày hôm sau, Hai Hiếu báo về khẩn cấp, chiếc ghe liên lạc đi trước đã bị địch bắt. Xứ ủy lập tức yêu cầu phải quay về ngay vì những người bị bắt có thể sẽ khai ra tất cả, như thế sẽ cực kỳ nguy hiểm. Vậy là chuyến đi đầu tiên mới được một ngày đã phải quay về.

Dù lần đầu thất bại, nhưng vấn đề mua sắm vũ khí lúc này là vấn đề sống còn phải giải quyết ngay. Các đồng chí Vũ Đức, Phan Trọng Tuệ và Phạm Thái Bường lập tức mở một cuộc họp thảo luận cách giải quyết. Cuối cùng cả ba đi đến thống nhất vẫn tiếp tục phương án cử người sang Thái Lan mua vũ khí. Theo chỉ đạo của Phan Trọng Tuệ, đồng chí Nguyễn Văn Xô giao 25 ký vàng cho Dương Quang Đông lên đường sang Thái Lan với 5 nhiệm vụ then chốt: 1. Dựa vào Việt kiều, vận động nhân dân và Chính phủ Thái Lan ủng hộ cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của ta; 2. Mở đường biển rồi sau đó mở đường bộ từ Thái Lan tới Nam Bộ ngang qua Campuchia để đưa vũ khí về; 3. Vận động và tổ chức nhân dân Campuchia làm cách mạng giải phóng dân tộc; 4. Mở mặt trận thứ hai đánh Pháp trên đất bạn; 5. Bốn nhiệm vụ trên phải được tiến hành theo nguyên tắc triệt để bí mật.

Chiều ngày 20/2/1946, Dương Quang Đông dẫn đầu đoàn công tác đặc biệt gồm 14 thành viên, trong đó có 2 nhân vật đặc biệt là Nguyễn Thới Trọng phụ trách quân sự và nhà sư Sơn Ngọc Minh phụ trách dân vận Khmer.
Bia tưởng niệm tại khu di tích trại Tà Lài.

Sang Thái Lan được vài ngày, Dương Quang Đông bất ngờ gặp Trần Văn Giàu. Thì ra, khi ra miền Bắc nhận công tác, Trần Văn Giàu được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương giao nhiệm vụ sang Campuchia và Thái Lan lập một căn cứ hậu cần mua sắm vũ khí tiếp tế cho quân dân Nam Bộ. Hai người họp bàn và phân công nhiệm vụ. Vì là bạn học chung tại Pháp, Trần Văn Giàu lo việc tiếp xúc với Thủ tướng Pridi Phanômyông, tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền Thái Lan. Dương Quang Đông lo công việc chung và thực hiện những nhiệm vụ của Xứ ủy Nam Bộ giao phó. Hai người quyết định thành lập Ban nghiên cứu và mời Hòa thượng Bảo Ân (người Rạch Giá) - trụ trì chùa Thi Oa Thi tại Bangkok làm cố vấn. Ngôi chùa này cũng chính là nơi ta tập kết vũ khí để chuyển về Việt Nam.

Thủ tướng Thái Lan Pridi Phanômyông là người có tư tưởng tiến bộ, ông luôn ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á. Ông có cảm tình với nhân dân Việt Nam và đặc biệt ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp. Ông đã có nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các kiều bào Việt Nam cũng như kiều bào các nước Lào, Campuchia tại Thái Lan. Chính vì thế, khi tiếp xúc với Trần Văn Giàu, người bạn học thời sinh viên bên Pháp, Pridi Phanômyông đã hết lòng ủng hộ và tạo mọi điều kiện.

Được sự ủng hộ của Chính phủ Thái Lan, Dương Quang Đông cho thành lập hai trạm thu mua vũ khí là May Luột và Kô Kông. Trạm May Luột do Bông Văn Dĩa làm Trạm trưởng, trạm Kô Kông do Lê Văn Một làm Trạm trưởng.

Trận đánh kinh điển trên đất Campuchia

Như vậy, đường Xuyên Tây đã chính thức hình thành vào tháng 3/1946. Sau khi giao nhiệm vụ cho hai trạm trưởng, Dương Quang Đông và nhà sư Sơn Ngọc Minh bắt xe lửa đi Batdombong (lúc này còn thuộc Thái Lan, cách Nam Vang 292km) để gây dựng cơ sở Đảng. Tại đây, Sơn Ngọc Minh đóng vai trò hết sức quan trọng: tiếp xúc với đồng bào Khmer sống trên đất Thái Lan. Chỉ trong vài tuần, Dương Quang Đông đã thành lập chi bộ đầu tiên gồm 8 đồng chí do Sơn Ngọc Minh làm bí thư trong tỉnh Batdombong. Trong chi bộ có một nhân vật đáng chú ý là Mê Muôn. Bà là một phụ nữ khoảng 40 tuổi, không chồng con, thuộc thành phần tiểu tư sản, có tinh thần chống Pháp.

Tiếp theo, Dương Quang Đông và Sơn Ngọc Minh lên Biển Hồ xây dựng một cơ sở Đảng tại phum Cọc-nơi thuộc xã Cọc-nơi. Do địa thế tốt và nhân dân có tinh thần, nơi đây được Dương Quang Đông chọn làm căn cứ, đưa hết lực lượng về đây. Số vũ khí xin và mua được ở Bangkok được bí mật vận chuyển về Cọc-nơi bằng đường xe lửa, nhờ chị em Việt kiều giấu trong số hàng hóa của họ. Đúng lúc này, Dương Quang Đông nhận được chỉ thị của Xứ ủy: giao công tác vận chuyển vũ khí cho các đồng chí Khmer, chủ yếu là bà Mê Muôn, còn ông và Sơn Ngọc Minh đi tìm nơi yếu nhất của địch đánh thử trận đầu tiên trên đất Campuchia, mở một mặt trận thứ hai gây rối cho Pháp. Sau đó tiến hành vận chuyển về nước chuyến vũ khí đầu tiên. Tổ chức đã chuẩn bị sẵn bãi tiếp nhận ở vùng Dầy Chão, Cà Mau.
Nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến.

Nhận được chỉ thị, Dương Quang Đông, Sơn Ngọc Minh ngay lập tức tổ chức họp các đồng chí Khmer để nghiên cứu chiến trường. Một điều rất bất ngờ là bà Mê Muôn tỏ ra rất thông thạo về quân sự. Bà chỉ lên bản đồ, cho biết Xiêm Riệp là nơi Pháp có nhiều sơ hở nhất. Sân bay chỉ có một trung đội canh gác dưới sự chỉ huy của 3 tên Pháp. Tin tưởng bà Mê Muôn, sau cuộc họp, Dương Quang Đông quyết định đưa một trung đội tới Xiêm Riệp. Bộ chỉ huy được thành lập: Sơn Ngọc Minh là Chỉ huy trưởng, bà Mê Muôn là Chỉ huy phó, Dương Quang Đông là Chính trị viên.

Theo kế hoạch đã định, địa điểm xuất quân là núi Ba Khe thuộc tỉnh Angkor Thom. Giờ xuất quân là nửa đêm. Bà Mê Muôn và Sơn Ngọc Minh mỗi người chỉ huy một cánh quân âm thầm tiến sát đồn địch, phục kích ngay con đường chúng rút. Đúng 4 giờ sáng ta khai hỏa. Mấy khẩu súng cối 60 ly lập tức hướng vô đồn nhả đạn. Bị bất ngờ, binh lính trong đồn mạnh ai nấy chạy thoát thân, không kịp mang theo súng ống.

Ba tên chỉ huy mặc sức la hét cũng không lập lại được trật tự. Cuối cùng cả ba cũng bỏ chạy theo đám lính. Dương Quang Đông cho nổ súng vào đám binh lính rồi xung phong vô đồn làm chủ tình hình. Kết quả, thu một máy bay Dakota, 3 xe quân sự GMC và một kho súng đạn, một kho quân trang quân dụng và rất nhiều đồ hộp. Có thể nói đây là trận đánh kinh điển mở màn cho cuộc cách mạng ở Campuchia.

Chuyến vũ khí đầu tiên về Nam Bộ

Trở lại Thái Lan, Dương Quang Đông xúc tiến ngay việc chuyển vũ khí về nước theo chỉ thị của Xứ ủy. Đặc biệt Thủ thướng Thái Lan Pridi Phanômyông tặng cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam 50 tấn súng đạn và hóa chất. Số tặng phẩm vô cùng quan trọng này được bí mật chuyển tới nhà riêng của ông Bộ trưởng Thông In (Bộ Nội vụ) và Nai Tiêu (Bộ Ngoại giao). Đặc biệt là ông Thông In cho anh em tổ chức một công xưởng ngay trong nhà riêng của mình. Công xưởng này sản xuất hầu hết các loại vũ khí, kể cả súng cối 60 ly. Thậm chí Thông In còn cử một sĩ quan cảnh sát giúp ta áp tải vũ khí từ kho ra bến thuyền Bangkok một cách kín đáo, an toàn.

Số lượng vũ khí vừa xin vừa mua vừa làm được bí mật đưa về chùa  Thi Oa Thi. Đích thân Hòa thượng Bảo Ân ngồi trên xe chở vũ khí xuống bến. Dương Quang Đông liên lạc với Bông Văn Dĩa điều hai ghe buôn 10 tấn và 20 tấn ở Phú Quốc đậu sẵn tại bến Klong Tơi chờ tiếp nhận hàng đặc biệt. Về phía chính quyền Thái Lan, Thủ tướng Pridi Phanômyông cũng cho Thiếu tướng Luang Thạt, Đại úy công an Xà-viểng túc trực tại hai tư dinh Bộ trưởng Thông In và Nai Tiêu cùng các chùa Thi Oa Thi, Năng Lớn và Bang Phổ để hộ tống các xe chở vũ khí xuống bến. Nhiệm vụ chỉ huy hai chuyến ghe này do Dương Quang Đông, Bông Văn Dĩa và đồng chí Nhâm đảm trách. Các đồng chí Nguyễn Văn Thiệt, Sơn Ngọc Minh, Thành và Ngoan cũng theo về nước.

Chiếc ghe 10 tấn chạy cặp bờ, nhờ thuận buồm xuôi gió nên về tới Nam Bộ an toàn. Chiếc ghe 20 tấn chở nhiều hàng và cán bộ nên phải đi ra khơi vì sợ gặp tàu Pháp. Không may giữa đường gặp gió chướng nên bị trôi dạt vào hòn Thổ Chu. Chờ mãi không được gió thuận, cả đoàn nằm lại đây cả tháng, lương thực mang theo cạn sạch, phải lên bờ đào củ chuối rừng ăn. May mắn là mấy ngày sau có một chiếc ghe chài từ Hòn Thơm tới, họ cho một ít gạo nấu cơm. Khi gặp gió thuận chiều, anh em kéo căng buồm nhắm Hòn Khoai hướng tới.

Tuy nhiên, ngày 13/7/1946, khi tới vàm Rạch Gốc nhằm đêm tối trời, lại gặp nước ròng nên ghe không đi được. Nếu chờ trời sáng, máy bay địch phát hiện thì vô cùng nguy hiểm. Bông Văn Dĩa nhận nhiệm vụ lên bờ tìm đồng bào nhờ đẩy giúp. Nhưng vì trời tối, thuyền bị đẩy lạc vô vàm Ông Trang thuộc xã Viên An. Sau đó nhân dân đã phụ giúp chuyển toàn bộ số vũ khí vào bờ an toàn.

Xã Viên An là nơi địch đóng quân, sợ bị lộ nên Dương Quang Đông tổ chức ngay một đại đội đi đánh đồn Đầm Dơi để bảo đảm tiếp tục hành trình. Tân binh được huy động trong số thanh niên xã Đầm Dơi. Đây là chính là Đại đội Cửu Long 1, được Dương Quang Đông lập ra tại xã Viên An. Tập một khóa cơ bản, Dương Quang Đông đích thân chỉ huy đại đội tấn công đồn Đầm Dơi. Trận đánh thắng lợi, tất cả số vũ khí được chuyển về địa điểm quy định trong niềm vui khôn xiết của Xứ ủy và Bộ Tư lệnh Khu 9. Đại đội Cửu Long 1 sau đó được giao cho đồng chí Huỳnh Thủ chỉ huy.

Sau chuyến hàng đầu tiên thành công mỹ mãn, tại căn cứ Bộ Tư lệnh Khu 9, Chỉ huy trưởng Dương Quang Đông lại nhận vàng trở qua Thái Lan tiếp tục mua súng đạn và tổ chức bộ đội hải ngoại đưa về nước cùng quân và dân Nam Bộ kháng chiến chống Pháp.

(Còn tiếp)

Duy Tường
.
.
.