Dương Quang Đông - Người chỉ huy đường Xuyên Tây huyền thoại

Kỳ 1: Người thanh niên đam mê làm cách mạng

Thứ Tư, 21/10/2015, 16:40
Năm 1946, thực dân Pháp tái chiếm Nam Kỳ và mở rộng chiến tranh khắp miền Nam. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, song song với chủ trương tiêu thổ kháng chiến của Trung ương, Xứ ủy Nam Bộ đã quyết định mở một con đường chiến lược cực kỳ quan trọng, vượt biển sang Thái Lan mua vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây chính là con đường Xuyên Tây huyền thoại - tiền thân của đường Hồ Chí Minh trên biển. Người chỉ huy tuyến đường đặc biệt này là Dương Quang Đông.

Và ông cũng là người được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo việc mở đường và tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Thích đánh Tây hơn đi học

Dương Quang Đông sinh ngày 2/5/1902 trong một gia đình trung nông tại ấp Mỹ Cẩm, xã Mỹ Hòa (nay là thị trấn Cầu Ngang), huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Cha ông là Dương Quang Bắc, từng là một trong những nghĩa binh oai dũng của cuộc dấy binh Trần Văn Đề chống lại thực dân Pháp ở miền Tây. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông trở về quê hương chăm lo việc ruộng vườn, bốc thuốc chữa bệnh giúp dân và truyền tâm chí bất khuất của mình cho các con.

Nhà cách mạng Dương Quang Đông.

Có lẽ vì kỳ vọng con cái sau này nuôi chí tang bồng hồ thỉ, trở thành những con người đầy nghĩa khí can trường, giúp ích cho dân cho nước, nên ông đặt tên con theo bốn phương. Theo đó, ông là Dương Quang Bắc, con trai đầu là Dương Quang Nam, kế đến là Dương Quang Đông, người áp út tên là Dương Quang Tây, và người con gái út tên là Dương Thị Hòa.

Trong ba người con trai, Dương Quang Đông có lẽ là người lanh lẹ, thông minh hơn cả nên được ba mẹ rất tin tưởng, kỳ vọng. Khi học xong lớp ba Trường làng tại xã Mỹ Hòa, ông được gia đình đưa lên Sài Gòn tá túc nhờ nhà một người bà con ở sau chùa Sư Muôn (nay là Long Vân Tự) để theo học Trường Phan Xích Hồng, gần khu vực chợ Bà Chiểu. Năm 1916, lúc 14 tuổi, ông vượt qua cấp tiểu học với thứ hạng cao, sau đó học lên bậc thành chung tại Trường Huỳnh Khương Ninh thuộc khu vực Đa Kao, Sài Gòn.

Vào được bậc thành chung là một thành công lớn trong thời điểm này. Hầu hết mọi người đều cố gắng tập trung học hành, sau 4 năm lấy được bằng sẽ thi vào ngạch công chính rồi ra đời kiếm tiền. Riêng Dương Quang Đông, vì không ưa người Pháp và cũng không hề có ý định làm tay sai cho thực dân Pháp nên ông không bó buộc mình theo sách vở để nhồi nhét kiến thức Pháp, cái mà ông đeo đuổi hằng ngày là tìm cách đánh Pháp. Ông là tác giả của hàng loạt vụ hạ bệ những tên Tây xấc xược. Sự việc bại lộ, Dương Quang Đông bị đuổi học với tội danh "du côn, có tư tưởng nổi loạn, chống lại nhà đương cục".

Mang tiếng xấu cho gia đình vì bị đuổi học, nhưng thật bất ngờ, cha ông không la rầy mà còn ủng hộ con hết mình. Biết Dương Quang Đông là người không chịu sự bó buộc, ông Bắc gửi con cho một người bạn theo học nghề lái xe để được đi đây đi đó học hỏi thêm nhiều điều trong cuộc sống. Sau đó, người bạn này giới thiệu Dương Quang Đông thi vô Sở Công chánh làm tài xế cho chủ sở. Thời gian sau, Dương Quang Đông chuyển sang Hãng rượu Bình Tây lái xe cho viên chủ sự phòng hành chánh của hãng rượu.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, cho đến năm 1919, một cơ duyên đã làm thay đổi cuộc đời Dương Quang Đông. Đó là việc ông may mắn gặp gỡ và kết thân với một người thanh niên có tên là Tôn Đức Thắng.

Công Hội Đỏ

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, nhiều người Việt Nam phải vào phục vụ quân đội Pháp. Ngày 9/10/1916, người thợ ở xưởng Đóng tàu Ba Son là Tôn Đức Thắng nhận lệnh xuống phục vụ tại chiến hạm France. Ông là người Việt Nam duy nhất trên chiến hạm này.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người thầy cách mạng của Dương Quang Đông.

Đến ngày 16/4/1919, mặc dù Chiến tranh thế giới thứ nhất đã kết thúc, nhưng Chính phủ Pháp lại điều động một hạm đội gồm 5 chiến hạm (trong đó có chiến hạm France) vào biển Hắc Hải để cùng phối hợp với 12 đế quốc khác chống lại Liên Xô. Các chiến hạm được lệnh tiến vào biển Hắc Hải và bắn phá hải cảng Sevastopol của Nga. Dù là mệnh lệnh, nhưng anh em binh lính trên hạm đội rất bất bình vì phải tiếp tục đổ máu, dù chiến tranh đã kết thúc.

Biết được những suy nghĩ ấy, Tôn Đức Thắng đã tác động tâm lý vào anh em binh lính Pháp và cùng nhau quyết định phản chiến. 8 giờ sáng ngày 20/4/1919, cuộc binh biến nổ ra trên chiến hạm France và Jean Bart. Lá cờ đỏ búa liềm, biểu tượng của chính quyền Xôviết, được kéo lên trên chiến hạm France trước cửa thành phố cảng Sevastopol, do chính Tôn Đức Thắng thực hiện. Nhờ hành động dũng cảm này, hạm đội phản chiến của Pháp giúp quân cách mạng giữ vững được thành phố cảng ở Biển Đen trước liên quân đế quốc.

Sự việc trên được báo chí đăng chi tiết làm chấn động dư luận Sài Gòn và Nam Kỳ lục tỉnh. Tôn Đức Thắng trở thành tâm điểm chú ý của những người yêu nước, trong đó có Dương Quang Đông. Ông rất nóng lòng muốn gặp được người công nhân dũng cảm trên chiến hạm France. May mắn là Dương Quang Đông có quen biết với Tôn Đức Nhung, em trai của Tôn Đức Thắng. Chính vì thế, cuối năm 1919, khi chiến hạm Lamotte Picquet cập bến tàu Hải quân đưa lính thợ Việt Nam về nước, Dương Quang Đông là một trong số những người đi đón mừng người hùng trên chiến hạm.

Tôn Đức Nhung giới thiệu những người bạn đi cùng với mình gồm Dương Quang Đông, Ka Him, Mười Giao với anh trai Tôn Đức Thắng rồi cùng nhau về nhà một người bà con ở tạm. Tại đây, Tôn Đức Thắng đề nghị anh em tìm một địa điểm an toàn để cất giấu tài liệu mật và từ đó sẽ tổ chức những hoạt động yêu nước.

Tôn Đức Nhung chọn đình Bình Đông (nay thuộc quận 8, TP HCM) vì theo ông đây là nơi rất an toàn. Hai ngày sau, Tôn Đức Thắng, Dương Quang Đông cùng Ka Him, Mười Giao tới đình Bình Đông. Mọi người được ông từ giữ đình niềm nở đón tiếp và cho biết lính Pháp không hề vào đình, lâu lâu chỉ quan sát bằng ống nhòm nên rất thuận tiện cho việc cất giấu tài liệu. Quan sát xung quanh một vòng, Tôn Đức Thắng quyết định chọn nơi đây làm căn cứ hoạt động, đánh dấu sự ra đời của Công Hội Đỏ đầu tiên của Việt Nam vào ngày 25/2/1920. Đây chính là tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam sau này.

Từ đó đình Bình Đông trở thành nơi họp mặt của nhóm Tôn Đức Thắng. Sách báo từ Pháp sang được chuyển tới đình để mọi người thay nhau đọc. Ban đầu chỉ có 4 người, về sau tăng lên 10 người, tất cả đều được chọn lựa kỹ lưỡng trước khi kết nạp vô nhóm. Tôn Đức Thắng là diễn giả trình bày tình hình thế giới và trong nước cũng như các bài học chính trị. Do thông minh, hoạt bát và tích cực nhất, Dương Quang Đông được Tôn Đức Thắng tin tưởng giao nhiệm vụ Thư ký và là Trưởng ban Giao liên của tổ chức. Lúc này Dương Quang Đông mới 18 tuổi.

Để phát triển nhanh thế lực cũng như để liên kết những người đồng tâm, đồng chí, năm 1921, Tôn Đức Thắng cử Dương Quang Đông trở về quê hương Trà Vinh vận động, xây dựng tổ chức Công Hội Đỏ. Một thời gian sau, Dương Quang Đông đã thành lập được hai tổ chức Công Nông Hội Đỏ ở Cầu Ngang và tỉnh lỵ Trà Vinh, rồi dần dần lan tới các địa phương lân cận như Mỏ Cày, Càng Long, Long Hồ. Đến năm 1923, Tôn Đức Thắng giới thiệu Dương Quang Đông vào làm việc ở Hãng Ba Son vì đây là nơi tập trung cả ngàn công nhân, thầy thợ của Sài Gòn. Nhiệm vụ của Dương Quang Đông là hợp sức với các đồng chí khác phụ trách một Công Hội Đỏ tại đây.

Lần đầu nếm mùi tù ngục

Tháng 4/1926, tại Quảng Châu, Trung Quốc, sau khi thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở lớp huấn luyện chính trị đầu tiên nhằm đào tạo những cán bộ từ thanh niên trẻ tuổi làm đội ngũ cán bộ tương lai cho Ðảng ta sau này. Sau khóa huấn luyện, Nguyễn Ái Quốc chọn một số người đưa vào học Trường quân sự Hoàng Phố, số còn lại được phái về nước. Trong số đó có hai người được cử về Nam Kỳ bắt liên lạc với Tôn Đức Thắng để tổ chức chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (còn được biết đến với tên Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội) đầu tiên cho Nam Kỳ, sau đó chọn người đưa sang Quảng Châu tham dự các khóa học sau.

Nhà máy đóng tàu Ba Son thời Pháp thuộc.

Ngày 18/2/1927, tại vườn Ông Thượng (nay là công viên Tao Đàn, quận 1, TP HCM), tổ chức Công Hội Đỏ quyết định chuyển thành chi bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Theo sự phân công của Bí thư Tôn Đức Thắng, Dương Quang Đông về Trà Vinh lựa chọn trong số anh em, đồng chí ở Công Nông Hội Đỏ cũ để thành lập hai Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Cầu Ngang và tỉnh lỵ Trà Vinh. Đến năm 1930, sau khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời, Xứ ủy Nam Kỳ được thành lập, Dương Quang Đông lại quay về Trà Vinh để thành lập các chi bộ Cộng sản ở Cầu Ngang, tỉnh lỵ Trà Vinh từ những đồng chí trong Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Sau đó Dương Quang Đông thành lập Tỉnh ủy Trà Vinh do ông làm Bí thư, đồng thời kiêm nhiệm Bí thư Quận ủy Cầu Ngang.

Ngày 23/8/1929 đồng chí Tôn Đức Thắng bị mật thám bắt, bị tuyên án 20 năm khổ sai, đày ra Côn Đảo. Trước tình hình đó, đồng chí Ngô Gia Tự vừa vào miền Nam từ tháng 7/1929 đã dựa vào ban giao liên của Dương Quang Đông để tiếp tục công tác phát triển cơ sở Đảng. Đến ngày 20/2/1930 đồng chí Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu về Nam Kỳ thống nhất Đông Dương cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, lập ra Xứ ủy do Ngô Gia Tự làm Bí thư, Dương Quang Đông được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ trong khi đang làm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh.

Cùng thời điểm này, đồng chí Ung Văn Khiêm từ Quảng Châu về tới Sài Gòn. Cùng đi với ông có Lý Tự Trọng. Lý Tự Trọng lúc này mới 17 tuổi, là người phụ trách liên lạc với Quảng Châu được điều về công tác trong ban giao liên của Dương Quang Đông.

Đầu năm 1931, báo chí Sài Gòn loan tin trận đấu giữa hai đội bóng lớn là Ngôi Sao Gia Định và đội tỉnh Thủ Dầu Một sẽ diễn ra tại sân Mayer. Nắm lấy cơ hội này, ngày 8/2/1931, Thành ủy Sài Gòn quyết định tổ chức cuộc mít tinh quần chúng nhân kỷ niệm 1 năm khởi nghĩa Yên Bái. Kế hoạch cụ thể là khi bà con đổ ra đường trước sân bóng sẽ có một người phất cao cờ đỏ búa liềm, một người bước lên thùng rượu tố cáo tội ác của bọn thống trị... Trọng tài vừa thổi còi cho trận đấu bắt đầu thì người diễn thuyết là đồng chí Phan Bôi dõng dạc tố cáo chế độ cai trị tàn bạo của thực dân Pháp. Tiếng còi cảnh sát inh ỏi vang lên, tên thanh tra mật thám Legrand lao vào cố bắt bằng được người diễn thuyết. Nhanh như chớp, Lý Tự Trọng nổ súng làm bay cái nón của hắn. Legrand quay lại thì bị Lý Tự Trọng nổ tiếp hai phát liền. Legrand chết tại chỗ. Lý Tự Trọng bị bắt, sau đó bị tuyên án tử hình. Lý Tự Trọng anh dũng hy sinh khi mới 17 tuổi.

Trong vụ này, Dương Quang Đông cùng rất nhiều người bị bắt đưa về bót Catinat. Vài tuần sau, tên mật thám ở Trà Vinh lên Sài Gòn yêu cầu được giải Dương Quang Đông về Trà Vinh để điều tra. Sau màn tra tấn dã man, chúng đưa ông cùng 50 người ra tòa án Trà Vinh xét xử. Dương Quang Đông bị tuyên án 3 năm tù. Ông chống án và bị đưa lên Khám Lớn Sài Gòn chờ xử lại.

Mấy tháng sau tòa mở phiên phúc thẩm, tuy nhiên Dương Quang Đông vẫn y án 3 năm tù giam. Và đây là lần đầu tiên ông nếm trải cảnh ngục tù của bọn thực dân, là trận "thử lửa" đầu tiên cho một loạt những lần vào tù ra khám trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông sau này.

(Còn tiếp)

Duy Tường
.
.
.