40 ngày là tù binh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam
40 ngày sau, cả ba được phóng thích, và cuốn hồi ký "40 ngày với đối phương - Forty Days with the Enemy" của Richard Dudman đã cho thế giới phương Tây hiểu rõ hơn về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam…
1. Vượt qua khỏi thị xã Svey Rieng, cả ba chúng tôi đều nhận ra rằng Quốc lộ 1 vắng vẻ một cách kỳ lạ. Hai bên đường không một bóng người và trải dài đến mút tầm mắt là những thửa ruộng khô cháy. Cho đến lúc này, người cuối cùng mà chúng tôi gặp là một người lính Campuchia thuộc quân đội Lon Non tại một trạm gác cách thị xã Svey Rieng khoảng 3,5km. Lúc dừng xe trước những thùng phuy đựng xăng dầu, được dùng để chặn đường, Beth (là cách gọi tắt của Elizabeth) hỏi anh ta bằng tiếng Pháp: "Có quân đội ở phía trước không?".
Trang bìa cuốn hồi ký “Forty days with the Enemy”. |
Chuyến đi của chúng tôi nhằm mục đích đuổi theo cuộc hành quân mang tên "Chiến dịch Campuchia" do quân đội Mỹ chủ xướng với sự tham gia của lính Sài Gòn, nhằm triệt phá những căn cứ hậu cần của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mà khi đó, tôi tin rằng quân đội Mỹ đang ở phía trước chúng tôi. Sau này, tôi mới biết rằng mình đã đi đầu, đi trước cả những toán trinh sát Mỹ.
Năm 1970, người Mỹ và chính quyền Sài Gòn, các chế độ thân Mỹ ở Viêng Chăng, Phnôm Pênh vẫn còn kiểm soát được những thành phố lớn ở miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia. Các loại xe cộ hầu như có thể đi lại thoải mái vào ban ngày nhưng khi mặt trời lặn, nhiều vùng lại nằm dưới sự kiểm soát của du kích hoặc Quân Giải phóng. Việc di chuyển khi ấy trở nên hết sức nguy hiểm vì trong đêm tối, chẳng ai phân biệt được đâu là lính Mỹ và đâu là nhà báo bởi lẽ hình dáng bên ngoài của chúng tôi đều y như lính Mỹ.
Chạy thêm một đoạn, chúng tôi nhận ra là mình không thể đi tiếp được nữa bởi chiếc cầu trước mặt đã đổ sụp hoàn toàn. Xung quanh vẫn chẳng hề có một bóng người, cũng chẳng có tiếng súng, tiếng xe tăng, xe vận tải chở quân hay tiếng máy bay trực thăng, phản lực gầm rú. Tần ngần vài phút, Michael, phóng viên của Hãng tin Dispatch News Service cho xe quay lại Svey Rieng.
Nhưng mới chỉ đi được hơn trăm mét thì bất ngờ, một thanh niên mặc áo thun màu xanh đậm, tay cầm khẩu AK47 từ một lùm cây rậm ở bên đường xuất hiện, hướng mũi súng vào chúng tôi và nói một tràng tiếng Việt. May mắn là Michael lại rành tiếng Việt nên anh đáp: "Chúng tôi không phải lính, không phải người Mỹ. Chúng tôi là nhà báo quốc tế, người Canada".
Một người dân Campuchia đang chắp tay lạy nhóm lính Việt Nam Cộng hòa trên xe thiết giáp trong lúc một người lính khác đốt nhà họ. |
Rồi lại một thanh niên nữa cũng với khẩu AK47 xuất hiện. Họ ra lệnh cho chúng tôi bỏ máy ảnh và lấy tất cả mọi thứ trong túi xách ra, đặt xuống đất. Sau khi quan sát kỹ lưỡng từng món đồ, họ chỉ vào bụi cây bên lề đường: "Giơ tay lên khỏi đầu và đi xuống đó".
Trong giây lát, tôi nhận ra rằng cả ba chúng tôi đang bị nghi ngờ bởi chiếc xe Jeep mà chúng tôi thuê hôm trước ở Sài Gòn dù đã được sơn lại với màu xanh nước biển nhưng gốc gác của nó vẫn là xe quân sự. Mặc dù chẳng có vẻ gì là lính tráng bởi lẽ tôi đã 52 tuổi, đầu đã hói, Michael 24 tuổi, tóc màu đỏ và dài trong lúc lính Mỹ hầu hết đều hớt "đầu đinh" còn Beth 33 tuổi. Cô khoác chiếc áo màu sáng, quần thun đen, tóc buộc bằng một dải lụa nâu sẫm. Cả Beth và Michael đều đeo kính cận dày cộp nhưng biết đâu đấy, nghi ngờ thì vẫn cứ là nghi ngờ dẫu rằng từ lâu, cả ba chúng tôi đều là những người phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam.
2. Dưới ánh nắng chói chang buổi trưa, hai thanh niên du kích dẫn chúng tôi leo xuống cây cầu đổ rồi leo lên phía bên kia. Chúng tôi đã bớt sợ vì thấy mình không bị bắn ngay lập tức. Michael cố bắt chuyện bằng tiếng Việt với người du kích mặc áo thun xanh, hỏi quê anh ấy ở đâu: "Bến Tre", anh du kích trả lời. Điều này cho tôi biết anh ta là Việt Cộng, hay chính xác hơn là một người lính thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Richard Dudman, ảnh chụp vài tuần trước lúc bị bắt. |
Bước thấp bước cao, chúng tôi vượt qua những thửa ruộng nứt nẻ. Bỗng từ xa vang lên tiếng trực thăng: "Chạy đi, chạy nhanh lên", anh du kích áo thun xanh la lớn. Chúng tôi chạy, hai tay vẫn đặt trên đầu: "Vứt passport của anh đi" - Michael nói nhỏ nhưng làm thế nào để vứt cái cuốn sổ màu xanh dương ấy mà không để ai thấy. Nếu bị phát hiện, tôi sẽ mang thêm cái tội cố tình che giấu quốc tịch Mỹ của mình.
Tôi bắt đầu mệt, không biết sẽ chịu đựng được bao lâu. Michael chạy bên cạnh tôi, còn Beth lết bết phía sau. Bỗng nhiên, hai du kích nữa xuất hiện trên hai chiếc xe đạp. Một người trong họ ra dấu cho Beth ngồi lên yên sau. Đi được khoảng 3,5km, người du kích áo thun xanh chỉ cho tôi và Michael rẽ xuống một con đường mòn rồi dừng lại trước một túp lều tranh, nơi Beth đã được chở đến từ trước. Tại đó, có 6 người cả nam lẫn nữ, họ ra lệnh cho tôi và Michael cởi bỏ quần dài, tháo giày dép rồi bảo chúng tôi ngồi xuống một băng ghế thấp trong khi họ khám xét túi quần và cả giày dép của chúng tôi. Cả 3 cuốn passport, con dao nhíp bị tịch thu, còn bàn chải, kem đánh răng, xà bông, khăn tắm, kính cận, quần dài được trả lại. Một phụ nữ mắt đen huyền, khăn trùm đầu mang đến một thau nước, nói rằng chúng tôi có thể rửa mặt. Một phụ nữ khác bưng ra một cái ấm bằng sứ rồi rót nước trà nóng vào ba cái tách.
Sau mấy phút nghỉ ngơi, các du kích cho chúng tôi ngồi lên yên sau của ba chiếc xe đạp. Đi khoảng 1km, họ dừng lại trước một căn nhà sàn. Trong nhà có khoảng 20 người đàn ông mang súng, còn lại là phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi ngồi trên một chiếc giường ghép bằng ba miếng ván.
Cuộc thẩm vấn đầu tiên bắt đầu bằng câu hỏi của một người đàn ông, có vẻ là chỉ huy: "Các người là ai?". Michael chỉ vào tôi: "Chúng tôi là những nhà báo quốc tế. Tôi là người Canada, cô này cũng vậy còn anh này là người Mỹ" - "Các người đến đây làm gì?". Vẫn Michael trả lời: "Chúng tôi đi từ Sài Gòn sáng nay, chạy theo Quốc lộ 1 Campuchia để viết tin về cuộc tấn công của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Chúng tôi không biết là đã đi vào vùng giải phóng".
"Xe này của ai?", người chỉ huy hỏi. Michael đáp: "Chiếc xe đó chúng tôi mới mượn hôm qua của một người bạn ở Sài Gòn. Đó không phải là xe nhà binh. Chủ nhân của nó là trưởng đại diện của một ủy ban cứu trợ trẻ em Việt Nam bị thương, bị bỏng do bom đạn".
Cuộc thẩm vấn tiếp tục với một người khác già hơn, chừng 45 tuổi, một mắt bị hỏng. Ông mặc bộ quân phục kaki nhưng không đeo quân hàm: "Các người là CIA phải không?" - "Không, chúng tôi là nhà báo, chúng tôi không làm việc cho Chính phủ Mỹ" - "Vậy các người làm gì ở đây?".
Người đàn ông hỏng mắt lắng nghe lời kể của Michael về chuyến đi xuất phát từ Sài Gòn cho tới lúc bị bắt một cách lạnh lùng rồi sau đó, ông ta ra lệnh khám xét lại tất cả mọi đồ vật của chúng tôi. Riêng với Beth, cô được một phụ nữ đưa vào một căn phòng và phải cởi bỏ quần áo để kiểm tra. Sự tôn trọng quyền riêng tư cá nhân đối với Beth cho thấy đó là một dấu hiệu tốt.
Cuộc khám xét kết thúc. Lại có thêm một người đàn ông lớn tuổi khác vào nhà. Sau vài phút thì thầm với "ông hỏng mắt", ông mới bắt đầu thẩm vấn chúng tôi. Vẫn những câu hỏi tương tự: "Chúng tôi là ai? Rời Sài Gòn lúc nào? Tại sao xâm nhập "vùng giải phóng”?" và những câu trả lời tương tự. Ông mới vào cau mày như không tin những câu trả lời của Michael.
Nửa tiếng sau, ba chúng tôi mỗi người được giao một chiếc xe đạp dưới sự áp giải của 4 du kích súng AK khoác vai, đi trên hai chiếc xe đạp khác. Chạy một hồi lâu, chúng tôi được lệnh dừng lại trước một chiếc xe tải ngụy trang bằng những cành cây tươi. Michael nói với tôi và Beth: "Họ bảo mình ngồi xuống sàn xe và không được nhìn ra ngoài". Có 6 người vũ trang đầy đủ cùng lên xe với chúng tôi. Nhìn bóng nắng, tôi đoán xe đang đi về hướng Bắc. Mỗi khi xe chạy qua một ngôi làng, nó lại dừng lại để người dân xem tận mắt tù nhân. Một du kích đưa ba ngón tay lên và nói "người Mỹ".
Tại ngôi làng thứ ba, điểm cuối hành trình, dân làng thay phiên nhau leo lên xe nhìn chúng tôi. Nhiều người giơ nắm tay ra. Một ông lão má hóp, đôi mắt trợn trừng trèo lên và hét lớn "nằm xuống". Tình thế càng lúc càng hỗn loạn. Chỉ đến khi một người lính mặc quân phục nhưng không đeo quân hàm xuất hiện và ra lệnh cho mọi người tránh xa chiếc xe tải thì chúng tôi mới tạm yên.
Những băng vải nhanh chóng được người lính bịt vào mắt chúng tôi. Cả ba đều bị trói. Một người nào đó đỡ tôi bước qua miếng ván chắn sau xe xuống đất. Mặc dù không nhìn thấy gì nhưng tôi vẫn nghe tiếng dân làng gào thét. Lần đầu tiên tôi thật sự sợ hãi, có thể chúng tôi sắp bị mang đi hành quyết
Chân tôi vấp phải một bậc thềm khi những người lính đưa tôi vào một căn phòng. Một giọng đàn ông quát lên: "Tụi mày là gián điệp Mỹ, là CIA đúng không?" - "Không" - Michael trả lời với giọng khẩn khoản: "Chúng tôi là nhà báo quốc tế. Chúng tôi không có quan hệ gì với Chính phủ Mỹ hay cuộc tấn công vào Campuchia cả. Chúng tôi chỉ cố gắng cho người đọc báo biết sự thật về cuộc xâm lăng mà thôi. Điều quan tâm của chúng tôi chỉ là sự thật và hòa bình". Một giọng khác, cũng là tiếng Việt, nhưng lần này mềm mỏng và thiện cảm hơn: "Các ông có sợ không?".
"Có", Michael đáp: "Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra cho chúng tôi. Vì vậy chúng tôi sợ" - "Không phải sợ nếu thật sự các ông là nhà báo. Các ông có muốn uống nước không?".
Tôi cảm thấy cạnh thủy tinh của chiếc ly chạm vào miệng tôi. Tôi uống ừng ực và đó là lần uống nước ngon nhất trong đời.
Dây trói tay chúng tôi được nới lỏng ra. Vẫn cái giọng mềm mỏng nãy nói tiếp: "Bây giờ các ông chuẩn bị di chuyển, rồi các ông sẽ được tắm rửa, giặt quần áo và cho ăn uống"…
Vài phút sau, chúng tôi được dẫn qua một căn nhà khác, cách đó chỉ mấy bước chân rồi được cởi trói, tháo băng bịt mắt. Qua cánh cửa mở hé, tôi thấy trời đang tối dần và chúng tôi thì đang ở trong một lớp học. Một người lính mang vào phòng một thùng nước cùng túi đồ của Michael và tôi. Tiếp theo, anh ta dùng tấm bảng đen ngăn thành một bức bình phong, đặt thùng nước bên trong, dấu hiệu cho thấy chúng tôi có thể tắm ở đó…
(Còn nữa)