Kế hoạch hợp tác Mỹ với Việt Minh chống phát xít trước Cách mạng Tháng Tám

Thứ Tư, 02/09/2015, 09:25
Cuối năm 1944, một chiếc máy bay của Mỹ bị quân Nhật bắn hỏng máy trên vùng trời Hòa An, Cao Bằng, Trung úy phi công Shaw nhảy dù xuống khu rừng gần tỉnh lị được du kích Việt Minh cứu thoát và đưa về gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh. Người đã quyết định đưa viên phi công sang Côn Minh trao trả cho đại diện quân đội Mỹ ở đây, vừa thể hiện thiện chí của Việt Minh, đồng thời cũng muốn khẳng định lực lượng Việt Minh đứng về phe Đồng minh cùng chống phát xít.

Sau những cuộc gặp gỡ giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh với tướng Chennault, đại diện Tập đoàn Không quân số 14 của Đồng minh vào tháng 3/1945 và thiếu tá tình báo A. Patty của Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ OSS cuối tháng 4/1945, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Minh và Đồng minh đã được thiết lập. Một chủ trương về việc Mỹ giúp đỡ vũ khí, phương tiện liên lạc và huấn luyện quân sự cho lực lượng Việt Minh chống phát xít đã được hai bên thỏa thuận.

Thực hiện giao ước này, các cán bộ Việt Minh ở Côn Minh đã viết truyền đơn bằng tiếng Việt gửi đến Không quân Mỹ để đem rải 8 vạn tờ ở miền Bắc Việt Nam khiến cho uy tín của Việt Minh tăng lên nhanh chóng như một lực lượng của phe Đồng minh chống phát xít. Ban không trợ mặt đất của Mỹ đã lập một mạng lưới vô tuyến điện từ Hà Nội đến Sài Gòn theo kế hoạch của OSS và  trung úy C. Fenn, phụ trách nhóm tình báo Đồng minh hoạt động ở Việt Nam, được giao nhiệm vụ làm liên lạc giữa OSS và Việt Minh.

Cuối tháng 5/1945, từ Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh phái giao liên trao cho A. Patty tại Côn Minh một thông báo về việc quân Nhật xây dựng công sự ở Cao Bằng và trên đường về Hà Nội. Đầu tháng 6/1945, Người điện báo cho Patty đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 1.000 quân du kích được huấn luyện tốt, tập trung ở Chợ Chu, Định Hóa.

Đến giữa tháng 6/1945, qua đầu mối Patty, Hồ Chí Minh biết tin sẽ có một toán quân Mỹ, bao gồm nhân viên kỹ thuật đưa theo thuốc men, lương thực, vũ khí nhẹ do một sĩ quan dẫn đầu sắp được thả dù xuống địa bàn Tuyên Quang và yêu cầu phía Việt Minh chuẩn bị đón.

Làm sân bay Lũng Cò.

Để phối hợp hiệu quả hơn với quân Đồng minh, Việt Minh đã tiếp nhận trước một số kỹ thuật viên Đồng minh đến Khu giải phóng, chủ yếu là giúp công tác thông tin liên lạc bằng vô tuyến điện. Hồ Chí Minh đã trực tiếp đi khảo sát thực địa tại thôn Lũng Cò, xã Minh Thanh để chọn địa điểm làm sân bay đón quân Đồng minh. Đây là một dải đất rộng chừng 4ha nằm giữa khe núi, bảo đảm cho các chuyến bay lên xuống thuận lợi và dễ dàng vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, sân bay dã chiến Lũng Cò đã được gấp rút xây dựng và là sân bay đầu tiên, duy nhất hoạt động trong thời kỳ cách mạng tháng Tám.

Bắt tay vào công việc, những đồng chí được giao nhiệm vụ đã huy động nhân dân các xã: Thanh La, Trung Yên, Tân Trào, Tú Trạc và một đơn vị quân giải phóng tham gia xây dựng sân bay. Lúc đầu dự định phải mất một tuần công việc mới hoàn tất, nhưng với tinh thần cố gắng cao nên chỉ sau 2 ngày phát dọn, san gạt, một sân bay dã chiến đã được hình thành. Sân bay có chiều dài 400m, chiều rộng 20m, loại máy bay L5 của Mỹ có thể cất, hạ cánh được. Chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Lũng Cò có 2 sĩ quan quân Đồng minh mang theo một số vũ khí, lương thực, thuốc men.

Ngày 30/6/1945, qua hệ thống điện đài, Hồ Chí Minh trả lời Patty đồng ý cho toán quân Đồng minh nhảy dù xuống Tân Trào và yêu cầu cho biết thời gian. Sau đó, trung úy Fenn đã nhảy dù tiền trạm xuống Tuyên Quang. Đầu tháng 7/1945, từ Tân Trào, Hồ Chí Minh trực tiếp đi sân bay Lũng Cò chỉ đạo việc đón máy bay Đồng minh.

Người cùng các đồng chí Lê Giản, Đàm Quang Trung, điện đài viên của Mỹ và tiểu đội bảo vệ đến nhà ông bà Ma Văn Yến cách sân bay khoảng 500m. Gia đình ông bà Yến nhường nhà chính cho đoàn. Ở cùng với Người có 8 quân nhân Đồng minh, trong số đó có một người được đặt tên Việt Nam là Nguyễn làm nhiệm vụ liên lạc vô tuyến điện với máy bay khi hạ cánh.

Sau khi Hồ Chí Minh trở lại Tân Trào, đồng chí Lê Giản được cử ở lại cùng đại diện quân Đồng minh đón các chuyến bay tiếp theo. Trung tuần tháng 8/1945, chuyến bay cuối cùng đến Lũng Cò chở trung úy Keent, sĩ quan tình báo OSS về nước.

Cũng trong tháng 7/1945, để chuẩn bị cho việc quân Đồng minh đến Khu giải phóng, Hồ Chí Minh đã trực tiếp gặp Văn phòng Khu giải phóng yêu cầu thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền để đồng bào giúp đỡ quân Đồng minh, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngày 16/7/1945, toán quân Đồng minh mang biệt danh Con Nai gồm 5 thành viên đầu tiên đã nhảy dù xuống khu vực Tân Trào gồm: chỉ huy thiếu tá Thomas, trung úy Monfort, trung sĩ Phác (người Việt làm phiên dịch), trung sĩ Lôgort, binh nhất Prunier. Ba trong số 5 thành viên của đội Con Nai khi nhảy dù đã mắc vào cây đa cổ thụ nên Việt Minh phải giúp đưa họ xuống đất an toàn.

Đội Con Nai chuẩn bị nhảy dù.

Ngày 19/7/1945, đội Con Mèo do đại úy Holland chỉ huy cũng nhảy dù xuống Kim Lũng và đến ngày 31/7/1945 đội này lên đường đến khu vực khác lập căn cứ. Nhóm quân Con Nai được bố trí ở trong khu rừng Nà Lừa, cách lán chính của Hồ Chí Minh khoảng 30m về hướng bắc. Lán Đồng minh được làm kiểu nhà sàn, có hai gian, cột bằng gỗ rừng, mái lá cọ. Lán của tổ điện đài cách lán chính khoảng 40m. Lán cảnh vệ dựng cách lán chính 30m và còn một số trạm gác bí mật xung quanh khu rừng.

Lán Nà Lừa chính của Hồ Chí Minh được dựng theo kiểu nhà sàn của người Tày. Tại rừng Nà Lừa, Hồ Chí Minh cùng một số cán bộ Khu giải phóng quyết định chiêu đãi quân đội Đồng minh một bữa tiệc bê thui. Anh em lúng túng không biết chuẩn bị thế nào, Người bèn hướng dẫn như sau: "Cử người sang Định Hóa nhờ mua giúp một con bê đem thui chín vàng, để cả con nằm trên khung tre, hai bên làm ghế ngồi cũng bằng tre. Sắm mỗi người một con dao Mỹ. Sẵn có dao và nĩa, có đĩa muối, đĩa gừng, có rượu do đồng bào tự nấu, uống bằng bát to, mọi người tự do thích ăn chỗ nào tự cắt lấy".

Thấy mọi người vẫn còn ngần ngừ, Người giải thích: "Không có gì ngại. Kể cả Tây và ta, không phải ai cũng được ăn một bữa dân dã trong rừng. Cứ làm đi rồi xem họ có thích không? Còn thú vị lắm nữa kia". Quả nhiên nhóm Đồng minh rất hài lòng.

Thiếu tá Thomas kể lại: "Đầu tiên chúng tôi đi dưới lối đi có mái vòm bằng tre bên trên có một biển hiệu: Chào mừng những người bạn Mỹ của chúng ta. Sau đó chúng tôi gặp Mr Ho, nhà lãnh đạo Đảng. Ông đã đón tiếp chúng tôi rất thân mật. Người ta đã mổ một con bò để tỏ lòng trân trọng chúng tôi và tặng cho chúng tôi một thùng bia Hà Nội thu được sau cuộc tấn công bất ngờ vào một đoàn hộ tống Nhật. Chúng tôi đã đánh một giấc ngon lành trong căn lều tiện nghi bằng tre trong khu rừng trên một quả đồi".

Trong những ngày ở Nà Lừa, quân Đồng minh được nhân dân tiếp tế thịt, rau, trứng, măng, có khi còn cả dê hay nai nguyên cặp lộc nhung, trong khi đồng bào chỉ ăn ốc, cá bắt dưới suối với măng ngâm ớt.

Qua những cuộc thảo luận dài với Thomas và Pruynier vào ngày 17, 19/7/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của Việt Minh trong việc tập hợp các đảng phái chính trị trong sự nghiệp đấu tranh giành lại tự do và độc lập hoàn toàn của Đông Dương. Người còn nói chắc chắn Việt Minh có thể nhận một số đội hoạt động công tác chiến lược khác và tư vấn khu vực hoạt động của đội Con Nai nên tập trung trên tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng, sau khi thuận lợi sẽ chuyển hoạt động trên tuyến Lạng Sơn - Hà Nội. Hồ Chí Minh cũng thông báo đã tuyển lựa 200 du kích để đội Con Nai huấn luyện sử dụng súng cacbin, M.A.S, tiểu liên Tômson, Bazoka, lựu đạn…

Người nhấn mạnh sự bất bình của nhân dân Việt Nam đối với người Pháp và kiên quyết bác bỏ việc để trung úy người Pháp Monfort đi cùng toán quân Mỹ cũng như bất kỳ người Pháp nào đến hoạt động tại đây. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh vẫn yêu cầu Thomas nhờ phía Mỹ báo cho nhà chức trách Pháp biết rằng Mặt trận Việt Minh sẵn sàng nói chuyện với đại diện Pháp, đặc biệt về tuyên bố của Chính phủ Pháp về Đông Dương.

Thiếu tá Thomas nhận xét rằng: "Ông Hồ là người rất hiểu biết và có học, nhưng tôi không hề biết ông là cộng sản. Tôi không biết ông nói được tiếng Nga, tôi cũng không biết ông đã từng đến Nga. Tôi cảm thấy ông rất chân thành. Ông là một người quả quyết. Lúc đó sứ mạng chính của tôi là quân sự thuần tuý. Tôi chỉ hơi nghi ngờ vì binh sĩ của ông sử dụng kiểu chào bắt tay. Nhưng khi tôi nói chuyện đó với Phelland và Tan thì cả hai đều cảm thấy rõ ràng rằng Hồ Chí Minh không phải là một người cộng sản giáo điều, rằng ông là một người yêu nước chân chính".

Cuối tháng 7/1945, do điều kiện làm việc hết sức kham khổ và thiếu thốn với những bữa ăn đạm bạc chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh nên Hồ Chí Minh bị ốm nặng, tuy đã uống thuốc ký ninh và thuốc cảm do Paul Hoagland, một thành viên đội Con Nai cung cấp nhưng Người vẫn lúc tỉnh, lúc mê. Ngày 26/7/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đến báo cáo với Người về việc máy bay Đồng minh sẽ thả dù vũ khí cho ta. Dù đang mệt nhưng Người vẫn trực tiếp đánh máy công văn và phân công các đồng chí Phạm Quý, Việt Bắc, Minh Đức cùng ba đội công tác đi lập ba đài thông tin lưu động ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn nhằm thông báo thời tiết, tìm địa điểm cho máy bay thả dù và cứu phi công khi máy bay gặp sự cố. Theo thỏa thuận với Hồ Chí Minh, trong các ngày 27, 28 và 29/7/1945, thiếu tá Thomas, binh nhất Pruynier cùng 6 người lính Việt Minh đi thị sát đường số 3 và Chợ Chu thuộc tỉnh Thái Nguyên.

Đội Con Nai hướng dẫn Việt Minh sử dụng súng.

Từ ngày 1 đến 6/8/1945, những người lính Đồng minh phối hợp với Việt Minh cùng nhau dựng trại huấn luyện và từ số tân binh đã chọn ra 40 người lính trẻ có triển vọng để huấn luyện ngay. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đặt tên cho đội quân này là bộ đội Việt - Mỹ, do đồng chí Kim Hùng làm đại đội trưởng, thiếu tá Thomas tự nhận làm tham mưu trưởng.

Ngày 7/8/1945, đội Con Nai cùng đại đội Việt - Mỹ chuyển đến Khuổi Kịch, xã Tân Trào để huấn luyện quân sự: từ đo đạc, lau chùi vũ khí, cách sử dụng súng cối, lựu đạn và tập bắn cacbin. Trước khi Quốc dân Đại hội Tân Trào bế mạc, các đơn vị quân sự cùng đội Con Nai chuẩn bị tiến về xuôi. Lúc đó Hồ Chí Minh tuy mệt, nhưng vẫn nằm trên cáng đến gặp Võ Nguyên Giáp và Thomas để chia tay họ. Thomas phát vũ khí đã được đội Con Nai dùng để huấn luyện cho các chiến sĩ và nhắc họ sẵn sàng lên đường.

Ngày 16/8/1945, lực lượng Việt-Mỹ chia hai nhóm cùng hướng về thị xã Thái Nguyên để tấn công quân Nhật: nhóm thứ nhất có Võ Nguyên Giáp, Thomas cùng một trung đội Việt Minh; nhóm thứ hai gồm các thành viên còn lại đi cùng lực lượng Việt Minh do Đàm Quang Trung chỉ huy. Trong chuyến hành quân, tình bạn giữa Võ Nguyên Giáp và Thomas phát triển rất tốt.

Thomas kể lại: "Chuyến đi bộ xuyên qua những vùng đồi núi là khoảng thời gian tôi gần gũi nhất với Võ Nguyên Giáp. Lúc đó tôi hơn 30 tuổi và ông có lẽ chỉ hơn tôi 3 tuổi. Ông kể cho tôi nghe rằng vợ và chị dâu của ông đã chết trong nhà tù của Pháp. Ông có tinh thần chống Pháp rất mạnh và không nghi ngờ gì, ông là người rắn rỏi. Người Pháp gọi ông là ngọn núi lửa bị tuyết bao phủ. Ông luôn biết kiềm chế bản thân và rất thông minh, có học. Quân lính của ông tôn thờ ông. Tôi rất mến ông".

Khuya ngày 22/8/1945, trên đường về Hà Nội, khi nghỉ tại Thái Nguyên, tuy còn yếu mệt nhưng Hồ Chí Minh vẫn đi gặp Thomas để hỏi thăm tình hình. Ngày 26/8/1945, Người mời cơm trưa A. Patty (đã theo máy bay Đồng minh đến Hà Nội từ ngày 22/8/1945).

Ngày 9/9/1945, các thành viên đội Con Nai cũng được vào Hà Nội, nơi Việt Minh đã tiếp quản bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử mà không tốn một giọt máu nào. Cả đội ở trong một ngôi nhà do Việt Minh sắp xếp, họ được đối xử rất tốt và có thể đi thăm Hà Nội như những vị khách du lịch.

Ngày 1/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Patty và Grelecki tới dự bữa cơm thân mật trước ngày lễ Độc Lập, cùng dự tiệc có các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám. Người đã tỏ lòng cảm ơn sự giúp đỡ cho phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam của những người bạn Mỹ trong cơ quan phục vụ chiến lược OSS.

Người cũng không quên nhắc đến những nhân vật đã từng quen biết, gặp gỡ như tướng Chennault, đại tá Helliwell, thiếu tá Thomas, đại úy Holland và hy vọng tinh thần hợp tác hữu ái đó sẽ tiếp tục phát triển.

Vai trò của OSS tại Việt Nam năm 1945 đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi. Nhưng Thomas lại nghĩ: "Nhiều người cũng nói rằng vì có sự ủng hộ của chúng tôi Hồ Chí Minh mới giành được quyền lực. Tôi không tin điều đó. Tôi chắc là ông cố gắng sử dụng thực tế là người Mỹ cho ông một số trang thiết bị. Ông đã tác động để nhiều người Việt Nam tin tưởng rằng chúng tôi là bạn Đồng minh. Nhưng có rất nhiều lý do giải thích việc ông giành được quyền lực và đó không phải vì chúng tôi trang bị vũ khí cho trên dưới một trăm con người".

Còn nhà sử học Mỹ Stein Tonesson thì nhận định rằng đơn giản sự hiện diện của người Mỹ chỉ có vai trò làm tăng nhuệ khí hơn những thứ khác cho Việt Minh mà thôi.

Đỗ Hoàng Linh - PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
.
.
.