Giải mã cái chết của Lê Quang Tung và Hồ Tấn Quyền trong vụ đảo chính Ngô Đình Diệm

Thứ Sáu, 17/03/2017, 16:45
Chính quyền ngụy tạo Việt Nam Cộng Hòa là những trang lịch sử hoen ố của đất nước. Vụ đảo chính Ngô Đình Diệm xảy ra tại Sài Gòn vào ngày 01-11-1963 càng làm vấy bẩn thêm cái chính quyền ô hợp, lai tạo bởi 2 chế độ ngoại xâm Mỹ - Pháp. Cuộc đảo chính này đã góp phần khẳng định chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chỉ là một con cờ trong tay Mỹ.


Kỳ 1: Vì sao Lê Quang Tung đứng đầu danh sách phải chết?

Ngay khi soạn thảo kịch bản đảo chính, CIA đã chốt danh sách những người cần phải giết. Trong đó có 2 nhân vật quyền lực: Lê Quang Tung - Tư lệnh Lực lượng đặc biệt và Hồ Tấn Quyền - Tư lệnh Hải quân.

Lucien Conein – Ông trùm lật đổ chính trị của Mỹ

Cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm bất ngờ được ấn định vào ngày 01-11-1963 nhưng Nhà Trắng đã chuẩn bị cho ván cờ này từ tháng 6-1963.

Trước khi cuộc đảo chính nổ ra hơn 2 tháng, vào ngày  27-8-1963, từ Trung tâm điều khiển CIA tại Sài Gòn đã gởi một công điện về Trung tâm CIA ở Langley báo cáo một bản tường trình của Lucien Conein về cuộc họp của Hội đồng Tướng lãnh (Committee of Generals) như sau: "Ủy ban (tức Hội đồng Tướng lãnh - TG) quyết định rằng đại tá Lê Quang Tung được coi là mục tiêu đầu tiên của ủy ban đảo chánh và sẽ bị tiêu diệt cùng với toàn trại của ông ta như là một trong những hành động đầu tiên của cuộc đảo chánh. Cùng với việc tiêu diệt đại tá Tung và Lực lượng Đặc biệt của ông ta, Tướng Khiêm còn yêu cầu cho ông ta nhận được bản kê khai toàn bộ các vũ khí đạn dược hiện đang lưu trữ tại trại Long Thành".

Thời điểm đó, ai cũng nghĩ Lucien Conein chỉ là cố vấn của lực lượng đảo chính. Nhưng sau này, qua các tài liệu giải mật của CIA cho thấy người quyết định cuộc đảo chính đó chính là Lucien Conein chứ không ai khác. Lucien Conein là người gợi ý để tòa bạch ốc  ra phán quyết án tử cho Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu trong cuộc đảo chính. Cũng chính ông ta là người đã truyền đạt phán quyết của tòa bạch ốc khi cuộc đảo chính đang diễn ra. Nguyên văn tiếng Pháp: "On ne fait pas d'omelette sans casser les oeufs". Câu này có nghĩa là, "người ta không thể làm món trứng rán mà không đập bể những quả trứng" hoặc "nhổ cỏ phải nhổ tận gốc".

Và quyết định dành án tử cho ông trùm Lực lượng Việt Nam Cộng hòa Lê Quang Tung cũng chính là Lucien Conein. Vì sao Lucien Conein và CIA muốn Tung phải chết? Thời điểm đó nhiều người cho rằng CIA e ngại Lê Quang Tung sẽ chỉ huy Lực lượng đặc biệt bảo vệ Ngô Đình Diệm đến cùng gây bất lợi cho cuộc đảo chính. Thực tế không chỉ vậy. CIA "sợ" Lê Quang Tung vì nhiều lý do khác.

Trước đó, Lucien Conein có quan hệ rất mật thiết với Lê Quang Tung và lực lượng đặc biệt của VNCH.

Ông tổ của lực lượng biệt kích Việt Nam Cộng hòa

Lucien Conein, sinh ngày 29 tháng 11 năm 1919 tại Paris. Mồ côi cha lúc 5 tuổi, ông ta được mẹ gửi sang Mỹ sống tạm cư với người dì có chồng là quân nhân Mỹ tại Kansas.  

Năm 20 tuổi, với tư cách công dân Pháp, Lucien Conein trở về cố quốc gia nhập quân đội. Lúc này toàn thế giới sùng sục lửa chiến tranh thế giới lần 2.  Sau khi Pháp bị Đức chiếm đóng, ông ta đào thoát sang Mỹ rồi đăng ký tham gia vào quân đội Mỹ. Vì có quốc tịch Pháp nên sau một thời gian, ngày 26 tháng 7 năm 1943, Trung úy Lucien Coein được tuyển vào công tác tại bộ phận Châu Âu thuộc Cục Tình báo chiến lược (Office of Strategic Services - Viết tắt là OSS), tiền thân của cơ quan CIA. Đến tháng 8 năm 1944, Lucien Coein được điều qua Pháp hỗ trợ lực lượng kháng chiến chuẩn bị cho cuộc đổ bộ Normandy.

Tháng 8 năm 1945, Đại úy Lucien Coein được đưa sang Việt Nam chuẩn bị cho việc Mỹ đặt tiền trạm chiến tranh. Năm 1947, cơ quan OSS giải thể và Cục Tình báo Trung ương (Central Intelligence Agency - CIA) được thành lập. Conein trở thành sỹ quan CIA và hoạt động tình báo ở nhiều quốc gia khác nhau ở châu Âu, chủ yếu là ở Đức trong thời gian từ tháng 2 năm 1947 đến tháng 8 năm 1953.

Cuối năm 1953, Thiếu tá Lucien Conein trở lại Việt Nam hoạt động tình báo quân sự dưới quyền của Đại tá Lansdale. Lúc này, Mỹ muốn dọn đường khai hoang các lực lượng chính trị ở miền Nam cho Diệm lên chiếc ghế Tổng thống VNCH. Nhiệm vụ của Lucien Conein là giúp Ngô Đình Diệm giải tán các lực lượng đối lập bằng 2 cách: Thuần hóa hoặc tiêu diệt. Chính Lucien Conein đã ôm cặp táp đô la đi mua chuộc từng nhóm vũ trang như Bảy Viễn, Trình Minh Thế, Nguyễn Thành Phương, Ba Cụt… về dưới trướng Diệm. Khi người dân Việt Nam chưa biết Ngô Đình Diệm là ai, chính Lucien Conein là người dùng tiền quảng bá "thương hiệu chí sĩ Ngô Đình Diệm". Nói cách khác, Lucien Conein là "phù thủy" giúp Ngô Đình Diệm vô danh thành "chí sỹ yêu nước Ngô Đình Diệm".

Khi Ngô Đình Diệm trở thành tổng thống cái gọi là VNCH, Lucien Conein hoàn thành nhiệm vụ và trở về nước vào năm 1957.

Biệt kích tại trung tâm huấn luyện Long Thành.

Trở về Mỹ, Lucien Conein được trưng dụng vào Lực lượng Đặc biệt (Special Force). Trong thời gian này Lucien Conein được William Colby - Phó Giám đốc, kiêm trưởng bộ phận CIA tại Việt Nam giao nhiệm vụ xây dựng các nhóm biệt kích phá hoại chống chính quyền Lào và miền Bắc Việt Nam. Và Lê Quang Tung là 1 cộng sự đắc lực của ông ta trong các chiến dịch phá hoại miền Bắc. Vì sự cộng tác này mà Lucien Conein quyết định Lê Quang Tung phải chết ngay trước thềm cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm.

Đến năm 1962, Lucien Conein mang hàm trung tá CIA với bí danh là Lulu hay Black Luigi, được chỉ định làm cố vấn tình báo cho Ngô Đình Diệm. Thực ra, Lucien Conein được CIA giao nhiệm vụ bí mật móc nối với các tướng Việt Nam chuẩn bị tổ chức đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm.

Chính Lucien Conein tạo nên chính quyền Ngô Đình Diệm và cũng chính Lucien Conein lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.

Giới tình báo quốc tế đánh giá Lucien Conein là ông trùm của đảo chính. Trên thế giới, nơi nào có mặt ông ta, nơi đó có lật đổ chính trị.

Chân dung ông trùm Lê Quang Tung

Lê Quang Tung sinh ngày 13-06-1919 tại làng An Vân Thượng, xã Hương An, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, là con trai thứ 5 trong số 9 anh chị em. Cha mẹ Tung là giáo dân Thiên chúa giáo nên ông  ta có tên thánh là Andre. Lê Quang Triệu là em trai út của ông ta.

Lê Quang Tung.

Lê Quang Tung có dáng thấp, chắc, luôn mang kính đen để che giấu ánh mắt và suy nghĩ nên nhiều người luôn có cảm giác bất an khi đối diện vì không ai biết phía sau cặp tròng kính đen thui, con người ấy nghĩ gì và sắp hành động gì. Đã có không ít người đang cười nói thân mật với ông ta, ít phút sau đã bị thuộc hạ của ông ta tóm cổ đưa vào phòng kín tra tấn đến tật nguyền hoặc bị thủ tiêu.

Cha mẹ Lê Quang Tung vốn là gia nhân trung thành trong gia đình quan đại thần triều Nguyễn - Ngô Đình Khả (bố của Ngô Đình Diệm). Vì vậy các anh chị em của Lê Quang Tung đều lần lượt kế thừa nghiệp nô bộc cho gia đình quan lại này. Vì đội kiếp nô bộc nên Lê Quang Tung thờ anh em Ngô Đình Diệm như thờ vua.

Ngày 1-06-1946, khi tái chiếm miền Nam, Pháp muốn có một chính phủ "người Việt thờ Pháp" nên thành lập một chính phủ gọi là "Nam Kỳ quốc", giao cho Nguyễn Văn Thinh làm thủ tướng. Thời gian này, Lê Quang Tung được Sở An ninh Trung kỳ tuyển dụng làm mật thám viên. Nhờ có nhiều công trạng chỉ điểm, bắt bớ những người có tư tưởng Cộng sản, Lê Quang Tung nhanh chóng được Pháp cất nhắc lên chức Trưởng ty An ninh Quảng Trị.

Khi Bảo Đại được Pháp lôi từ các sòng bài Hongkong về nước làm Quốc trưởng, Lê Quang Tung từ Quảng Trị được rút lên Nha Công an Trung phần đặt tại Huế, phụ trách đội mật vụ. Lúc này Trần Trọng Sanh làm giám đốc Nha.

Trong thời gian này, Tung gia nhập Đảng Cần Lao và tham gia phong trào Thanh niên Công giáo của Ngô Đình Nhu. Nhờ ở cương vị chỉ huy đám mật vụ của chính quyền lệ thuộc thực dân, Lê Quang Tung đã tích cực tống tiền, bóp hầu bao các thương gia miền Trung để lấy tiền nuôi phong trào Cần Lao khi đảng này mới manh nha hoạt động. Chi tiết này đã khiến Lê Quang Tung trở thành công bộc số 1 của anh em họ Ngô Đình.

Năm 1952, Lê Quang Tung được tuyển đi học Khóa 2 sinh viên sĩ quan Nam Định nhưng sau đó trường này đóng cửa nên ông ta được chuyển vào Trường Sĩ quan trù bị Thủ Đức. Vì trường Thủ Đức chưa xây cất xong, nên năm 1953 ông ta được cho vào Khoá 3 phụ và thụ huấn tại Trường võ bị liên quân Đà Lạt. Con đường học vấn lòng vòng như thế nên đến năm 1954 ông ta mới mang được cấp hàm Thiếu úy.

Sau đó, Thiếu úy Lê Quang Tung được phiên về phục vụ công tác an ninh quân đội tại tiểu đoàn 53 bộ binh tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Nếu như Ngô Đình Diệm không được Mỹ đặt đít lên ghế Thủ tướng của chính quyền Bảo Đại thì chắc chắn rằng còn đường hoạn lộ của Lê Quang Tung vẫn còn nhiêu khê, trắc trở. Cũng có thể ông ta cũng chỉ giữ nhiệm vụ sỹ quan an ninh ở các đơn vị bộ binh.

 Cuộc đời Lê Quang Tung sang trang mới kể từ khi Diệm làm Thủ tướng chính quyền Bảo Đại. Vừa được làm Thủ tướng, Diệm lôi Lê Quang Tung từ tiểu đoàn bộ binh vô danh lên làm Trưởng ty An ninh Quân đội Huế, được thăng lên đại úy rồi làm Chánh Sở 2 (An ninh Quân đội) Huế.

Lực lượng đặc biệt

Trước khi rút quân về cố quốc, Pháp đã để lại cho chính quyển Bảo Đại 1 "di sản" tình báo, mang cái tên trá hình là Tổng Nha Nghiên Huấn. Gọi là "huấn" nhưng công việc của các nhân viên ở Tổng nha này chủ yếu là rình mò tìm các phần tử chống đối chính quyền. 

Bộ Tổng Tham mưu chế độ Sài Gòn năm 1972.

Cuối năm 1956, "Thủ tướng" Ngô Đình Diệm thấy Tổng Nha Nghiên Huấn mang nặng dáng dấp của tình báo quân đội Pháp khiến Mỹ không hài lòng nên giải tán để thành lập một cơ quan khác có cùng chức năng. Đó là sở liên lạc trực thuộc Phủ Tổng thống. Sở liên lạc này do Mỹ tài trợ ngân quỹ và chịu sự điều khiển (dưới danh nghĩa cố vấn) của đại tá tình báo quân đội Mỹ tên là Rogers.

Lê Quang Tung được Diệm cất nhắc lên làm Giám đốc cái sở này với hàm trung tá. Con đường hoạn lộ của nô bộc Lê Quang Tung bắt đầu rộng mở thênh thang.

Sở liên lạc là một cơ quan chỉ huy hệ thống gián điệp chính trị của chính quyền Diệm. Cái tên "liên lạc" không có vẻ gì nguy hiểm. Thế nhưng nó chính là con dao bí mật của "Thủ tướng" Diệm dành cho mọi đối tượng chống đối. Bắt cóc, ám sát thủ tiêu và khủng bố ngầm là nghiệp vụ chính của nhân viên Sở Liên lạc. Vì vậy, cái ghế giám đốc của sở này phải dành cho nô bộc trung thành nhất là Lê Quang Tung. Tuy Tung là giám đốc nhưng mục tiêu hoạt động đều do "ông cố vấn" Ngô Đình Nhu điều phối.

Thấy Tung vẫn còn ảnh hưởng công vụ kiểu Pháp, Diệm đưa Tung qua Honolulu để Mỹ huấn luyện nghiệp vụ chỉ huy hoạt động điệp viên xâm nhập và ám sát. Trung úy Lê Quang Triệu, em ruột của Lê Quang Tung, cũng được đưa qua Saipan - một hòn đảo lớn ở phía Bắc đảo Guam - huấn luyện về nghiệp vụ chỉ huy tình báo. Khi trở về, "Trung úy" Triệu được giao nhiệm vụ tuyển dụng lực lượng điệp viên cho Sở Liên lạc. Cho đến bây giờ, chưa ai tiếp cận được hồ sơ tuyển dụng nhân sự của Triệu. Không ai biết rõ Triệu tuyển dụng bằng cách nào, tiêu chuẩn ra sao.

Nông Huyền Sơn
.
.
.