Gặp người thợ đặt thuốc nổ làm hiệu lệnh toàn quốc kháng chiến

Thứ Hai, 07/01/2008, 08:30
"Ngày 15/12/1946, tôi mới được phổ biến chủ trương phá Nhà máy điện Yên Phụ là để làm hiệu lệnh cho quân dân Hà Nội và các tỉnh, thành miền Bắc nổ súng chống thực dân Pháp xâm lược. Khoảng 17h ngày 19/12/1946, tôi nhận lệnh phải khởi sự đúng 20h. Đó là mệnh lệnh chiến đấu." - ông Quý, 1 trong 3 người của tổ phá Nhà máy điện Yên Phụ, kể.

Tổ phá Nhà máy điện Yên Phụ, làm hiệu lệnh kháng chiến toàn quốc gồm 3 người: ông Dung, ông Thăng và ông Nguyễn Quý mà đồng đội cũ vẫn thân mật gọi theo biệt hiệu "Ông Giang béo". Hiện nay, 2 trong số 3 người ấy đã mất, chỉ còn mình ông Quý. Tôi tìm đến nhà ông trong "trận đồ bát quái" ở ngõ chợ Khâm Thiên. 

Và tôi ngỡ ngàng khi trước mắt tôi, ông cụ dong dỏng cao, râu tóc bạc phơ. Ông niềm nở mời tôi vào nhà, vừa pha trà vừa cười hiền hậu: "Nay tôi đã 87 tuổi, trời cho còn mạnh khỏe, minh mẫn là may lắm". Rồi ông dẫn dắt tôi trở về 61 năm trước.

Năm 1937, tôi đã hoạt động trong Hội Ái hữu ở Depot hỏa xa, vận động công nhân đấu tranh đòi tự do nghiệp đoàn. Khởi nghĩa Tháng Tám, tôi được điều lên Đa Phúc tham gia cướp chính quyền rồi tham gia công tác quân sự ở đây.

Đầu năm 1946, Ban Công vận Thành ủy rút tôi về, vận động công nhân ở khu vực Hàng Đậu Đồng Xuân, Trúc Bạch. Lúc đó, tổ công vận  3 người gồm có  tôi, anh Đỗ Tần, anh Minh “hen” do anh Minh phụ trách. Từ tháng 9/1946, tôi phụ trách công đoàn khối Nhà máy điện, nước.

Tháng 11/1946, Hà Nội được Trung ương chỉ đạo, gấp rút chuẩn bị kháng chiến. Ủy ban Bảo vệ (UBBV) Khu XI (Hà Nội) do anh Nguyễn Văn Trân làm Chủ tịch, thực hiện chủ trương của Bộ Tổng chỉ huy, làm  công tác phá hoại để chặt đứt đường giao thông cầu cống, ngăn chặn bước tiến của địch. Do đó, Ban Phá hoại của thành phố được thành lập do anh Trần Quốc Cư, Thành ủy viên làm Trưởng ban.

Ngày 10/12/1946, sau khi báo cáo với anh Nguyễn Văn Trân kế hoạch phá nhà máy điện, anh Trần Quốc  Cư giao cho tôi nhiệm vụ nghiên cứu cách phá nguồn điện nhà máy như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Khi đó, việc ra vào Nhà máy điện Yên Phụ rất khó khăn vì quân đội ta và quân Pháp cùng gác nhà máy. Tôi phải tìm gặp anh Dung ở bộ phận lò và anh Thăng vốn là cai điện trước cách mạng, phụ trách kỹ thuật và phòng bảng điện của toàn nhà máy.

Hai anh đều là đoàn viên công đoàn nên tôi bàn với  các anh tìm hiểu máy móc, chế độ vận hành, hệ thống bảng điện, đồng hồ điện... từ đó lên kế hoạch phá nơi phát điện. Sau đó, tôi báo cáo với anh Trần Quốc Cư phương án phá 4 tuốcbin, anh ấy hoàn toàn nhất trí.

Mãi đến ngày 15/12/1946, tôi mới được phổ biến chủ trương phá Nhà máy điện Yên Phụ là để làm hiệu lệnh cho quân dân Hà Nội và các tỉnh, thành miền Bắc nổ súng chống thực dân Pháp xâm lược. (Khi cắt nguồn phát điện ở Hà Nội thì điện ở Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, cũng bị tắt).

Khoảng 17h ngày 19/12/1946, tôi nhận lệnh phải khởi sự đúng 20h. Đó là mệnh lệnh chiến đấu.

Tôi đến địa điểm của Nhà máy Tương Lai (lúc này, máy móc đã được dỡ đi, chỉ còn nhà xưởng thôi) nhận vũ khí từ anh Phạm Lê Ninh gồm: 2 chai axít, kíp mìn, hộp mìn điện. Riêng thuốc nổ dẻo là loại thuốc của Pháp chuyên dùng cho phá đá, làm đường, tôi được mặt trận Hà Nội cung cấp 2 kg, mỗi kilôgam nhồi 5 kíp điện.

19h, chúng tôi  lọt qua cổng phụ  nhà máy; sau đó vào nhà phát điện. Anh Thăng và anh Dung giấu vũ khí vào người đi theo cầu thang vẫn dành cho công nhân làm việc. Tôi không thể đi công khai như vậy, các anh phải thả dây thừng từ buồng đồng hồ điện xuống cho tôi leo lên.

Tiếp đó, tôi và anh Dung lên tầng 3 của nhà phát điện, nơi đặt 4 tuốcbin lớn. Anh Dung đổ 2 chai axít vào 2 tuốcbin dự phòng, rồi ra cửa gác. Anh Thăng ở buồng đặt bảng điện, theo dõi đồng hồ đo điện, hạ bớt vôn kế, rải dây điện. Tôi nhồi 2 bánh thuốc nổ đã cắm kíp nổ vào máy kích thích cho 2 máy  tuốcbin đang hoạt động rồi gắn kíp mìn vào.

Tất cả mọi động tác, ba chúng tôi  phải phối hợp thật  khớp. Khi loa phát thanh của thành phố vang lên: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam...”, tôi  làm ám  hiệu cho anh Thăng cắt cầu dao, đồng thời chập đầu điện của mìn.

Mìn nổ! Điện tắt! Thành phố chìm trong bóng tối. Rồi tiếng đại bác từ pháo đài Láng, Xuân Tảo rền vang rót vào thành. Tiếng súng các cỡ và lựu đạn nổ ầm ầm.

Cả Hà Nội rực lửa kháng chiến. Tôi xúc động vô cùng, khi từ đấy nhìn ra, bốn phía, những quầng sáng đạn lửa của quân và dân ta chống quân Pháp lan rộng ra. Tôi sang chùa Châu Long, ra cơ sở ở bãi Phúc Xá.

Sáng 20/12, tôi ra đại lý Hoàn Long, báo cáo kết quả với anh Trần Quốc Cư và nhận nhiệm vụ vào Liên khu I theo dõi công tác phá hoại. Những ngày này, tôi không hề biết người cha thân yêu của tôi, Trung đội phó Trung đội Vệ quốc đoàn đã hy sinh ngay trong trận đánh nhà Moóc-li-e (nay là trụ sở Báo Nhân dân) tối 24/12/1946. Mãi đến năm 1948, tôi mới biết tin dữ; còn gia đình tôi, năm 1958 mới nhận được giấy báo tử.

Ngày 25/12/1946, tôi nhận lệnh chuẩn bị đi đánh sân bay Gia Lâm, một vị trí quân sự quan trọng của quân Pháp mà trước đó ta vẫn chưa đánh được. Mặt trận Hà Nội điều một  tiểu đoàn bộ đội chủ lực kết hợp với tự vệ địa phương cho trận đánh. Tổ chúng tôi có một tiểu đội được phân công từ phía nam đánh lên trung tâm sân bay. Chúng tôi về đóng ở làng Nông Vụ (Gia Lâm) hơn  một tuần, vừa phải đi trinh sát sân bay, vừa luyện tập thêm quân sự.

Ngày 27 tháng Giêng năm Đinh Hợi, chúng tôi hành quân lên Thổ Khối, áp sát sân bay. Vũ khí mang theo chỉ là bom ba càng, mìn dẻo, mìn bột rất thô sơ. Đêm đó, tiểu đội tôi phá được 3 máy bay Spit-phai, 3 máy bay Đa-kô-ta, nhưng 6 chiến sĩ hy sinh ngay tại trận đánh. Tôi bị thương nhẹ ở cánh tay và trên ngực, dìu anh Lê Hồng (tức Hoàng Minh Chính) bị thương nặng, lần ra khỏi sân bay.

Tối 28 tháng Giêng, đồng đội không thấy tôi trở lại, đã làm lễ truy điệu; còn tôi được tự vệ Thổ Khối đưa đến đền Phù Đổng điều trị ở trạm y tế, anh Lê Hồng  thì được chuyển lên bệnh viện của mặt trận Hà Nội. Sau trận này, tôi được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Nhưng còn phần thưởng quý giá nữa là “cậu ấm” đầu lòng ra đời.

Giữa năm 1947, tôi tranh thủ về nơi gia đình đang tản cư, mới nhìn thấy mặt con”. Kể đến đây, ông quay sang bà vui vẻ bảo: “Bà ấy mải làm cứu thương cho bộ đội đánh nhà dầu Shell ở đầu phố Khâm Thiên không chịu đi tản cư sớm đến nỗi ra đến Trúc Sơn là sinh nó đấy”.

Bà Dương Thị Thục, vợ ông, cũng là tự vệ của ngõ chợ Khâm Thiên. Sau khi sinh con đầu lòng, bà thay chồng chăm nom mẹ già nơi tản cư, rồi theo cụ  hồi cư về thành phố. Trong những năm Pháp chiếm đóng thành phố, căn nhà lá 5 gian của cụ  nằm sâu trong ngõ, có hầm bí mật, lại thêm đường đi ngoắt ngoéo chữ chi là nơi nuôi giấu cán bộ an toàn. Vì vậy, sau ngày Thủ đô giải phóng, mẹ ông là cụ Nguyễn Thị Chè được Nhà nước tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhất.

Thì ra, trong nhiều gia đình người Hà Nội mùa đông năm 1946 đều có những chàng trai, cô gái hào hoa thanh lịch, cầm súng đánh giặc cứu nước, “Thà chết không chịu làm nô lệ”.

Và ông, người tham dự vào sự kiện lịch sử của dân tộc ở thời khắc trọng đại ấy, là một chiến sĩ như bao chiến sĩ Vệ quốc đoàn hoặc tự vệ mà tôi đã gặp, đã nghe về những kỳ tích như huyền thoại của Hà Nội anh hùng

Kim Thanh
.
.
.