Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông - những ngày đầu

Thứ Ba, 01/11/2011, 09:52

Cận ngày tổ chức kỷ niệm 50 năm “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, tòa soạn nhận được bài viết của Thượng tướng Phùng Thế Tài về Con đường huyền thoại trên biển, con đường đã góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chuyên đề ANTG xin trân trọng giới thiệu bài viết của Thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam về sự tích huyền thoại này.

Sau Đồng khởi năm 1960, cách mạng miền Nam tiến lên mạnh mẽ. Phong trào đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang phát triển nhanh chóng ở nông thôn, thành thị, ở miền núi và đồng bằng. 60% khu trù mật bị phá sản. Sáu triệu nhân dân miền Nam  đã giành được quyền làm chủ.

Chính quyền Ngô Đình Diệm đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Ngày 20/1/1961, Kennedy chính thức bước vào Nhà Trắng, chuyển sang thực hiện chiến lược chiến tranh đặc biệt.

Trước tình hình đó, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, một nghị quyết thể hiện tầm nhìn xa rộng, sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ, ngày 23-10-1961 Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 97/BQP thành lập Đoàn 759 do đồng chí Đoàn Hồng Phước làm đoàn trưởng, có nhiệm vụ tổ chức tuyến vận chuyển trên biển Đông để chở vũ khí vào chiến trường miền Nam.

Chuyến trinh sát đầu tiên         

Thời kỳ này, đường bộ của Đoàn 559 đã đưa được một số người và vũ khí cho Khu 5, nhưng chiến trường Nam Bộ vẫn bỏ ngỏ, chờ con đường biển được giao cho Đoàn 759 phụ trách.

Nhận rõ trách nhiệm nặng nề của mình, Đoàn 759 vừa ổn định tổ chức, vừa tích cực chuẩn bị phương tiện, tàu thuyền cho nhiệm vụ sắp tới. Cán bộ Đoàn thay nhau đi kiểm tra những con thuyền vừa từ Nam Bộ ra. Trong 5 thuyền chỉ còn lại 3 chiếc, song đã hư hỏng nặng và nằm rải rác khắp nơi. Chiếc thuyền của Bạc Liêu (còn gọi là thuyền của Cà Mau) do anh Bông Văn Dĩa phụ trách hiện gửi ở Đồn công an Quảng Bình. Chiếc thuyền của Bến Tre hiện nằm ở Hà Tĩnh. Chiếc còn lại đưa về Hải Phòng.

Tháng 2/1962, đồng chí Đoàn Hồng Phước và đồng chí Bông Văn Dĩa vào Quảng Bình kiểm tra chiếc thuyền “Bạc Liêu”. Thấy chiếc thuyền này tuy có hư hỏng, nhưng vẫn có thể đi biển được, đồng chí Phước quyết định để đồng chí Dĩa ở lại trông coi và nhờ công an vũ trang Quảng Bình đứng tên sửa chữa. Phần vỏ chữa ở nông trường gỗ, phần máy do Xưởng cơ khí "6-1" đảm nhiệm.

Tháng 3/1962, chiếc thuyền "Bạc Liêu" đã sửa xong. Đồng chí Bông Văn Dĩa trở ra Hà Nội báo cáo với Đoàn. Sau khi xin ý kiến Quân ủy Trung ương, Đoàn 759 quyết định để thuyền "Bạc Liêu" đi chuyến trinh sát đầu tiên. Ý định của đoàn là sử dụng toàn bộ anh em thủy thủ của thuyền do Tỉnh ủy cử ra năm ngoái tham gia vào chuyến đi này. Nhưng trong số 8 người của đội, có 3 đồng chí không tham gia. Anh Võ Tấn Thành và anh Tư Quang (Hai Chiếu) khi biết tàu trở về miền Nam mà không có vũ khí mang theo thì kiên quyết không chịu về. Họ cho rằng, Tỉnh ủy cử ra miền Bắc để lấy súng đạn, không có súng đạn thì không về. Anh Trần Văn Đáng (Ba Cụt) vì chỉ còn một tay, đi trên thuyền sợ địch nghi, nên đành ở lại. Để đảm bảo cho thuyền “Bạc Liêu”, đồng chí Nguyễn Thanh Lồng (Hai Tranh) từ đội "Trà Vinh" sang.  Như vậy chuyến trinh sát mở đường đầu tiên của Đoàn 759 gồm 6 đồng chí: Bông Văn Dĩa phụ trách, Bí thư chi bộ; Hai Tranh, Phó bí thư chi bộ; Ngô Văn Tân (Năm Kỷ), Tư Phước, Sáu Dũng, Bảy Cửa.

Trong thời gian chuẩn bị lên đường, sáu anh em này được Đoàn bố trí ăn nghỉ bí mật tại số nhà 18, Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội.

Những cán bộ, chiến sĩ đoàn 759 đi chuyến mở đường đầu tiên vào tháng 10/1962.

Đầu tháng 4/1962, theo chỉ thị của đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, đồng chí Trung tướng Trần Văn Trà, người đã hoạt động những năm kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, được Quân ủy Trung ương giao đặc trách  theo dõi việc mở con đường biển này, cùng Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương, đến 18 Nguyễn Thượng Hiền gặp động viên anh em và trực tiếp giao nhiệm vụ. Nhiệm vụ của đội là khi trở về tới nơi chuyển lời của anh Ba Duẩn  thăm hỏi đồng bào, đồng chí Nam Bộ  và trực tiếp báo cáo với Khu ủy chủ trương của Trung ương đưa vũ khí vào Nam Bộ. Phải chuẩn bị trước bến bãi để nhận hàng. Dự kiến có 3 phương án  trong việc tổ chức xây dựng bến bãi.

1-1-     Lấy các đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Nam Du, Hòn Ông, Hòn Bà làm căn cứ lâu dài để xây dựng các hầm cất giấu hàng. Chuẩn bị thuyền để chuyển tiếp hàng vào đất liền.

2-2-     Lấy khu vực Hòn Chuối và cửa sông bãi Hấp để làm chỗ sang hàng hoặc thả hàng xuống biển. Lợi dụng khu vực này nhiều ngư dân ra đánh cá để trà trộn bí mật vớt hàng lên rồi đưa vào bờ.

3-3-     Lấy các cửa sông khu vực Cà Mau làm nơi chuyển hàng vào. Đây là phương án dự phòng nếu hai phương án trên không thực hiện được.

Đồng chí Bông Văn Dĩa phải học thuộc lòng chỉ thị của Trung ương và một số mật danh để liên lạc khi cần thiết (tuyệt đối không được ghi chép).

Tuy thuyền trở về không hề có một viên đạn, một khẩu súng, nhưng mọi người rất phấn chấn vì cái quý nhất lúc này không phải chỉ là mấy tấn vũ khí mà là chủ trương của Đảng lần đầu tiên được bí mật trực tiếp truyền đạt tới đồng bào, đồng chí miền Nam.

Để phục vụ cho chuyến đi, mọi giấy tờ hợp pháp như giấy thông hành giả, căn cước giả, giấy làm ăn giả cùng lương thực, thực phẩm, dầu mỡ… được Ban Thống nhất Trung ương và Tổng cục Hậu cần lo cho chu đáo.

Ngày 5/4/1962, Đoàn 759 bí mật đưa 6 anh em từ Hà Nội vào Quảng Bình. Sau khi kiểm tra kỹ lại lần cuối cùng, đêm mồng 10/4/1962, chiếc thuyền rời Nhật Lệ (Quảng Bình), đi về hướng Nam. Bốn ngày sau, ngày 14/4, theo tính toán, 6 anh em trên thuyền nhận ra là mình đã đi đến vùng biển Nha Trang, cách bờ chừng 150 hải lý.

Vào khoảng 8h sáng ngày hôm đó, hai tàu Mỹ từ Philippines chạy về, gặp thuyền “Bạc Liêu”. Chúng cho tàu chạy vòng quanh thuyền của ta, cách chừng mấy chục mét. Và cứ như vậy quần đảo cho tới 14h. Nhờ bình tĩnh xử lý, đóng vai những dân chài ra khơi đánh cá  bị gió đẩy xa bờ, nên bọn Mỹ không nghi ngờ. Tuy vậy, để đề phòng với mọi tình huống bất trắc, anh em trên thuyền thủ tiêu hết hải đồ, la bàn. Từ đây, họ cứ nhằm hướng Nam mà "đi vo". Đến 7h sáng ngày 15/4, anh em bắt được "Cù Lao Bảy xã" (tức Cù Lao Thu), từ đó có thể xác định phương hướng bằng mắt tương đối chính xác. Ngày 18/4, thuyền về tới cửa Bồ Đề (thuộc Tân Ân - Ngọc Hiển - Cà Mau). 10h đêm hôm đó thì cập vào Vàm Lũng. Chuyến trinh sát đã thành công.

Nhận được tin thuyền "Bạc Liêu" trở về, Khu ủy cử đồng chí Phan Văn Nhờ (Tư Mao) ra cửa Vàm Lũng đón. Đồng chí Phan Văn Nhờ và đồng chí Bông Văn Dĩa vốn là bạn cũ, đã từng hoạt động cùng nhau, ôm nhau xúc động. Đồng chí Tư Mao đưa đồng chí Bông Văn Dĩa đi gặp Khu ủy. Tiếp đồng chí Dĩa có anh Ba Bường, Bí thư Khu ủy; anh Mười Khẩn; anh Tư Bình (Vũ Đình Liệu); anh Bảy Thạng (Trần Văn Bỉnh); anh Mười Kỷ (Phạm Ngọc Sến) và một số ủy viên khác. Sau khi nghe chỉ thị của Trung ương về việc mở bến để tiếp nhận vũ khí, Khu ủy đồng ý để đồng chí Bông Văn Dĩa đi ra các đảo nắm tình hình. Cùng đi có đồng chí Tư Mao và 2 đồng chí nữa. Họ sắm thuyền, lưới và ngày 19-5-1962, bắt đầu ra Hòn Chuối, Thổ Chu, Nam Du, Hòn Ông, Hòn Bà… Sau khi xem xét, Hòn Chuối quá nhỏ, không có chỗ cất giấu hàng. Thổ Chu quá xa bờ; Hòn Ông, Hòn Bà lực lượng Campuchia đang nắm giữ. Còn Nam Du, Phú Quốc quá đông bà con đến lập thôn ấp trên đó sinh sống, nên khó giữ được bí mật.

Phương án thả hàng xuống biển rồi đưa thuyền ta ra vớt quá mạo hiểm và dễ mất hàng. Chỉ còn cách cho tàu thuyền vào các kênh rạch, giấu thuyền vào đó để lực lượng tại chỗ lấy hàng. Trong các kênh rạch thì Vàm Lũng là nơi có nhiều thuận lợi nhất, khi nước cường, thuyền to có thể vào tận nơi.

Ngày 26/7/1962, đồng chí Bông Văn Dĩa trở ra Trung ương báo cáo tình hình. Chuyến ra Bắc lần này có 6 người: Bông Văn Dĩa, Sáu Danh, Sáu Thông, Ngô Văn Tân (Năm Kỷ), Bảy Cửa và Sà Vĩnh là người Thái Lan. Như vậy trong lần trở ra này, chỉ có Năm Kỷ, Bảy Cửa là người cũ, còn Sáu Danh, Sáu Thông và Sà Vĩnh là 'lính" mới.

Ngày 1/8/1962, thuyền của đồng chí Bông Văn Dĩa cập bến Nam Định.

Ngày 2/8, Đoàn trưởng Đoàn Hồng Phước trực tiếp vào đón anh em ra Hà Nội.

Đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Trần Văn Trà đã trực tiếp nghe đồng chí Bông Văn Dĩa báo cáo toàn bộ chuyến  đi trinh sát của mình và ý định của Khu ủy Khu 9 xin Trung ương phê duyệt phương án cho thuyền vào các luồng lạch. Ý kiến của Khu ủy Khu 9 là không có đảo nào đủ điều kiện  để đặt bến. Việc đặt bến trong đất liền có nhiều thuận lợi và có thể thực hiện được. Khu ủy đã chọn một vài cửa rạch và chừng một tháng nữa có thể đón tàu vào.

Đồng chí Lê Duẩn hỏi: "Theo đồng chí, nơi nào tốt nhất có thể cho tàu vào được?". Đồng chí Bông Văn Dĩa đáp: "Vàm Lũng có thể vào được". Đồng chí Lê Duẩn hỏi tiếp: "Tàu 30 tấn có thể vào Vàm Lũng được không? Nếu chắc thì trên giao cho đồng chí đi chuyến đầu tiên”.

Bắt đầu từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn vận chuyển để làm nên con đường huyền thoại trên biển Đông với những kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc: "Đường Hồ Chí Minh trên biển". Cùng với con đường bộ xuyên Trường Sơn mang tên Bác, con đường huyền thoại xuyên biển Đông  đã góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Những chuyến đi đầu tiên

Trong khi ở Quảng Bình, thuyền "Bạc Liêu" được sửa chữa, thì tại Hải Phòng, Đoàn 759, theo chỉ thị của Bộ Quốc phòng đặt Xưởng đóng tàu I sửa chữa chiếc thuyền của Trà Vinh. Cùng với việc đó là đóng mới 4 chiếc thuyền gỗ có buồm, có máy đẩy theo dạng thuyền đánh cá ở miền Nam lúc bấy giờ.

Với những yêu cầu khắt khe: vỏ tàu phải dùng những loại gỗ tốt như dền dền, trai, sến để chịu được sóng to gió lớn. Bộ Ngoại thương đảm nhiệm việc cung cấp gỗ. Tháng 9/1962, phần vỏ tàu đã hoàn thành. Vấn đề còn lại là máy tàu. Máy tàu phải là loại máy của các nước tư bản, không thể dùng máy của các nước xã hội chủ nghĩa, dễ lộ. Việc này thật khó, bởi miền Bắc hồi đó làm gì có máy móc của các nước tư bản. Trước tình hình đó, Đoàn 759 phải báo cáo lên Phủ Thủ tướng. Phủ Thủ tướng chỉ thị sang Bộ Giao thông tìm mọi cách giúp đỡ. Cuối cùng tìm được một máy Gray Marin của Mỹ, đã cũ nhưng vẫn tốt, có công suất 220 sức ngựa. Ba thuyền còn lại đành lắp máy Suđa của Tiệp Khắc, trông cũng na ná như máy tàu của các nước phương Tây.

Bên cạnh việc đóng tàu, những công việc khác cũng được lặng lẽ tiến hành. Bộ đội Công binh và Hải quân được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ sửa chữa gấp cầu cảng với bí danh là K-15 (còn gọi là H.10) ở gần "Pagốt đông", thuộc bán đảo Đồ Sơn. Bộ đội quân khí có nhiệm vụ đóng gói súng đạn sao cho không có một dấu vết nào chứng tỏ những thứ ấy được tiến hành ở miền Bắc. Bộ Nội vụ có nhiệm vụ bí mật bảo vệ an toàn căn cứ của Đoàn 759. Tất nhiên là phải hết sức khôn khéo, công an mặc thường phục, đóng vai khách nghỉ mát, theo dõi chặt chẽ mọi hành động khả nghi xung quanh cầu cảng K-15.

Tháng 8/1962, Đoàn 759 nhận bàn giao 4 thuyền gỗ từ Xưởng đóng tàu I Hải Phòng. Một số cán bộ thuyền, cán bộ kỹ thuật là người miền Nam từ các Đoàn tàu vận tải, từ các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết, kể cả các đồng chí đã chuyển về các nông trường nhà máy đều được lần lượt gọi về bổ sung cho Đoàn 759.

Công việc chuẩn bị cho chuyến đi đầu tiên bằng tàu gỗ có gắn máy được tiến hành khẩn trương, và đến đầu tháng 10 thì hoàn thành.

Đêm 11/10/1962, chiếc thuyền gỗ đầu tiên mang tên Phương Đông I chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) để lên đường đi Cà Mau. Ra tiễn Đoàn tại bến có đồng chí Phó thủ tướng Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Chiếc thuyền này do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm chính trị viên. Các thủy thủ gồm: Huỳnh Văn Sao (Năm Sao), Nguyễn Văn Bé (Tư Bé), Ba Thành, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Xuân Lai (Sáu Lai), Sáu Rô, Thanh đen, Trần Văn Kết (Tám kết), Ngô Văn Tân (Năm Kỷ), Nguyễn Long…

(Xem tiếp ANTG số 1107,  thứ Bảy ra ngày 29/10/2011)

P.T.T.
.
.
.