Điều ít biết về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
Năm Mậu Ngọ (1558), Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng đã đưa gia đình cùng những người thân tín nhất của mình vượt núi Hoành Sơn để đi về phương Nam trấn nhậm. Mảnh đất đầu tiên ông dừng chân ở lại có tên là Ái Tử, thuộc huyện Đăng Xương (nay thuộc huyện Triệu Phong của tỉnh Quảng Trị). Ở đó, ông bắt đầu thu phục nhân tâm, rộng ban ơn đức, chiêu mộ anh hùng hào kiệt từ khắp mọi nơi kéo về hội tụ. Từ đó, họ Nguyễn bắt đầu khởi nghiệp và bành trướng ở xứ Đàng Trong…
Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là người đã gắn bó đời mình với Quảng Trị nhiều nhất, ông thủy chung với mảnh đất khởi nghiệp này từ ngày đầu tiên ông đến cho tới khi trút hơi thở cuối cùng (1613).
BÀI I: CÁI CHẾT BẤT THƯỜNG CỦA CON TRAI MỘT VỊ TƯỚNG
Với mong muốn nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan và công bằng về sự kiện lịch sử rất quan trọng này, đồng thời làm sáng tỏ vị thế của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cũng như đất Quảng Trị với những địa danh Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Ngày 25/9, UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học tổ chức Hội thảo khoa học "Quảng Trị - đất dựng nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng" nhân kỷ niệm 455 năm Chúa Tiên Nguyễn Hoàng khởi nghiệp ở Ái Tử và 400 năm ngày mất của ông.
Hội thảo mang tầm quốc gia này đã thu hút sự tham gia của rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đang sống và làm việc trong nước. Có 33 tham luận với hơn 400 trang in là những công trình nghiên cứu rất mới mẻ về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã được mang đến hội thảo.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ mong muốn được gửi đến quý bạn đọc những tư liệu mà vẫn còn ít người biết về mảnh đất cách đây 455 năm Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã dừng chân để khởi nghiệp và những câu chuyện cuộc đời của vị chúa được xem là "người mang gươm đi mở cõi", người đặt những viên đá đầu tiên cho sự phát triển và tồn tại gần 4 thế kỷ của nhà Nguyễn về sau này…
Năm Đinh Hợi (1527), khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi của nhà Lê để lên làm vua, lấy niên hiệu là Minh Đức. Có thể nói rằng, hành động giết chết vua để cướp ngôi của họ Mạc lúc bấy giờ đã tạo nên một "cú sốc lớn" gây chấn động lòng dân cả nước. Đặc biệt, trước hành động bất trung của họ Mạc đã gây nên sự bất phục ở hầu hết mọi giới quan lại, sĩ phu đương thời. Giai đoạn đó, có những vị trung nghĩa với nhà Lê vì quá uất ức mà tự mình tìm đến cái chết; có người vì buồn chán mà thay tên, đổi họ để sống một cuộc đời mai danh ẩn tích quyết không ra hợp tác với nhà Mạc; có kẻ bỏ hết sự nghiệp tìm đến những nơi thâm sơn cùng cốc để thiền định tu hành; có người cùng với những chiến hữu thân tín của mình chạy sang những nước láng giềng lánh nạn, chờ cơ hội thuận lợi sẽ kéo quân trở về phục hận cho nhà Lê.
Trong số những cận thần của nhà Lê chạy qua Ai Lao hồi đó, có quan Hữu Vệ Điện Tiền Tướng quân An Thanh Hầu Nguyễn Kim, quê ở Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Giang, lộ Thanh Hoa, về sau thuộc tổng Thượng Bạn, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa; sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là xã Lam Sơn sau đổi thành xã Long Khê; từ 1954 đến nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Khi chạy sang Ai Lao, Nguyễn Kim được vua của nước này là Xạ Đẩu cho đến ở tại xứ Sầm Châu, thuộc phủ Trấn Nam và đồng ý cho mượn đất này để dựng bản doanh, chiêu mộ quân binh phò Lê diệt Mạc. Là một bậc trung thần của nhà Lê và là một tướng tài có chí lớn, vì vậy khi mới đặt chân đến xứ Sầm Châu là Nguyễn Kim bắt tay ngay vào việc tìm kiếm con cháu nhà Lê để lo việc khôi phục. Nhưng cái khó lúc bấy giờ là con cháu nhà Lê một số đã bị sát hại, một số thì phải mai danh ẩn tích để đề phòng việc bị nhà Mạc truy nã.
Cuối cùng, sau nhiều bận cử người thân tín của mình ngược xuôi đây đó, Nguyễn Kim mới tìm được một người trong tôn thất tên là Lê Duy Ninh (tục danh thường gọi là Chổm). Lúc bấy giờ, Duy Ninh sống lưu lạc trong dân gian, nghèo khổ túng bấn lắm nên nợ nần quá đỗi, vì vậy mà sau này trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu thành ngữ mang tính ám chỉ là: "Nợ như chúa Chổm".
Sách "Gần 400 năm vua chúa triều Nguyễn" của tác giả Lưỡng Kim Thành, do NXB Thuận Hóa ấn hành năm 2012 viết: Duy Ninh được Nguyễn Kim tôn phò lên ngôi, lấy hiệu là Lê Trang Tông, nhà Lê trung hưng từ đó. Lúc bấy giờ, nhà Mạc đóng đô ở Thăng Long, còn nhà Lê đóng ở hành điện nằm trên xã Vạn Lại, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Hai thế lực Lê-Mạc đánh nhau suốt 20 năm trời. Nhà Mạc ban đầu mạnh hơn, nhưng do lòng dân không phục vì chính sự phiền hà và nhất là việc Mạc Đăng Dung cắt đất 5 động phía bắc dâng cho quân Tàu để cầu phong Vương. Việc làm này đã làm cho hầu hết sĩ phu trong nước bất bình và ngấm ngầm chống lại. Trong khi đó, nhà Lê trung hưng dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Kim ngày càng có thêm nhiều binh hùng tướng mạnh. Vua Lê Trang Tông lúc đó giao hết binh quyền cho Nguyễn Kim và phong ông làm Thái sư, tước Hưng Quốc Hầu.
Thời bấy giờ, Nguyễn Kim không những đã tìm ra minh chủ để ổn định tinh thần mưu cầu việc lớn mà còn chiêu mộ về dưới trướng mình rất nhiều tướng trẻ tài ba. Trong số đó, nổi bật nhất là Trịnh Kiểm, người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc (Quảng Hóa).
Sách "Thời Nam Bắc triều" của tác giả Việt Chương, do NXB Phụ Nữ ấn hành năm 2001 viết: Lúc bấy giờ thấy Trịnh Kiểm là người có thực tài, và vì muốn mưu đồ của mình nhanh chóng đi đến thành tựu, nên Nguyễn Kim đã không ngần ngại gả người con gái cưng đầu lòng là tiểu thư Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm. Từ đó, cha vợ và con rể cùng bắt tay vào việc xây dựng lý tưởng chung là hết lòng phò vua giúp nước. Hai cha con thường tỏ ra rất tâm đắc, cùng dốc chí chiêu tập hào kiệt bốn phương, tôi rèn binh mã, tích trữ quân lương, gấp rút xây dựng và chuẩn bị trong khoảng thời gian đến 8 năm trời.
Năm 1540, khi thấy trong tay mình đã có được một đội quân hùng mạnh, từ chiến khu ở Sầm Châu, Nguyễn Kim đã phò Vua Lê Trang Tông kéo quân về đánh chiếm đất Nghệ An và chuyến hành quân ấy đã thành công rất mỹ mãn. Hai năm sau, Nguyễn Kim lại tiếp tục phò vua tiến quân ra đánh chiếm hai vùng Thanh - Nghệ. Thế quân bây giờ vô cùng hùng mạnh, nên đánh đến đâu là giành chiến thắng lẫy lừng như trúc chẻ ngói tan.
Quân Mạc yếu hèn không tài nào đương đầu kháng cự nổi mà chỉ biết làm một việc duy nhất là cuốn cờ, im trống rồi cùng nhau thúc ngựa chạy dài. Vua Lê đi đến đâu cũng được người dân nô nức tiếp đón. Nhờ vậy mà chỉ một năm sau, ngọn cờ khởi nghĩa của Lê Trang Tông đã phấp phới tung bay trên nền trời Tây đô yêu dấu.
Trước sức mạnh như cuồng phong của binh lính nhà Lê. Quan Tổng Trấn nhà Mạc là Dương Chấp Nhất biết mình thế yếu nên đã xin hàng. Việc này đúng với mong muốn của Nguyễn Kim vì Nguyễn Kim biết Dương Chấp Nhất là một viên tướng tài của nhà Mạc. Vì lẽ đó mà Nguyễn Kim đã hết lòng chiêu dụ, tìm dịp ban thưởng trọng hậu để lấy lòng. Qua kiểm chứng, Nguyễn Kim thấy nhờ có Dương Chấp Nhất cung cấp thông tin nên quân của nhà Lê mới đánh đâu thắng đó. Cho là Nhất thực lòng, nên Nguyễn Kim không hề nghi ngờ mà tỏ ra hết sức tin dùng và trọng dụng. Nhiều lần, Nhất được nhà Lê đãi ngộ rất hậu, thậm chí Nguyễn Kim còn mở tiệc tùng khoản đãi, hai người bá cổ, bá vai chén tạc chén thù có vẻ vô cùng tương đắc.
Không ngờ, việc Dương Chấp Nhất xin hàng chỉ là một kế "trá hàng" vì Dương Chấp Nhất vốn là một tay mưu sĩ. Khi thấy chủ của mình là Mạc Đăng Doanh luôn phải lo đối phó với thanh thế nhà Lê, Dương Chấp Nhất đã hiến kế xâm nhập vào nội bộ nhà Lê để phá hoại và đích thân mình thực hiện nhiệm vụ này. Để thực hiện mưu kế, Dương Chấp Nhất (Dương Chấp Nhất là người Hoằng Hóa, Thanh Hóa, là quan nội thị, võ tướng triều Mạc Đăng Doanh, làm đến chức Chưởng bộ, được phong tước Trung Hậu hầu, giao coi 3 phủ Thanh Hóa, làm Tổng trấn cả một phương) đã giao nộp cả gia đình cho nhà Lê và tỏ ý hàng phục.
Vua Lê không mảy may nghi ngờ âm mưu của Dương Chấp Nhất, tỏ rõ vui mừng khi biết mình đã thu phục được một tướng tài của nhà Mạc. Dương Chấp Nhất nhanh chóng lấy được lòng tin của vua Lê và các quan đại thần trong triều, đặc biệt là Thái sư Nguyễn Kim. Bởi vậy, khi Dương Chấp Nhất mở tiệc thết đãi, Nguyễn Kim đã vui vẻ đến dự mà không biết đó là một cái bẫy chết người đang được tên gián điệp Dương Chấp Nhất giăng sẵn để chờ mình. Nguyễn Kim dốc cạn chén rượu Dương Chấp Nhất dâng mà không một chút nghi ngờ về hai chữ "lòng trung" đang được Nhất thực hiện dưới kế sách "trá hàng".
Một lát sau, Nguyễn Kim cảm thấy mệt mỏi, choáng váng nên cáo từ ra về. Dương Chấp Nhất còn cho người đưa Thái sư về tận dinh để nghe ngóng. Đêm ấy, Nguyễn Kim đau đớn vật lộn, trên da xuất hiện nhiều vết đen. Sau khi biết mình trúng phải chất kịch độc, Nguyễn Kim đau đớn nấc lên, nôn ộc ra một vũng máu rồi chết.
Sau cái chết của Nguyễn Kim, Dương Chấp Nhất đã trốn thoát và được Mạc Đăng Doanh trọng thưởng vì công trạng của mình. Tuy kế sách chưa hoàn thành trọn vẹn, vua Lê vẫn chưa bị hạ độc thủ nhưng Mạc Đăng Doanh vẫn hết lời ca ngợi và trọng thưởng Dương Chấp Nhất.
Nguyễn Kim mất năm ông 77 tuổi, sinh thời ông có 3 bà vợ nhưng chỉ sinh được 3 người con. Con gái đầu là Ngọc Bảo (vợ của Trịnh Kiểm) và 2 người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Sau khi Nguyễn Kim chết, tất cả mọi binh quyền đều được giao lại cho Trịnh Kiểm.
Năm 1548, Vua Lê Trang Tông mất. Trịnh Kiểm đã lập thái tử Duy Huyên lên ngôi gọi là vua Trung Tông. Nhưng Vua Lê Trung Tông ở ngôi được chưa đầy 8 năm thì cũng mất. Việc Vua Trung Tông mất đã gây nên một vấn đề khá nan giải cho triều thần và Trịnh Kiểm, vì nhà vua không có con nối dõi.
Trong khi đó, dòng đích tôn của Vua Lê Thái Tổ cũng không còn một ai. Vậy thì sẽ lập ai trong dòng dõi nhà Lê để ngồi vào ngôi báu? Đã thế, thời này ai cũng biết mọi quyền hành của nhà Lê đều nằm gọn trong tay Trịnh Kiểm. Trong triều, ngoài nội ai ai cũng đều biết Trịnh Kiểm là một con người có nhiều tham vọng, chứ không phải là một trung thần đôn hậu như Nguyễn Kim. Vì thế mà lúc này, nếu như Trịnh Kiểm có xưng vương thì chắc chắn rằng không một ai dám chống lại.
Điều mà Trịnh Kiểm ngại ngần là sợ văn võ triều thần bất phục và dân chúng ở bên ngoài lên án, nên còn do dự chưa giành ngôi. Tương truyền rằng, lúc bấy giờ Trịnh Kiểm đã từng nhờ người tâm phúc bí mật ra Hải Dương để hỏi ý kiến của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Cụ trạng đã không trả lời thẳng với người tâm phúc của Trịnh Kiểm mà chỉ quay lại nói với người hầu đang đứng khoanh tay rằng: "Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng bay nên tìm giống cũ để gieo mạ". Nói xong, cụ trạng lại sai người hầu đi ra chùa nói với chú tiểu lo quét dọn và đốt hương để cụ ra lạy Phật. Trước khi đi, cụ Trạng còn nói to rằng: "Giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản".
Nghe người tâm phúc về kể lại, Trịnh Kiểm hiểu rất rõ ý nghĩa câu nói của Trạng Trình nên dù có tiếc nuối cũng bỏ ý định xưng vương mà chạy đi tìm cháu huyền tôn (cháu 4 đời) là Duy Bang (cháu gọi Lê Thái Tổ bằng chú) để lập nên làm vua gọi là Vua Lê Anh Tông.
Thời bấy giờ, theo tác giả Lưỡng Kim Thành thì Trịnh Kiểm làm thái sư, đứng đầu triều đình. Bao nhiêu quyền lực đều nằm trong tay ông. Lúc này, con trai trưởng của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông đã được tập ấm là Lãng Xuyên Hầu và được phong tả tướng. Trong triều, những người thân tín của Nguyễn Kim đôi khi đã bàn tán về khả năng chuyển giao quyền hành lại cho Nguyễn Uông… và có lẽ điều này đã khiến cho Trịnh Kiểm cảm thấy lo âu và khó chịu.
Một hôm, Nguyễn Uông dù không đau ốm gì mà đột nhiên lăn đùng ra chết. Cái chết oan nghiệt này đã làm cho người em út Nguyễn Hoàng vô cùng lo ngại, ông cảm thấy rằng rất có thể bản thân mình sẽ là đối tượng của một âm mưu tiêu diệt. Một người khác còn lo lắng hơn đó là Ngọc Bảo, bà rất lo cho tính mạng của đứa em trai út của mình.
Hai chị em đã bàn tính với nhau, rồi bản thân Nguyễn Hoàng cũng đã cùng người thân của mình vượt chặng đường xa đến tìm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để xin một lời chỉ dạy. Sau khi suy nghĩ và tìm hiểu qua quẻ Dịch, cụ Trạng đã chỉ tay về phương Nam rồi nói: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Nguyễn Hoàng nghe xong cảm thấy tâm trí như sáng ra, cúi đầu cảm tạ cụ Trạng rồi vội quay về kinh đô để gặp chị xin giúp đỡ.
Là vợ chồng, Ngọc Bảo biết rất rõ rằng, Trịnh Kiểm đang rất nặng lòng về việc không biết phải giải quyết làm sao với cậu em út của vợ. Để Nguyễn Hoàng ở trong triều thì lắm lời bàn tán, nhất là sau cái chết đầy bí ẩn của Nguyễn Uông. Nhân đó, Ngọc Bảo nói với chồng: "Sao không để cho Hoàng đi trấn nhậm phương xa cho tiện?".
Nghe vợ nói, Trịnh Kiểm thấy có lý nên khen đó là ý hay. Nhân thể, Ngọc Bảo gợi ý đến mảnh đất Thuận Hóa xa xôi nằm bên kia đèo Ngang hiểm trở. Lại là một ý rất hay nữa nên Trịnh Kiểm tỏ ý tán thành…
(Còn nữa)