Nguyên mẫu phóng sự của Nguyễn Tuân và nghi án chưa có lời giải

Chủ Nhật, 12/04/2020, 13:12
Sau một hoa giáp trên cõi đời, năm 1941, ông Thành hoàng sống Hà Công Nguyệt trở về với đất mẹ Mường Khô, để lại cho hậu thế những câu chuyện bi hùng hiển hách và một nghi án đến nay chưa có lời giải.

Cánh tay đắc lực của Đề Thám

Ông Hà Nam Ninh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước là người đã bỏ nhiều tâm huyết trong việc  nghiên cứu văn hóa Thái Mường, dành hẳn nửa ngày để chia sẻ với chúng tôi về dòng họ Hà Công. Theo đó, tổ tiên của ông Chẻm Lưu là ông Tạo Đắm, tên thật là Hà Công Ngôn, đã lập nên vùng Mường Khô từ hàng trăm năm trước.

Ông Tạo Đắm vốn là con nuôi của ông tạo Mường Khoòng mang dòng họ Hà Công lẫy lừng trên đất Lũng Cao (Bá Thước). Người họ Hà có công lớn với nhà Lê, giúp vua Lê Lợi dựng nước, lại giúp trung hưng khi nhà Mạc cướp ngôi. Cuối thế kỷ 18, thủ lĩnh Hà Công Thái sai người vào đất Gia Định tìm Chúa Nguyễn Ánh khi ấy đang bôn ba, xin chiếm giữ vùng thượng du chống lại nhà Tây Sơn, khôi phục nền móng cũ.

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông Hà Văn Mao dựng cờ khởi nghĩa, cùng các ông Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Cầm Bá Thước... chống lại thực dân Pháp. Ông Hà Văn Mao thường đưa ông Tôn Thất Thuyết đi liên kết nghĩa binh ở khắp miền Trung, miền Bắc và sang cả Trung Quốc. Những di tích và giai thoại gắn với sự hiện diện của Tôn Thất Thuyết còn rất đậm nét trong người dân miền tây xứ Thanh.

Chiếc hộp đựng sắc phong của dòng họ Hà Công.

Theo ký ức của người Mường Khô, năm 1887, trúng kế ly gián của địch, nghĩa quân của ông Hà Văn Mao chịu nhiều tổn thất. Không muốn sa vào tay giặc, ông Hà Văn Mao gửi gắm gia quyến cho người bạn chí cốt là thủ lĩnh Cầm Bá Thước và các nghĩa quân cưu mang, rồi tự sát.

Sống cùng nghĩa quân, cậu Chiều Nguyệt sớm được hun đúc lòng yêu nước, ngay từ khi còn nhỏ tuổi đã rất tự lập, luôn nuôi chí lớn giúp dân. Chưa đủ thành niên, Hà Công Nguyệt đã được các đồng chí của cha đưa sang Trung Quốc nuôi dạy đặc biệt cẩn thận đầy đủ văn tài võ lược, để trở về nước nối chí cha.

Sau hơn mười năm ăn học, ông Hà Công Nguyệt trở lại Mường Khô. Người Pháp ngay lập tức lôi kéo, phong cho ông chức Lãnh binh nên còn gọi là ông Lãnh Nguyệt, sai cầm quân đi "dẹp loạn" Đề Thám.

Không như người Pháp mong đợi, do cùng mang chí lớn, ông Lãnh Nguyệt sớm đã trở thành một cánh tay đắc lực của "Hùm thiêng Yên Thế". Không có chứng cứ nhưng người Pháp ngầm hiểu, phải sử dụng rất nhiều thủ đoạn khác nữa mới mong khống chế được con mãnh hổ của núi rừng xứ Thanh này.

Tại quê nhà Điền Lư, một mặt vẫn làm quan Lãnh binh, mặt khác ông Hà Công Nguyệt âm thầm xây dựng nghĩa quân, tập hợp lương thảo, mua sắm khí giới chờ ngày phối hợp cùng nghĩa quân Yên Thế và các thủ lĩnh khác mưu việc lớn.

Ông cũng tích cực tuyển chọn nghĩa binh cho Đề Thám. Theo lời khai của ông Đề Đàm/ Đỗ Văn Đàm tại Hội đồng Đề hình ngày 12/11/1908 (nửa tháng sau, ông Đồ Đàm bị hành quyết tại pháp trường phía trước cột cờ Hà Nội cùng một số nghĩa quân khác), tính đến năm 1907, ông Hà Công Nguyệt đã tập hợp được "cả ngàn khẩu súng cùng một ngôi nhà ba gian chứa đầy vàng bạc và sách".

Những tài sản này ông Nguyệt sẽ gửi cho các ông Đề Thám, Phan Bội Châu… khởi mưu đánh chiếm Hà Nội. Việc tích trữ không chỉ vũ khí mà cả rất nhiều sách cho thấy thêm mối liên hệ của ông Hà Công Nguyệt với phong trào khai dân trí của chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh.

Căn cứ ở thượng du Thanh Hóa của ông Hà Công Nguyệt cũng được các thủ lĩnh chọn làm nơi rút quân của Đề Thám, mưu chuyện tái lập, nếu vụ đánh thành Hà Nội gặp bất lợi. Bởi vùng núi này có nhiều yếu tố phù hợp với những cuộc khởi binh mang tầm vóc vĩ đại mà lịch sử đã chứng minh.

Kế hoạch đầu độc trại lính Pháp rồi khởi nghĩa chiếm Hà Nội tạo tiền đề cho công cuộc chống Pháp vào đêm ngày 27/6/1908 bị thất bại do nguồn tin bị lộ trước giờ tiến hành (vụ Hà Thành đầu độc). Thực dân Pháp thông qua các mật vụ đã biết được kế hoạch để kịp thời xử lý, phòng bị.

Không có tiếng pháo nào nổ để trong ứng ngoại hợp. Nội ứng bị bắt, các cánh nghĩa quân bên ngoài bị vô hiệu. Rất nhiều nghĩa quân bị bắt, có 19 người bị kết án tử hình (Pháp hành quyết 13 người ngay trong năm), 59 người bị lưu đày và tống giam với các mức án khác nhau. Ông Hà Công Nguyệt lãnh mức án khổ sai, bị đưa đi lưu đày.

Theo những tư liệu của nhà văn Nguyễn Tuân, ông Hà Công Nguyệt lãnh án khổ sai, bị đưa lên chiếc tàu La Martiniere đày đến Guyane (Nam Giang). Sau đó, ông tiếp tục bị đưa đi đến Algierie (Ái Nhĩ Nhiệt Thành), nơi đang giam lỏng nhà vua yêu nước Hàm Nghi.

Đến năm 1920, ông được đưa về quản thúc tại Sài Gòn. Năm 1922, ông lại được đưa về Huế, sau đó đưa trở về Thanh Hóa quản thúc. Mấy năm sau, ông Hà Công Nguyệt được phục chức Lãnh binh, sống ở Mường Khô. Năm 1935, người Pháp lập châu Tân Hóa gồm 4 tổng lớn và cai quản 6 dòng họ của dân Mường, giao cho ông làm Tri châu. Ông ở vùng đất quê nhà Tân Hóa đến cuối đời.

Tình bạn vong niên với nhà văn Nguyễn Tuân

Đây chính là quãng thời gian mà nhà văn Nguyễn Tuân có dịp gặp gỡ và qua lại thân thiết với con hổ lớn sa cơ Hà Công Nguyệt. Lúc này, Nguyễn Tuân mới ngoài hai mươi tuổi, đang chịu án quản thúc cùng gia đình tại làng Hạc (Thành phố Thanh Hóa ngày nay) do "nói xấu người Pháp".

Trang báo đăng phóng sự của nhà văn Nguyễn Tuân về ông Chiều Nguyệt.

Ông cùng bạn bè rắp ranh trốn quản thúc vào Sài Gòn, vượt biên sang Thái thỏa mãn thú vui xê dịch, thì lại bị bắt về. Từ bấy giờ, ông bắt đầu sự nghiệp cầm bút của mình với những tác phẩm đầu tiên cho tờ Thanh Nghệ Tĩnh tân văn.

Trong những dòng ký sự của nhà văn Nguyễn Tuân viết năm 1935 trên tờ Thanh Nghệ Tĩnh tân văn, ông Hà Công Nguyệt là một người văn võ toàn tài, cơ mưu sâu sắc, hào khí ngút trời nhưng ôm nhiều tâm sự u hoài vì thời cuộc. Nguyễn Tuân nhận mình là chỗ "cựu giao" (quen biết cũ) với ông Hà Công Nguyệt, ít nhất có ba lần gặp gỡ ấn tượng.

Mặc dù chịu nhiều kiểm duyệt của người Pháp, nhưng qua văn phong của phóng sự, thấy rõ Nguyễn Tuân rất trân trọng và kính phục ông Lãnh Nguyệt. Gọi ông Lãnh Nguyệt là "Ông hoàng tử của rừng xanh", phần nào đó cho thấy sự tôn vinh của Nguyễn Tuân đối với ông Hà Văn Mao, một thủ lĩnh Cần Vương nổi tiếng về lòng yêu nước.

Họ cùng nhau trò chuyện rất nhiều về Nho, Phật, Lão, binh thư, tân văn và thời cuộc. Nhưng bàn đến võ, Nguyễn Tuân thấy mình "rất hèn" và "ngượng nghịu" khi chứng kiến ông Lãnh Nguyệt đầy cảm khái tuốt trần cây bảo kiếm Thanh Hùng gia bảo múa tít trước sân, như nỗi niềm bi tráng của người tráng sĩ ôm mộng giúp quốc gia gặp lúc sa cơ.

Ông cũng tinh tế nhận ra "cứ một câu khôn, ông Lãnh lại chêm rào một câu rất ngớ ngẩn", đó là trí tuệ của kẻ lịch lãm phong trần, của con hổ đang thu mình giấu móng vuốt. Cuối thiên phóng sự, mặc dù mới 25 tuổi nhưng Nguyễn Tuân đầy kiêu bạc ký bút danh "Tuấn Không Sắc" rất lừng lẫy trên văn đàn ngày sau.

Những cuộc tiếp xúc với ông Hà Công Nguyệt, theo nhận định của nhiều người, chính là cảm hứng để Nguyễn Tuân viết nên các tác phẩm "Chùa đàn", "Chém treo ngành" (Bữa rượu máu). "Bữa rượu máu" rất có thể mang những ám ảnh khó phai về việc chứng kiến bốn cuộc hành quyết dã man 13 người tham gia vụ đầu độc trại lính Hà Thành, mà Nguyễn Tuân được một người trong cuộc dốc bầu tâm sự.

Ở "Chùa đàn", nhân vật cậu Lãnh Út có niềm yêu thương tột cùng với người vợ bị tai nạn xe lửa mà trở nên căm thù xã hội văn minh cơ khí, sống ngông cuồng, bế tắc, chìm trong men rượu..., mang rất nhiều nét tương đồng với cuộc đời và tâm tư của ông Lãnh Nguyệt.

Nghi án chưa tìm được lời giải

Như đã nói, ông Lãnh binh Hà Công Nguyệt có một bà vợ người Pháp, chưa rõ tên họ. Dù chưa thấy sử sách ghi chép, nhưng người dân Mường Khô luôn tin chắc chắn rằng, bà chính là người phụ nữ được Chính phủ bảo hộ cài vào nhà viên Lãnh binh để nghe ngóng, thông báo động tĩnh ở miền thượng du.

Đền Mèo, thờ ông Hà Công Thái ở Mường Khô.

Vụ đầu độc Hà thành bị đổ vỡ do một nguồn tin nặc danh mật báo, đã rò rỉ từ chính ngôi nhà của ông Hà Công Nguyệt, khi các thủ lĩnh của cánh quân này bàn bạc việc trọng đại. Một cuộc điện thoại, tin tức về đến Hà Nội. Sau vụ việc, người ta không thấy bà vợ người Pháp của ông Hà Công Nguyệt ở Mường Khô nữa.

Điều này có thể khiến ông Lãnh Nguyệt hận tới xương tủy người phụ nữ phương Tây, xã hội văn minh, như cậu Lãnh Út. Yêu tột cùng và hận muôn thuở là hai thái cực đối lập, ngòi bút của nhà văn có thể linh hoạt để tránh kiểm duyệt của người Pháp.

Nhưng sự thù ghét của người chủ vùng đất núi rừng đối với nền văn minh phương Tây, ở cả Lãnh Út và Lãnh Nguyệt đều chung một màu sắc, rất có thể vì người phụ nữ đầu gối tay ấp của mình.

Ông Chẻm Lưu trầm ngâm: "Năm 1941, khi cụ cố Hà Công Nguyệt mất, bố tôi đang còn trong bụng mẹ. Sau này, nghe các cụ kể lại, việc mai táng cụ do người của châu huyện thu xếp. Mộ cụ được chôn sâu trong lòng đất tới 12 bậc cầu thang, đi ngầm sang bên. Quan tài lớn bọc kẽm, quàn suốt 3 tháng cho người ở xa tới viếng, rồi chỉ chôn một lần không cải táng. Lúc hạ huyệt, tất cả người nhà không ai được đến gần khu mộ, chỉ những chức sắc trong làng xã mới được chứng kiến. Chắc các cụ đề phòng sau này có kẻ gian ép cung người nhà mà tìm mộ".

Rồi ông vươn cánh tay to như khúc tre đực, đen bóng như gỗ lim đón lấy chiếc hộp gỗ hình chữ nhật dài trang trí hoa văn, sơn son thếp vàng đã xỉn màu vì thời gian, bảo: "Rất nhiều chiếu chỉ, sắc phong của triều đình đã từng đựng trong hộp gỗ này. Nhưng đến giờ thì thất lạc gần hết, chỉ còn một vài bức đang gửi dưới huyện Cẩm Thủy, trong nhà chú em họ là Hà Công Nương. Ngay cả bức ảnh thờ của cụ Hà Công Nguyệt cũng không còn giữ".

Đến ngày nọ, một ông già người Mường chống gậy tìm đến tận nhà ông Chẻm Lưu, tự xưng là ông xã Chòm, tên tục là Vin, trước đây được giao việc trông coi và hương khói cho phần mộ của dòng họ Hà Công ở Mường Khô: "Chắc các cụ muốn tau (tao) bàn giao việc chăm nom thờ phụng mồ mả lại cho con cháu của mình. Đêm nào các cụ nhà mi (mày) cũng cưỡi ngựa về, lấy roi đánh tau đau lắm thôi".

Ông xã Chòm bí mật chỉ lại vị trí thật sự của ngôi mộ cụ Hà Công Nguyệt và những ngôi mộ quan trọng khác cho ông Chẻm Lưu. Từ bấy đến nay, ông Chẻm Lưu âm thầm lãnh trọng trách ấy...

Lê Quân
.
.
.