Cuộc chiến trên biển giữa Iran và Mỹ năm 1988

Thứ Ba, 08/10/2019, 23:15
Bài viết mới đây trên National Interest - một tạp chí đối ngoại của Mỹ - đã hé lộ về cuộc chiến trên biển giữa Mỹ và Iran vào năm 1988. Đó là một cuộc chiến không cân sức và kết quả của nó đã góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh giữa 2 quốc gia láng giềng Iran - Iraq.


Mệnh lệnh: Phá hủy khinh hạm Sabalan

Các mệnh lệnh từ Tham mưu trưởng liên quân Mỹ rõ ràng: Tàu khu trục Sabalan "phải chết".

Vào ngày 14-4-1988, tàu khu trục Mỹ USS Samuel B. Roberts đã chạy vào giàn khoan dầu của Iran trong nỗ lực tránh một bãi thuỷ lôi. Tuy nhiên, thân tàu vẫn bị xé toạc một vệt dài 6,4m và 10 thủy thủ bị thương. Chỉ nỗ lực kiểm soát thiệt hại một cách anh hùng mới giữ cho tàu khu trục không bị chìm. Đây được coi là "cọng rơm cuối làm gãy lưng con lạc đà" trong căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau 10 tháng giao tranh giữa tàu Mỹ với các lực lượng của Iran trên Vịnh Persian.

Đó là năm thứ 8 đẫm máu của cuộc chiến tranh Iran - Iraq, trong đó Iran đã tiến hành tấn công các tàu vận tải thương mại ở vùng Vịnh để trả đũa cho sự hỗ trợ của Arab đối với Iraq.

Từ tháng 6-1987, các tàu của Mỹ bắt đầu hộ tống các đoàn tàu thương mại ở vùng Vịnh dưới sự điều hành của chiến dịch "Earnest Will". Giữa lúc đó, các nhà điều hành chiến dịch đặc biệt ngồi trên máy bay trực thăng bắt gặp một tàu Iran rải thuỷ lôi vào ban đêm và đã ghi lại vào một cuốn nhật ký chứng minh sự tham gia của Iran.

Ngày 18-4-1988, tàu khu trục Sahand của Iran bốc cháy do trúng tên lửa và bom chùm của Mỹ. Ảnh: National Interest/ Hải quân Mỹ.

Theo sau vụ tàu khu trục Roberts bị dính thuỷ lôi, Tổng thống Ronald Reagan muốn tung ra đòn trả đũa, trừng phạt mạnh mẽ hơn. Cuộc tấn công thực tế vào đất liền của Iran được coi là sự leo thang xung đột. Nên, thay vào đó, chiến dịch Praying Mantis (Con bọ ngựa) sẽ tấn công đáp trả vào hai giàn khoan dầu của Iran - được sử dụng để giám sát tuyến đường biển qua eo biển Hormuz và các cuộc tấn công bằng xuồng máy. Và mục tiêu chính của chiến dịch là khinh hạm Sabalan.

Tàu khu trục lớp Saam nặng 1.500 tấn là một trong ba tàu do Vosper ở Anh sản xuất cho Iran trong những năm 1970. Nó được trang bị súng liên thanh 4,5 inche và tên lửa hành trình Sea Killer do Italy chế tạo trên bệ phóng gắn ở đuôi tàu. Với việc Iran sử dụng phiên bản cải tiến của Sea Killer có tên gọi là Sea Dawn, các tàu khu trục đã tấn công 6 tàu buôn của Iraq trong khoảng 5 tháng từ năm 1986-1987.

Tuy nhiên, Abdollah Manavi - thuyền trưởng khinh hạm Sabalan - đã trở nên đặc biệt nổi tiếng khi sử gia quân sự Mỹ David Crist kể lại trong cuốn sách "Cuộc chiến lúc chạng vạng" như sau:

"Thuyền trưởng đáng ghét này có biệt danh là 'Thuyền trưởng Nasty' do tiếng tăm lẫy lừng của con tàu khi cố tình tấn công các thuỷ thủ đoàn của tàu vận tải. Thậm chí ngay cả khi mệnh lệnh của cấp trên từ Bandar Abbas chỉ đạo không được tấn công các tàu chở dầu, thì dường như anh ta vẫn thường xuyên phớt lờ các yêu cầu đó. Anh ta vẫn nhắm mục tiêu vào thủy thủ đoàn cũng như xuồng cứu hộ. Sau đó, tàu Sabalan có thể sẽ truyền đi thông điệp "Chúc một ngày tốt lành" tới các tàu chở dầu đang vô vọng.

Trận chiến không cân sức

Vào sáng 18-4, ba tàu thuộc Nhóm hành động trên biển của Hải quân Mỹ (SAG) đã tập hợp, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Tàu khu trục USS Gary vẫn ở vị trí dự phòng. Các pháo hạm Marine Sea Cobra và các máy bay trực thăng SH-2 SeaSprite của Hải quân Mỹ đã bay ra vùng Vịnh Persian, theo dõi sự di chuyển của phía Iran và các tàu vận tải thương mại dường như để phòng trừ các sự số hoả hoạn xảy ra trên hải tuyến hẹp và đông đúc.

Nhóm SAG Bravo bao gồm tàu khu trục USS Merill thuộc lớp Spruance, tàu khu trục tên lửa cũ hơn Lynde McCormick và tàu đổ bộ Trenton, mang theo các máy bay trực thăng từ lực lượng đặc nhiệm Không-Thuỷ quân lục chiến Nhóm 2-88.

Giàn khoan Sassan bị nhóm SAG Bravo tấn công vào ngày 18-4-1988. Ảnh: USNI.

Lúc 8h sáng, Bravo tiếp cận giàn khoan dầu Sassan của Iran vốn được 4 khẩu pháo phòng không ZU-23 cỡ nòng 23 ly và tên lửa đất đối không SA-7 bảo vệ. Mỗi cuộc tấn công của Mỹ diễn ra theo kiểu như cuộc giáp lá cà thời thế kỷ 19. Các tàu của Mỹ phát trên radio thông báo ý định sẽ phá huỷ các giàn khoan này và cho phía Iran 5 phút để rời bỏ tàu. Hầu hết thủy thủ đoàn phía Iran hoảng loạn bỏ chạy trên hai tàu kéo, song một số người vẫn ở lại và nổ súng chống trả".

Thuyền trưởng J.B. Perkins III nhớ lại khoảnh khắc này trong cuốn "Praying Mantis: The Surface View": Vào lúc 8h04', chúng tôi nói với những người trên tàu rằng thời gian của họ đã hết và bắt đầu bắn vào các ụ súng. Đây không phải là một cuộc yểm trợ hoả lực như truyền thống. Tôi quyết định sử dụng các luồng khí gas trên giàn khoan để kìm giữ các thuỷ thủ và phá huỷ ăng-ten chỉ huy, kiểm soát, song tránh làm hỏng những chỗ tiềm năng có thể đổ bộ.

Loạt khai hoả đầu tiên của tàu Merill từ súng máy 5-inch cỡ 51, trong khi phía Iran là 23 ly. Giá súng được mở ra, thu hút sự chú ý của cả những người trên cầu tàu lẫn người quan sát trên đỉnh. Tàu Merill lập tức "bịt miệng" họng súng Iran bằng một cú nã trực tiếp mà không gặp phải sự phản kháng nào. Các tay súng trên trực thăng Marine Sea Cobra cũng bắt đầu sẵn sàng với tên lửa chống tăng TOW.

Sau khoảng 50 loạt đạn, nửa họng khí phía nam giàn khoan nổ tung, đám đông lớn ngã xuống la liệt ở phía bắc. Tại thời điểm này, chúng tôi kiểm tra súng và cho phép một tàu kéo trở lại, gom những người của giàn khoan Sassan còn sống sót - Perkins kể tiếp.

Sau khi bắn phá thêm một lúc, vào 9h25', trực thăng Huey và CH-46 đã sà xuống giàn khoan đang bốc cháy và hai trung đội thuỷ quân lục chiến leo thừng từ máy bay, triển khai nhanh xuống. Trong 2 giờ tiếp theo, giàn khoan đã bị rải đầy 1.500 pound (680kg) chất nổ. 7 phút sau khi lực lượng thuỷ quân lục chiến rời đi, giàn khoan Sassan bùng cháy trong một vụ nổ lớn.

Một máy bay trực thăng Cobra sau đó phát hiện có vẻ tàu khu trục lớp Saam đang tiếp cận SAG Bravo từ phía đông bắc. Có phải Sabalan xuất trận?

Tàu Merill sẵn sàng tấn công bằng tên lửa Harpoon. Perkins cho hay, may mắn thay, sự thận trọng đã ngăn chặn một vụ việc mang tầm quốc tế. "Chúng tôi sau đó được yêu cầu cung cấp thêm thông tin mô tả về tàu và cuối cùng là số hiệu thân tàu. Các thông tin đó cho biết hoá ra đó lại là tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Sovremennyy của Liên Xô" - Perkins kể.

Trong khi đó, nhóm tác chiến SAG Charlie bao gồm tuần dương hạm tên lửa Wainwright, tàu khu trục USS Simpson và USS Bagley bắt đầu tấn công giàn khoan Sirri-D.

Một lần nữa, hầu hết thuỷ thủ đoàn đã sơ tán, mặc dù một số ít người điều khiển súng máy ZU-23 vẫn trụ lại trên giàn khoan. Khi các tàu chiến bắt đầu bắn phá Sirri, một quả pháo đã khiến một thùng khí nén phát hoả và thiêu trụi toàn bộ giàn khoan trong ngọn lửa chết chóc. Kế hoạch đổ bộ của một trung đội đặc nhiệm Hải quân SEAL lúc này không còn cần thiết. Sau cuộc chiến trên biển này, những giàn khoan bị phá huỷ và các công ty dầu mỏ của Pháp và Nga phải xây dựng lại.

Còn 10 phút nữa là đến giữa trưa, tàu tuần dương Wainwright lại bất ngờ phát hiện một con tàu đang đến gần. Đây là tàu Joshan của Iran - một tàu tên lửa tấn công nhanh thuộc lớp La Commandante do Đức chế tạo, đã được hoán cải chỉ còn 234 tấn - quá nhỏ bé so với trọng lượng 8.000 tấn của Wainwright. Joshan chỉ có một tên lửa diệt hạm Harpoon trên bệ phóng đôi hai ray của nó và theo lệnh là không được khai hoả.

Cục diện lúc này trông như một trận chiến ở miền Tây hoang dã, ba tàu chiến Mỹ đã dàn hàng ngang khi tàu tấn công nhanh với thuỷ thủ đoàn 30 người tiến về phía họ với tốc độ 30 hải lý. Sau khi Joshan phớt lờ một số yêu cầu rút lui, Wainwright ra tín hiệu "Tắt động cơ, rời tàu, chúng tôi sẽ đánh chìm tàu của các bạn". Thế nhưng, Joshan đột ngột triển khai radar dẫn đường cho tên lửa Harpoon từ khoảng cách 15 dặm (24km), theo nhiều nhân chứng Mỹ.

Khi tàu tên lửa tấn công cùng đầu đạn 500 pound chết chóc của nó lao nhanh về phía Wainwright với tốc độ 500 dặm/h (800km/h), tàu tuần dương lớp Belknap né để máy bay trực thăng SH-2 gây nhiễu với hệ thống radar, ánh xạ trong không khí. Tên lửa với radar dẫn đường của Iran có thể gặp trục trặc khi hoả tiễn đã vượt qua mạn bên phải của Wainwright. Tuy nhiên, thuyền thưởng Malek của Joshan khẳng định ông đã tuân theo mệnh lệnh và không bao giờ nổ súng vào các tàu Mỹ. Thay vào đó, ông tuyên bố rằng một sĩ quan cấp thấp đã phóng tên lửa SA-7 vào trực thăng Mỹ.

Wainwright và Simpson cùng trả đũa bằng một loạt sáu tên lửa SM-1 nhỏ hơn, đã phá huỷ khoang máy của Joshan. Một tên lửa Harpoon bắn trượt khi Joshan bắt đầu bị chúi mũi xuống nước. SAG Charlie hạ gục hẳn tàu tấn công nhanh bằng cú nã đạn pháo 5 inche liên tiếp cho đến khi Joshan chìm, mang theo 11 thuỷ thủ đoàn.

Kết thúc chiến tranh Iran - Iraq

Tất cả những gì còn lại được cho là ba tàu của nhóm SAG Delts đã định vị và phá huỷ Sabalan. Nhưng khinh hạm khét tiếng ở đâu?

Dẫn nguồn War is Boring, VNE cho biết, chiến sự tiếp diễn khi tàu hộ vệ Sahand của Iran rời cảng Bandar Abbas để khiêu chiến với lực lượng Mỹ. Hai cường kích A-6E phát hiện nó khi đang tuần tra trên không. Sahand phóng tên lửa phòng không nhằm vào biên đội A-6E nhưng trượt mục tiêu, máy bay Mỹ đáp trả bằng hai tên lửa diệt hạm Harpoon và 4 tên lửa dẫn đường laser Skipper. 

Lực lượng đặc nhiệm Hải quân SEAL của Mỹ và phía Iran đều sẵn sàng cho trận chiến trên vịnh Persian.

Tàu khu trục USS Joseph Strauss cũng phóng một quả Harpoon. Phần lớn tên lửa đều trúng đích, khiến Sahand hỏng nặng và bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa từ boong tàu sau đó lan xuống kho đạn, gây ra vụ nổ làm con tàu chìm hẳn.

Chiều 18-4, tàu Sabalan rời cảng Bandar Abbas và phóng nhiều tên lửa phòng không vào phi đội A-6E Mỹ. Cường kích Mỹ thả một quả bom dẫn đường laser trúng ống khói tàu chiến Iran, khiến nó bốc cháy và mất khả năng chiến đấu. Dù phần đuôi bị chìm một phần, Sabalan vẫn được kéo về cảng để sửa chữa và trở lại hoạt động sau này. Những chiếc A-6E ngừng tấn công và trở về tàu sân bay USS Enterprise.

Iran tiếp tục phóng một số tên lửa chống hạm HY-4 vào nhóm tàu chiến Mỹ trên eo biển Hormuz và USS Gary ở bắc vịnh Persian. Tuy nhiên, tất cả đều trượt mục tiêu do tàu chiến Mỹ cơ động né tránh và tung mồi bẫy đánh lừa. Lầu Năm Góc sau đó bác bỏ thông tin chiến hạm Mỹ bị tấn công nhằm tránh để căng thẳng leo thang.

Sau khi đánh hỏng tàu Sabalan, lực lượng hải quân Mỹ được lệnh rút quân, giúp Iran có đường xuống thang và tránh gây ra thêm xung đột. Tehran chấp nhận đề xuất ngừng bắn.

Thống kê sau trận đánh cho thấy, Iran có 56 binh sĩ thiệt mạng, trong khi Mỹ mất hai phi công trực thăng AH-1 do đâm xuống biển khi né tránh hỏa lực phòng không.

Chiến dịch Praying Mantis là trận hải chiến lớn nhất của Mỹ kể từ sau Thế chiến II.

"Chỉ trong một buổi chiều 18-4-1988, tàu chiến và máy bay Mỹ đã đánh chìm hoặc làm hư hại nặng một nửa lực lượng tác chiến của hải quân Iran. Thiệt hại trong trận đánh này nhiều hơn tổng thiệt hại của Iran sau 8 năm chiến tranh với Iraq. Đây dường như là một trong những lý do chính khiến Iran quyết định chấm dứt chiến tranh với Iraq vào giữa năm đó", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.

Gia Minh
.
.
.