Có một huyền tích Tây Sa Công chúa
Nói rồi bà Thành mời chúng tôi vào uống nước. Trong nhà tiền đã có mấy bà mấy cô đang tíu tít, người thì lau dọn điện thờ, người thì sắm sang mũ áo, người thì chừng như đang ôn lại bài văn tế. Bà Thành hớn hở ra mặt, bà khoe luôn: "Bà Tây Sa Công chúa là con gái làng này ông à".
Nghe bà Thành nói vậy tôi chợt nhớ lúc đứng trước cổng tam quan, "nhà Hán Nôm" Thái Doãn Mại chăm chú đọc. Trên cổng bên trái có dòng chữ "Địa linh sinh nữ kiệt", còn trên cổng bên phải có dòng chữ "Đồng Kim tòng hóa từ". Cứ hiểu theo chữ viết thì đất này, làng Đồng Kim (xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) là nơi sinh thành Tây Sa Công chúa. Và khi bà hóa thì ngôi đền thờ Bà được tạo lập.
Cổng Tam quan đền thờ Tây Sa Công Chúa ở làng Đồng Kim |
Làng Đồng Kim xưa còn gọi là làng Đồng Miêng hay làng Miêng. Nơi đây tuy cách sông Hồng không xa nhưng khi xưa còn nhiều hoang vắng. Trong làng có một người đàn bà họ Nguyễn một thân một mình trong túp lều cỏ ven làng. Bà Nguyễn đã vào tuổi ngũ tuần nhưng còn nhanh nhẹn. Tiếng thân đơn chiếc nhưng bù lại Bà Nguyễn có "lộc", đấy là trời cho bà cái nghề chữa bệnh cứu người. Những thứ lá cây tưởng như cỏ dại ngoài đồng được Bà Nguyễn thu hái về sao tẩm thành những vị thuốc nam độc đáo. Quanh vùng hễ ai có bệnh là Bà Nguyễn tới giúp. Món thuốc cỏ quê hóa ra lại hay, nó gần gũi và dễ kiếm.
Một đêm tối trời, Bà Nguyễn sau một ngày vất vả thì mơ ngủ. Bỗng từ phía tây chợt có một con chim xanh bay tới rồi sà vào trong màn. Con chim xanh sau khi lượn một vòng trong màn thì bên tai bà Nguyễn vang lên câu nói: "Ta gửi nhà ngươi một người con gái. Người sinh nuôi nó cho ta". Tiếng nói vừa xong cũng là lúc bà Nguyễn tỉnh dậy, bà ngơ ngác nhìn quanh nhưng tuyệt nhiên vắng vẻ. Chỉ nghĩ là giấc mơ thôi nhưng chín tháng mười ngày sau bà Nguyễn sinh nở được một người con gái. Cô gái vừa chào đời đã cho thấy đó là một tuyệt sắc giai nhân. Dân làng Miêng bán tin bán ngờ nhưng ai cũng mừng cho bà Nguyễn vì hai lẽ. Lẽ thứ nhất là bà Nguyễn khi già rất cần có nơi nương tựa. Lẽ thứ hai là sẽ có người nối nghiệp bà Nguyễn chăm lo thuốc thang cho dân.
Người con gái sinh ra đúng lúc trên bầu trời có áng mây hồng vắt ngang, áng mây hồng tỏa xuống cánh đồng làng Miêng một màu ấm êm nên người làng Miêng đặt tên cho cô gái là Hồng Vân; nhưng Bà Nguyễn lại cứ gọi người con gái do mình sinh ra là Nàng Nguyễn. Bà muốn cô gái sau này không chỉ giữ họ của mình mà sẽ nối nghiệp mình.
Nàng Nguyễn lớn lên như bao thanh nữ thôn quê khác. Ngày ngày cô theo mẹ già ra đồng thu hái lá thuốc, tối về cùng mẹ sao tẩm thành những vị thuốc. Nhờ sắc sảo thông minh và nhất là được bà Nguyễn tận tâm truyền dạy nên chẳng mấy chốc tiếng tăm về nghề thuốc của Nàng Nguyễn vang khắp vùng. Cô lớn lên và đã thay được việc mẹ để lo toan thuốc men cho dân. Những bài thuốc do Bbà Nguyễn truyền dạy đã được Nàng Nguyễn nâng lên thành những bài trị đặc hiệu. Chẳng mấy chốc tài thuốc của cô được vang xa.
Ngai vị Chử Đồng Tử (ở giữa) cùng Công chúa Tiên Dung (bên trái) và Tây Sa Công Chúa. |
Năm ấy trong thiên hạ xảy ra dịch bệnh lạ. Bệnh dịch lây lan khiến Vua Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương) tỏ ra vô cùng lo lắng. Vua bèn phái Phò mã Chử Đồng Tử đi khắp nơi để tìm người trị bệnh. Một ngày vừa sáng, Phò mã Chử Đồng Tử mặc áo bào đỏ, cùng phu nhân là Công chúa Tiên Dung mặc áo bào vàng, cưỡi ngựa dạo về chốn quê (Chử Đồng Tử là người con của vùng đất bãi sông Hồng nơi thuộc các huyện Văn Giang, Gia Lâm hiện nay).
Chử Đồng Tử cùng Tiên Dung đã đi qua bao làng thôn, đi khắp các cánh đồng nhưng vẫn chưa tìm được người có tài thuốc trị bệnh. Khi đến cánh đồng làng Ông Đình thì hai con ngựa bỗng dùng dằng không chịu đi tiếp. Thấy lạ và còn đang phân vân thì chợt vọng từ ruộng lúa lên câu hát: "Này chị em ơi/ Tôi là con gái Đồng Miêng/ Nghề nông sớm tối phải siêng cấy cày/ Nắng mưa việc chẳng ngơi tay/ Cấy chăm cây lúa mai ngày lên xanh". Câu hát thể hiện bản chất lam làm của người hát làm Phò mã Chử Đồng Tử cùng Công chúa Tiên Dung thấy ấm lòng. Hai người dừng lại chăm chú lắng nghe. Giọng hát thanh thanh lại cất lên: "Bài thuốc gia truyền tôi mang đi khắp cùng quê/ Bài thuốc gia truyền trị bệnh cho dân giúp đời làm phúc/ Dân khỏe, dân giàu, no ấm làng quê".
Quang cảnh lễ tế Thánh tại đền |
Phò mã cùng phu nhân mừng hết đỗi, hai người xuống ngựa tiến lại gần nơi cất lên câu hát. Họ đã nhận ra có hai người một già một trẻ đang mải mê cấy lúa. Phò mã Chử Đồng Tử cất tiếng hỏi, từ dưới ruộng một cô gái đứng thẳng lưng nhìn ra. Chử Đồng Tử đã nhận thấy đó là một cô gái tuyệt đẹp, chiếc áo dài màu xanh cô đang mặc như trộn hòa cùng cây lúa. Phò mã thấy vậy liền đưa ra câu đối ghẹo chơi: "Cô thợ cấy thoăn thoắt như người nhặt hoa". Cô gái cũng không vừa, cô khép vạt áo rồi trả lời: "Cậu cưỡi ngựa rườm rà như hoa mới nở". Phò mã Chử Đồng Tử cau mày, quả là cô gái này đáo để thật, cô gái đã nhắc khéo ta.
Bấy giờ Công chúa Tiên Dung mới thong thả bước tới, nàng có linh cảm đấy chính là người mà họ đang tìm. Công chúa Tiên Dung mừng rỡ: "Gặp mặt người ta mới rõ. Đúng là mắt ngọc mày ngài. Nhân từ duyên dáng có tài thuốc tiên".
Nàng Nguyễn được Phò mã Chử Đồng Tử cùng phu nhân Tiên Dung mời theo chữa bệnh cho thiên hạ khỏi dịch bệnh. Nàng Nguyễn xin phép mẹ rồi đi theo hai người. Nhờ bài thuốc gia truyền mà lại vô cùng dễ kiếm nên dịch bệnh được chữa trị. Vua Hùng mừng lắm. Phò mã Chử Đồng Tử cũng mừng lắm. Những món thuốc lá cỏ tưởng như vô dụng không ngờ lại hiệu nghiệm. Dân gian trở lại yên lành và từ đó Nàng Nguyễn được tôn là "Mẫu Y thiên hạ".
Khi sánh đôi cùng Chử Đồng Tử do duyên phận tình cờ nên Công chúa Tiên Dung đã thầm "sẽ không sinh con" nay gặp Nàng Nguyễn là công chúa nghĩ ngay tới việc tác thành cho Phò mã. Hơn nữa cứ nhìn cách Phò mã hát đối rất tâm đầu ý hợp với Nàng Nguyễn là biết. Công chúa bèn gặp Nàng Nguyễn và nói: "Âu là muôn sự tự nhiên. Muốn cho Phò mã se duyên với người". Nói rồi Công chúa quay sang Chử Đồng Tử và hỏi: "Chắc Phò mã đã nói rõ với người rồi chứ?".
Chử Đồng Tử bụng thấy khấp khởi nhưng cũng đắn đo, Phò mã nhìn Nàng Nguyễn thăm dò ý tứ. Nàng Nguyễn bèn hát: "Duyên phận ta phải chiều/ Dẫu qua trăm suối ngàn đèo có nhau/ Trăm năm thề chẳng phai màu". Từ đó bên cạnh phu nhân là Công chúa Tiên Dung, luôn có Nàng Nguyễn. Họ trở thành "cặp" không thể tách rời. Luôn bên nhau và cùng nhau xây dựng nên một "Nhà nước" kinh tế phồn thịnh, giao thương rộng mở, dân chúng hân hoan.
Tác giả trong buổi lễ tế |
"Đúng là dòng dõi con rồng cháu tiên có khác. Nói như cách nói thời nay là Công chúa Tiên Dung đi hỏi vợ cho chồng!?. Tôi ngắt ngang câu chuyện và nói như vậy. Các bà Thành, bà Thanh, Lan, Tập đang ngồi góp chuyện cùng gật đầu: "Người tiên không chắp nhặt như tiện dân chúng ta".
"Nhưng vì sao lại có chuyện Nàng Nguyễn lại được gọi là "Tây Sa Công chúa nhỉ?". Tôi lại hỏi xen ngang. Các bà các cô đều dừng tay đưa mắt hỏi nhau. Bấy giờ "Nhà Hán Nôm" Thái Doãn Mại, sau khi đã đủng đỉnh đọc khắp các câu đối cùng các hoành phi trong đền mới góp chuyện: "Trong bản phả còn ghi lại một đoạn cuộc trò chuyện giữa Công chúa Tiên Dung và Nàng Nguyễn. Tiên Dung đã hỏi: "Nàng là tiên hay là thần gió, thần hoa đây?". Nàng Nguyễn đáp: "Ta chỉ náu mình thôi, ta là Tây Nữ Tiên Cung. Nay không hẹn mà gặp nhau tại đây".
Sau sự kiện đêm 17 tháng Một, đêm mà Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân vì không muốn nghe những lời gièm pha cũng như để tránh một "cuộc nồi da nấu thịt" với quân của Vua cha nên đã cùng nhau hóa thân bay về trời (ngày đó được gọi là ngày "Tam vị đồng thăng"). Vua Hùng Duệ Vương đã xa giá đến nơi ba vị hóa, vua nhìn lên trời thấy có người con gái cưỡi hạc trắng từ phương Tây bay đến, dừng giữa khu trước kia là thành ốc huy hoàng của Chử Đồng Tử (Sau đêm ấy đã biến thành Đầm Dạ Trạch) người con gái ấy tự xưng là "Tây cung vương nữ, vâng mệnh Chử Đồng Tử và Tiên Dung, đến tạ phụ vương và xin thứ cho tội "phi tử" của các con". Hùng Duệ Vương vô cùng hối hận vì đã nghe lời xúc xiểm. Vua liền phong sắc cho Nàng Nguyễn là "Nội trạch Tây Cung Tiên nữ - Hồng Vân Công Chúa".
Lễ tế Thánh bắt đầu, bữa nay giản tiện bởi đang có dịch COVID-19. Bà Thành mặc áo bào đỏ đứng trên cùng, hai bên là bà Thanh mặc áo bào vàng và bà Lan mặc áo bào xanh. Cả ba cùng mọi người hướng lên Điện thờ Tam vị với thái độ cung kính. Tiếng tấu hát vang lên: "Chúng con thành kính dâng lên/ Cúi xin Tam vị Thánh hiền chứng cho/ Cầu xin ngô lúa đầy bồ/ Phong đăng hòa cốc được mùa toàn dân/ Cầu cho quốc thái dân an/ Già trẻ thọ tràng lại được sống lâu".
Tôi nhắm mắt mơ mơ, dường như Ngai Tam vị đang được rước đi quanh làng. Tiếng trống tiếng phách vang lên rền rã.