Câu chuyện về nữ Đại sứ Hòa bình Samantha Smith

Thứ Ba, 30/10/2018, 15:34
Samantha Smith - cô bé người Mỹ được đích thân lãnh tụ Xôviết mời sang thăm đã là một sự kiện gây chấn động thực sự. Gia đình Smith đã nhận lời mời và Samantha sẽ cùng bố mẹ tới Liên Xô. Trước chuyến đi, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã tới gặp gia đình nhà Smith, nhắc nhở họ một số vấn đề để không có phát biểu gì gây ảnh hưởng tới Washington…

Ngày 25 tháng 8 năm 1985, chiếc máy bay Beechcraft 99 khi đang hạ cánh tại sân bay thành phố Auburn-Lewiston (Mỹ) đã gặp tai nạn. Toàn bộ 2 phi công và 6 hành khách trên máy bay đều thiệt mạng. Bi kịch liên quan đến vụ tai nạn nói trên có lẽ sẽ không được báo chí trên khắp thế giới nhắc tới quá nhiều nếu như trên chiếc máy bay không có mặt Samantha Smith. Cô bé người Mỹ khi đó mới có 13 tuổi nhưng đã được cả thế giới biết đến với danh hiệu "nữ đại sứ hòa bình" nhỏ tuổi.

Lá thư bất ngờ

Tất cả bắt đầu vào mùa thu năm 1982, sau khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (cũ) Leonid Brezhnev qua đời, Yuri Andropov lên nắm quyền, trở thành nhà lãnh đạo mới của Liên Xô. Từng là cựu giám đốc Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB), ông Andropov được phương Tây biết đến là một người cứng rắn, không có ý định bỏ qua những nỗ lực tổ chức "một cuộc thập tự chinh chống lại chủ nghĩa cộng sản" của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.

Samantha Smith.

Chiến tranh Lạnh một lần nữa lại có chuyển hướng nguy hiểm hơn với những tuyên bố mang tính đối đầu cứng rắn của cả hai bên. Tạp chí "Time" của Mỹ khi đó đã đăng trên bìa của mình hình ảnh Tổng thống Mỹ Reagan và nhà lãnh đạo mới của Liên Xô khi ấy, kèm theo đó là bài báo có tuyên truyền rằng ông Andropov "là một người rất nguy hiểm, rằng dưới sự lãnh đạo của ông, Liên Xô đang là mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết đối với an ninh của Mỹ…".

Khi đọc bài báo trên, một nữ công dân Mỹ có tên Jenny Smith đã nói với cô con gái 10 tuổi Samantha rằng: "Sẽ thật là tốt biết bao nếu ông Andropov có những ý tưởng mới để Mỹ và Liên Xô chung sống hòa bình". Samantha đã hỏi mẹ mình rất nhiều về Chiến tranh Lạnh và về nhà lãnh đạo mới của Liên Xô. "Nếu tất cả mọi người đều sợ ông ấy như thế thì tại sao không có ai viết thư hỏi ông ấy rằng liệu ông ấy có muốn chiến tranh xảy ra hay không?" -  cô bé hỏi mẹ.

"Vậy con hãy viết cho ông ấy đi" - bà Jenny nói đùa. Sau đó, cô bé vào phòng và một lúc sau đi ra với bức thư trên tay.

Thưa ngài Andropov,

Tên cháu là Samantha Smith, 10 tuổi. Chúc mừng Ngài được bầu vào cương vị mới. Cháu đang rất lo rằng liệu có một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ hay không. Liệu Ngài có muốn một cuộc chiến hay không? Nếu không, Ngài hãy nói cho cháu biết Ngài sẽ làm gì để ngăn chiến tranh xảy ra? Ngài đương nhiên không phải trả lời câu hỏi của cháu nhưng cháu muốn biết vì sao Ngài lại muốn chiếm cả thế giới hay ít nhất là đất nước của cháu. Chúa tạo ra thế giới để chúng ta chung sống chứ không phải để gây chiến với nhau.

Kính thư

Samantha Smith

Jenny cùng với chồng là Arthur đã quyết định gửi bức thư của Samantha tới ông Andropov. Samantha tin chắc rằng mình sẽ nhận được thư trả lời. Thực tế là, Yuri Andropov không phải nhà lãnh đạo đầu tiên mà cô bé viết thư. Có lần, sau khi xem phóng sự về Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Samantha đã viết thư gửi Nữ hoàng và không lâu sau cô đã nhận được câu trả lời. Từ đó, cô cho rằng không có gì là không thể.

Đầu năm 1983, bức thư của Samantha Smith gửi ông Yuri Andropov được đăng trên tờ "Sự thật" của Liên Xô. Rất nhanh chóng, tên tuổi của cô bé đã được cả thế giới biết đến. Nhiều phóng viên đã tới gặp gia đình Smith để phỏng vấn Samantha dù cô bé vẫn thắc mắc rằng tại sao vẫn chưa có câu trả lời từ ông Andropov. Samantha quyết định viết thêm một lá thư để gửi tới Đại sứ Liên Xô Yuri Dobrynin hỏi về điều này. Ngày 25 tháng 4 năm 1983, thư trả lời của ông Andropov được đăng trên tờ "Sự thật".

Gửi Samantha

Tôi đã nhận được lá thư của cháu cũng như nhiều lá thư khác mà tôi nhận được những ngày gần đây từ đất nước của cháu và những nước khác. Tôi thấy cháu là một cô bé can đảm và thật thà, giống như Becky -  người bạn của Tom Sawyer trong cuốn sách nổi tiếng của Mark Twain. Các cô cậu bé ở đất nước của tôi đều rất thích đọc cuốn sách này.

Cháu viết rằng cháu rất lo lắng liệu có xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai nước chúng ta không và hỏi rằng chúng ta phải làm gì đó để không làm bùng nổ cuộc chiến. Câu hỏi này của cháu chính là câu hỏi mà mọi người đều đang quan tâm. Tôi sẽ trả lời cháu một cách nghiêm túc và thẳng thắn.

Đúng vậy, Samantha, chúng tôi ở Liên Xô đang cố gắng làm mọi thứ để ngăn chặn chiến tranh xảy ra giữa hai nước chúng ta và hơn thế nữa là trên thế giới. Đây là điều mà người dân Xôviết mong muốn. Đây cũng là điều mà người sáng lập nhà nước Xôviết vĩ đại Vladimir Lenin đã dạy.

Người dân Xôviết đều biết rõ chiến tranh có sức tàn phá khủng khiếp như thế nào. 42 năm trước, vì muốn thống trị thế giới, Đức Quốc xã đã tấn công đất nước của chúng tôi, tàn phá hàng ngàn thành phố và làng mạc, giết chết hàng triệu người dân, kể cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em.

Chiến tranh đã kết thúc bằng chiến thắng của chúng tôi. Chúng tôi đã liên minh với nước Mỹ, cùng nhau chiến đấu để thoát khỏi những kẻ xâm lược. Tôi mong là cháu biết những điều này qua những bài học lịch sử ở trường. Ngày nay, chúng tôi rất mong muốn sống trong hòa bình, hợp tác với các nước láng giềng xa gần trên thế giới và tất nhiên là cả với nước Mỹ.

Nước Mỹ và chúng tôi đều có vũ khí hạt nhân -  một loại vũ khí khủng khiếp có thể giết chết hàng triệu người trong nháy mắt. Nhưng chúng tôi không muốn loại vũ khí này được sử dụng. Chính vì thế Liên Xô trịnh trọng tuyên bố với cả thế giới rằng chúng tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ sử dụng loại vũ khí này đầu tiên chống lại bất kì quốc gia nào. Hơn nữa, chúng tôi còn đề xuất ngừng việc tiếp tục sản xuất và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên trái đất.

Tôi cho rằng, đây chính là câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi thứ 2 của cháu: "Vì sao Ngài muốn chiếm cả thế giới hay ít nhất là nước Mỹ?". Chúng tôi không muốn bất cứ thứ gì tương tự thế. Không có ai trên đất nước vĩ đại và xinh đẹp của chúng tôi - không một công nhân hay nông dân, nhà văn hay bác sĩ, người lớn hay trẻ nhỏ, không một thành viên chính phủ nào - muốn một cuộc chiến tranh dù lớn hay nhỏ.

Chúng tôi muốn hòa bình - làm những điều chúng tôi cần làm: trồng lúa mì, xây dựng và phát minh, viết sách và bay vào vũ trụ. Chúng tôi muốn hòa bình cho chính mình và cho các dân tộc trên thế giới, cho trẻ em và cho cháu, Samantha.

Tôi mời cháu, nếu bố mẹ cháu cho phép, tới đất nước của chúng tôi vào mùa hè này. Cháu sẽ tìm hiểu về đất nước của chúng tôi, gặp gỡ những người bạn cùng trang lứa, tham quan trại hè thiếu nhi quốc tế "Artek" ở bờ biển.

Và cháu sẽ tự mình thấy rằng mọi người dân Liên Xô đều ủng hộ hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Cảm ơn vì lá thư. Chúc cháu mọi điều tốt đẹp.

Y.Andropov

Chuyến đi tới Liên Xô

Câu trả lời ngay lập tức được truyền thông Mỹ đăng tải. Chắc chắn rằng chưa từng có phát biểu nào của nhà lãnh đạo Liên Xô làm nước Mỹ hứng thú như vậy. Ngay việc một cô bé người Mỹ được đích thân lãnh tụ Xôviết mời sang thăm đã là một sự kiện gây chấn động thực sự. Gia đình Smith đã nhận lời mời và Samantha sẽ cùng bố mẹ tới Liên Xô. Trước chuyến đi, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã tới gặp gia đình nhà Smith, nhắc nhở họ một số vấn đề để không có phát biểu gì gây ảnh hưởng tới Washington.

Samantha Smith trong cuộc gặp mặt với nữ phi hành gia Valentina Tereshkova.

Ngày 7 tháng 7 năm 1983, Samantha Smith cùng với gia đình bay tới Liên Xô. Đó là những ngày rất đặc biệt. Người dân Mỹ và Nga đều quan tâm đến chuyến đi của cô bé. Các phóng viên vây quanh Samantha để cố gắng ghi lại mọi bước đi, mọi cử chỉ của cô.

Gia đình Smith đã đến thăm Moscow và Leningrad. Samantha đã được gặp các nghệ sĩ, nhà văn và nữ phi hành gia đầu tiên trên thế giới Valentina Tereshkova. Samantha đã không gặp được ông Andropov vì ông bị bệnh nặng. Tuy nhiên, cô bé đã được nói chuyện với ông qua điện thoại.

Khi tới trại hè "Artek", cô bé đã nhanh chóng quen với các bạn. Những người từng tiếp xúc với Samantha đều nói rằng cô bé cư xử như một đứa trẻ bình thường, không hề kiêu ngạo. Cô cùng mọi người đi tập thể dục, kết bạn, ăn tối như mọi đứa trẻ ở trại hè. Tới đây, Samantha đã lần đầu được bơi ở biển. Khi còn ở nhà, Samantha mới chỉ bơi ở các hồ nước ngọt và mới chỉ được nghe kể về biển. Nhưng cô bé đã nhanh chóng bơi lặn cùng với các bạn.

Theo yêu cầu của bố mẹ Samantha, khi ở trại hè "Artek", các phóng viên không được tới gần cô bé. Có lẽ đó là lý do vì sao cô bé nói những ngày ở trại hè là những ngày tuyệt vời nhất trong chuyến đi.

Gia đình Smith trở về nhà ngày 22 tháng 7 năm 1983. Trước khi cất cánh, Samantha đã cười trước máy quay và hét to bằng tiếng Nga: "Hãy chung sống hòa bình!". Cô bé người Mỹ đến từ tiểu bang Maine này đã làm được điều mà những chính trị gia không làm được. Theo dõi phóng sự về chuyến đi của Samantha, người Mỹ và người Nga đã không nhìn nhau như kẻ thù mà là như những người bình thường có những rắc rối trong cuộc sống, thói quen, niềm vui giống nhau.

Sau khi trở về Mỹ, Samantha Smith đã viết cuốn sách "Chuyến du hành của tôi tới Liên Xô" (Journey to the Soviet Union), trong đó kết luận về những người dân Xôviết rằng: "Họ cũng giống như chúng ta".

Tai nạn bất ngờ

Tuy nhiên, tình trạng hạ nhiệt trong quan hệ Xô - Mỹ sau chuyến đi của Samantha đã không kéo dài. Tháng 9 năm 1983, một chiếc Boeing của Hàn Quốc đã bị bắn rơi tại vùng lãnh thổ Liên Xô. Ông Reagan đã tuyên bố Liên Xô là "đế chế độc ác" và mối quan hệ hai nước trở nên xấu đi.

Bìa cuốn sách "Journey to the Soviet Union" của Samantha Smith.

Tháng 12 năm 1983, Samantha được mời tới Nhật Bản với tư cách là "đại sứ trẻ nhất nước Mỹ". Tại đây, cô bé đã được gặp Thủ tướng Yasuhiro Nakasone và tham gia Hội nghị Thiếu nhi quốc tế ở Kobe. Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị, cô bé đã đề nghị hai nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô để cháu gái của mình sang thăm lẫn nhau 2 tuần mỗi năm với lời giải thích rằng, tổng thống "sẽ không đánh bom đất nước mà cháu mình đến thăm".

Samantha trở nên nổi tiếng ở Mỹ và bắt đầu xuất hiện trên truyền hình. Năm 1984, cô bé đã tham gia một chương trình trên kênh "Disney" để phỏng vấn các ứng cử viên tổng thống Mỹ. Sau đó, cô bé còn được mời tham gia đóng phim.

Ngày 25 tháng 8 năm 1985, khi Samantha cùng bố trở về nhà sau khi đóng phim, họ đã gặp tai nạn. Cái chết của cô bé là một cú sốc thật sự. Ngay lập tức có những tin đồn cho rằng tai nạn này đã được sắp xếp. Ở Mỹ, người ta nghi ngờ đây là âm mưu của KGB, còn ở Liên Xô thì cho rằng việc này có liên quan tới Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy tai nạn này có liên quan tới cơ quan đặc biệt nào. Cuộc điều tra đã chỉ ra rằng, do thời tiết xấu nên phi công đã hạ cánh trượt đường băng.

Trong "Chuyến du hành của tôi tới Liên Xô", Samantha Smith đã từng viết:

Đôi khi tôi lo rằng liệu ngày mai có phải ngày cuối cùng sự sống sẽ tồn tại trên trái đất.

Nhưng rồi tôi tin rằng: nếu có nhiều người suy nghĩ về số phận của thế giới thì chúng ta sẽ nhanh chóng đem lại hòa bình cho thế giới này.

Phải chăng, đó là số phận?

Hạnh Trang (tổng hợp)
.
.
.