CIA và Canada trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba

Thứ Sáu, 24/11/2017, 21:34
Ngày 14-9-1962, tức 1 tháng trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba kéo dài 12 ngày gây lo sợ cho toàn thế giới, 8 sĩ quan tình báo cao cấp Mỹ mở cuộc họp tại một địa điểm bí mật để bàn kế hoạch ám sát Chủ tịch Cuba Fidel Castro với Chiến dịch Mongoose.

Lúc đó, lãnh đạo Chiến dịch Mongoose là tướng Edward Lansdale và Phó giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Marshall Carter không thảo luận với Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy về âm mưu tẩm độc điếu thuốc xì gà của Chủ tịch Castro hay cài chất nổ vào vỏ sò giấu trong bồn tắm của lãnh đạo Cuba mà thay vào đo,á mọi người đều tập trung vào vấn đề đối phó với Canada.

Theo một tài liệu mật mới được tiết lộ, tướng Carter tuyên bố “CIA sẽ xem xét mọi khả năng phá hoại những bộ phận máy bay chiến đấu mà Canada chuẩn bị bán cho Cuba”. Ngoài ra, tài liệu CIA cũng tiết lộ có ít nhất 1 người trung thành với Chủ tịch Castro đến Toronto năm 1958 để đặt mua 10 chiếc máy bay chiến đấu của nước này cho Cuba.

Mối quan hệ căng thẳng giữa Canada và Mỹ

Cuộc họp năm 1962 cho thấy đây là lần đầu tiên CIA có ý định hành động chống Canada. Tại cuộc họp, Phó giám đốc CIA Marshall Carter yêu cầu McGeorge Bundy tăng cường gián điệp đồng thời lập kế hoạch phá hoại chống Canada bởi vì nước này có mối quan hệ thân thiết với Chủ tịch Fidel Castro.

John F. Kennedy (trái) và John Diefenbaker trong cuộc gặp tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ngày 20-2-1961.

Arne Kislenko, Giáo sư khoa lịch sử gián điệp Đại học Ryerson ở Toronto (Canada), bình luận: “Kế hoạch có thể vi phạm chủ quyền của Canada song điều đó không gây ngạc nhiên cho bất kỳ ai bởi vì CIA nổi tiếng là cơ quan chuyên phá hoại ngầm nhiều quốc gia trên thế giới”.

Theo tài liệu giải mật, âm mưu phá hoại chống Canada của CIA có thể bao gồm hành động lén lút thay thế những bộ phận máy bay chiến đấu dự phòng bằng những bộ phận lỗi để gây hỏa hoạn cho nhà máy chế tạo máy bay nước này. Tuy nhiên theo tài liệu giải mật, CIA cho rằng việc tiến hành chiến dịch phá hoại ngay trên lãnh thổ Canada tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong khi kế hoạch “đánh chìm chiếc tàu chở máy bay giữa biển khơi dễ hơn nhiều”.

Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Canada bắt đầu xấu đi từ năm 1960 khi Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower áp đặt lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba. Lúc đó, Canada và Mexico là 2 quốc gia bán cầu Tây phớt lờ lệnh cấm vận của Mỹ. Sau đó, mối quan hệ giữa tổng thống kế nhiệm là John F. Kennedy và Thủ tướng Canada John Diefenbaker tiếp tục căng thẳng. Dĩ nhiên, ông Kennedy muốn ông Diefenbaker ủng hộ Mỹ không chỉ về vấn đề Cuba mà còn về chính sách đối ngoại cũng như vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Về phần mình, ông Diefenbaker tin rằng Canada có cơ hội kiếm tiền nếu trở thành quốc gia trung gian của Cuba khi nước này bị Mỹ cấm vận thương mại. Theo John Kirk, giáo sư và chuyên gia về Mỹ Latinh thuộc Đại học Dalhousie (Canada), Canada có thể xuất khẩu đến Cuba mọi thứ từ các bộ phận máy bay cho đến ôtô.

Chủ tịch Fidel Castro, ảnh chụp ngày 22-10-1962.

Tháng 5-1961, ông Kennedy bay đến Canada tham dự một loạt cuộc họp bàn về chính sách đối ngoại với Thủ tướng Diefenbaker. Sau cuộc họp cuối cùng, Kennedy bay trở về Washington nhưng ông đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi để quên ở Ottawa tập tài liệu quan trọng tựa đề “Những gì mà chúng ta muốn trong chuyến công du Canada”. Sau khi được một trợ lý trao tập tài liệu bỏ quên, ông Diefenbaker giữ nó lại để nghiên cứu mà từ chối giao trả cho Washington. Tập tài liệu nhạy cảm nêu rõ ý đồ loại bỏ ông Diefenbaker của ông Kennedy khiến cho Thủ tướng Canada giận dữ và mô tả ông Kennedy là “kẻ bắt nạt”.

Trong cuộc tranh cử thủ tướng Canada năm 1962, ông Kennedy công khai ủng hộ đối thủ của ông Diefenbaker là lãnh đạo đảng đối lập Tự Do Lester B. Pearson. Ông Diefenbaker càng điên tiết hơn đồng thời đe dọa công khai tập tài liệu bỏ quên của ông Kennedy khi Tổng thống Mỹ phớt lờ ông mà mời Pearson tham dự lễ trao thưởng Giải Nobel.

Khi tuyên bố đe dọa của ông Diefenbaker đến tai Tổng thống Kennedy, ông tức giận dọa lại sẽ cắt đứt quan hệ với Thủ tướng Diefenbaker. Ngày 14-10-1962, người Mỹ bắt đầu biết chuyện Liên Xô có kho tên lửa đạn đạo ở Cuba.

Sau đó, sự đối đầu giữa Mỹ - Cuba và Liên Xô trở nên dữ dội, đe dọa sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh hạt nhân nhấn chìm thế giới trong cảnh chết chóc đáng sợ. Người Mỹ bắt đầu sống trong tâm trạng lo âu và thường xuyên lắng nghe tin tức qua radio và hồi hộp chờ nghe tiếng còi báo động tránh bom. Trẻ em cũng được diễn tập trốn dưới gầm bàn học trong nhà trường. Do dám thách thức Kennedy cho nên Diefenbaker đã thất bại trước đối thủ Pearson và người này trở thành thủ tướng thứ 14 của Canada trong cuộc bầu cử năm 1963.

Kế hoạch mua máy bay chiến đấu cho Cuba dưới thời Pearson

Trong suốt nhiệm kỳ của ông Diefenbaker, Canada vẫn không thể hợp tác thương mại với Cuba một phần do Washington cảnh báo những tập đoàn nước này nên “suy  nghĩ 2 lần” trước khi buôn bán với chính quyền Cuba. Mặc dù rất căm ghét ông Diefenbaker và cố gắng thúc giục chính quyền Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Canada, cuối cùng CIA cũng xác định hợp tác thương mại của Canada với Cuba không là vấn đề quan trọng nữa – theo báo cáo ngày 23-2-1963 của CIA mới được giải mật.

Tướng Marshall Carter.

Cũng trong tháng 2-1963, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara cập nhật tình hình về Cuba trước Thượng viện đồng thời bày tỏ mối lo ngại các tập đoàn Canada sẽ bán máy bay chiến đấu cho chính quyền Cuba.

Theo Giáo sư Arne Kislenko, hàng hóa quân sự từ Canada vận chuyển qua đường biển đến Cuba chắc chắn phải được ngụy trang cẩn thận để tránh bị Mỹ phát hiện. Trong khi đó, những gì mà CIA từng phát hiện là có ít nhất một người trung thành với Chủ tịch Fidel Castro đến Toronto để thương lượng mua máy bay – đó là người tên là Louis Martinez, một luật sư ở Mỹ. Mọi thông tin mà CIA biết được là nhờ vào Viola Krajcik, bạn gái của Martinez. Krajcik bị ép buộc làm người chỉ điểm cho CIA sau khi cơ quan nghi ngờ Martinez dính líu đến vụ cướp hơn 300 vũ khí từ nhà kho quân sự quốc gia ở bang Ohio năm 1958.

Krajcik mật báo với CIA rằng Martinez từng cung cấp vũ khí và thuốc men cho quân cách mạng của Chủ tịch Fidel Castro trong thời gian tướng Fulgencio Batsta còn cầm quyền ở Cuba. CIA cũng nắm được thông tin vào khoảng tháng 7 hay tháng 9-1958, Martinez cùng với Krajcik bay đến thành phố Toronto của Canada và lưu trú tại khách sạn Conroy với mục đích thương lượng mua 10 máy bay chiến đấu thặng dư nước này cho Cuba.

Người đàn ông đứng trung gian trong cuộc thương lượng mua máy bay Canada với Martinez chỉ được biết gọi là “Vic”, khoảng 60 tuổi và cao chỉ 1,62m. “Vic” bảo với Krajcik rằng ông từng sống ở Canada và là phi công trong Không quân nước này. Nhưng, hiện tại “Vic” sống ở Mỹ và sở hữu căn hộ đắt tiền ở thành phố Milwaukee bang Wisconsin.

Tuy nhiên, cuộc thương lượng mua máy bay đã không thành công và cuối cùng Martinez bị bắt giữ tại New York. Martinez cũng được cho là cố gắng mua một lô hàng súng trường ở khu Brooklyn thành phố New York cho Chủ tịch Fidel Castro. Khi bị bắt giữ, Martinez thẳng thừng chối bỏ mọi sự dính líu đến quân cách mạng Cuba và Chủ tịch Fidel Castro.

Thủ tướng Canada Lester B. Pearson.

Dưới thời Thủ tướng Lester B. Pearson, Canada bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn với chính quyền Mỹ và cả CIA. Thậm chí, Pearson cho phép một số nhà ngoại giao Canada gián điệp Liên Xô cho CIA. Hoạt động gián điệp trợ giúp các nỗ lực tình báo của CIA ở Cuba sau cuộc khủng hoảng tên lửa (và có lẽ cả nhiều năm sau đó) của chính quyền Canada được coi là chương ít được biết đến trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Ví dụ như, John W. Graham tuyên bố ông nằm trong số những nhà ngoại giao làm việc cho CIA  ở ãHavana sau khi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba bị cắt đứt vào năm 1961 khiến cho CIA phải rời khỏi “hòn đảo tự do”.

Vào tháng 5-1963, Tổng thống Mỹ lúc đó là John F. Kennedy đã đích thân yêu cầu Thủ tướng thứ 14 của Canada là Lester Pearson (nhậm chức ngày 22-4-1963) giúp đỡ CIA thu thập thông tin tình báo ở Cuba tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Hyannis, bang Massachusetts. Đề nghị được chấp thuận và nhóm nhà ngoại giao Canada làm gián điệp ở Cuba cho đến ít nhất năm 1970.

John Graham cho biết thời gian đó không có tùy viên quân sự trong Đại sứ quán Canada ơ ãthủ đô Havana của Cuba và ông làm gián điệp cho CIA từ năm 1962 đến 1964. Graham được ủy quyền tham quan các căn cứ quân sự của Xôviết, xác định các loại vũ khí và trang thiết bị điện tử cũng như giám sát mọi sự chuyển quân của siêu cường này.

Cuốn hồi ký của John W. Graham.

Trước khi nhận nhiệm vụ ngoại giao ở Havana, John Graham được huấn luyện tình báo cấp tốc chỉ vài ngày tại tổng hành dinh CIA ở Langley, bang Virgnia. Để có báo cáo chi tiết đến tổng hành dinh CIA về việc những đoàn xe quân sự của quân đội Xôviết chở theo các trang thiết bị gì, John Graham cho biết ông sẽ trình bày bằng những bức vẽ chi tiết.

Và, để chuyển giao thông tin hình ảnh nhạy cảm về Canada, Graham phải bay đến Mexico City để liên lạc với Đại sứ quán Canada, từ đó những hình vẽ được giao về Ottawa rồi những bản sao sau đó được gửi đến tổng hành dinh CIA.

John Graham mãi sau này mới biết những bức vẽ quan trọng của ông được CIA trình lên Tổng thống Kennedy ở Nhà Trắng. Còn những báo cáo viết tay của Graham - trong đó chứa đựng các chi tiết về hệ thống điện tử được sử dụng trong các căn cứ quân sự của Xôviết ở Cuba - được gửi điện mã hóa đến Đại sứ quán Canada ở Washington rồi sau đó đến Ottawa.

Ngoài ra, thông tin mật của Graham còn cung cấp cho các chuyên gia Mỹ về hệ thống vũ khí của Liên Xô. Mặc dù Moscow đã cho di chuyển kho vũ khí hạt nhân ra khỏi lãnh thổ Cuba vào thời điểm John Graham được biệt phái đến Havana, song sự hiện diện quân sự của Liên Xô vẫn còn khá lớn ở đảo quốc này. Mặc dù làm gián điệp cho CIA nhưng Graham vẫn không hề biết cơ quan tình báo âm thầm giám sát Canada.

Hoạt động gián điệp cho CIA của John W. Graham được ông kể lại trong cuốn hồi ký “Những người đàn ông ở Havana phục vụ cho ai? Những cuộc phiêu lưu bên ngoài sứ mạng ngoại giao”, xuất bản năm 2015. 

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.
.