Bộ lạc 'chưa từng biết đến" ở Amazon": Vùng đất bị "bỏ quên" hay sự vô tâm của thế giới văn minh?

Thứ Hai, 16/06/2008, 15:00
Khi một nhóm người gọi là bộ lạc “chưa từng biết đến” được phát hiện tại Brazil đang cố bắn tên vào chiếc máy bay đang bay ngang qua, tính tò mò của cả thế giới bắt đầu được khơi gợi. Vậy, những con người tự bôi sơn màu đen, đỏ và cam này là ai? Và làm sao mà họ có thể bị xã hội văn minh hoàn toàn không biết đến?

Theo các nhà nhân chủng học và các nhà vận động, nhóm người này là một trong nhiều bộ lạc ở vùng Amazone đã chọn cách sống cô lập khi nền văn minh hiện đại xâm lấn vào vùng đất mà người da đỏ gọi là đất tổ của họ suốt nhiều thế kỷ.

Đây không phải là lần đầu tiên một bộ lạc “bị thất lạc” được phát hiện từ trên không. Tháng 9/2007, các nhà khoa học phát hiện một số thành viên mà họ tin là thuộc bộ lạc Mascho Piro ở Peru trong khi đang tìm kiếm chứng cứ của nạn tàn phá rừng.

Survival International, một nhóm bảo vệ quyền lợi người bản xứ, ước tính có hơn 100 bộ lạc chưa từng biết đến trên khắp thế giới và khoảng 60 bộ lạc như vậy ở vùng Amazon. Beth Conklin, là Phó giáo sư tại Trường đại học Vanderbilt (Mỹ) làm việc với nhóm Wari ở miền Tây Brazil, cho biết: “Những người "chưa từng được biết đến" vẫn tồn tại trong thế giới ngày nay là những người mà vào một thời điểm nào đó trong quá khứ đã quyết định tránh xa mối quan hệ trực tiếp với thế giới bên ngoài. Và vì lẽ đó, họ đã rút sâu hơn vào rừng rậm để tránh dịch bệnh và xung đột với người ngoài”.

Với cương vị là Giám đốc Trung tâm tìm hiểu văn hóa tại Viện Bảo tàng Field ở Chicago (Mỹ), nhà nhân chủng học Alaska Wali – luôn tránh sử dụng từ “bộ lạc” vì nó gợi lên hình ảnh của sự ban sơ – đang nghiên cứu hậu quả mà sự hiện đại hóa tác động tới những cộng động người bản xứ ở Peru và Ecuador.

Wali giải thích, cùng với những bệnh tật mang tới cho vùng Amazon, việc tiếp xúc với xã hội phương Tây còn làm tổn hại cho nền văn hóa của các nhóm người bản xứ. Hơn nữa, rất khó để nhiều nền văn hóa khác nhau cùng tồn tại trong khu tự trị. Nhiều nhóm bản xứ lo ngại vấn đề này và miễn cưỡng trở thành một phần trong đoàn thể dân tộc nhưng vẫn duy trì bản sắc riêng của họ.

Cũng như nhiều nhóm người “chưa từng được biết đến”, người Matse  - một cộng đồng sống dọc biên giới Peru và Brazil - đã không ít lần tiếp xúc rồi tách biệt khỏi nền văn minh phương Tây trong nhiều năm. Cuối cùng họ cũng đã thoát khỏi lối sống bán du cư và rời bỏ rừng rậm nhờ một nhóm truyền giáo xây dựng trường học cho con cái họ hồi thập niên 60 của thế kỷ trước.

Trong những năm gần đây, các nhóm người biệt lập – đặc biệt là ở Peru – đang gặp nguy hiểm từ một loại hình thám hiểm mới: trong trường hợp này là các công ty đang tìm kiếm dầu mỏ và gỗ. Học giả Gilbert cho biết, vì bị bao vây bởi các công ty khai thác dầu và gỗ, hai tộc người này đã buộc phải chiến đấu để giành lại chút nguồn tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt. Nhà nhân chủng học Conklin cho rằng: “Những người này đang có cuộc sống yên ổn. Họ cũng chưa hề cầu xin chúng ta đến cứu giúp. Hãy để cho họ được bình yên"

Lê Hiếu (Tổng hợp)
.
.
.