Bạn tôi - Người anh hùng

Thứ Tư, 13/05/2009, 15:30
Đó là Hai Dần (tên do Cục Nghiên cứu - Cục 2 - Bộ Tổng tham mưu, nay là Tổng cục II Bộ Quốc phòng đặt cho để sử dụng tại chiến trường miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ). Tên thật của anh là Nguyễn Văn Giai. Tuổi Tân Tỵ (1941). Quê quán: làng Liễu Khê, xã Song Liễu, Thuận Thành, Bắc Ninh. Nguyễn Văn Giai là người anh hùng đầu tiên của ngành Cơ yếu Việt Nam cũng như của lực lượng Cơ yếu Tình báo Quân sự.

Thời gian tôi được sống gần  Nguyễn Văn Giai không nhiều. Cộng tất tật từ lúc gặp gỡ lần đầu rồi chia tay nhau, tái ngộ cho tới lúc từ biệt nhau cũng chỉ hơn 4 năm. Cái thời gian gọi là gắn bó "như bóng với hình" chỉ ngót nghét 2 năm. Song, bởi quá nhiều thứ tương đồng nên chúng tôi đã trở thành đôi bạn tâm giao (dẫu rằng anh hơn tôi tới mấy tuổi).

Cùng là lính nghĩa vụ những năm đầu thập niên 60, khi xuất ngũ chẳng bao lâu thì cùng được Tỉnh ủy hai tỉnh Sơn Tây (quê tôi) và Bắc Ninh (quê anh cử đi học tại Trường Kỹ thuật Trung ương. Năm 1965, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cả hai cùng xung phong tái ngũ. Rồi nữa, cả hai cùng được Cục II tuyển chọn, đào tạo phục vụ chiến trường miền Nam.

Ra trường, cùng được cử vào chiến trường miền Đông Nam Bộ thuộc hai Cụm tình báo chiến lược. Giai về B49, tôi về B48... Chừng đó thứ cùng và chừng đó thời gian gắn bó với nhau, anh đã để lại trong tôi bao kỷ niệm sâu sắc.

Những ngày ở Thủ đô và vai diễn đầu tiên của nghề bí mật

Ra trường, chúng tôi được đưa về "Trạm 66" của Quân đội. Ngủ lại một đêm và sáng hôm sau cán bộ của Cục II tới tiếp nhận đưa lên một chiếc Commăngca chạy lướt qua nhiều đường phố Hà Nội, rồi dừng lại ở một khu phố san sát những nhà là nhà. Xuống xe mới biết đó là một phố cổ có tên là Hàng Bè (ấy là tôi nói theo thời đó, chứ bây giờ đã biến dạng cả rồi). 

Hai đứa được đưa lên tầng 2 của ngôi nhà hai tầng. Người cán bộ tiếp nhận tự giới thiệu: "Tôi là Trần Long, cán bộ của Cục được giao nhiệm vụ giúp các đồng chí từ nay cho tới ngày lên đường. Đây là nhà mật của đơn vị, giao cho các đồng chí quản lý.

Nghe giọng nói, biết Trần Long là cán bộ tập kết và những ngày sau đó chính anh là một trong những người thầy huấn luyện nghiệp vụ cho chúng tôi. Với tinh thần khẩn trương, nên buổi sáng hôm đó, chúng tôi đã bước ngay vào bài học đầu tiên về cái nghề bí mật.

Trước hết, về "bình phong - chức nghiệp" (ngụy trang nghề nghiệp của mình) chúng tôi được quy định nếu có ai hỏi đều thống nhất trả lời "là cán bộ thương vụ đang chờ đi công tác nước ngoài". Về tên gọi, mỗi người đều được đặt một số tên mới bao gồm: tên dùng ở Hà Nội, tên dùng trong vùng căn cứ giải phóng và tên phục vụ khi hoạt động hợp pháp trong lòng địch. Hai loại tên trên được phổ biến chung, loại thứ ba thì phổ biến riêng, hồ sơ của ai người đó biết.

Hồi đó tên gọi ở khu phố của Giai là Thoại (Trần Thoại), còn tôi là Lê Dung. Hồ sơ do Cục II và J22 (Đoàn tình báo miền Nam) quản lý, chỉ sử dụng họ chính kèm tên bí danh. Giai là Nguyễn Văn Dần. Tôi là Khổng Thái Dương. Còn loại tên thứ ba thì nhiêu khê lắm, bởi nó kèm theo hàng lô thủ tục: thẻ căn cước, hồ sơ sức khỏe, giấy xác định được miễn quân dịch (miễn vào lính)...

Mọi chi tiết trong hồ sơ này phải thuộc lòng. Hỏi và đáp ngay không được đắn đo, suy nghĩ. Tôi được mang một họ tên mới (kể cả tên cha, mẹ), quê quán lạ hoắc - mãi tận xứ Đông thuộc huyện Gia Lộc (đối xứng với xứ Đoài quê gốc của tôi). Cố nhiên là tôi được chỉ rõ làng, xã, đường đi nước bước cụ thể để đề phòng khi bị địch bắt còn biết mà trả lời. Cái nghề hoạt động bí mật nó nghiệt ngã lắm. Sơ hở là vào nhà đá như chơi.

Thời gian ở Hà Nội, ngày chúng tôi học nghiệp vụ. Đêm, tập hành quân đeo gạch. Phải tập lén về đêm để tránh gặp người, để khỏi rơi vào cảnh "giấu đầu lòi đuôi" - Cũng may, Hà Nội thời đó đêm khuya vắng tanh, làm gì có ôtô, xe máy rần rần, làm gì có ăn nhậu tùm lum thâu đêm như bây giờ. Những ngày chủ nhật được về thăm nhà. Nhưng quê tôi ở xa nên đành chịu. Những ngày đó Giai thường kéo tôi về quê anh. Miền quê trù phú ấy tôi đã thuộc từng đường ngang ngõ tắt và mãi mãi khắc sâu trong ký ức tôi.

Trường Sơn huyền thoại

Chúng tôi có may mắn là được ôtô đưa vào tới chân Trường Sơn mới bắt đầu cuốc bộ. Ấy vậy mà cũng ròng rã hơn 4 tháng mới vào tới miền Đông Nam Bộ. Cứ bám dãy Trường Sơn mà đi. Vượt núi, băng rừng, vượt sông, vượt suối với toàn bộ gia tài người lính trên vai. Từ súng  đạn, quân trang, lương thực, thực phẩm, thuốc men, dụng cụ cứu thương, tăng, võng, áo mưa... có tinh giảm gì thì cũng không thể dưới 30kg.

Cứ đêm nghỉ, ngày đi, bất kể mưa nắng, bão giông cùng bao nỗi cơ cực: Đói khát, đau ốm, bom đạn, biệt kích, rắn rết, muỗi, vắt... xâu xé thể xác con người. Mấy tuần đầu còn hăng hái, tới tháng thứ 2, thứ 3 thì dù khỏe mấy cũng "thấm đòn". Thực phẩm cạn kiệt, sức khỏe hao mòn, bệnh tật nảy sinh. Trạm giao liên nhan nhản người ốm. Thiếu thuốc, bồi dưỡng không có. Một thìa đường, thìa sữa còn quý hơn cả sâm cao ly bây giờ. Không ít anh em vì kiệt sức, lại bị sốt rét ác tính hoành hành nên đã “ngủ” lại mãi mãi với Trường Sơn.

Trong đoàn chỉ có Giai và tôi sức khỏe được xếp loại A. Ấy vậy mà vào tới cuối khu 6 tôi cũng bị sốt rét quật đổ phải nghỉ lại ở trạm xá 2 ngày, nên cả đoàn ở lại chờ. Chiều hôm sau, Giai vào thăm. Anh mở sắc cốt tài liệu lấy ra một gói giấy nylon vo tròn bằng đầu ngón tay cái, dúi vào tay tôi, ngậm ngùi - "mới qua một trận sốt mà cậu gầy và xanh  quá... chả có gì để bồi dưỡng. Mình chỉ còn lại một tí này thôi... Tay run run, tôi lần mở "gói quà", bỗng thốt lên: "Trời ơi! Sữa bột... Anh đào ở đâu ra vậy?".

Tôi thấy hai má mình nóng nóng, nước mắt ứa ra trong cái buổi chiều vắng lặng giữa đại ngàn Trường Sơn huyền thoại. Rất có thể cái thìa sữa thấm đượm nghĩa tình đồng đội ấy đã tạo sức mạnh cho tôi. Đêm hôm ấy dứt sốt và sáng hôm sau tôi theo Giai về nhập đoàn tiếp tục hành quân.

Về tới Bến Súc - khu vực căn cứ của B49, tôi chia tay Giai, hành quân tiếp 3 ngày nữa mới về tới địa bàn bám trụ của đơn vị.

Tái ngộ và chia xa

Sau tết Mậu Thân, địch phản kích quyết liệt cửa ngõ Đông - Bắc Sài Gòn. Địa bàn hoạt động của B48 tê liệt. Trong căn cứ một số cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Lực lượng bí mật nội thành mấy người bị bắt. Vì vậy, cấp trên quyết định nhập B48 vào B49. Mấy năm xa cách chúng tôi mới gặp lại. Song, cũng chỉ hơn một tháng lại chia xa. Có ngờ đâu đó là cuộc chia xa mãi mãi.

Lần đó Giai được cử đi công tác đột xuất tại cửa ngõ An Tịnh - huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Cán bộ tháp tùng là Sáu Bia - trinh sát địa bàn. Hai người về một gia đình cơ sở ở ấp An Bình vì ở đó đã có hầm bí mật cũ. An Tịnh thời điểm đó rất êm, thuận lợi cho việc bám trụ. Cả tháng chưa có trận càn nào. Mỗi tuần bọn lính Bảo an lảng vảng tới đầu ấp rồi tạt đi nơi khác. --PageBreak--

Thế rồi, vào một ngày, bất ngờ địch đột kích An Tịnh vào lúc gần sáng nên hầu hết cán bộ bám trụ đều không kịp di chuyển địa bàn. Tất cả đều phải xuống hầm bí mật. Trận càn đó ta thiệt hại lớn với nhiều người bị bắt và hàng chục cán bộ hy sinh mà trong đó có Sáu Bia và Hai Dần. Điểm xung đột lớn, kéo dài nhiều tiếng đồng hồ và gây cho địch thiệt hại nặng nề diễn ra ở ấp An Bình tại căn hầm của Hai Dần và Sáu Bia cố thủ. Đó là căn hầm thiết kế theo hình chữ "L". Hôm đó ngoài 2 anh, còn có một cán bộ địa phương. Khi địch phát hiện miệng hầm, chúng bu lại, cười hý hố, lớn tiếng kêu gọi đầu hàng. Hai Dần hội ý trong tổ và phân công.

- Địch đã phát hiện hầm. Phen này phải sống mái với chúng. Vũ khí ta chỉ có 2 lựu đạn Mã Lai, 2 súng ngắn. Khi nổ súng, anh Tư (chỉ đồng chí cán bộ địa phương), tạm ém vào ngách trong. Ngoài này tôi và Sáu Bia "chơi" với tụi nó. Tôi sẽ dùng lựu đạn đánh keo đầu. Phải hạ thủ một số tên. Chắc chắn chúng sẽ phản ứng quyết liệt và tổ chức lấy xác. Thời gian đó Sáu Bia sẽ sử dụng súng ngắn canh chừng miệng hầm để tôi có thời gian thiêu hủy tài liệu. Đây là tài liệu rất quan trọng. Nếu lọt vào tay kẻ thù sẽ gây tổn thất lớn cho cách mạng...

Tiếng giày đinh nện cồm cộp trên nắp hầm. Theo lỗ thông hơi, dường như lời tên chỉ huy dội xuống xa xôi, mơ hồ... "Tụi bay tập trung lại đây. Khui nắp hầm lên. Quyết bắt sống. Bắt sống sẽ được lãnh thưởng lớn hơn...".

Hai Dần bò ra phía cửa hầm. Một tay kéo nắp hầm, một tay cầm trái lựu đạn đã mở chốt. Bỗng chốc dồn sức mạnh vào 2 tay đẩy tung nắp hầm lên rồi vội tụt xuống. Một tiếng nổ chát chúa. Khói, đất theo khoảng sáng của cửa hầm dội xuống cùng tiếng kêu la rên xiết của tụi lính. Dần nhanh chóng vào ngách trong thiêu hủy hết số tài liệu trong sắc cốp rồi lại bò ra cùng Sáu Bia tiếp tục chiến đấu cho tới khi cả 2 khẩu súng không còn một viên đạn.

Những chi tiết trên chúng tôi biết được thông qua lời kể của anh Tư cùng có mặt dưới hầm hôm đó. Anh thoát nạn, ấy là sau khi kẻ địch dùng bộc phá đánh tung miệng hầm. Bọn chúng mò xuống gặp 2 xác chiến sĩ, chúng vội kéo lên, rồi chuồn thẳng.

Những thông tin trên cùng với thiệt hại của ta và phía quân địch được kiểm chứng qua báo cáo của một cơ sở bí mật trong lòng địch và phản ánh của quần chúng như sau: Trận càn do Trung tâm Phượng Hoàng quận Trảng Bàng thực hiện, có sự hỗ trợ của lực lượng Tiểu khu Hậu Nghĩa (Trảng Bàng lúc đó thuộc tỉnh Hậu Nghĩa). Do Tỉnh trưởng Mã Sơn Nhân trực tiếp chỉ huy. Trận càn đã được chuẩn bị trước hàng tháng.

Vì nắm chắc một trăm phần thắng trong tay nên chúng đã tổ chức ăn mừng từ tối hôm trước. Chúng đã tung lực lượng bí mật về An Tịnh, tạo ra những cuộc báo động giả nhằm phát hiện những địa điểm bí mật. Vì vậy, nhiều hầm đã được bọn chỉ điểm xác định rất chính xác.

Điều chúng không ngờ tới đó là cuộc đụng độ xảy ra ở An Bình khiến cho hàng chục binh lính bị thương và thiệt mạng. Sự hy sinh bất khuất của Hai Dần và Sáu Bia đã thức tỉnh nhiều sĩ quan và binh lính ngụy. Có người đã công khai thổ lộ - "Đúng là 2 Việt Cộng quả cảm. Họ đã chiến đấu tới hơi thở cuối cùng...".

Chuyện sau chiến tranh

Giải phóng miền Nam. Trở lại quê nhà, tôi đem theo bao kỷ niệm về chiến trường trong đó có Nguyễn Văn Giai. Năm 1978, thông qua bút pháp truyện ngắn, tôi đã viết lại câu chuyện trên với tên gọi "Đồng hương". Đầu thập niên 80, truyện được in trên báo Văn nghệ. Tôi đem tờ báo tới thăm và tặng Thủ trưởng cũ của mình là Trung tướng Nguyễn Như Văn - Tổng cục trưởng Tổng cục II. Đọc xong, trầm ngâm giây lát, ông khẽ thốt lên: "Quả là một hành động anh hùng".

Mấy tuần sau, tại trụ sở làm việc của đơn vị, tôi được tiếp đoàn cán bộ của Cục II do Đại tá Nguyễn Trung Cuông - Trưởng phòng 80 (đơn vị quản lý kỹ thuật nghiệp vụ của Nguyễn Văn Giai) dẫn đầu. Các anh cho biết: Trung tướng Như Văn giao trách nhiệm trở lại chiến trường xưa xác minh quá trình công tác và chiến đấu của Giai để xây dựng hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Việc gặp tôi là mở đầu cho kế hoạch đó.

Tác giả bài viết dự ngày giỗ anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Giai.

Bẵng đi nhiều năm, vào một ngày cuối tháng 4/1998, một niềm vui đến bất ngờ, tôi được Nguyễn Trung Cuông thông báo qua điện thoại: "Ngày 22/4/1998, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng cho Nguyễn Văn Giai. Địa phương và đơn vị đang chuẩn bị cho buổi lễ công bố".

Ngày gia đình tổ chức đón nhận danh hiệu Anh hùng cho anh, tôi đang công tác ở phía Nam nên phải mấy năm sau đó, nhân ngày giỗ anh tôi mới về được. Mừng lắm! Quê hương, gia đình đã đổi thay gấp nhiều lần so với thời tôi và anh ra đi.

Chị Cao Thị Loa - vợ anh - một phụ nữ nhan sắc đảm đang đã nuôi dạy 3 đứa con trai khôn lớn, trưởng thành - Nguyễn Văn Nhân, con trai trưởng của anh đang công tác tại Công an huyện Thuận Thành; Cháu Minh làm việc ở xã; Cháu thứ ba là Nguyễn Văn Binh - cái thằng mà khi anh đi nó vẫn còn trong bụng mẹ, nay đã có vợ, con và đang làm ăn, sinh sống khá giả ở bên Tiệp. Cái nhà cấp 4 của anh ngày xưa đã được thế chỗ cho ngôi biệt thự 3 tầng cao sang, lộng lẫy...

Tôi viết những dòng này vào một ngày cả nước đang tưng bừng kỷ niệm ngày chiến thắng huy hoàng của dân tộc mà anh cùng bao đồng đội, đồng bào thân yêu của chúng ta đã cống hiến cả cuộc đời mình vì nó. Bài viết thay cho nén tâm hương tưởng nhớ anh trong nỗi niềm tiếc thương da diết - Giai ơi!...

Ái Mộ, ngày 28/4/2009

K.M.D.
.
.
.