“Ba Cụt” Lê Quang Vinh - Giải mã những giai thoại (kỳ cuối)

Thứ Tư, 16/03/2016, 21:30
Vào ngày 5-1-1956, Dương Văn Minh phát lệnh một cuộc tấn công đại quy mô có mật danh là “Thoại Ngọc Hầu” nhằm vào lực lượng của Ba Cụt. Chiến dịch này có cả xe bọc thép, tàu chiến, pháo binh và máy bay yểm trợ. Đặc biệt là có sự hiện diện của nhiều loại vũ khí, khí tài tối tân mang thương hiệu Mỹ.

Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu

Nhận được hung tin, “Trung tướng” Ba Cụt (tức Lê Quang Vinh) phát lệnh cho binh lính tản ra “tử thủ” 4 cứ điểm Giồng Riềng, Hà Tiên (Kiên Giang), Ba Thê và Châu Đốc (An Giang). Số quân còn lại khoảng 400 tay súng, Ba Cụt giao quyền chỉ huy cho Ba Bụng (được Ba Cụt phong hàm Đại tá, Phó tổng tư lệnh) hạ trại bao quanh khu vực núi Cấm. 

Dù đang “nước sôi lửa bỏng”, thay vì ém quân thật kỹ, hàng ngày các tay súng của Ba Cụt vẫn ngang nhiên đột nhập vào nhà dân cướp bóc, hãm hiếp. Thậm chí, một vài nhóm phỉ còn nhận được lệnh bắt cóc công chức của Ngô Đình Diệm để tạo tiếng vang.

Với vũ khí và khí tài hiện đại nhất lúc bấy giờ, cuộc tấn công chớp nhoáng của tướng Dương Văn Minh đã quét sạch các nhóm phỉ Ba Cụt ở những nơi trên. Một số bị tiêu diệt, một số quăng súng chạy giữ mạng. Tuy chiến dịch thành công nhưng không ai tìm thấy thi thể của “Trung tướng” Ba Cụt đâu cả.

Tuy “thắng lợi” nhưng chiến dịch Thoại Ngọc Hầu không được phép kết thúc bởi Ba Cụt còn sống và quân phỉ của Ba Cụt vẫn cướp nơi này, bắt cóc người chỗ kia.

Ba Cụt thoắt ẩn thoắt hiện khiến Ngô Đình Diệm sốt ruột như ngồi trên đống lửa. Các bộ phận thám báo và mật thám được trưng dụng tối đa, rải đều khắp vùng Tứ Giác Long Xuyên để lần dò dấu vết của Ba Cụt.

Mỗi khi nhận được tin báo nơi ẩn nấp của Ba Cụt, các bộ phận bảo an ở Long Xuyên, Châu Đốc như sôi lên. Hàng chục xe quân xa các loại hú còi ập đến, bao vây, lùng sục. Thế nhưng, hầu hết các cuộc lùng sục đó đều bắt nhầm một ai đó.

Sau khi kết thúc chiến dịch, ông Bùi Quyền là Thiếu úy chỉ huy Trung đội Tiền Thám của Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù (Sau này là Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3, Nhảy Dù) đã từng trả lời phỏng vấn một tờ báo tại Sài Gòn rằng, có ít nhất 3 lần ông nhận được lệnh nhảy dù xuống địa điểm được cho là nơi Ba Cụt ẩn náu. Thế nhưng tất cả những lần nhảy dù “úp chụp” đó, ông chỉ bắt được người cải trang thành Ba Cụt.

Giữa lúc Dương Văn Minh lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” thì ông Nguyễn Ngọc Thơ - Đại sứ của Bảo Đại tại Nhật Bản - vừa về nước. Ông Thơ đi thẳng vào dinh thự của Diệm xin hiến kế bắt Ba Cụt.

Ngay hôm sau, ông Nguyễn Ngọc Thơ được cấp 1 sự vụ lệnh đặc biệt và được một đoàn quân xa đưa thẳng về Long Xuyên - nơi Bộ Tham mưu lưu động của chiến dịch Thoại Ngọc Hầu đang trú đóng.

Ông Nguyễn Ngọc Thơ sinh ngày 26-5-1908 ở làng Mỹ Phước, Long Xuyên, An Giang. Năm 1930, ông Thơ thi đậu Tri huyện và được cắt cử làm việc ở Phủ Toàn quyền Pháp tại Nam Kỳ. Năm 1946 - các nhóm quân sự tự xưng Hòa Hảo của Ba Cụt làm mưa làm gió ở Ô Môn thì ông Thơ được Chính quyền thuộc Pháp bổ làm quận trưởng tại đây. Khi Ba Cụt tự phong “tướng”, kéo về tứ giác Long Xuyên thì ông Thơ làm Tỉnh trưởng Long Xuyên.

Trong suốt thời gian làm tỉnh trưởng Long Xuyên, ông Thơ chịu nhiều đắng cay do quân của Ba Cụt quấy nhiễu.

Ông Nguyễn Ngọc Thơ là bạn đồng liêu với ông giáo Hoành, tức võ sư Sáu Kim - Huỳnh Kim Hoành - Người đưa Ba Cụt từ kiếp ở đợ bước vào lực lượng “nội ứng nghĩa binh” của quân đội Nhật. Vì vậy, ông Thơ hiểu biết rất rõ về Ba Cụt.

Kế điệu hổ ly sơn

Ngay khi về đến Long Xuyên, ông Thơ mang theo rất nhiều quà bánh và rượu Tây đi thẳng lên Chắc Cà Đao ghé thăm xưởng cửa gỗ của võ sư Sáu Kim. Lúc đó, Ba Cụt và người vợ thứ ba tên là Cao Thị Ng đang ẩn náu tại nhà Sáu Kim. 

Chỉ biết ông Thơ đang là Đại sứ tại Nhật Bản nên người vợ thứ ba của Ba Cụt không đề phòng, bước ra chào hỏi. Được Đại sứ ghé thăm, Sáu Kim vui mừng mở tiệc khoản đãi. Sau vài ly rượu, ông Thơ nói bóng gió với bà Ng rằng: “Ông Diệm không muốn đánh nhau với Thiếu tướng đâu. Ông Diệm đánh giá Thiếu tướng là người tài, muốn trọng dụng. Giá như Thiếu tướng chịu quy thuận, chắc chắn ông Diệm sẽ trao lon Trung tướng cho Thiếu tướng”. Ông Thơ cố ý nhấn mạnh những từ “Thiếu tướng, Trung tướng”. Bà Ng hứa sẽ truyền đạt lại ý của ông Thơ “khi gặp anh Ba”.

Ba Cụt tại phiên tòa quân sự đặc biệt của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Lúc đó, Ba Cụt chỉ cách ông Thơ non 3 mét, bên kia vách gỗ ngôi nhà nên nghe được trọn vẹn câu chuyện.

Kết thúc cuộc nhậu “mớm ý”, ông Thơ trở về Long Xuyên tìm gặp người thuộc hạ cũ. Đó là Đại úy Hiển - Trưởng phòng mật thám Bảo an Long Xuyên. Ông Thơ sử dụng quyền đặc cách của ông Diệm yêu cầu Đại úy Hiển tuyển lựa 15 người giỏi võ trong số những lính Bảo an của Long Xuyên thành lập 2 đội đặc nhiệm có mật danh là Đội Bảo an Trần Quốc Tuấn. Ngay trong đêm, Đại úy Hiển giao cho Trung sĩ Lợi chỉ huy 1 đội đặc nhiệm mặc thường phục bí mật bao quanh khu vực xưởng cưa gỗ của võ sư Kim suốt 24/24 giờ để theo dõi động tĩnh Ba Cụt. Một đội đặc nhiệm có vũ trang được cử đến đồn Bảo an Chắc Cà Đao thay thế đơn vị đóng tại đó.

Dù không hay biết 2 đơn vị đặc nhiệm đang giăng lưới, nhưng Ba Cụt vẫn giữ được bí mật hành tung của mình. Xưởng cưa gỗ của võ sư Kim vừa giáp mặt tiền với con đường tỉnh lộ vừa giáp mặt hậu với dòng sông Hậu Giang. Mỗi khi Ba Cụt muốn rời nơi ẩn náu, bà vợ thứ ba của ông ta dùng xuồng chèo sang sông. Ba Cụt chỉ cần ngậm ống thở, lặn xuống nước rồi bám bụng xuồng.

Sau một tuần mai phục vẫn không bắt được đối thủ, ngày 25-3-1956, ông Thơ lại tìm đến xưởng cưa của võ sư Kim. Lần này ông Thơ nêu rõ thông điệp với bà Ng: “Nếu chú Ba muốn hợp tác với ông Diệm thì tôi sẽ làm trung gian”. Bà Ng trả lời ngay: “Ông Ba đồng ý nhưng phải có điều kiện. Muốn biết điều kiện gì thì mời ông Đại sứ đến cù lao Tảo nằm giữa sông Tiền, đoạn chảy qua Hồng Ngự (nay là Thường Phước, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) để hội đàm”. Bà Ng ấn định thời gian là lúc 20 giờ, ngày 26-03-1956.

Ba Cụt bị giải ra pháp trường.

Ông Thơ khấp khởi mừng thầm vì nghĩ rằng, Ba Cụt sẽ lọt vào ổ mai phục. Ông ta báo cho Đại úy Hiển biết thông tin hấp dẫn này.

Tuy nhiên, khi ông Thơ đến nơi đúng hẹn, Ba Cụt vẫn chưa xuất đầu lộ diện mà sai một cận vệ đến. Người cận vệ này yêu cầu ông Thơ viết 1 bản cam kết rằng, sẽ cố vấn để Ngô Đình Diệm chấp nhận trả lương và đeo lon quân đội chính quy cho toàn bộ thuộc hạ của Ba Cụt. Ông Thơ thất vọng nhưng vẫn phải viết tờ cam kết.

Người cận vệ của Ba Cụt cho biết, đêm 4-4-1956, ông Thơ trở lại vị trí này sẽ gặp được Ba Cụt.

Đội đặc nhiệm bám theo người cận vệ của Ba Cụt nhưng... mất dấu!

Đến ngày 4-4-1956, Ba Cụt vẫn chưa xuất hiện mà nhờ người cận vệ đưa cho ông Thơ “bản điều kiện” gồm 16 điểm. Trong đó có vài điểm khiến Ngô Đình Diệm khi đọc xong đã ném bể chiếc gạt tàn thuốc lá như một cách hạ cơn giận. Trong đó có một số điểm như: Công nhận Ba Cụt Lê Quang Vinh là Trung tướng chính ngạch và công nhận cấp bậc sĩ quan và hạ sĩ quan cho tất cả các thuộc hạ của ông ta; Chu cấp toàn bộ cho các gia đình của thuộc hạ Ba Cụt; Chấp nhận cho “Trung tướng” Ba Cụt thành lập 2 sư đoàn. Ông Diệm phải trang bị vũ khí, tư trang cho 2 sư đoàn này; Giao miền Tây Nam bộ cho “Trung tướng” Ba Cụt quản lý và các đơn vị quân sự của ông Diệm không được tự ý xâm nhập khu vực quản lý của “Trung tướng” Ba Cụt…

Chấp nhận “bản điều kiện” như vậy, tức là chấp nhận Ba Cụt có lãnh thổ riêng. Tuy nhiên, dù tức giận trước sự đòi hỏi vô lý của Ba Cụt, Ngô Đình Diệm vẫn lệnh cho ông Thơ mềm mỏng dụ Ba Cụt vào rọ.

Ngày 6-4-1956, ông Thơ đề nghị Ba Cụt gặp mình tại cù lao Tảo để thương thuyết những điểm trong “bản điều kiện”. Tưởng Ngô Đình Diệm đã chấp nhận 1 phần “bản điều kiện”, Ba Cụt đi gặp Nguyễn Ngọc Thơ.

Ba Cụt hoàn toàn không hay biết Bộ tham mưu lưu động của chiến dịch Thoại Ngọc Hầu đang bắt đầu chuyển động kể từ khi mình đồng ý gặp ông Thơ để thương thuyết. Tướng Dương Văn Minh khi ấy đã điều động 1 trung đoàn bí mật bủa vây phía bắc cù lao Tảo, 1 trung đoàn bí mật phục kích khắp các điểm trọng yếu xung quanh cù lao Tảo.

Ba Cụt vừa đến điểm hẹn lúc 19 giờ thì cận vệ phát hiện có nhiều bóng đen ôm súng nằm trong vườn chuối. Ngay lập tức, Ba Cụt nhảy ào xuống sông lặn mất tăm.

Sau này, một tờ báo của quân đội Việt Nam Cộng Hòa tường thuật vụ vây bắt hụt Ba Cụt như sau: “… Ba Cụt cùng cận vệ nhảy xuống sông trốn thoát vùng phong tỏa của quân đội. Từ vùng Thường Phước (cù lao Tảo - Tác giả), Ba Cụt rút xuống Đồng Tháp và trú ẩn tại vùng rạch Ba Răng. Ngày 11.4.1956, vào lúc tối lâu, Ba Cụt và trợ lý Dương Thế Xương, cận vệ V, cận vệ Tốc và một số cận vệ khác rời Đồng Tháp để về khu vực Long Xuyên với mục đích trốn thoát vùng phong tỏa.

Nội bọn dùng một xuồng và một ghe khởi hành từ ngọn rạch Ba Răng và tiến về phía nam dọc theo sông Hậu Giang đến Chợ Mới vào lúc 24 giờ và số cận vệ nghỉ đêm tại nơi đây.

Sáng ngày 12-4-1956, Ba Cụt cùng Thế Xương qua sông, đến Chắc Cà Đao để gặp người cậu ruột tên là Hoành (võ sư Kim - tác giả) và một số người khác.

Đến 6 giờ 00 sáng 13-4-1956, Ba Cụt và toán cận vệ vừa băng qua sông ngang vàm Chắc Cà Đao, vừa cập bến thì bị tiểu đội tình báo Bảo An bắt được”.

Ngôi mộ gió của Ba Cụt ở Thới Long, Cần Thơ.

Ông V. - Người cận vệ được bài báo nhắc tên, vừa qua đời năm 2013. Khi ông V. còn sống, đã kể chi tiết như sau: “Khi chúng tôi đang lẩn trốn ở Chợ Mới, ông Thơ nhờ ông Huỳnh Kim Hoành nhắn tin là: Quân đội ông Diệm không hay biết gì về cuộc thương thuyết nên họ đi ruồng. Ông Thơ đề nghị ông Ba về nhà ông Huỳnh Kim Hoành tiếp tục cuộc thương thuyết. Ông Thơ bảo đảm rằng, tiểu đội Bảo an ở đồn Chắc Cà Đao sẽ bảo vệ ông Ba. Cả tin, ông Ba và 7 cận vệ, trong đó có tôi qua sông đến nhà ông Huỳnh Văn Hoành. Tôi và các cận vệ khác mang tiểu liên mặc bà ba đen. Ông Ba cũng mặc bà ba đen nhưng mang súng lục. Khi chúng tôi đang lên bờ thì lính tình báo trang bị vũ khí phục kích hai bên lộ nhảy ra hô đưa tay lên. Tụi tôi đứng sững người vì bất ngờ. Không ai kịp phản ứng gì thì đã bị trói gô”. (Vì con cháu ông V. còn sinh sống nên chúng tôi không tiện nêu tên và chân dung của ông V.).

7 cận vệ mang súng bị bắt cùng với Ba Cụt là Nguyễn Văn Hộ, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Văn Thơ, Nguyễn Văn Tóc, Phan Văn Hoành, Trần Tấn Hanh và ông V.

Để dẫn giải Ba Cụt về Cần Thơ, Nguyễn Ngọc Thơ phải xin 10 xe quân xa chở đầy lính hộ tống.

Ngày 31-5-1956, chiến dịch Thoại Ngọc Hầu kết thúc trong tai tiếng. Người dân miền Tây không ưa lính phỉ Ba Cụt nhưng cũng không chấp nhận cách lừa phỉnh của Ngô Đình Diệm.

Ngày 4-7-1956, Diệm cho mở 1 phiên tòa Quân sự tuyên án tử hình Ba Cụt và tịch thu toàn bộ tài sản.

Lúc 5 giờ 45 phút sáng ngày 13-7-1956, Ba Cụt bị hành quyết bằng cách chặt đầu. Người được giao nhiệm vụ xử tử Ba Cụt là Thiếu úy Nguyễn Văn Nhung. Thay vì chôn tử thi Ba Cụt như bao nhiêu tử tội khác, Ngô Đình Nhu bí mật sai Nhung xả tử thi Ba Cụt thành nhiều mảnh nhỏ rồi vất rải rác khắp sông Hậu. Thời điểm này, Ba Cụt chỉ mới 32 tuổi.

Dù gây nhiều oan nghiệt nhưng sau khi chết thảm, người dân vẫn vị tha xây cho Ba Cụt Lê Quang Vinh một ngôi mộ gió ở Thới Long, Ô Môn, Cần Thơ.

Nông Huyền Sơn
.
.
.