Ai đã tạo ra chính quyền Việt Nam Cộng hòa?

CIA - bà mụ của chính quyền Ngô Đình Diệm

Thứ Tư, 10/05/2017, 09:35
Được tin Diệm bị Bảo Đại từ chối hợp tác, Chính phủ Mỹ cử ngay Đại tá Edward Lansdale - Một chuyên gia của các cuộc lật đổ và suy tôn chính trị của cơ quan tình báo Mỹ - mang một số đô la đáng kể vào Việt Nam để thực hiện các chiến dịch tuyên truyền ủng hộ Diệm.


Thủ thuật của “cáo già tình báo” Edward Lansdale

Tháng 11-1945 cơ quan tình  báo OSS của Mỹ giải tán, ngay sau đó cơ quan tình báo CIA ra đời.

Lúc này, chính phủ Mỹ đã đặt hai đơn vị tình báo ở Sài Gòn. Một đơn vị gọi là trạm CIA Saigon Station nằm dưới sự điều khiển của tổng hành dinh CIA ở Langley, Virginia có nhiệm vụ thu thập thông tin, phân tích, nghiên cứu tình hình chính trị ở Việt Nam; Đơn vị thứ hai là Saigon Military Mission do Đại tá Lansdale chỉ huy có nhiệm vụ tác động chính trị tại Việt Nam do đích thân Giám đốc Trung ương tình báo CIA điều hành trực tiếp.

Edward Lansdale, một chuyên gia của các cuộc lật đổ và suy tôn chính trị của Cơ quan Tình báo Mỹ.

Saigon Military Mission mở lớp đào tạo những toán tình báo người Việt Nam cho những chiến dịch lâu dài. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính vẫn là giúp Ngô Đình Diệm vào vai Thủ tướng bằng mọi thủ đoạn, phương tiện.

Trước đây, Lansdale từng đến Việt Nam trong vai phái viên quân sự Mỹ do tướng John O'Daniel dẫn đầu sang hỗ trợ quân đội Pháp đang giãy chết trước sức ép của quân đội Nhân dân Việt Nam. Lansdale nguyên là sỹ quan tình báo OSS.

Năm 1953, Lansdale được Chính phủ Mỹ giao nhiệm vụ bay sang Philippines hỗ trợ chính quyền Elpidio Quirino chống lại lực lượng Hukbalahap (quân đội của đảng Cộng sản Philippines thời đó). Khi Elpidio Quirino thắng lợi, Lansdale lại giúp Ramon Magsaysay giành thắng lợi trước Quirino trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines. Với hai cuộc xoay chuyển chính trị đó, Lansdale được các nhà bình luận chính trị quốc tế đặt cho danh hiệu: Chuyên gia xây dựng chính quyền và đảo chính quốc tế.

Tháng 7-1954, Lansdale mạnh miệng tuyên bố với Giám đốc CIA Allen Dulles rằng, trong thời gian ngắn CIA sẽ đạt mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh một hệ thống chính trị nền tảng ở Đông Dương.

Bằng kinh nghiệm ở Philippines, khởi đầu việc giúp Diệm ngoi đầu lên khỏi đám đông chính trị gia Nam Việt Nam, Lansdale đã tiếp xúc với Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân để thảo luận việc tạo dư luận đám đông quần chúng ngầm cổ súy, ca ngợi Diệm. Lansdale và vợ chồng Ngô Đình Nhu ôm đô la đi khắp nơi kích hoạt, kêu gọi, mua chuộc sự hợp tác của tất cả những phe nhóm tôn giáo lẫn giáo phái chống Pháp như Bình Xuyên, Cao Đài, Hoà Hảo, nhóm Tinh Thần của y sĩ Trần Văn Đỗ, Liên Đoàn Thanh Lao Công (tiền thân của tổ chức Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng, tức Cần Lao sau này)…

Lansdale đã trao cho Nhu và Lệ Xuân một số đô la đáng kể để thuê các nhóm lao động bình dân đi đồn thổi một bài sấm truyền: Việt Nam sắp xuất hiện một minh quân giúp đỡ Bảo Đại xây dựng đất nước phồn thịnh. Minh quân đó chính là Ngô Đình Diệm. Kèm theo bài sấm truyền, họ còn lan truyền ngầm "chí sỹ Ngô Đình Diệm là người yêu nước thương dân, tài đức song toàn". Thậm chí những nhóm người này còn dùng thủ đoạn dùng nước mật đường vẽ từ "Diệm" lên lá cây ở các nhà thờ Thiên Chúa giáo. Kiến ăn mật đường, cắn lá cây. Thế là họ đồn ầm lên rằng: Diệm là sứ giả Thiên Chúa xuống trần cứu dân.

Chiêu rao tin đồn của Trần Lệ Xuân

Trước khi tham gia các phong trào cổ súy Diệm, hai vợ chồng Ngô Đình Nhu đang sống trong cảnh thất nghiệp ở một căn nhà tồi tàn trên sườn đồi heo hút ở Đà Lạt (bây giờ là nhà nghỉ Minh Tâm). Để có cơm qua bữa, Trần Lệ Xuân phải lăn xả vào giới bình dân kiếm tiền. Nếu không có sự tài trợ của ông anh làm Tổng giám mục giáo xứ Vĩnh Long thì có lẽ vợ chồng Nhu cũng thành phường giá áo túi cơm trong cảnh bần cùng.

Chính giai đoạn một tay nách con, một tay chạy chợ này, bà Trần Lệ Xuân có thói quen sử dụng ngôn từ "hàng rau hàng thịt". Đến năm 1952, vợ chồng ông Nhu gần như tê liệt vì nghèo túng. Bà Trần Lệ Xuân phải đem món nữ trang cuối cùng là chiếc vòng cổ hồi môn đem đi bán để có cơm ăn. Cơ cực đến nỗi có lần bà Nhu đòi tự tử để dọa ông chồng vô tích sự, chẳng biết làm gì ngoài việc trầm tư thất chí và "ăn cơm nhà kề cà chuyện thế giới".

Từ thuở còn là tiểu thư nhà họ Trần cho đến lúc về làm dâu nhà họ Ngô Đình, cam chịu cảnh nghèo tại Đà Lạt, chưa ai từng thấy bà có năng khiếu chính trị và cũng chưa ai thấy bà tham gia bất kỳ một cuộc cách mạng nào, kể cả "cách mạng mồm". 

Người của Trần Lệ Xuân đi tìm ảnh Bảo Đại đập phá.

Cho đến khi Ngô Đình Diệm được Mỹ bơm tiền mua chức Thủ tướng từ Bảo Đại, Trần Lệ Xuân được phân công dùng khả năng mồm loa mép dải đi vận động các bà, các cô ở chợ và vợ các binh sỹ trương cờ, khẩu hiệu đi đón Diệm từ Pháp về. Nhờ bài bản của chuyên gia đảo chính CIA, Nhu và vợ cùng Ngô Đình Thục nhộn nhịp đi rao tin truyền tai để bơm "chí sỹ Ngô Đình Diệm" lên tận trời xanh. Những huyền thoại ca ngợi Ngô Đình Diệm được Trần Lệ Xuân vận động theo kiểu hàng tôm, hàng cá, rỉ tai một thành mười, mười thành trăm đã tỏ ra hiệu quả hơn mong muốn.

Tuy thành công trong cuộc biểu tình tung hô Diệm, Trần Lệ Xuân vẫn chưa được chú ý nhiều.

Khi Diệm bắt đầu thực hiện chiến dịch giải tán lực lượng Bảy Viễn để cắt nguồn thu nhập của Bảo Đại, Trần Lệ Xuân được Lansdale yêu cầu lôi kéo lực lượng lao động thông qua Tổng Liên đoàn Lao công đi biểu tình nhằm tạo thanh thế cho Diệm, chửi rủa Bảy Viễn và hạ uy tín Bảo Đại. Người ta thấy bà te tái dẫn đầu đoàn biểu tình, tay giương cao biểu ngữ, ngoác mồm hô khẩu hiệu: Đả đảo Bình Xuyên, đả đảo! Đả đảo Nguyễn Văn Hinh, đả đảo!  Đả đảo Bảo Đại, đả đảo! Hoan hô chí sỹ yêu nước Ngô Đình Diệm, hoan hô!

Hình ảnh một phụ nữ xinh đẹp, ngoác mồm hô khẩu hiệu đã được tất cả các tờ báo cả Tây lẫn ta trương lên trang đầu. Bà khởi đầu tham gia chính trường như thế.

Thủ tướng Ngô Đình Diệm

Trước những áp lực của Mỹ, ngày 19-6-1954, dù không muốn, Bảo Đại vẫn ký Sắc lệnh 38/QT phong cho Ngô Đình Diệm chức Thủ tướng "với toàn quyền quyết định về dân sự lẫn quân sự". Bảo Đại đã không biết rằng mình đã ký một bản án tử cho mình.

Ngày 24-6-1954, ông Diệm bay từ Paris về Sài Gòn để đánh trống thổi kèn nhận chức Thủ tướng vào ngày 7-7-1954.

Từ trái qua: Trần Lệ Xuân (người đứng thứ 2), Ngô Đình Thục (người đứng thứ 3), Ngô Đình Nhu (người đứng thứ 5), Ngô Đình Diệm (người đứng thứ 6 phía sau).

Trước nhiều lời gièm pha, để chứng minh mình là nhân tài thật sự, Diệm khoe với Đại sứ Mỹ: "I am best known figure in Vietnam after Ho Chi Minh". Nhận xét về câu nói này, viên đại sứ Mỹ biếm: "Đúng. Diệm là nhân vật thứ hai nhưng… cách rất xa Hồ Chí Minh".

Miền Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung bắt đầu bước vào những tháng ngày điêu linh thống khổ. Hàng triệu mét vải trắng khăn tang trải dài trên đất nước hiền lành trong suốt 9 năm cầm quyền kiểu phát xít của Ngô Đình Diệm.

Để được ngồi vào ghế Thủ tướng cho chính quyền Bảo Đại, Diệm đã ghi công đầu cho vợ chồng Ngô Đình Nhu.

Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân được Diệm ưu ái từ khi đó. Ngô Đình Luyện bị giành vị trí cố vấn, đành im lặng nhịn tiếng xếp khăn gói ra chầu rìa để rồi sau này được Diệm đưa ra nước ngoài làm đại sứ.

Về danh chính, ông Nhu chẳng có chức tước gì trong Phủ tổng thống của Diệm. Ngạch lương cũng không có. Cái chức "cố vấn" là do Diệm tự đặt ra. Hễ vị quan chức nào cần trình ký một quốc sách, Diệm điều yêu cầu mang sang cho Nhu xem trước. Kỳ thật, nếu Diệm có xem cũng chẳng hiểu gì và chẳng biết làm thế nào cho đúng. Diệm cần Nhu xem để giải thích và tư vấn. Dần dà, Nhu trở thành cố vấn thứ thiệt.

Từ năm 1956, khi đã có quyền lực trong dinh Độc Lập, ông Nhu bắt đầu tổ chức phát triển chi nhánh đảng Cần Lao để làm chỗ dựa chính trị cho chính quyền Diệm. Vậy là thời Diệm có 2 thể chế chính trị song hành: Đảng Cần lao và Công giáo.

Đảng Cần lao mang chủ thuyết Nhân vị - Một chủ thuyết xào nấu lại, Việt hoá và duy vật hoá từ một chủ thuyết của Emmanuel Mounier - Một chủ thuyết của trường phái duy tâm thuộc Công giáo Pháp.

Các công chức từ cao đến thấp đều phải vào đảng Cần lao để có cớ tiến thân. Chỉ trong một thời gian ngắn, đảng này từ con số hơn 10.000 người đã tăng nhanh lên 1,5 triệu người. Đa số được kết nạp theo kiểu... gật đầu là trở thành đảng viên Cần Lao.

Đến năm 1958, ông Nhu thành lập thêm một tổ chức gọi là Đoàn Thanh niên Cách mạng hay còn gọi là Thanh niên Cộng hòa để đào tạo nhân sự cho đảng Cần Lao Nhân vị của Nhu. Thực ra, đây là đội ngũ mật vụ không lương của Nhu. Những đoàn viên mật vụ này là vệ tinh của những mật vụ có hưởng lương, mà Nhu là lãnh đạo tối cao. Tính đến năm 1960 đã có hơn 116.000 thành viên mật vụ không chuyên rải khắp các miền quê, vùng sâu, vùng xa của miền Nam để đánh hơi, bắt người chống đối.

Ông Nhu cũng là đạo diễn cái gọi là quốc sách ấp chiến lược chứ không phải Diệm. Ông Nhu trở thành chủ tịch Ủy ban Liên bộ đặc trách ấp chiến lược. Trong cái gọi là quốc sách này, hầu như Diệm chỉ đóng vai trò thừa hành ông em Ngô Đình Nhu.

Ngoài ra ông Nhu còn đẻ ra cái gọi là "Phong trào cách mạng quốc gia" rải đều xuống tận thôn ấp các cơ sở trên toàn miền Nam. Ban chấp hành phong trào gồm những vị tai to mặt bự của chính quyền. Nhu thiết chế một chương trình hoạt động cho phong trào này mang tên "cộng đồng tự lực". Với chương trình đó, người dân phải tố cáo lẫn nhau.

Tuy không là một cán bộ chính ngạch trong chính quyền Diệm nhưng vào tháng 4-1954, Nhu cũng được CIA cử một nhân viên tên Paul Harwood sang làm cố vấn riêng. Harwood đóng vai một nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ làm việc trong tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Harwood trở thành người thân của Nhu và nhận làm cha đỡ đầu cho Ngô Đình Lệ Thuỷ - Con gái đầu lòng của Nhu. Mỹ cũng cần có Nhu trong chính quyền Diệm.

* Lược trích từ "Cái chết của anh em nhà Ngô" (Nhà xuất bản CAND 2009) và "Giải mật chính trường miền Nam sau đảo chính Ngô Đình Diệm" (Nhà xuất bản CAND 2014).

 (Còn tiếp)

Nông Huyền Sơn
.
.
.