Ai đã tạo ra chính quyền Việt Nam Cộng hòa?

Thứ Sáu, 05/05/2017, 08:10
Cái chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã chính thức không tồn tại trên bản đồ hành chính thế giới kể từ gần nửa thế kỷ qua. Những nhân vật chóp bu của cái chính quyền ấy đều lần lượt thú nhận Việt Nam Cộng hòa chỉ là một con ngựa để chính phủ Mỹ cưỡi, xông vào chiến trường Đông Nam Á. Thế nhưng một số kẻ khờ khạo vẫn còn lật ngược sự thật, bôi đen lịch sử để ca ngợi cái chính quyền hồn ma vất vưởng đó.

Kỳ 1: Pháp nuôi Bảo Đại, Mỹ nuôi Ngô Đình Diệm

Sự thật của lịch sử đã ghi nhận: Chiều ngày 30-08-1945, tại cửa Ngọ Môn kinh thành Huế, Bảo Đại đã mặc triều phục, long trọng đọc chiếu thoái vị trao chính quyền cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thế nhưng ngay sau đó, chính quyền thực dân Pháp và Mỹ đã bắt tay nhau thực hiện âm mưu chia cắt đất nước Việt Nam bằng cách "thuê" Bảo Đại quay trở lại chính trường.

Họ đã phù phép như thế nào để dựng lên cái gọi là chính quyền Việt Nam Cộng hòa?

Thủ đoạn thực dân kiểu mới của Pháp

Mặc dù đã đầu hàng quân đội Nhân dân Việt Nam nhưng Pháp muốn chiếm lại Đông Dương bằng thủ pháp chính trị. Trong tình thế đó, Pháp cần một vị vua Việt làm "lá bài chủ trên chiếu chính trị". Họ sực nhớ đến vua Duy Tân (tức hoàng tử Vĩnh San) đã từng bị Pháp truất phế và đang chịu lưu đày tại đảo Reunion từ năm 1916. Thế là một toán đặc biệt được cử đến hòn đảo Reunon đón Duy Tân về Paris để chuẩn bị thao tác phục quyền.

Ngày 26-12-1945, chiếc máy bay chở Duy Tân cùng toán đặc biệt bỗng dưng nổ tung trên bầu trời Trung Phi. Duy Tân cùng toán đặc biệt đều thiệt mạng. Vụ tai nạn máy bay này, cho đến nay vẫn còn là nghi án chưa có lời giải.

Chính phủ Pháp trở nên bối rối vì mất "lá bài chủ".

Trong lúc bối rối thì ngày 28-12-1945, Pháp nhận được một lá thư đặc biệt. Lá thư đó kỳ thật là một bản hiến kế "làm thế nào để giữ Việt Nam vẫn thuộc khối liên hiệp Pháp". Nói cách khác, đó là bản hiến kế "xây dựng một chế độ thực dân kiểu mới trên bán đảo Đông Dương". 

Lễ thoái vị của Bảo Đại trao ấn kiếm cho Chính quyền nhân dân Việt Nam.

Bản hiến kế đã gợi ý rằng, chính quyền Pháp phải lôi Bảo Đại trở lại "ngai vàng", sau đó trao "ngai vàng" lại cho hoàng tử Bảo Long. Đó là biện pháp lưu manh chính trị nhằm hóa giải chuyện Bảo Đại thoái vị để phủ nhận chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ý kiến này được Léon Pignon nồng nhiệt hoan nghênh. Léon Pignon là cố vấn chính trị của d'Argenlieu, Cao ủy Pháp.

Căn cứ vào bản hiến kế đó, ngày 14-1-1947, d'Argenlieu gửi một "kế hoạch tối mật về việc tái thiết ngôi vua cho Bảo Đại" đến thủ tướng Pháp lúc ấy là Léon Blum. Vị thủ tướng này chưa kịp tán thành thì phải chuyển kế hoạch này cho người kế nhiệm là Paul Ramadier vì chính trường Pháp thay đổi.

Thủ tướng Ramadier sau khi đọc bản kế hoạch này đã sáng tạo thêm việc xây dựng một chính phủ Liên bang Việt Nam. Ông ta chia Việt Nam thành ba kỳ, mỗi kỳ là một chính phủ để dễ dàng cai trị.

Ngày 1-4-1947, Bollaert - Cao ủy mới của Pháp - đến Sài Gòn với nhiệm vụ tái thiết lập guồng máy chính quyền thuộc địa. Tất nhiên ý đồ tái chiếm Việt Nam được giữ tuyệt mật.

Lá bài chủ của Pháp

Trong khi đất nước long đong chính trị, ông vua thoái vị Bảo Đại ung dung hưởng thụ thú vui với một ả cave tại khách sạn Saint Francis Hotel.

Bảo Đại hoàn toàn không hay biết Perrier - Giám đốc Sở Mật thám Đông Dương của Pháp (SEHAN) - đang ráo riết đưa các toán tình báo chính trị sang Việt Nam trà trộn vào dân chúng để thực hiện các chiến dịch tâm lý nhằm xây dựng các đảng phái, giáo phái chính trị làm hậu thuẫn cho cái gọi là "Nam kỳ Tự trị". Song song với các cuộc biểu tình lẻ loi, báo chí Pháp cũng được thuê viết bài tung hê Bảo Đại.

Ngày 6-12-1947, mặc dù Bảo Đại còn đang ở Hongkong nhưng Bollaert vẫn mị dân Việt bằng cách gióng trống thổi kèn, loan tin rằng, ông ta đang thương thuyết với "vua Bảo Đại" tại Hạ Long 2 ngày về vấn đề thành lập chính phủ Việt trong khối Liên hiệp Pháp. Tiếp đó, vào ngày 8-10-1947, Bollaert công bố một chính phủ của Bảo Đại gồm: Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân; Phó Thủ tướng Trần Văn Hữu; Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Khắc Vệ; Bộ trưởng Canh nông Trần Thiện Vàng; Bộ trưởng Thông tin Nguyễn Phú Khai.

Cùng thời điểm đó, ở nửa vòng trái đất phía bên kia Đại Tây Dương, tổng thống Truman của Mỹ đang bày biện một giả thuyết Domino. Giả thuyết này nhanh chóng trở thành học thuyết khi có nhiều chính trị gia Mỹ xem đó là cái mốt tư tưởng. Mỹ bắt đầu có ý định giúp Pháp tái thiết quyền lực xâm lược tại Việt Nam. Thế là một toán tình báo chính trị Office Of Services (viết tắt là OSS) - Tiền thân của CIA - được bí mật gửi tới khu vực Đông Nam Á để nghiên cứu tình hình, tìm cách chen chân vào ván bài chính trị của Pháp tại Việt Nam.

Nhận thấy Pháp sử dụng "lá bài Bảo Đại" quá lộ liễu; họ cũng khôn ngoan nhận ra, lôi một vị vua thoái vị và ngu ngơ về chính trị lại ham ăn chơi trác táng sẽ không thuyết phục được niềm tin của người Việt. Toán tình báo này âm thầm tìm chọn 1 lá bài khác.

Cùng thời điểm đó, Hồng y Speelman của Mỹ đã bắt liên lạc với những tu sỹ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, trong đó Ngô Đình Thục - Tổng Giám mục Giáo phận Vĩnh Long. Từ mối quan hệ đó, Ngô Đình Thục biết được chính quyền Mỹ đang tìm cách "thôn tính êm thấm” Việt Nam. Ông ta đã tìm cách giới thiệu ông em trai của mình là Ngô Đình Diệm.

Thời điểm đó, Ngô Đình Diệm - Một quan thượng thư triều đình Huế bị nhà Nguyễn cách chức - đang sống ẩn dật, cầu an ở Phú Cam, Huế. Từ sự tiến cử của Ngô Đình Thục, Hồng y Spellman đã giới thiệu nhóm OSS tìm gặp Ngô Đình Diệm. Nhận thấy nhân thân "thượng thư thâm thù triều đình" của Ngô Đình Diệm có thể sử dụng được, nhóm OSS hiến kế cho Diệm sang Hong Kong tìm Bảo Đại xin chút quyền lực chính trị.

Ngày 24-12-1947, Diệm bay sang văn phòng Tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong gặp Tổng Lãnh sự George D. Hopper để có sự "bảo chứng". Dù vậy, Bảo Đại vẫn từ chối tiếp Diệm. Bởi Bảo Đại không có quyền quyết định. Kẻ quyết định chính trị là Pháp, chứ không phải Bảo Đại. Mà Pháp thì không đánh giá cao năng lực chính trị của Ngô Đình Diệm. Thất chí, Diệm trở về Phú Cam, tiếp tục ẩn cư.

Dù vậy, nhóm OSS vẫn không từ bỏ âm mưu chen chân chính trị tại Việt Nam.

Hành trình xin xỏ của Ngô Đình Thục

Sau chuyến "xin xỏ" của Diệm thất bại, Hồng y Spellman đến Sài Gòn gặp gỡ các tổng giám mục Việt Nam. Kỳ thật là mật đàm với Ngô Đình Thục - Tổng Giám mục Giáo phận Vĩnh Long.

Tại cuộc gặp này, Hồng y Spellman hứa sẽ giới thiệu Ngô Đình Diệm với các nghị sỹ Thượng viện Mỹ. Tất nhiên, Diệm phải đến đất Mỹ một chuyến.

Từ lời hứa đó, ngày 18-06-1950, Ngô Đình Thục gặp Đại sứ Gullion tại Sài Gòn làm thủ tục visa.  Ngày 14-8-1950, ông Thục dắt tay ông em rời Sài Gòn.

Ngày 2-9-1950, Diệm và Thục tới Mỹ.

Ngày 21-9-1950, thông qua sự giới thiệu của Hồng y Spellman, Thục và Diệm tìm gặp William S. B. Lacy, trưởng Nha tình báo phụ trách Philippines và Đông Nam Á của Nhà Trắng.

Tại buổi tiếp xúc này, ông Thục thuyết phục rằng Mỹ không thể hất Pháp khỏi Đông Dương ngay mà phải có lộ trình. Ông ta đưa ra giải pháp, nhân lúc quân Pháp không đủ sức mạnh đương đầu với quân Việt Minh, Mỹ cần xây dựng 1 đội quân giúp Pháp. Người nắm giữ lực lượng này phải là người của Mỹ. Sau khi lực lượng quân sự này đủ mạnh, chính quyền Bảo Đại thuộc Pháp sẽ tự chuyển hóa thành chính quyền thuộc Mỹ. Chen giữa bài thuyết giảng, ông Thục không quên giới thiệu năng lực của ông em trai Ngô Đình Diệm.

Bài thuyết giảng của Thục đã chiếm cảm tình của William S. B. Lacy.

Thục đã nói đúng cái điều Mỹ muốn.

Thế là trong một bữa cơm chiều của các chính khách quốc hội Mỹ tại khách sạn Mayfolwer ở Washington, Hồng y Spellman đứng ra thu xếp 2 vé ăn cho Thục, Diệm.

Bữa tiệc sặc mùi chính trị

Tại bữa tiệc này, Diệm đã “phun nước bọt” với các nghị sỹ Mỹ về một "bờ đập ngăn cơn lũ cộng sản", đúng với cái gọi là học thuyết Domino.

Anh em Thục, Diệm đã đi đúng nước cờ. Bởi lúc bấy giờ, làn sóng cách mạng của chủ nghĩa cộng sản lan nhanh trên bản đồ thế giới. Những người "thờ" học thuyết Domino cho rằng: Cộng sản từ Trung Quốc sẽ tràn xuống Việt Nam, Campuchia, Lào, Miến Điện, Thái Lan, Malaysia, Philippin, Indonexia… rồi sẽ từ vùng Đông Nam Á sẽ lan tới các nước phía tây vùng Nam Á như Nepal, Afghanistan, Pakistan và cả Ấn Độ… rồi sẽ tràn vào nước Mỹ.

Song song với mốt chính trị chống Cộng, chính trường Mỹ vẫn còn ngất ngây với thành tích chiến tranh thế giới thứ hai. Mỹ tự cho mình cái quyền "làm bá chủ địa cầu" và tự tôn mình lên vai trò của người "be bờ ngăn làn sóng Cộng sản tại Đông Dương". Với những điều kiện như thế, Ngô Đình Diệm trở thành nhân vật đáng chú ý của Mỹ tại "tiền đồn chống Cộng ở Việt Nam" là lẽ đương nhiên. Họ nhìn thấy ở Diệm là một "con ngựa" có bộ vó đủ tiêu chuẩn để cưỡi ra chiến trường chống Cộng quốc tế.

Còn Thục và Diệm chỉ thấy Mỹ là một ông chủ có nhiều đô-la và hào phóng.

Lúc này Tướng Võ Nguyên Giáp đã mở chiến dịch biên giới "Cao - Bắc - Lạng" (16/9-14/10/1950) tấn công triệt tiêu sức kháng cự của lực lượng quân sự Pháp đang suy kiệt tinh thần. Tướng Giáp đánh đến đâu quân của tướng Carpentier rút chạy đến đó. Lệnh triệt thoái réo ầm ĩ liên tục trong các máy điện thoại của chỉ huy quân Pháp. Cuối cùng quân Pháp đành rúc mình chịu trận tại Móng Cái. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ kết liễu quyền lực Pháp tại Đông Dương.

Ngay lúc quân đội Pháp thở hào hển không ra hơi trên chiến trường Bắc Việt Nam thì Thục làm tốt vai trò "vú em chính trị" ở Mỹ. Thục tiếp tục nắm tay dắt Diệm rời Mỹ đi Vatican vận động sự ủng hộ rồi bay sang Paris mang theo một thông điệp của Mỹ gửi đến Pháp. Thông điệp đó mang nội dung tóm tắt: Hãy để người Việt chết thay quân Pháp bằng cách dùng tiền của Mỹ xây dựng "lực lượng quân đội quốc gia Việt Nam" hùng mạnh lên.

Lúc này, thực dân Pháp tỉnh ngộ và nhận ra mình thua cuộc trước tinh thần độc lập của dân tộc Việt Nam nên mừng rỡ đón nhận lời hứa viện trợ quân sự của Mỹ.

Nhờ sự tận tuỵ chính trị của ông anh lẫn của chính giới Mỹ, khi trở về Việt Nam vào đầu tháng 12-1950, Diệm bắt đầu tự tôn mình là một "chí sỹ yêu nước". Ông ta đã tự tin gửi cho Bảo Đại một lá thư. Trong thư, Diệm xin được làm thủ tướng với đề xuất về hoạt động của chính phủ "Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp".

Bảo Đại vẫn không dám trả lời.

Sau này, Bảo Đại kể rằng, Diệm bay sang Pháp quỳ gối trước mặt Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, "thề trên thập tự giá" rằng sẽ trung thành với Bảo Đại và hứa sẽ duy trì cơ nghiệp nhà Nguyễn. Diệm cũng cam đoan sẽ rời bỏ quyền lực bất cứ lúc nào Bảo Đại muốn (Vài tháng sau, Diệm quên béng lời thề này và lật đổ Bảo Đại). Diệm hứa, sẽ thiết lập quân chủ lập hiến giống như Anh quốc, sẽ mời Hoàng hậu Nam Phương về làm phụ chánh, sẽ cho Hoàng Thái tử Bảo Long lên nối ngôi. Chưa hỏi ý kiến chính phủ Pháp nên Bảo Đại lại từ chối.

(Còn tiếp)

Lược trích từ "Cái chết của anh em nhà Ngô" (Nhà xuất bản CAND 2009) và "Giải mật chính trường miền Nam sau đảo chính Ngô Đình Diệm" (Nhà xuất bản CAND 2014).

Nông Huyền Sơn
.
.
.