Xuân về trên Pá Mỷ

Thứ Sáu, 10/01/2025, 09:49

Lễ hội gầu tào là một trong những lễ hội hiếm hoi còn giữ được những giá trị truyền thống, nguyên sơ, độc đáo và đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông trong dịp Tết. Người Mông khi du xuân sẽ khoác lên mình những bộ váy, áo đẹp nhất. Bởi vậy, nổi bật trong sắc trắng e ấp của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng phai của hoa đào là màu rực rỡ của những chiếc váy tung xòe trên sườn đồi ngút ngàn.

Pá Mỷ đận này trời rét ngọt. Trên đỉnh Huổi Tam, Huổi Pan, mây trắng vắt ngang cổ núi. Núi bủa vây điệp trùng, bồng bế nhau chạy mãi như thể cả vũ trụ này chỉ có núi là núi. Thôn Nậm Mỷ nằm lọt thỏm trong thung lũng, nơi có những ngôi nhà người Mông lúp xúp, chênh vênh, nép sát đồi... Sương đặc quánh tưởng như có thể dùng dao xắt ra từng miếng. Làng bản âm âm. Núi rừng thâm u vẫn rực lên những bông hoa chuối. Cây mận, cây mơ chúm chím nở ra những chiếc nụ li ti trắng muốt.

Xuân đã len lỏi về từng bản nhỏ.

Năm nay nhà ông Lử, bà Lan đón Tết sớm hơn mọi nhà vì có khách quý. Đó chính là San. Sau khi bà Mai lên thăm nhà ông Lử đồng thời đặt vấn đề chính thức cho San và Loan tìm hiểu nhau thì San đã được coi như rể trong gia đình Loan. Đây là năm đầu San được bố mẹ Loan mời về nhà cùng đón Tết của người Mông.

Khác với một số dân tộc vùng Tây Bắc, người Mông ở Pá Mỷ thường đón Tết sớm hơn một tháng. Tết của người Mông thường không trùng với Tết của người Kinh. Đối với người Mông xưa nay, vào khoảng cuối tháng mười một, đầu tháng Chạp âm lịch, khi những bắp ngô trên gác bếp đã khô, lúa đã cất vào bồ cũng là lúc họ bắt đầu ăn Tết. Với đồng bào vùng cao, Tết vô cùng ý nghĩa bởi đó là ngày gia đình đoàn viên, là dịp nghỉ ngơi sau những ngày dài lao động vất vả.

z6211117372851_7d5481f4fd0835759de3ed2d16447cb8.jpg -0
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Tết của người Mông diễn ra trong ba ngày, nhưng trước đó cả tháng, khắp làng trên, bản dưới đã nhộn nhịp không khí đón xuân. Những người phụ nữ miệt mài dùng đôi tay khéo léo hoàn thiện nốt đường thêu, nút chỉ trên những bộ đồ mới để diện Tết. Người già chuẩn bị vuông vải đỏ treo ngang cửa chính, cắt giấy đỏ dán giữa cột nhà và các vật dụng, dụng cụ.

Người Mông có tục dán giấy lên các công cụ lao động hằng ngày và để dưới bàn thờ vào dịp Tết như một sự tri ân vì chúng đã luôn theo mình trong lao động, sản xuất suốt cả năm. Trên cánh cửa chính, họ dán lá bùa. Từ cửa chính, bên trong nhà mắc sáu sợi dây lên đỉnh nóc nhà và kéo thẳng xuống bàn thờ. Người Mông quan niệm sáu sợi dây đó là đường tổ tiên về nhà cùng con cháu vui Tết và phát lộc cho gia đình, dòng họ. Các thần về phù hộ cho toàn thể gia đình mọi điều tốt lành và xua đuổi điều xấu.

Lớp học của Loan cũng được nghỉ sớm để đám trẻ con cùng cha mẹ chuẩn bị Tết. Loan cùng mẹ và em gái tranh thủ hoàn thiện bộ váy mới. Con bé Xíu cũng lăng xăng chạy quanh phụ “mẹ Loan”. Từ lâu rồi, nó đã dần quen gọi Loan bằng mẹ. Ông Lử từ mấy ngày trước đã tranh thủ đong đầy những chiếc chai đám rượu ngô ủ thơm nức trong chiếc chum cất kỹ ở góc nhà. San đang trổ tài sau bếp với mấy con gà. Chỉ một lúc, chúng đã được vặt trụi lông và nhúng vào chiếc chậu nhựa. Con gà trống to nhất được San chăm chút kiền buộc thật đẹp để cúng cáo tổ tiên. Con lợn đen xù lông cọ cọ thân mình vào gốc cây ụt ịt ngó San mổ gà. Nó không biết rằng sang sáng mùng một nó cũng sẽ trở thành nguyên liệu làm cỗ cho mấy ngày Tết.

Những chiếc bánh giầy trắng nõn, mềm, thơm được mẹ con bà Lan dày công chuẩn bị bày lên mâm. Nếu trong mâm cỗ Tết của người Kinh không thể thiếu bánh chưng thì Tết của người Mông phải có bánh giầy để cúng tổ tiên và trời đất. Người Mông quan niệm bánh giầy tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật. Bánh làm bằng những hạt gạo nếp thơm ngon được nấu chín thành cơm rồi giã nát. Sau đó chia thành những chiếc bánh tròn, trắng tinh và gói bằng lá dong rừng xanh mướt. Đặc biệt, bà Lan còn làm một cái bánh giầy to để cảm tạ tổ tiên đã phù hộ sức khỏe, đem đến mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên cho gia đình.

Gần trưa, bầu trời cao và nhẹ hơn. Những mảng mây và sương mù tan dần. Núi rừng, làng bản hiện rõ trong thung lũng. Mọi hoạt động ở bản trở lên sôi động hơn. Để Loan ngồi canh nồi gà luộc trên bếp, San ra trước nhà ngắm những áng mây đang lờ lững trôi, phóng tầm mắt ra xa thu vào những hoạt động nhộn nhịp của bà con dân bản. Ông Lử từ đâu bước đến vỗ vỗ vào hòn đá đen sì bên cạnh San. Hòn đá sinh ra như để làm chỗ ngồi cho ông bấy lâu nay. Ông chìa chiếc điếu cày trước mặt San:

- Mày làm một điếu chứ?

San định từ chối vì trước giờ anh chưa thử hút bao giờ nhưng cuối cùng vẫn đưa tay nhận lấy. Vê vài sợi thuốc từ chiếc túi nilon trên tay ông Lử, San bật lửa châm thuốc. Bắt chước điệu hút của mọi người, San cũng “pập pập” môi rồi rít một hơi. Làn khói thuốc chui thẳng qua cổ vào bụng làm San nhộn nhạo, xây xẩm mặt mày. Anh bắt đầu ho sặc sụa, nước mắt giàn giụa.

Ông Lử lấy lại chiếc điếu vê một bi thuốc bằng đầu ngón tay, châm lửa rít một hơi dài. Tiếng ống điếu kêu “ro ro” một hồi rồi phả một làn hơi mờ ảo như đám sương mù vẫn hay sà xuống bản. Ông nhìn San, cười rũ rượi:

- Mày... mày... lần đầu tiên hút nó phải không? Ha... ha... ha...

Thấy bố cười sảng khoái ở bên ngoài, Loan từ trên nhà thò đầu nhìn ra. Biết San say thuốc lào, Loan lên tiếng:

- Sao bố lại cho anh ấy hút thuốc? Anh ấy đã bao giờ hút đâu.

Ông Lử chưa dứt cơn cười, chỉ vào San bảo:

- Là tự nó lấy hút. Tao có ép nó đâu! Ha... ha... ha...

Loan quay vào trở con gà đang luộc. Ông Lử vừa vỗ lưng San vừa bảo:

- Lần sau không làm được thì đừng cố. Mày định lấy le trước mặt tao nên mới làm ra cái vẻ ta đây phải không? Rồi có ngày mày bị con Loan nhà tao nó dắt mũi đấy!

San chỉ kịp “vâng” nhẹ một tiếng rồi mơ màng gục lên vai ông Lử. Ông Lử quàng tay đỡ lấy vai San. Hai người đàn ông cứ vậy tựa vào nhau ngồi im lìm trên phiến đá.

Từ ngày Loan đưa San về, San vừa mềm mỏng vừa cứng rắn thuyết phục ông Lử cho Loan tiếp tục đi học. Ông buồn bực trong người lắm nhưng không dám hó hé gì. Nhất là khi San chững chạc trong bộ cảnh phục đứng trước mặt mình. Ông sợ! Bởi, khi tỉnh táo, ông biết những việc mình làm với Loan chưa đúng. Nhưng, với tính cố chấp của mình, ông không dám nhận sai trước mặt vợ con. San nói nếu ông còn ép Loan làm những việc trái ý muốn của cô, chính San sẽ bắt ông lại.

Sợ San làm thật, ông phải gom góp để trả tiền cọc cưới con Loan cho nhà Tráng Láo Tả. Dù tiếc và xót của nhưng biết làm sao khi ông nỡ nhận rồi tiêu hết. Đến cả con ngựa hay cõng ông đi chợ phiên, ông cũng phải dứt ruột đem bán. Ấy thế mà nhà Tráng Láo Tả thi thoảng vẫn ngầm đe dọa ông vì nuốt lời.

Ông cũng thương Loan lắm nhưng luôn giữ trong lòng. Hồi Loan trốn ông đi học ở huyện rồi ở tỉnh, mỗi lần uống rượu say, ông lại dọa vợ nếu nó về ông phải xử lý nó. Tỉnh rượu, nằm vắt tay lên trán, ông lại hối hận. Mãi đến khi Loan ra trường, được phân công về Kho Pá dạy, thêm bà Lan thường xuyên tỉ tê bên tai, ông Lử mới dần bộc lộ sự quan tâm tới con gái. Cũng từ đó, Loan chịu về nhà nhiều hơn, tình cảm bố con ông mới kết dính lại như nhựa cây rừng.

Nghe lỏm những lần hai mẹ con thủ thỉ với nhau, ông Lử biết Loan có cảm tình với San mà chưa dám thổ lộ. Trong thâm tâm, ông cũng thấy hai đứa hợp nhau. Khi nhà Tráng Láo Tả bị bắt vì buôn bán ma túy, ông Lử mới thấy may mắn vì ngày ấy không gả Loan cho thằng Phử. Ông Lử biết mình đã sai, tự nhủ may nó cứng đầu không theo sự sắp đặt của ông... Ông lại thấy nhà Tráng Láo Tả bị như thế cũng đáng đời. Thằng Phử bị cấm túc ở nhà như con sâu sống chui lủi không dám ra đường. Nó sợ bị trả thù vì quỵt hàng của bọn khác.

Giờ đây, ông Lử chỉ biết cố gắng bù đắp cho con. Ngày Loan dắt con bé Xíu về làm con nuôi, ông đồng ý ngay. Nó là một đứa học sinh ngoan trong lớp mà Loan và San đều rất quý. Bố mẹ nó mất vì dính vào ma túy. Gia đình nội ngoại không còn ai. Khi bà Mai đến nhà thưa chuyện hai đứa, ông càng thấy vui hơn.

Tối hai chín tháng mười một âm lịch, cả nhà ông Lử quây quần bên mâm cơm gia đình cùng nhau đón năm mới. Năm nay, do tính chất công việc của các thành viên trong gia đình, lại có vị khách đặc biệt nên nhà ông Lử đón Giao thừa vào luôn hôm nay chứ không phải ngày ba mươi như năm trước.

Ngồi bên bếp lửa hồng, ông Lử dùng bàn tay thô ráp chia đôi chiếc bánh giầy rồi đưa cho San:

- Tối nay ít người nên nhà mình mổ đôi, ba con gà thôi. Sáng mai mùng một mổ lợn để đón người thân nội, ngoại, con cháu và khách trong bản đến vui cùng gia đình.

Loan từng cho San biết ở đây nhà nào làm Tết sớm thì trước đó sẽ thông báo tới người thân, bạn bè để sáng hôm sau đến cùng chung vui.

Ông Lử rót chén rượu ngô màu vàng nhạt đặc trưng thơm nức và gắp miếng thịt gà đen săn chắc vào bát cho San rồi bảo:

- Mày uống đi! Không đến nỗi không biết uống rượu đấy chứ?

- Ây dà, cái này cháu làm được! - Đưa tay đỡ chén rượu từ ông Lử, San cười.

- Cái thằng này, sao lại cháu? Tao thấy mày cứ cháu cháu mãi là tao không ưng cái bụng đâu đấy! - Vừa cụng chén với San, ông Lử nửa đùa nửa thật bảo - Phải là bố chứ! Mày sắp làm con cháu trong nhà này rồi mà vẫn ngượng mãi thế à?

Bà Lan nháy mắt San.

- Dạ... bố... Con chúc bố mẹ sang năm mới luôn mạnh khỏe! - San ngập ngừng, ngượng ngùng, bẽn lẽn như gái mới về nhà chồng làm Loan và đám em bụm miệng cười khúc khích.

- A, bố San ngượng kìa, bố San đỏ mặt kìa! Từ hôm nay con sẽ không gọi là chú San nữa mà gọi là bố San, mẹ Loan nhỉ? - Con bé Xíu làm mặt xấu trêu càng làm San thêm phần ngượng ngập.

- Thôi, uống đi, mai còn dậy sớm làm việc đấy! - Ông Lử nhấp chén rượu nói như che đi cái ngại ngùng cho San - Mày có biết tại sao đàn ông phải dậy sớm vào mùng một Tết không? - Ông Lử quay sang hỏi San.

- Sao vậy bố? - San đặt chén rượu xuống hỏi ông Lử. Quả thật, sống với người Mông nhiều năm nhưng San chưa bao giờ tìm hiểu chuyện này.

- Người Mông chúng ta quan niệm gia đình nào bắt đầu ăn Tết trước ngày ba mươi tháng mười một âm lịch thì ngày hôm sau sẽ là mùng một Tết. Không nhất thiết cứ phải ăn Tết vào tối ba mươi. Do vậy, khi những tiếng gà gáy đầu tiên vang lên vào sáng hôm sau cũng là thời điểm bước sang năm mới và được coi là mùng một. Đặc biệt, vào ngày này, đàn ông trong nhà phải dậy sớm nhất để làm hết mọi việc thay người phụ nữ. Từ nhóm bếp, nấu cơm, chuẩn bị thức ăn cho lợn, gà, trâu, bò... Người Mông quan niệm đàn ông là trụ cột của gia đình nên phải chịu trách nhiệm mọi việc trong nhà để giữ truyền thống cho cả năm. Sau khi cánh đàn ông nhóm bếp, cho lợn, gà ăn xong thì những người phụ nữ mới dậy làm những công việc khác như hứng nước và dọn dẹp nhà cửa để đón anh em họ hàng gần xa đến chung vui năm mới - Ông Lử quay sang nói với San cũng như nói với những đứa con đang ngồi quanh mâm cơm đầm ấm đêm Giao thừa.

Bà Lan tiếp lời:

- Từ khi còn nhỏ, con gái Mông như tao đã được bố mẹ dạy phải dậy sớm nhóm bếp, lấy nước, nấu cơm. Có như vậy, sau này về nhà chồng mới được lòng mẹ chồng và họ hàng bên đó. Sáng mùng một Tết, sau khi những người đàn ông làm xong các công việc quan trọng thì phụ nữ mới ra khỏi giường để hứng những giọt nước sạch nhất về sử dụng với mong muốn năm mới mọi thành viên trong gia đình đều mạnh khỏe, may mắn!

Lần đầu tiên San được nghe những điều này nên vừa ăn uống vừa rất tập trung. San thầm nhủ sáng mai phải cùng ông Lử dậy thật sớm để làm những việc của người đàn ông trong nhà. Chẳng mấy nữa, San cũng sẽ là trụ cột gia đình nhỏ của mình.

Đêm dần khuya. Sương mù tràn xuống Pá Mỷ. Sương mùa này dày hơn cả tấm chăn bông, nói chuyện cũng thở ra sương, ra khói. Thời điểm lạnh nhất trong ngày là ban đêm. Khi ngủ, dân bản phải mặc áo len, đi mấy lần tất. Vậy mà, có thế nào cũng không thấy ấm.

Trong những ngôi nhà lúp xúp, không gian yên ắng như rộng hơn. Núi rừng càng bao la thăm thẳm. Ánh đèn run rẩy trước cơn gió lạnh, lúc tối lúc sáng, lúc lịm đi, bóng đêm ùa vào ngập tràn. Mấy lần như vậy, mấy lần gần tắt mà vẫn cố leo lét sáng. Văng vẳng trong đêm là tiếng âm âm, u u xen lẫn những tiếng rít lên sắc lẹm, tiếng con chim non mơ màng choàng tỉnh giấc, líu ríu một hồi rồi im bặt. Gió lùa khắp mọi nơi, lá rừng cũng như run lên vì lạnh. Khắp không gian xa rộng chìm trong màu trắng đục mờ sương. Những mái nhà đen lô xô phả mình ra hơi nước. Bản làng yên ắng, thời gian trôi chầm chậm. Hoang sơ, bình yên và sâu lắng.

Đã nhiều năm hưởng cái lạnh vùng cao, San biết đêm mùa đông ở đây dài, buồn và lạnh lắm. Cái lạnh được tuôn ra từ ruột núi. Ruột núi được rút ra nhỏ thành hơi lạnh. Cái lạnh của sự xa vắng, cô đơn. Cái lạnh của nỗi buồn thăm thẳm. Gió như trăm ngàn mũi kim châm vào da thịt rút ra từng đường gân nhỏ. Trong bốn mùa, có lẽ mùa đông ở vùng cao là mùa người ta thấy sự thiếu thốn rõ rệt nhất.

Trên vùng núi cao hầu như nhà ai cũng có bếp sưởi đặt gần giường ngủ. Ông Lử gầy thêm mấy thanh củi, ánh sáng bừng lên, hơi ấm tỏa rộng hơn, lửa cháy bập bùng suốt canh thâu. Con bé Xíu thi thoảng tỉnh dậy, giật mình ôm choàng Loan khi thấy một làn sương mỏng bay sát chỗ nằm.

Trời sáng, hơi lạnh giảm đi vài phần. Bà Lan bắc lên bếp một nồi nước lớn, nồi canh nhạt được vùi cạnh bếp... Ngày mới, năm mới bắt đầu từ gian bếp nhỏ. Khi đã làm hết việc, ăn xong bữa cơm đầu năm cùng mọi người, San lâng lâng trong men rượu nắm tay Loan cùng Xíu và đám em đi dự lễ hội gầu tào. San không quên mượn ông Lử một chiếc khèn vác trên vai. Đã lâu rồi San chưa thổi lại, chưa múa lại những điệu khèn đã thấm sâu vào da thịt anh.

Lễ hội gầu tào là một trong những lễ hội hiếm hoi còn giữ được những giá trị truyền thống, nguyên sơ, độc đáo và đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông trong dịp Tết. Người Mông khi du xuân sẽ khoác lên mình những bộ váy, áo đẹp nhất. Bởi vậy, nổi bật trong sắc trắng e ấp của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng phai của hoa đào là màu rực rỡ của những chiếc váy tung xòe trên sườn đồi ngút ngàn. Trên đường đi sẽ nghe tiếng leng keng của đồng bạc trên người các chàng trai, cô gái đi chơi xuân.

Ở lễ hội gầu tào, ngoài các trò chơi như ném pao, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, thổi kèn môi, kèn lá thì múa khèn là phần hội chính thu hút hầu như mọi thành phần, lứa tuổi tham gia và kéo dài trong nhiều ngày. Cây khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi lễ, lễ hội của người Mông.

Con trai Mông từ nhỏ đã biết thổi khèn. Mười ba đến mười lăm tuổi, ai cũng có cây khèn trên vai mỗi khi lên nương, xuống chợ. Người Mông dùng tiếng khèn thay cho những điều không nói bằng lời. Chiếc khèn do chính những người đàn ông kỳ công chế tác và truyền dạy cho nhau.

Đến Pá Mỷ dịp này, mọi người sẽ được say trong chất men ngọt lừ của rượu ngô thơm nồng, chếnh choáng trong men xuân ấm áp của đất trời, trong tiếng sáo, tiếng khèn mừng một năm mới ấm no, hạnh phúc...

Lúc này nắng tràn xuống bãi bằng giữa bản. Màu đỏ hồng của hoa đào, màu xanh của cỏ và màu đen của áo quần hòa sắc thật vui mắt. Xa xa, núi xanh lơ xếp lớp lớp như phông màn trang trí. Dưới ánh mặt trời, muôn ngàn chiếc vòng cổ, vòng tay, xà tích, lập lắc, khóa bảo mệnh lóe sáng lấp lánh. Nhạc khèn, nhạc sáo vi vút hòa lẫn tiếng chim họa mi, chim khướu thánh thót.

Cạnh vạt cải trổ ngồng cao vổng, nách đơm hoa, quả chổng ngược là rặng đào già. Mấy cái lồng chim họa mi mắc trên cành như mấy cái chuông đang reo. Tiếng khèn ẩn hiện réo rắt: “Yêu nàng, anh yêu lắm, lòng anh yêu nàng. Say đắm lắm, cô nàng ơi! Ớ, sao em đẹp thế? Gốc đào sao khéo nở hoa...”.

Ngồi bên gốc đào, một gã trai rút cây sáo, đặt lên môi. Các cô gái váy xòe, xà tích dài thượt bá vai nhau đứng nghe. Sáo hay chẳng kém khèn, trầm ấm, vang xa. Một cô gái thon gọn, mặt nhẹ nhõm từ đâu đến, đứng ngay cạnh gã, ngẩn ngơ. Sáo ngừng một lần. Cô gái lại khẩn khoản: “Thổi nữa đi anh!”. Tiếng sáo thong thả hòa cùng tiếng khèn. Hồn người như thoát qua cái ống trúc, cuốn cả hồn cô gái theo, bay lượn trên bãi cỏ đông dần.

Vòng người xem múa khèn ngày một nhiều, chật kín vòng trong vòng ngoài. San dắt tay Loan hòa vào những đôi đang chìm đắm trong điệu khèn. Tiếng khèn của San ngập ngừng cất lên, ban đầu còn bỡ ngỡ, sau dần thì thuần thục, bắt vào nhịp điệu vui tươi của núi rừng. Loan xòe ô nhún nhảy. Các cặp đôi nhìn nhau tình tứ.

San say. Say thật rồi. Say vì men rượu nồng còn đượm trên môi. Say vì cảnh sắc núi rừng. Say vì tình người lếnh loáng. Say vì những điệu nhảy, điệu xòe của Loan đang lấp loáng bên mình. San đắm say hạnh phúc vì xuân đang ùa về trên khắp bản làng.

Truyện ngắn của Nguyễn Công Đức
.
.
.